không tin tội phúc, để ngày nay phải chịu cực hình trong địa ngục, bị lửa thiêu đốt đau đớn không giây phút nào dừng nghỉ. Lúc này dù muốn được một ngày để bỏ ác tu thiện thì nào có được. Điều gì ta biết đều chỉ bảo cho cháu, cháu hãy khuyến hóa gia đình cùng nhau siêng năng tu thiện.
Nói xong, ông rơi lệ từ biệt ra đi. Tôi theo đường trở về, không bao lâu thì đến nhà. Trong nhà đóng hòm sắp xong, đang chuẩn bị tẩn liệm. Thần thức tôi liền nhập vào thi thể, trong chốc lát thở lại như bình thường, vài hôm sau thì lành bệnh. Sau đó, Tuân khuyên bảo thân quyến phụng trì chính pháp.
Trước đây cô của Tuân có chồng tên là Từ Hán ở Nam quận, người chị cả có chồng tên là Lạc Du ở Giang Hạ, người chị kế có chồng tên là Nghiêm Vãn ở Ngô Hưng. Vì đường xá xa xôi đã lâu không có tin tức. Sau khi lành bệnh, Tuân liền đến ba quận ấy tìm thăm, mới biết cô, chị kế và con của chị cả đều chết. Người chị cả cũng kể lại, sau khi liệm Đạo Văn thì nghe tiếng động trong quan tài, ra đến đường thì quan tài rơi xuống xe, giống như lời của người chú nói. Nghe Tuân nói Đạo Văn chết oan, người chị cả càng thêm đau khổ hối hận, để tang con thêm lần nữa.
97.5.11. Đời Tấn, sa-môn Ha-la-kiệt: Sư vốn người ở Tương Dương, xuất gia từ thuở nhỏ, tụng thông thuộc đến hai trăm vạn lời kinh. Bản tính sư trầm lặng, giới hạnh tinh nghiêm, dung mạo tuấn tú, đầy đủ oai nghi, chuyên tâm hành hạnh đầu-đà, một mình ở trong núi hoang đồng vắng.
Niên hiệu Thái Khang thứ chín (288), sư đến Lạc Dương. Bấy giờ, dịch bệnh lan tràn, người chết liên tục, nhờ sư chú nguyện và chữa trị mà mọi người đều lành bệnh.
Niên hiệu Nguyên Khang thứ nhất (291), sư vào núi Lâu Chí tọa thiền tại một thạch thất, nơi đây cách xa dòng nước, mọi người dự định khai cho sư một khe dẫn nước. Thấy vậy, sư bèn nói:
– Các vị không cần khổ sở vì tôi!
Sư bèn dùng chân trái đạp lên vách đá phía tây thất, vách đá thủng một lỗ sâu băng ngón chân cái; sư vừa nhấc chân lên thì nước phun ra. Dòng nước vừa trong thơm lại mát ngọt, chảy mãi không ngớt, những người đến uống đều hết đói khát, dứt bệnh tật.
Đến niên hiệu Nguyên Khang thứ tám (299) sư ngồi ngay thẳng thâu thần viên tịch. Đệ tử trà-tì sư theo phép tắc nước ngoài, lửa cháy nhiều ngày mà nhục thân sư vẫn còn nguyên vẹn. Mọi người thỉnh nhục thân sư về lại thất đá. Khoảng niên hiệu Hàm Hòa (326-335), Trúc Định tự An Thế người Tây Vực đến đây chiêm lễ, thấy nhục thân sư vẫn trong tư thế tọa thiền trang nghiêm. Lúc này sư đã viên tịch đã hơn ba mươi năm. Sau Trúc Định đến kinh đô kể lai việc ấy cho đạo tục biết.
97.5.12. Đời Tấn, sa-môn Trúc Pháp Tuệ: Sư người Quan Trung, tính tình ngay thẳng, có giới hạnh, vào núi Tung Cao xin làm đệ tử ngài Phù-đồ mật.
Niên hiệu Kiến Nguyên thứ nhất (343), sư đến ở chùa Dương Thúc Tử tại Tương Dương. Sư không nhận thỉnh thụ trai riêng mà hàng ngày đi khất thực, mang theo thằng sàng, hễ gặp đường vắng thì bày ra mà ngồi. Gặp lúc trời mưa, sư dùng áo choàng đề che. Khi mưa tạnh, người ta chỉ thấy thằng sàng mà không thấy sư đâu. Mọi người hỏi nhau chưa dứt lời thì sư đã xuất hiện.
Có lần sư nói với đệ tử Pháp Chiêu:
– Đời trước ông chặt chân gà, quả báo nay sắp đến rồi!
Không bao lâu, Pháp Chiêu bị người ném, đôi chân tàn tật suốt đời.
Sau đó sư nói với đệ tử:
– Ở cánh đồng kia có một ông lão sắp qua đời, ta muốn độ ông ấy!
Nói xong, sư đến bên bờ ruộng, quả thấy một ông lão đang dẫn trâu cày. Sư đi theo ông lão xin con trâu, ông lão không cho. Sư đến phía trước tự tiện xỏ mũi trâu dắt đi. Ông lão lo sợ bởi hành động lạ kỳ này bèn đưa trâu cho sư. Sư dẫn trâu đi và chú nguyện, đi được bảy bước rồi trở lại trả trâu cho ông lão. Vài ngày sau, ông lão qua đời.
về sau, Chinh tây Dữu Trĩ Cung trấn giữ Tương Dương. Người này không tin Phật pháp, nghe sư có những điều phi thường nên đem lòng đố kị. Sư nói với đệ từ:
– Nợ kiếp trước của ta đã tìm đến rồi!
