– Ngụy Cao tổ Hiếu Văn đế (467-499) lập chùa An Dưỡng tại đất Nghiệp, triệu thỉnh danh tăng khắp cả nước, khuyến khích thị nữ trong cung trì sáu ngày trai mỗi tháng và ba tháng trường trai mỗi năm, hằng tháng đều có tạc tượng Phật, cho phép độ người xuất gia. Vua luôn cầm kinh sách, lúc thuận tiện liền đọc, vì tiên hoàng mà tổ chức hội bố thí lớn tại chùa Đại Giác, cho phép một vạn bốn nghìn tăng ni xuất gia.
-Ngụy Thế tông Tuyên Vũ đế (tại vị 500-515) giảng kinh Duy-ma tại điện Thức Càn, xây dựng bốn ngôi chùa như chùa Phổ Thông, chùa Đại Định v.v.., thường thỉnh nghìn vị tăng đến để cúng dường.
-Ngụy Túc tông Hiếu Minh đế (tại vị 516-528) xây dựng chùa Đại Giác ở đất Nghiệp.
– Ngụy Kính tông Hiếu Trang đế (528-530) xây dựng năm ngôi tinh xá, tạc một vạn tượng Phật bằng đá.
– Tây Ngụy Vũ đế xây chùa Trắc Dĩ tại Trường An, thường thỉnh hai trăm vị tăng đến để cúng dường.
– Ngụy Văn đế (535-551) xây chùa Bát-Nhã, thường cứu giúp người nghèo, thường tụng kinh Pháp Hoa và chuyên tâm trì giới.
Đời Nguyên Ngụy có mười bảy vị vua, trị vì một trăm bảy mươi năm (386-556). Các vua xây dựng bốn mươi bảy ngôi chùa lớn. Tại Thường An, Bắc Đài, triều đình cho đục núi làm khám thờ tôn tượng, nối tiếp ba mươi dặm về phía đông. Các vương công xây được tám trăm ba mươi chín ngôi chùa, bách tính xây được hơn ba vạn ngôi chùa. Vua cho độ hơn hai trăm vạn tăng ni, dịch được bốn mươi chín bộ kinh. Phât giáo truyền sang Đông độ từ đây thực sự vô cùng hưng thịnh. Chỉ có Thái Vũ đế đã lầm tin theo sự dua nịnh của Tư đồ Thôi Hạo phế bỏ Phật giáo, nên Phật giáo đã suy vong bảy năm. Sau đó, vua biết âm mưu của Thôi Hạo bèn cho người giết chết, Phật giáo trở lại hưng thịnh như trước.
100.5.8. Đời Bắc Tề
– Tề Cao tổ Văn Tuyên hoàng đế (trị vì 550-560) vừa lên ngôi liền xin thụ giới bồ-tát ở thiền sư Tăng Minh Trù. Vua ban chiếu khắp kinh đô không ai được uống rượu, săn bắn, giăng lưới. Lại cấm mọi người trong toàn quốc làm đồ tể, khuyến khích muôn dân giữ trai giới sáu ngày mỗi tháng, ba tháng trai mỗi năm; những loại rau có mùi vị cay nồng cũng không được ăn. Ông cũng cho độ được tám nghìn tăng ni.
– Tề Túc tông Hiếu Minh đế đế (trị vì 560-561) đã vì tiên hoàng mà chép được mười hai tạng kinh, gồm ba vạn tám nghìn bốn mươi bảy quyển, cho độ ba nghìn tăng ni.
– Tề Thế tổ Vũ Thành đế (trị vì 561-565) xây bảo tháp, chuyên trì tụng kinh Đại phẩm Bát-nhã.
Như vậy, nhà Tề có sáu vị vua, trì vì hai mươi tám năm (550-577), xây dựng được bốn mươi ba ngôi chùa, dịch được mười bốn bộ kinh, tiếp nối nhà Ngụy cho phép độ tăng ni.
100.5.9. Đời Bắc Chu
– Chu Hiếu Minh đế (trị vì 558-561) và các cận thần đã vì tiên hoàng tạc được mười hai tượng Phật bằng gỗ chiên-đàn cao hai trượng sáu thước.
