Home / Pháp Uyển Châu Lâm / PUCL - Tập 7 / PUCL QUYỂN 99 – CHƯƠNG TẠP YẾU

PUCL QUYỂN 99 – CHƯƠNG TẠP YẾU

3- Hành động suy tổn: Khi nói lấy hơi lên, thở dồn dập, thân thể run rẩy; đứng thì lưng còng, vì xương sống không đủ lực nâng đỡ; ngồi thì lưng cong sát đất vì thân thể suy nhược; đi đứng phải cần gậy vì thân đã yếu ớt; đầu óc suy nghĩ nhận biết chậm chạp, nhớ lộn xộn.
4- Thụ dụng suy tổn: Đối với các vật ưa thích vẫn không thể thụ dụng. Đối với trần cảnh, các căn chẳng thể xử lý một cách bén nhạy, sáng suốt, hay không còn hoạt động được nữa.
5- Thọ mệnh suy giảm: Tuổi thọ sắp hết, cái chết kề bên, gặp một duyên xấu, dù nhỏ cũng không thể chịu nổi”
Kinh A-hàm ghi: “Có bốn nguyên nhân mái tóc bị bạc trắng: nóng, lo nhiều, bệnh nhiều, di truyền.
Có bốn nguyên nhân khiến người bị gầy: ăn ít, lo, buồn, bệnh.
Có bốn việc mà con người không thể biết trước, không thể tránh, cũng chẳng thể chối từ: đầu bạc, già nua, bệnh tật, và chết,
Tất cả mùi vị không ngoài tám loại: đắng, chát, cay, mặn, nhạt, ngọt, chua, vị hỗn tạp”.
99.10. TẠP HẠNH
Luật Tứ phần ghi: “Tì-kheo Bạt-nan-đà đi trên đường, che lọng tròn lớn. Các cư sĩ từ xa nhìn thấy tưởng là vua hay đại thần nên sợ sệt tránh đường. Khi họ nhìn kĩ mới biết là tì-kheo Bạt-nan-đà. Các tì-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy:
– Tì-kheo đi đường không được che dù, lọng sang trọng, cũng không được cất chứa.
Lúc trời mưa vì bảo vệ y khỏi ướt, nên Đức Phật cho phép dùng dù lọng để che, qua lại trong khuôn viên chùa. Nhưng nên làm dù lọng bằng vỏ cây, lá, hoặc tre.
Không được cầm quạt lớn như vua. Tì-kheo đi đường gặp thời tiết nóng, bạch Đức Phật, Đức Phật cho phép dùng lá cây, cành cây hay các vật khác để làm quạt. Lúc đó, có các tì-kheo sợ bị trùng, bụi, cỏ, sương bay bám bẩn thân, nên bạch Phật.
Đức Phật dạy:
– Cho phép làm phất trần, hoặc làm bằng cỏ, vỏ cây, lá cây, hoặc dùng sợi kết lại, hoặc dùng lụa vụn cắt may.
Khi ấy, có tì-kheo nhặt được đuôi súc vật để phẩy bụi, Đức Phật cho phép dùng. Tì-kheo niên thiếu tân học tính toán mọi việc còn lẫn lộn, Ngài cũng cho phép dùng thẻ để tính”.
Luật Tứ phần ghi: “Lúc bấy giờ các tì-kheo trỗi nhạc, hoặc thổi tù và để cúng dường. Đức Phật dạy: ‘Không được làm như vậy’. Tì-kheo không dám, liền bảo các cư sĩ trỗi nhạc cúng dường, Đức Phật cho phép.
Bây giờ, mọi người không biết thức ăn đã cúng dường tháp, ai có thể dùng được.
Đức Phật dạy:
– Tì-kheo, sa-di, ưu-bà-tắc, hay người xây dựng tháp được ăn”.
Luận Tát-bà-đa ghi: “Người xuất gia ra chợ mua đồ không được trả hạ giá. Nếu trả hạ giá thì phạm tội Đột-kết-la.
Y của tăng khi chưa rao giá ba lần thì được phép tăng giá, khi đã rao giá ba lần rồi thì không được tăng; chúng tăng cũng không được trao cho, vì y đã thuộc về người khác. Ba lần rao giá rồi, người được y không nên đổi ý, dẫu có hối tiếc cũng không cho trả lại và cũng không cho trả giá lại”.
Luận Tân Bà-sa ghi:
Hỏi: Phàm phu và thánh nhân, ai có nỗi lo sợ?
Đáp: Phàm phu có nỗi lo, còn thánh nhân thì không. Vì sao? Vì thánh nhân không có năm điều lo sợ:
1- Sợ túng thiếu
2- Sợ tiếng xấu
3- Sợ hãi khi đứng trước oai đức của đại chúng
4- Sợ chết
5- Sợ đọa vào đường ác.
Kinh Tạp bảo tạng ghi: “Đức Phật dạy: Như ý bảo châu lấy từ não của cá Ma-kiệt. Thân cá dài hai mươi tám vạn dặm. Bảo châu này gọi là Kim cương kiên, có ba công dụng:
1- Người bị trúng độc, khi nhìn thấy, hoặc được ánh sáng của nó chiếu vào thân thì chất độc đều tiêu tan.
2- Người bệnh nhiệt, khi thấy hoặc được ánh sáng của bảo châu chiếu vào thân thì mọi bệnh nhiệt đều được tiêu trừ.
3- Người có nhiều oan gia, trái chủ, khi cầm được ngọc này thì những oan gia trái chủ trở thành thân thiện”.
Luật Tứ phần ghi: “Rắn bò vào phòng làm cho các tì-kheo chưa ly dục sợ hãi. Phật cho phép đuổi, hoặc dùng ống tre nhốt, hoặc lấy dây cột nó rồi đem đi thả.
Có chuột vào phòng tì-kheo. Đức Phật dạy: ‘Lấy lồng bắt đem thả’.
Có bò cạp, rít, sâu vào phòng tì-kheo. Đức Phật dạy: ‘Dùng vật hư bỏ hay bùn, bọc túm lại đem đi thả’.
Ban đêm, tì-kheo sợ dơi, còn ban ngày sợ chim én bay vào phòng, Đức Phật cho phép đan lưới thưa, hoặc làm song để ngăn.
Có tì-kheo lớn tuổi bị bệnh, bắt rận bỏ dưới đất, Phật dạy: ‘Khồng nên làm như vậy’. Phật cho phép dùng đồ để đựng, hoặc là dùng bông bọc nó. Nếu rận bò ra thì nên dùng ống để đựng và phải đậy lại (Tùy theo thời tiết nóng hay lạnh mà lấy thức ăn thích hợp để nuôi chúng).
Bấy giờ, lục quần tì-kheo tụng các loại thần chú cầu cát hung, an trí nhà cửa như: chú chi tiết, chú sát-lợi, chú biết sống chết, tốt xấu, chú hiểu rõ các thứ âm thanh. Phật dạy: ‘Không được tụng’. Các tì-kheo dạy cho người khác, Đức Phật bảo: ‘Không được, vì họ sẽ lấy đây làm kế sinh sống’.
Khi đức Thế Tôn ở tại nước Tỳ-xá-li, các Li-xa cỡi voi, ngựa, xe cộ, cầm đao kiếm để ngoài cửa chùa, rồi vào trong thăm hỏi đức Thế Tôn.
Bấy giờ, có bạch y đem đao kiếm đến gửi, nhờ các tì-kheo cất, các tì-kheo e ngại không dám nhận, liền bạch Phật. Đức Phật dạy: ‘Cho phép cất giữ kĩ cho đàn việt”’.
Kinh Ngũ bách vấn sự ghi: “Không được dùng miệng thổi bụi trên kinh tượng. Nếu kinh tượng cũ thì nên sửa lại, cho dù chẳng phải chính kinh cũng phải xem trọng. Không được đốt kinh sách, nếu đốt thì mắc tội nặng như tội đốt cháy cha mẹ của mình. Người không biết thì phạm tội nhẹ”.
Luật Tăng-kì ghi: “Đốt lửa có bảy sự tai hại:
1- Tổn thương mắt
2- Tổn hoại hình sắc
3- Thân khô gầy
4- Y phục bị dơ bẩn
5- Làm hỏng ngọa cụ
6- Nảy sinh cơ hội phạm giới
7- Luận bàn việc thế tục”.
Bài tụng:
Chỉ làm những việc cần thiết
Mong bỏ những mối hiểm nguy
Vạn hạnh gìn giữ tinh chuyên,
Lục trần mới mong chấm dứt.
Tâm trí thuần khiết sáng tỏ,
Nghi dung đẹp đẽ rỡ ràng,
Giống như viên ngọc quỳnh kia,
Trong sáng không một tì vết.

About namcuulong

Check Also

PUCL QUYỂN 96 – CHƯƠNG XẢ THÂN

QUYỂN 96 Quyển này có một chương Xả thân. 96. CHƯƠNG XẢ THÂN 96.1. LỜI ...

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *