Home / Pháp Uyển Châu Lâm / PUCL - Tập 5 / PUCL QUYỂN 69 – CHƯƠNG THỤ BÁO

PUCL QUYỂN 69 – CHƯƠNG THỤ BÁO

– Đối với một con chim, mà con chưa biết rõ quá khứ và vị lai của nó, huống chi các pháp khác! Nêu con có được trí tuệ như Ngài, dẫu có vào địa ngục A-tỳ chịu khổ vô lượng kiếp, cũng không lấy làm khó!”.
79.8. QUẢ BÁO NHẤT ĐỊNH
Kinh Phật thuyết nghĩa túc ghi: “Đức Phật bảo vị Phạm chí:
– Người đời có năm việc không thể tránh khỏi: hao tổn, mất mát, bệnh tật, già yếu và chết”.
Kinh Phật thuyết tứ bất khả đắc ghi: “Sáng sớm, Đức Phật cùng với các vị tì-kheo và bồ-tát ôm bát vào thành Xá-vệ khất thực, cả bốn chúng cùng đi theo. Trên hư không, các trời rồng quỉ thần cũng bay theo rải hoa hương, trỗi nhạc cúng dường.
Bấy giờ, Đức Phật dùng đạo nhãn quán sát thấy có bốn anh em đồng sản lìa bỏ gia đình, sự nghiệp, vào núi tu tập và chứng được năm thần thông, đều thành tiên nhân. Vô thường đến, tự biết mạng sống sáp hết, nên họ muốn lẩn tránh, bèn bàn với nhau:
– Chúng ta đều có thần thông, bay trên hư không, tự do đi đến bất cứ nơi đâu, không gì ngăn ngại. Nhưng nay lại sắp bị vô thường cướp mất mạng sống, chúng ta nên tìm cách tránh khỏi tai họa này, không thể để nó đến được!
Thế rồi, một người cho rằng bay lên hư không để ẩn mình, vô thường làm sao có thể tìm được.
Một người cho rằng đi vào trong chợ để lánh thân, ở chỗ rộng lớn người đông đúc ôn ào, vô thường làm sao tìm được.
Một người cho rằng đi vào biển lớn, cách bờ ba trăm ba mươi sáu vạn dặm, lặn sâu xuống biển, ở khoảng giữa đáy và mặt nước, ở đó vô thường làm sao tìm được.
Một người tính vào trong núi lớn không người, tách quả núi làm đôi, rồi chui vào trong đó, khép quả núi lại, vô thường làm sao tìm được.
Bấy giờ, mỗi người theo cách của mình đi lánh nạn nhưng cuối cung cũng không thể thoát chết được.
Người trốn trong hư không thì tự rơi xuống đất, giống như quả chín rơi rụng. Người ở trong núi thì tự chôn mình, lại bị cầm thú ăn thịt. Người ở trong biển cũng chết, bị cá ăn thịt. Người vào trong chợ, cũng bị chết giữa đám đông người.
Đức Thế Tôn thấy vậy, cho họ là kẻ ngu si, không hiểu biết. Muốn bỏ oán của đời trước mà không trừ ba độc, chưa được tam đạt và tuệ vô cực, thì xưa nay chưa có ai thoát khỏi cái chết. Đức Phật liền tụng kệ:
Dù trốn trong hư không,
Hay lặn sâu giữa biển,
Hoặc chui vào lòng núi,
Để tự giấu thân mình.
Muốn tìm nơi không chết,
Việc ấy thật không thể,
Phải tinh tấn tu học,
Không thân mới được an!
Đức Phật bảo các tì-kheo: “Người đời có bốn việc không thể đạt được:
– Trẻ mãi không già: tuổi trẻ nhan sắc hồng hào, tóc đen, răng trắng, hình dáng xinh đẹp, khí lực sung mãn, đi đứng, ra vào thong dong tự tại, lên xe xuống ngựa, nhiều người hầu hạ, ai cũng ngưỡng mộ. Nhưng thoáng một chốc bỗng trở thành già nua, đầu bạc rănglong, da nhăn mặt sạm, thân thể nặng nề, đi đứng phải chống gậy, hơi hụt thở dài. Do đó, người muốn trẻ mãi không già, sẽ không bao giờ được,
– Khoẻ mãi không bệnh: thân thể cường tráng, xương cốt cứng cáp, đi đứng nhanh nhẹn, ăn uống tùy theo sở thích, trang điểm lộng lẫy, cho rằng không ai bằng mình, giương cung lắp tên, vung đao múa gậy. Như có ai hại, chẳng hề suy xét phải trái, chửi mắng nguyền rủa, cho là cường hào. Tự cho mình không bao giờ bị suy tổn. Đến khi lâm bệnh, nằm liệt trên giường, tay chân không cử động được, thân thể đau đớn như vừa bị đánh; tai, mắt, mũi, miệng không nghe, không thấy, chẳng biết mùi vị ngon dở, đứng ngồi phải nhờ người khác, tiêu tiểu tự tuôn rồi lăn trên đó, bao nhiêu khổ nạn khó mà kể hết. Giả sử có người muốn mãi mãi an vui khỏe mạnh, thì cũng không bao giờ được.