– Chu Thái tổ Văn đế (trị vì 561-579) xây dựng được sáu ngôi chùa tại thành Trường An, như chùa Truy Viễn, chùa Trác Hỗ, chùa Đại Thừa v.v… Ngoài ra vua còn xây được năm ngôi chùa khác, độ một nghìn tăng ni, thường cúng dường thiền sư Thật.
– Chu Hiếu Tuyên đế (trị vì 579) trung hưng Phật giáo, tạc bốn khám thờ với hơn một vạn tượng Phật màu trắng, chép được ba nghìn quyển kinh Bát-nhã, chuyên tâm trì giới Bát quan trai.
Như vậy, nhà Chu họ Vũ Văn trải qua năm đời vua, trị vì hai mươi lăm năm (557-581), xây dựng chín trăm ba mươi mốt ngôi chùa, dịch được mười sáu bộ kinh. Hoàng đế Hiếu Mần gây dựng cơ nghiệp, trị vì không lâu, lại không hiểu sâu Phật pháp, Cao tổ Thân Vũ hoàng đế lại không tin Tam bảo, nên bị quả báo hiện đời gặp tai họa lớn.
100.5.10. Đời Tùy
– Cao tổ Văn hoàng đế (trị vì 581-604), vào niên hiệu Khai Hoàng thứ ba (583), đã cho trùng tu tất cả những ngôi chùa bị tàn phá vào đời Chu. Ở mỗi danh sơn, vua cho dựng lập một ngôi chùa, xây tháp thờ xá-lợi Phật tại hơn một trăm châu, cho độ hơn hai mươi ba vạn tăng ni, xây được ba nghin bảy trăm chín mươi hai ngôi chùa, chép bốn mươi sáu tạng kinh, gồm mười ba vạn hai nghìn tám mươi sáu quyển. Vua còn cho tu bổ ba nghìn tám trăm năm mươi ba bộ kinh cũ, tạc mười vạn sáu nghìn năm trăm tám mươi tượng Phật và rất nhiều tượng khác, không thể biết hết.
– Tùy Dạng đế (trị vì 604-617) đã vì Hiến hoàng hậu của Hiếu Văn hoàng đế mà cho xây dựng hai Thiền Định Đạo tràng, hai ngôi tháp gỗ và mười ngôi chùa tại thành Trường An; cúng dường tứ sự mười năm; lại tu bổ sáu trăm mười hai tạng kinh cũ, gồm hai vạn chín nghìn một trăm bảy mươi hai bộ; sửa chữa được mười vạn một nghìn tượng Phật cũ, tạc ba nghìn tám trăm năm mươi tượng Phật mới, cho độ sáu nghìn hai trăm tăng ni.
Như vậy, đời Tùy có hai vị vua, trị vì ba mươi tám năm (581-618), xây dựng được ba nghìn chín trăm tám mươi lăm ngôi chùa, độ hai mươi ba vạn sáu nghìn hai trăm tăng ni, dịch được tám mươi hai bộ kinh.
100.5.11. Đời Đường
100.5.11.1 Đường Cao tổ Thái Vũ hoàng đế: Nối tiếp Nghiêu cư ở đất Tấn, học theo Vũ dựng lập nhà Chu; mây nổi rồng bay, bậc hiền tài thuận thế, thống nhất một mối để hưng vận nước, nhờ nhóm chư hầu mà được đồng lòng; xuất phát từ Tham Hư mà bình định chốn kinh kì; phép tắc an dân được ban bố, luật pháp quốc gia được mở bày, qui tụ bốn phương, đức trùm khắp chốn. Kỷ cương đã khôi phục, giềng mối được lập bày, từ đông sang tây, từ xa đến gần đều an định. Từ khi cờ nghĩa vừa dựng, nhân đi ngang qua núi Hoa Âm, vọng bái linh đàn để cầu phúc, vua bèn xây dựng tại đây một ngôi già-lam bên cạnh đền thần, đặt tên là chùa Linh Tiên. Kiến trúc ngôi chùa tuyệt đẹp như thần thánh kiến tạo, vàng ngọc ánh chiếu, nét chạm trổ rực rỡ tinh vi; thấy hết non cao, nghiêng xem lầu gác, điện đường chót vót, đối diện Liên Phong.
Vua dốc lòng tạc tượng chép kinh, làm nhiều việc phúc, xây chùa Hội Xương, chùa Thắng Nghiệp, chùa Từ Bi, chùa Chứng Quả và chùa Tập Tiên Ni ngay tại kinh đô. Ngoài ra vua còn xả bỏ nơi ở của mình để xây chùa Hưng Thánh. Tại Tinh châu, vua cho xây dựng chùa Nghĩa Hưng, với điện đường tráng lệ, tôn tượng điêu khắc tinh xảo.
Niên hiệu Vũ Đức thứ nhất (618), vua cho kiến lập đạo tràng ở con đường lớn phía nam Chu Tước môn, lập hội Vô già. Pháp lữ đến tham dự đông đúc như hội Linh Thứu mới khai; khách quí tấp nập tợ Hạc Lâm vừa tụ. Ngựa xe chật ních, nam nữ đầy dẫy. Tất cả đều tranh nhau đến đàn tràng như đi dự yến tiệc. Vua còn vì Thái tổ Nguyên hoàng đế và Nguyên Trinh hoàng hậu tạc ba pho tượng Phật bằng gỗ chiên-đàn, họa dung nghi của vua, mô phỏng linh tướng của Phật. Nét khắc chạm không thua kém tượng của Ưu-điền, vẻ rực rỡ của vàng bạc không thẹn sánh với tượng của Ba-tư-nặc.
Vào tháng hai năm này, vua ban chiếu thỉnh bốn mươi chín vị sa-môn vào cung hành đạo, khiến Phạm âm ở thiên cung lại vang rền nơi nội điện; bí điển của Vương thành một lần nữa được lưu bố khắp hoàng cung. Từ đó về sau, lòng sùng tín Phật pháp của vua mãi trường tồn.
100.5.11.2. Đường Thái tông Văn hoàng đế: Vua đã thụ nhận khí chất của Thái dịch, Thái sơ, thừa hưởng uy linh của Thiên hoàng Thiên đế, như u Phòng đặt nền móng cho Cao Dương, giống Dao Khư định cơ nghiệp cho Trùng Hoa.
Lúc vua chào đời, ánh hồng soi khắp chốn, khí tía xông ngút trời, thân như long nhan phụng ức tướng hiện nhật giác nguyệt huyền, mắt dài miệng rộng khác thường, thân thể trên to dưới nhỏ kì đặc. Ôg thông minh hiểu rộng, thấu lẽ huyền vi, biết rõ những điều chưa đến, nhớ kĩ những việc đã qua, thâm nhập chỗ sâu xa, tường tận cả lí tính. Đó là bản tính trời ban, tự nhiên như vậy, lại thêm có đức tiềm sơ, kinh luân thiên hạ.
Gặp lúc nhà Tùy biến loạn, đất nước chia cắt, lửa cháy núi Côn, nước dâng biển lớn, tất cả đều có điềm tranh đoạt, chỉ bày cách cướp ngôi, ủng hộ bọn đệ tử vô lại. Từ biến loạn Hoàng Hà đến nay long xà đều chết. Trên mảnh đất Trung nguyên, đá ngọc đều cháy sạch, khiến cho khắp cả đất trời đều có tiếng oán thán cầu sống, kinh đô biên địa đầy dẫy người giãi bày nỗi bi ai.
Hoàng đế ta là con của tiên vưomg, phải gánh vác di mệnh của tiên hoàng, nhận lãnh đế vị, thống lãnh lục quân, khiến cho kẻ địch như ngói nát băng tan, gió tuôn cỏ rạp. Khi muôn quân ca khúc khải hoàn, đế nạp tù binh và chiến lợi phẩm mà không nói đến công lao.
