Người có thể bỏ rượu
Thực hành đúng giới pháp,
Sẽ đến chỗ cao tột,
Không sinh cũng không tử
Hỏi: Không bệnh mà uống rượu thì phạm tội, bị bệnh cho uống rượu không?
Đáp: Theo luật Tứ phần, nếu người thật có bệnh, uống các loại thuốc khác không lành, dùng rượu làm thuốc thì không phạm.
Hỏi: Cho phép được uống bao nhiêu rượu?
Đáp: Kinh Văn-thù-sư-lợi vấn ghi: “Theo cách pha chế, thầy thuốc bảo dùng nhiều thuốc hòa vào rượu; tức là rượu ít thuốc nhiều thì được uống”.
Kinh Xá-lợi-phất vấn ghi: “Xá-lợi-phất bạch Phật:
– Thế Tôn đã nói uống rượu làm ngăn ngại đạo pháp, nên không được uống, uống rượu giống như ăn hạt rau đay, là phá giới, là mở cánh cửa buông lung. Vậy vì sao có việc: khi trước có vị tì-kheo trụ tại tinh xá trong vườn trúc ở Ca-lan-đà bị bệnh nhiều năm, nguy kịch sắp chết.
Tôn giả Ưu-ba-li thấy vậy hỏi:
– Thầy cần thuốc gì, tôi sẽ đi tìm. Cho dù đi khắp cõi người hay lên cõi trời, cho đến mười phương, chỗ nào có thuốc tôi sẽ đến lấy.
Tì-kheo thưa:
– Thứ thuốc tôi cần trái với giới luật, nên không tìm. Do đó mà bệnh đến nỗi này, thà mất thân mạng chứ không phạm giới.
Tôn giả Ưu-ba-li hỏi:
– Đó là thuốc gì?
Tì-kheo thưa:
– Tôi cần năm lít rượu.
Tôn giả Ưu-ba-li nói:
– Nếu vì bệnh thì Như Lai cho phép.
Tôn giả Ưu-ba-li liền xin rượu. Vị tì-kheo uống vào, bệnh lành hẳn, nhưng tì-kheo vẫn hổ thẹn cho rằng mình đã phạm giới, nên đến gặp Phật tha thiết sám hối. Phật thuyết pháp, vị tì-kheo nghe xong, hoan hỷ, liền chứng quả A-la-hán.
Nghe nói vậy, Đức Phật liền dạy tôn giả Xá-lợi-phất:
– Rượu có nhiều lỗi, mở cánh cửa buông lung. Uống rượu như ăn hạt rau đay, phạm tội chồng chất. Nhưng nếu vì trừ bệnh, thì không thuộc cấm giới đã nói ở trên”.
* Lời bàn
Không được nghe nói Phật tạm cho dùng mà trường hợp nào cũng uống. Phải thật bệnh nặng, nguy kịch sắp chết và đã dùng nhiều loại thuốc mà không lành, cấn phải có rượu hòa với thuốc uống mới lành, thì mới cho phép uống.
Gần đây thấy có người không hiểu biết, thân thể cường tráng, hàng ngày đi khắp nơi, không theo luật nghi, hễ có chút bệnh, liền khởi lòng tham, không giữ gìn đạo nghiệp, lại vọng dẫn kinh luật: “Phật cho phép bào chế thuốc, dùng vải tốt, y phục quý dâng cúng Phật và tăng”. Những người này mượn việc công để làm việc tư, lừa dối tăng tục. Cho nên, người trí giữ giới như giữ mạng sống, không dám trái phạm.
Kinh Tát-già Ni-kiền tử có bài kệ:
Rượu là gốc buông lung,
Không uống, ngăn đường ác,
Thà bỏ trăm nghìn thân,
Không hủy phạm giới pháp,
Thà để thân khô gầy,
Nhất định không uống rượu.
Giả sử hủy phạm giới,
Mà tuổi thọ trăm năm,
Không bằng chết tức thời,
Mà giữ trọn giới cấm.
Biết chắc là khỏi bệnh,
Ta vẫn không chịu uống,
Huống gì chưa biết rõ,
Bệnh khỏi hay không khỏi.
Khởi tâm dứt khoát này,
Trong lòng thật hoan hỷ,
Tức thấy được chân đế,
Mọi bệnh đều diệt trừ”.
Nên biết, sở dĩ chúng sinh mắc bệnh là do nhân tham, sân, ngã mạn gây nên; từ nhân đưa đến quả, rồi chuốc lấy khổ đau, chứ chẳng phải do không dùng thuốc rượu mà bệnh không lành.
Kinh Niết-bàn ghi: “Tất cả chủng sinh có bốn mũi tên độc là nhân của bệnh. Đó là tham dục, sân khuể, ngu si và kiêu mạn. Nêu đã có nhân bệnh thì chắc chắn sẽ phát bệnh; như các bệnh nóng phổi, hen suyễn, nôn mửa, mụn nhọt; loạn tâm, tiêu chảy, nấc cụt, đái dầm, đái rắt, tai đau, đau mắt nhức, no hơi đầy bụng, điên cuồng khô gầy, ma quỉ dựa dẫm. Nếu đã biết rõ gốc của những chứng bệnh thuộc về thân tâm như thế, thì chỉ cần dứt ác tu thiện, chắc chắn vĩnh viễn đoạn trừ quả khổ ba đời. Ngược lại, nếu không xét rõ lý này, mà dùng càn các thứ rượu thuốc trên đời để trị, thì bệnh ấy càng tăng, thật khó lành được”.
Kinh Tì-ni mẫu ghi: “Tôn giả Di-sa-tắc nói:
– Tì-kheo Sa-đề lúc nhỏ nhờ rượu mà nuôi lớn thân mạng. Sau đó, ông xuất gia; vì không được uống rượu, nên tứ đại không điều hòa. Các tì-kheo thấy vậy bạch Phật.
Đức Phật dạy:
– Có bệnh thì cho phép ngửi mùi rượu trên vò, nếu hết bệnh rồi thì không được ngửi. Nếu chưa lành thì cho phép dùng rượu lau thân; vẫn không lành thì cho phép dùng rượu trộn với gạo làm bánh để ăn; vẫn không hết bệnh thì cho ngâm mình trong rượu”.
Luận Tân bà-sa ghi: “Như khế kinh nói: ‘Khi : tôn giả Xá-lợi-phất ở trong một khu rừng tại nước Kiều-tát-la, có một ngoại đạo xuất gia với mục đích nuôi sống thân mạng cũng ở trong khu rừng ấy, gần
chỗ tôn giả. Cách đó không xa có các thôn xóm, mỗi khi người dân mở lễ hội thì thường kéo dài bốn tháng, ngoại đạo đi khắp nơi, ăn thịt heo và tha hồ uống rượu, còn lấy trộm thức ăn thừa mang về. Trên đường đi, gặp tôn giả Xá-lợi-phất ngồi nơi gốc cây. Do say rượu, nên ngoại đạo khởi tâm khinh miệt, ông ta suy nghĩ: ‘Nay ta và người ấy đều xuất gia, nhưng ta thì giàu sang, còn người ấy thì nghèo hèn’. Ngoại đạo liền đi đến chỗ tôn giả, nói kệ:
Ta đã no rượu thịt,
Lại lấy trộm đem về
Cỏ cây cùng đất đá,
Đều xem như vàng ròng.
Nghe vậy, tôn giả Xá-lợi-phất nghĩ: ‘Kẻ ngoại đạo chết giẫm này thật không biết xấu hổ, lại còn ngang ngược nói bài kệ như thế. Ta nay cũng nên đáp lại’. Nghĩ xong, tôn giả nói:
Ta thường no vô tưởng,
Hằng trụ không định môn,
Cỏ cây cùng đất đá,
Đều xem như đàm dãi ”.
Tôn giả Xá-lợi-phất phát ra âm giọng như tiếng rống sư tử mà thuyết Tam giải thoát môn. Trong bài kệ này, câu đầu nói về Vô tướng giải thoát môn, câu thứ hai nói về Không giậi thoát môn, hai câu cuối nói về Vô nguyện giải thoát môn.
93.3. ĂN THỊT
