– Nhà ông chưa hết tai họa đâu! Do ông tin thờ thần người Hồ mà ra. Nếu ông tin đạo lớn, nhất định sẽ được phúc, nếu không thay đổi sẽ rước lấy họa diệt môn.
Thế là ông vội mời đạo sĩ đến nhà, không tin thờ Phật pháp nữa. Ngụy Phả lại bảo:
– Ông đốt hết kinh tượng, thì mới trừ được tai họa.
Ông nghe theo, liền đóng cửa phóng hỏa đốt tinh xá, lửa cháy mạnh hồi lâu mà chỉ ngôi nhà bị cháy, còn kinh tượng, tràng phan, tòa ngồi vẫn y nhiên như cũ. Nửa đêm hôm ấy, tượng Phật phóng ánh sáng rực rỡ. Lúc ấy hai mươi đạo sĩ tận mắt chứng kiến, có người trong lòng sợ hãi sự linh nghiệm này, nên âm thầm bỏ đi. Thế nhưng thầy trò Ngụy Phả vẫn còn chống báng mạnh mẽ, bọn họ xỏa tóc, cầm kiếm, dây lụa bước theo bộ pháp, miệng lớn tiếng hô: “Đuổi Phật về nước Hồ, không được lưu lại Trung Hạ làm hại nhân dân!”. Đêm đó Lưu Linh giống như bị nhiều người đánh té ngã trên đất. Người nhà đỡ dậy, hơi thở thoi thóp, tay chân tê liệt không thể đi đứng được. Bấy giờ thân thể Ngụy Phả mọc đầy ung nhọt, ngày chảy ra hai thăng máu mủ, chưa đến một tháng chịu đau đớn thì chết. Còn đồng bọn của Ngụy Phả cũng đều bị bệnh hủi.
Lúc ấy có rất nhiều người thấy việc này. Thái thú Đông An Thủy Khâu Hòa là hàng xóm, truyền việc này khắp vùng Đồng Dương.
70.3.4. Đời Lương, sa-môn Diễm, chùa Chiêu-đề: Sư xuất gia từ thuở nhỏ, lúc còn là sa-di, một thầy tướng giỏi nói với sư:
– Tuy thầy rất thông minh, trí tuệ nhạy bén, nhưng tuổi thọ ngắn ngủi, chỉ còn khồng quá mười ngày nữa!”
Sư nghe lời này, liền thỉnh các đại đức cùng luận bàn, nên tạo phúc gì để thọ mạng kéo dài. Sau cùng các đại đức bảo:
– Theo thánh giáo, công đức thụ trì kinh Kim cang Bát-nhã là lớn nhất, nếu siêng năng thụ trì, nhất định tuổi thọ sẽ kéo dài.
Sư theo lời dạy của các đại đức, lập chí vào núi, chuyên tâm thụ trì kinh Kìm cang Bát-nhã hơn năm năm. Thế là tuổi thọ đã được kéo dài, một hôm sư rời núi, gặp lại thầy tướng năm xưa. Thấy sư, thầy tướng vô cùng kinh ngạc, hỏi:
– Thời gian gần đây, ngài tu tạo công đức gì mà tuổi thọ kéo dài như thế?
Sư bèn thuật lại những việc đã làm. Thầy tướng ca ngợi, chúc mừng không thôi, về sau học vấn của sư tiến bộ vượt bậc, chuyên hoằng dương kinh luận,
nghiên cứu Phật pháp, đứng đầu trong các đại đức. Sư thọ đến hơn chín mươi tuổi và thị tịch tại chùa này.
70.3.5. Đời Lương, sa-môn Trí Tạng chùa Khai Thiện, Chung sơn: Sư họ cố, người quận Ngô. Thời bấy giờ có một bà già nhà quê rất giỏi tướng số, đoán chuyện cát hung cho người, trăm không sai một. Bà nói với sư: “Pháp sư thông minh, luận biện hơn người, nổi tiếng khắp thiên hạ. Nhưng chỉ tiếc là thọ mạng không được dài lâu, chỉ đến ba mươi mốt mà thôi”. Lúc ấy sư đã hai mươi chín tuổi, khi nghe lời này, sư bỏ hết việc giảng thuyết, chỉ chuyên tâm tu đạo, phát nguyện kiên cố không ra khỏi chùa.
Sư tìm gặp được bộ kinh Kim cang Bát-nhã trong tạng kinh, liền phát nguyện suốt đời thụ trì đọc tụng. Đến ngày cuối cùng của năm vận ách, sư dùng nước thơm tắm gội sạch sẽ, vào tĩnh thất tụng kinh đợi chết. Một lát sau, bỗng nghe trong thất có tiếng nói:
– Này thiện nam! Năm vừa qua, ngươi ba mươi mốt tuổi, là lúc hết tuổi thọ, nhưng nhờ uy lực kinh Kim cang Bát-nhã, nên tuổi thọ tăng đôi.
Sau đó sư xuất sơn, thử gặp lại bà lão xem tướng trước kia. Vừa thấy sư, bà ấy vô cùng kinh ngạc hỏi:
– Vì sao pháp sư vẫn còn sống? Trước kia tôi thấy sư có tướng đoản thọ, nay hoàn toàn không còn. Thật không thể xem tướng cho sa-môn được!
Sư liền hỏi:
– Như nay tôi thọ được bao nhiêu?
Bà lão đáp:
– Nhìn xương cốt của pháp sư, nhất định thọ hơn sáu mươi.
Sư nói:
– Năm mươi tuổi mà chết, đã chẳng phải là yểu mạng, huống chi hơn.
Sư liền thuật lại nguyên nhân tuổi thọ kéo dài, bà lão vui mừng và vô cùng kính phục. Sư cũng ghi nhớ lời dự đoán của bà lão về tuổi thọ của mình. Thế là tăng tục vùng Giang Tả chí thành trì tụng kinh này và cũng có ứng hiện nhiều điềm lành. Đó là bắt đầu từ sư cơ cảm vậy.
Vào ngày mười lăm tháng chín niên hiệu Phổ Thông thứ ba, sư thị tịch tại chùa, thọ sáu mươi lăm tuổi.
70.3.6. Đời Hậu Chu, Trương Nguyên: Ông người ở Vạn Thành, Hà Bắc, tự là Hiếu Thủy. Năm ông mười sáu tuổi, ông nội bị mù. Ông buồn khóc ba năm, ngày đêm tụng kinh hành đạo để cầu phúc. Khi xem kinh Dược Sư, thấy có đoạn ghi: “Người mù được mắt sáng.”, ông bèn thỉnh bảy vị tăng, đốt bảy ngọn đèn, liên tiêp bảy ngày bảy đêm trì tụng kinh Dược Sư. Mỗi ngày hành đạo, ông thường phát nguyện: “Nguyên làm cháu mà bất hiếu, khiến cho ông phải chịu mù lòa, nay nhờ ánh đèn chiếu soi khắp pháp giới thì ông mới sáng. Con nguyện chịu mù lòa thay cho ông nội”.
Thiết tha như thế, trải qua bảy ngày. Một đêm, ông mộng thấy có ông lão cầm cây kim vàng khêu mắt cho ông nội và bảo:
– Chớ lo buồn! Ba ngày sau mắt của nội ngươi sẽ sáng!_ Ông vô cùng vui mừng, giật mình tỉnh giấc. Sau đó ông kể lại việc này cho mọi người trong gia đình biết. Ba ngày sau quả nhiên mắt của ông nội sáng tỏ.