Sư khuyến khích mọi người siêng năng tu tập phúc thiện.
Hai ngày sau, quả nhiên sư bị bắt và bị hành hình, thọ năm mươi tám tuổi. Lúc sắp mạng chung, sư dặn dò mọi người:
– Ba ngày sau khi ta chết, sẽ có một trận mưa lớn.
Đến kỳ, quả có một trận mưa lớn, nước ngập cửa thành sâu đến một trượng, quyến thuộc của Cung và người dân chết chìm rất nhiều.
97.5.13. Đời Tống, Tuệ Viễn: Sư ở chùa Trường Sa tại Giang Lăng. Thầy của sư là ngài Tuệ Ấn rất giỏi pháp thiền, nên mọi người xưng la Thiền sư. Sư tên là Hoàng Thiên, vốn là người hầu của ngài Tuệ Ấn. Năm ngài Tuệ Ấn hai mươi tuổi, mỗi khi nhập định đều nhớ lại việc đời trước, quán biết Hoàng Thiên chính là thầy mình, nên độ làm đệ tử ban pháp danh là Tuệ Viễn.
Sư thường tá túc tại nhà của Dương Đạo Sản ở phía tây chợ Giang Lăng, hơn một năm khổ công tu tập thiền định, nhân đây có nhiều cảm ứng. Trong ngày sư có thể đến mười mấy nơi để thụ trai. Hoặc cả ngày lẫn đêm sư vẫn ở nơi đạo tràng tụng kinh, hành thiền, mà mỗi người đều thấy sư hiện diện nơi nhà của mình. Đại chúng cho là sư đã đắc đạo, nên rất kính trọng.
Niên hiệu Hiếu Kiến thứ hai (452), một hôm sư nói thời hạn mình thị tịch. Sau đó bảo Đạo Sản:
– Tối mai ta sẽ thị tịch tại nhà ông!
Đúng ngày, Đạo Sản thiết bát quan trai, đốt đèn suốt đêm. Sư vẫn cùng với đại chúng lễ Phật và đi nhiễu như thường, không có gì khác lạ. Sau canh tư, sư nói không được khỏe, muốn nằm nghỉ, sắc diện hơi biến đổi, một lúc sau thì sư an nhiên thị tịch. Đạo tục nơi đây thiết trai cúng dường suốt hai mươi mốt ngày, xây tháp phụng thờ, tháp sư đến nay vẫn còn. Sư thị tịch một thời gian lâu, lại hiện thân đến chùa Đa Bảo nói với đạo nhân Đàm Tuân:
– Ngày hai mươi ba tháng hai sang năm, tôi và chư thiên sẽ đến đón thầy!
Nói xong liền ra đi. Nghe vậy, Đàm Tuân liền thiết trai cúng dường suốt mười chín ngày tại chùa Trường Sa, xả thân bố thí. Đúng thời hạn, Tuân cảm thấy hơi mệt, biết mình sắp thị tịch, nên thiết đại pháp hội mời tất cả đạo tục đến cúng dường. Khoảng canh ba, Tuân hỏi đại chúng:
– Các vị có thấy gì chăng?
Đại chúng đáp:
– Chúng con không thấy gì khác lạ!
Tuân nói:
– Ta nghe trong hư không có tiếng nhạc, mùi hương lạ phảng phất, thật là hợp với lời sư Tuệ Viễn, có lẽ hôm nay là đúng kì hẹn.
Lúc này chúng tăng đều trở lại thiền đường thì thấy ngài Đàm Tuân đã an nhiên thị tịch trên tòa.
97.5.14. Đời Tống, người chồng xuất hồn: Có vợ chồng gia đình nọ, đêm kia khi trời vừa sáng, người vợ thức dậy đi ra ngoài. Sau đó không lâu, người chồng cũng ra ngoài. Nhưng người vợ trở vào phòng vẫn thấy chồng vẫn còn đắp mền nằm ngủ. Một lúc sau, người giúp việc từ ngoài đi vào nói với người vợ:
– Ông chủ muốn tìm cái gương!
Người vợ cho rằng con bé giúp việc dối gạt, liền chỉ cho nó thấy chồng bà đang ngủ trên giường. Thấy vậy, nó ngạc nhiên nói:
– Rõ ràng vừa ở chỗ ông chủ đến đây mà!
Nghe vậy bà gọi chồng, ông liền hốt hoảng đi vào. Cả hai vợ chồng đều thấy người nằm trong mền gối đầu cao, ngủ say, hình dáng giống hệt chồng mình. Nghĩ đây là thần hồn của chồng, bà không dám kinh động, bèn từ từ đưa tay vỗ nhẹ vào giường, ông nhẹ nhàng nằm lên, thế là thần hồn dần dần biến mất. Nhân sự việc ấy, hai người rất lo sợ. Sau đó không lâu người chồng lâm bệnh, tâm thần hỗn loạn và qua đời.
97.5.15. Đời Tống, một nho sinh: Có một nho sinh đi học xa nhà. Một đêm nọ cha mẹ của anh ta chong đèn làm việc, thấy người con đến trước than:
– Bây giờ con chỉ là hồn phách, không phải người sống!
Cha mẹ hỏi nguyên nhân, người con thưa:
