Home / Pháp Uyển Châu Lâm / PUCL - Tập 6 / PUCL QUYỂN 72 – CHƯƠNG BỐN LOÀI VÀ MƯỜI KẾT SỬ

PUCL QUYỂN 72 – CHƯƠNG BỐN LOÀI VÀ MƯỜI KẾT SỬ

QUYỂN 72
Quyển này gồm hai chương; Bốn loài và Mười kết sử.
82. CHƯƠNG BỐN LOÀI

82.1. LỜI DẪN
Làm điều thiện thì cảm quả vui, gần thì sinh về cõi trời, cõi người, xa thì thành tựu quả Phật. Tạo điều ác thì chịu quả khổ, gần thì rơi vào ba đường ác, xa thì trái với Thánh đạo. Kẻ ngu không tin, nhưng người trí nên biết rõ. Cho nên, có bốn loài chẳng đồng thân tướng, sáu cõi sai biệt hình hài, âm dương cách nẻo, lên xuống khác đường. Đạo lí nghiệp duyên đã rõ ràng, báo ứng nhân quả không biến đổi.
82.2. GIẢI THÍCH TÊN GỌI
Như kinh Bát-nhã ghi: “Bốn hình thái sinh: noãn sinh, thai sinh, thấp sinh, hóa sinh”.
Kinh Giải thập nhị nhân duyên trong A-hàm ghi: “Có bốn hình thái sinh: một là thai sinh, tức sinh ra từ bụng, như loài người và súc sinh; hai là thấp sinh, tức do nóng lạnh hòa hợp mà sinh, như sâu bọ, chấy rận; ba là hóa sinh, tức do biến hóa mà sinh, như trời và địa ngục; bốn là noãn sinh, tức sinh ra từ trứng, như chim, cá, ba ba”.
Kinh Chính pháp niệm ghi: “Có nhiều loài súc sinh, nay lược nêu ba loại: một là loài sống dưới nước, như cá v.v…; hai là loài đi trên mặt đất, như voi v.v…; ba là loài bay trên hư không, như chim v.v… hoặc với thiên nhãn thấy các loài súc sinh có bốn hình thái sinh: một là thai sinh, như các loài voi, ngựa, trâu, dê; hai là noãn sinh, như các loài rắn, ngỗng, vịt, gà, chim trĩ; ba là thấp sinh, như các loài chấy rận, bọ chét; bốn là hóa sinh, như loài rồng mặt dài v.v.„”.
Cho nên, kinh ghi: “Sinh là các căn mới được sinh khởi, chết là các thụ căn hoại diệt”.
Luận Thiện kiến ghi: “Một là sinh ra từ sắc; hai là sinh ra từ vô sắc. Sinh ra từ sắc thì bị hoại diệt, sinh ra từ vô sắc thì không hoại diệt. Sinh ra từ vô sắc thì nương vào sắc mà sinh, sắc và tâm nương nhau tạo thành một mệnh, giả gọi là sinh. Khi sắc tâm trước không cảm nhận sắc tâm sau, sắc tâm sau không kế tục sắc tâm trước thì gọi là chết”.
Kinh Niết-bàn ghi: “Phật tính của chúng sinh ở trong thân năm ấm. Nếu hủy hoại thân năm ấm thì gọi là sát sinh, đã sát sinh thì bị rơi vào đường ác”.
Căn cứ vào sự sống chết này nên có bốn hình thái sinh: sinh ra từ trứng gọi là noãn sinh, từ nơi ẩn tàng mà sinh gọi là thai sinh, do ẩm thấp mà sinh gọi là thấp sinh, bỗng nhiên xuất hiện gọi là hóa sinh. Bốn loài này bao gồm tất cả chúng sinh.
82.3. SỰ PHỐI THUỘC GIỮA BỐN LOÀI VÀ SÁU ĐƯỜNG
Luận Bà-sa ghi: “Trong cõi Dục này gồm cả sáu đường, cõi Sắc và Vô sắc chỉ có chư thiên. Sở đĩ có sự khác biệt như vậy là vì cõi Dục là nơi hỗn loạn, chúng sinh làm nhiều điều ác, tạo nghiệp không giống nhau, hoặc thiện hoặc ác. Vì tạo nghiệp không giống nhau, chúng sinh theo nghiệp mà thụ quả báo, nên có nhiều đường sai khác. Hai cõi sắc và Vô sắc là nơi tu định, chúng sinh thanh tịnh, khởi nghiệp cũng giống nhau, nên không có nhiều đường sai khác”.
Hỏi: Bốn loài và sáu đường phối thuộc nhau như thế nào?
Đáp: LuậnA-tì-đàm ghi: “Trời và địa ngục toàn là hóa sinh, ngạ quỉ có thai sinh và hóa sinh. Loài người và sức sinh đều có đủ bốn hình thái sinh”.
Cho nên, trong luận có câu: Sinh gồm thâu cõi hay cõi gồm thâu sinh?
Đáp:
Sinh gồm thâu các cõi
Chẳng phải cõi thâu sinh
Như sinh vào trung ấm
Chẳng thuộc vào đường nào.
Cho nên biết, phạm vi của hình thái sinh thì rộng mà phạm vi của cõi thì hẹp. Vì loài hóa sinh rộng nêngồm cả hai cõi trời, địa ngục và một phần của ba cõi người, ngạ quỉ, súc sinh. Địa ngục thì toàn là hóa sinh.
Hỏi: Chư thiên ở sáu tầng trời cõi Dục hành dâm giống như loài người, tại sao không có thai sinh?
Đáp: Ái dục tuy giống nhau, nhưng hành ví khác nhau. Cho nên, kinh Lâu thán và kinh Chính pháp niệm đều ghi: “Chúng sinh ở hai cõi trời Tứ Vương và Đao-lợi khi hành dâm thì thân thể nam nữ giao phối giống với loài người, nhưng không xuất tinh như loài người. Bốn cõi trời trên thì hoàn toàn khác. Chúng sinh ở cõi trời Diệm-ma chỉ khởi ý vui vẻ, ôm nhau, hoặc nắm tay là thành việc dâm, không cần giao phối. Chúng sinh ở cõi trời Đâu-suất chỉ khởi ý vui vẻ, nói cười là thành việc dâm, không cần ôm nhau. Chúng sinh ở cõi trời Hóa Lạc chỉ nhìn nhau là thành, không cần nói cười. Chúng sinh ở cõi trời Tha Hóa chỉ nghe tiếng nói, hoặc ngửi mùi hương là thành việc dâm, khồng cần nhìn nhau. Cho nên, hình thái sinh ở cõi trời khác với cõi người và được hóa sinh từ đầu gối của người mẹ.
Sự hóa sinh ở ngạ quỉ có thể tự biết. Nhưng thai sinh của loài này thì hơi khó thấy, như kinh Quán Âm ghi: “Xưa, trong thành Vương Xá, có một cô gái bị dính tinh của loài quỉ, nên sinh ra năm trăm quỉ con”.
Luận Câu-xá ghi: “Có một con quỉ nói với tôn giả Mục-kiền-liên: ‘Ban ngày, tôi sinh năm đứa con ban đêm cũng sinh năm đứa. Hễ sinh đứa nào tôi ăn hết đứa đó mà vẫn không no”’. Đây là minh chứng có loài quỉ thai sinh.
Loài a-tu-la cũng có hóa sinh và thai sinh, vì có sự giao phối nên có thai sinh. Vào kiếp sơ, a-tu-la từ trời sinh ra, tức là hóa sinh. Lại nữa, theo kinh Quán Phật tam-muội, nguồn gốc của a-tu-la nữ vốn sinh ra từ trứng bùn dưới biển lớn và từ nơi ẩm ướt, tức là noãn sinh và thấp sinh. Như vậy, loài a-tu-la cũng đủ bốn hình thái sinh.
Loài người có đủ bốn hình thái sinh. Thai sinh thấy rõ ràng nên dễ biết, về noãn sinh, như kinh Niết-bàn ghi: “Như Tì-xá-khư mẫu sinh ra một cái trứng thịt, quả trứng ấy lại sinh ra ba mươi hai trứng”.
Như luận Tì-bà-sa ghi:
Hỏi: Tại sao biết trong loài người có noãn sinh?
Đáp: Như Đức Phật dạy: “Cõi Diêm-phù-lợi này thường có thương nhân vào biển để tìm châu báu. Một thương nhân nọ bắt được hai con chim hạc, đem về tùy ý dạy dỗ. Sau đó, chết một con. ông ta vui đùa với con còn lại, ngủ chung một phòng và giao phối với nó. Một thời gian, chim hạc đẻ ra hai trứng, ấp nở ra hai đồng tử. Sau lớn lên, hai đồng tử đều xuất gia học đạo, đắc quả A-la-hán, một vị tên là Thi-bà-la, một vị tên là Ưu-bát Thi-bà-la,”,
Hỏi: Tại sao biết trong loài người có thấp sinh?
Đáp: Như kinh ghi: “Có vua Đỉnh Sinh, tôn giả Già-la, tôn giả Ưu-bà-già-la, Lê nữ và Nại nữ v.v…” là những người thuộc thấp sinh.
Hỏi: Tại sao biết trong loài người có hóa sinh?
Đáp: Như loài người vào thời kiếp sơ và những vị đã chứng Thánh pháp thì không còn hình thái noãn sinh và thấp sinh.
Hỏi: Tại sao không còn noãn sinh và thấp sinh?
Đáp: Vì noãn sinh và thấp sinh là hình thái sinh của loài súc sinh.
Súc sinh có đủ bốn hình thái sinh. Trong đó, thai sinh, noãn sinh và thấp sinh có thể nhận biết. Còn hoá sinh, theo kinh Lâu thản ghi: “Như bốn loài kim sí điểu (noãn sinh, thai sinh, thấp sinh, hóa sinh) ăn thịt bốn loài rồng (noãn sinh, thai sinh, thấp sinh, hóa sinh). Kim sí điểu hóa sinh ăn cả bốn loài rồng, kim sí điểu thai sinh ăn ba loài rồng (trừ hóa sinh), kim sí điểu noãn sinh ăn hai loài rồng (trừ hóa sinh và thai sinh), kim sí điểu thấp sinh ăn một loài rồng thấp sinh (trừ hóa sinh, noãn sinh và thai sinh)
Kinh Khởi thế ghi: “Ở phía bắc biển lớn, vì có rồng chúa và tất cả kim sí điểu chúa, nên mọc lên một cây lớn tên là cư-trá-xa-ma-li (Hán dịch là lộc tụ). Chu vi của gốc cây ấy là bảy do-tuần, rễ ăn sâu xuống đất hai do-tuần, thân cao một trăm do-tuần, cành lá trải khắp năm mươi do-tuần. Phía đông cây ấy có rồng noãn sinh và kim sí điểu noãn sinh. Phía nam cây ấy có rồng thai sinh và kim sí điểu thai sinh. Phía tây cây ấy có rồng thấp sinh và kim sí điểu thấp sinh. Phía bắccây ấy có rồng hóa sinh và kim sí điểu hóa sinh. Bốn nơi này đều có cung điện, diện tích sáu trăm do-tuần, có bảy lớp tường, bảy báu trang nghiêm, hương thơm xông khắp và nhiều loài chim ca hót.
Lại nữa, kim sí điểu noãn sinh chúa nếu muốn bắt rồng noãn sinh thì bay đến đậu trên cành phía đông cây lớn cư-trá-xa-ma-li. Nhìn nước biển lớn xong, nó đáp xuống, dùng đôi cánh quạt nước biển, khiến nước tự nhiên rẽ ra hai trăm do-tuần.

About namcuulong

Check Also

PUCL QUYỂN 82 – CHƯƠNG LỤC Độ (tt)

QUYỂN 82 Quyển này tiếp theo chương Lục độ. 85. CHƯƠNG LỤC Độ (tt) 85.2. ...

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *