Kinh Tăng nhất A-hàm ghi: Trong lúc đức Thế Tôn thuyết pháp cho vô lượng đại chúng, có một tì-kheo trưởng lão ngồi duỗi chân về phía Thế Tôn ngủ gật. Lúc ấy, cách Thế Tôn không xa, sa-di Tu-ma-na mới tám tuổi đang tĩnh tọa, an trú trong chính niệm. Đức Thế Tôn từ xa thấy vậy, liền nói kệ:
Gọi là bậc trưởng lão
Chưa hẳn do cạo tóc
Cho dù tuổi tác cao
Không tránh khỏi phạm lỗi.
Người đạt được Kiến để
Không hại đến mọi người
Dứt trừ các hạnh ác
Mới gọi là trưởng lão.
Nay ta nói trưởng lão
Không hẳn xuất gia trước
Người tu tập thiện nghiệp
Phân biệt rõ chính hạnh
Dù tuổi còn rất nhỏ
Mà các căn thanh tịnh
Đáng xưng là trưởng lão
Biết rõ chính pháp hành.
Đức Thế Tôn bảo các thầy tì-kheo:
– Các thầy có thấy tì-kheo trưởng lão ấy duỗi chân ngủ không?
Các tì-kheo thưa:
– Thưa Thế Tôn, chúng con đều thấy!
Thế Tôn nói:
– Trong năm trăm kiếp trước, vị tì-kheo trưởng lão này làm thân rồng. Đời này, mạng chung cũng sinh làm loài rồng. Vì sao như thế? Vì tỳ kheo ấy không có tâm cung kính Phật, pháp, tăng; do không có tâm cung kính như thế, nên sau khi mạng chung sẽ sinh làm loài rồng.
– Các thầy có thấy sa-di Tu-ma-na, mới tám tuồi, đang tọa thiền cách ta không xa không?
Các tì-kheo đáp:
– Chúng con thấy, thưa Thế Tôn!
Đức Phật nói:
– Bảy ngày sau, sa-di này sẽ đắc pháp tứ thần túc và tứ đế. Do đó các thầy phải dốc lòng cung kính Phật, pháp, tăng”.
Kinh Phật thuyết mã hữu bát thái thí nhân ghi: “Phật bảo các tì-kheo:
– Loài ngựa có tám thói xấu:
1. Vừa mở dây cương liền muốn kéo xe chạy.
2. Khi đóng xe vào thì nhảy lên, muốn đá người.
3. Cất hai chân trước lúc kéo xe chạy.
4. Đạp vào càng xe.
5. Khi người mang ách vào thân nó, thì nó giật xe lùi lại.
6. Đi càn, chạy bừa.
7. Kéo xe ruổi chạy, nhưng khi gặp bùn lầy thì đứng lì, không chịu đi.
8. Treo máng cho ăn thì nhìn hoài không chịu ăn, nhưng khi chủ dắt đi sắp đóng vào xe, bắt ngậm hàm thiếc thì muốn ăn cũng không được.
Đức Phật dạy:
– Con người cũng có tám tật xấu:
1. Khi nghe giảng kinh, liền đứng dậy không muốn nghe, như ngựa vừa mở dây cương liền kéo xe chạy.
2. Nghe giảng kinh không hiểu, không biết ý chỉ kinh liền nổi giận, dậm chân không muốn nghe, như ngựa khi đóng xe vào nó nhảy lên muốn đá người.
3. Khi nghe thuyết pháp liền chống trái không chấp nhận, như ngựa cất hai chân trước lúc kéo xe chạy.
4. Nghe giảng kinh liền mắng chửi, như ngựa đạp vào càng xe.
5. Nghe giảng kinh liền đứng lên, bỏ đi, như ngựa khi người mang ách vào thân nó, thì nó kéo xe giật lùi.
6. Khi nghe giảng kinh, không chú tâm lắng nghe, cứ xoay đầu nhìn quanh, nói chuyện riêng, như ngựa đi càn, chạy bừa.
7. Khi nghe thuyết pháp, liền muốn bắt bẻ đến cùng, cố ý hỏi khó để đối phương không thể đáp được, lại cắt ngang, nói càn, như ngựa gặp bùn lầy thì đứng lì, không chịu đi.
8. Vào hội giảng kinh không chịu lắng nghe, lại khởi nghĩ đến dâm dục, mong câu đủ thứ, để sau khi chết rơi vào đường ác. Bấy giờ người này dù muốn học hỏi, hành đạo cũng không thể được. Người này giống như ngựa khi treo máng cho ăn thì nhìn hoài không chịu ăn, nhưng khi chủ dắt đi sắp đóng vào xe, bắt ngậm hàm thiết thì muốn ăn cũng không được.
Đức Phật dạy:
– Ta nói loài ngựa có tám thói xấu, con người cũng có tám tính xấu như vậy.
Sau khi nghe Phật dạy, các tì-kheo hoan hỷ lễ Phật, rồi lui ra”.
85.4.3. Khuyên tiến tu
Kinh Trì thế ghi: “Bồ-tát Bảo Quang đối trước Diêm-phù-đàn Kim Phật, phát tâm tinh tiến. Chỉ vì muốn vào pháp môn phương tiện mà trải qua hai mươi ức năm không bao giờ khởi tâm xấu ác hoặc tâm lợi dưỡng, lại cũng chưa từng khởi tâm dâm dục, giận dữ, si mê. Lại có bồ-tát Vô Lượng Ý, bồ-tát Vô Lượng Lực suốt bốn
Check Also
PUCL QUYỂN 81 – CHƯƠNG LỤC ĐỘ (tt)
QUYỂN 81 Quyển này tiếp theo chương Lục độ. 85. CHƯƠNG LỤC ĐỘ (tt) 85.1. ...