– Sống mãi không chết: muốn cầu sống lâu ở cõi đời này đến vô cùng, tránh khỏi bệnh chết. Nhưng mạng sống đã ngắn ngủi, mà còn ôm nỗi lo muôn kiếp. Tuổi thọ ít mà lo nhiều, chẳng hiểu vô thường, chạy theo năm dục, buông lung tâm ý, tạo ra các nghiệp giết hại, trộm cướp, dâm dật, nói đôi chiều ác khẩu, nói dối, ỷ ngữ, tham lam tà kiến, bất hiếu cha mẹ, không vâng lời thầy bạn, xem thường người lớn, phản nghịch vô đạo. Lại mong cầu giàu sang, cho rằng có thể trường tồn, xem thường thánh đạo; cho ta là hơn tất cả, ngã mạn tự cao, chạy theo danh vọng thế gian, chẳng biết nguyên do tạo lập trời đất, trong ngoài;chẳng hiểu rõ tứ đại do nhân duyên hợp thành, giống như nhà ảo thuật; không biết được thế gian hưng khởi xưa nay, không nghe theo lời chỉ dẫn, chẳng biết từ đâu sinh đến, chết đi về đâu? Tâm tại trời đất, cho đó là ta, khi vô thường đến, giống như gió thổi mây tan. Mong được sống lâu, nhưng mạng sống bỗng chốc tiêu tan, không được tự tại. Muốn vô thường không đến, thì chẳng bao giờ được.
– Mọi người không khổ: cha mẹ anh em, thân bằng quyến thuộc, bạn bè thân thích, ân ái thỏa thích, tiền của giàu sang, quan tước bổng lộc, xe ngựa dạo chơi, thê thiếp con cái, hưởng thụ dục lạc, ăn uống thỏa mãn, gia nô tồi tớ, không cần biết đến ai, luôn tự ngắm mình, bước đi ngạo nghễ, coi thường mọi người, cho mình là hơn tất cả; mắng chửi người làm, xem họ đồng súc vật, ra vào tùy tiện, không kể thời gian, chẳng suy sau trước; cho rằng mình đáng được có những quyến thuộc và tùy tùng như thế. Đến khi nghiệp xưa chín mùi thì như băng tuyết bị dội nước sôi, lòng mới hoảng hốt hoang mang, lúc này mới cầu xin cứu vớt hoạn nạn, thì làm sao mà như ý nguyện được? Than ôi! Mạng sống đã đoạn, quỷ thần dẫn đi. Lúc đó, dẫu cha mẹ anh em, vợ con thân tộc, bạn bè thân thích, quyến thuộc ân ái đều tự lo liệu riêng mình; quan tước của tiền, kẻ hầu người hạ cũng tự tan theo mỗi ngã. Mong được thoát chết, thì cũng không bao giờ được.
Đức Phật bảo các tì-kheo:
– Từ khi có trời đất đến nay, không ai thoát khỏi bốn khổ nạn này. Chính vì bốn khổ nạn này nên Ta mới thị hiện ở đời!’’
79.9. QUẢ BÁO BẤT ĐỊNH
Luận Thập trụ tì-bà-sa ghi: “Biết rõ pháp bất định là khi các pháp chưa sinh, chưa thể phân biệt”.
Kinh Phật phân biệt nghiệp ghi: “Đức Phật bảo A-nan:
– Có người, thân làm việc thiện, miệng nói lời thiện, ý nghĩ điều thiện mà sau khi chết bị rơi vào địa ngục. Có người, thân làm việc ác, miệng nói lời ác, ý nghĩ điều ác mà sau khi chết lại được sinh về cõi trời!
A-nan bạch Đức Phật:
– Bạch Đức Thế Tôn! Vì sao như thế?
Đức Phật dạy:
– Do nghiệp nhân tội phúc đời trước của người này đã chín, nghiệp nhân tội phúc ở đời nay chưa chín; hoặc lúc sắp chết, tâm chính kiến hoặc tà kiến, thiện hay ác khởi lên nên đưa đến như thế. Tâm thức của người lúc sắp chết có năng lực rất lớn”.
Kinh Tăng nhất A-hàm ghi: “Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo các thầy tì-kheo:
– Ở đời có bốn hạng người: có người trước khổ, sau vui; có người trước vui, sau khổ; có người trước khổ, sau càng khổ; có người trước vui, sau cũng vui.
Thế nào là người trước khổ, sau vui?
Có người sinh vào nhà thấp hèn, nghèo khó không đủ cơm ăn, áo mặc. Nhưng nhờ không có tà kiến, nên người ấy biết được quả báo của công đức bố thí đời trước, sẽ cảm sinh vào nhà giàu sang; nếu nay không bố thí thì mai sau sẽ sinh vào nhà nghèo khó, không có đủ cơm ăn, áo mặc. Biết vậy, người này liền hướng tâm cầu sám hối, ăn năn, sửa đổi lỗi lầm xưa kia. Tất cả của cải có được đem chia cho mọi người. Người này đời sau, nếu được sinh vào loài người, thì có nhiều tiền tài của báu, không bị thiếu thốn.
Thế nào là người trước vui, sau khổ?
Có người được sinh vào nhà dòng dõi quí tộc, cơm áo đầy đủ, nhưng người này tà kiến và biên kiến, nên đời sau ắt sinh vào địa ngục. Nếu được sinh làm người, thì sinh vào nhà nghèo cùng, không đủ cơm ăn áo mặc.

About namcuulong

Check Also

PUCL QUYỂN 66 – CHƯƠNG OÁN KHỔ

QUYỂN 66 Quyển này có một chương Oán khổ. 77. CHƯƠNG OÁN KHỔ 77.1. LỜI ...

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *