Người vợ lại hỏi:
– Nếu tôn giả Ca-diếp, Mục-kiền-liên, Tu-bồ-đề, Xá-lợi-phất v.v… và Đức Phật đều đến ông phải làm sao?
Tu-đạt cũng đáp:
– Tôi sẽ nhịn ăn để cúng dường hết cho các
vị ấy.
Lúc ấy người vợ liền kể:
– Sáng nay các vị ấy đã đến khất thực, có bao nhiêu thức ăn tôi đều cúng dường hết.
Tu-đạt nghe rồi rất vui mừng, liền bảo vợ:
– Chúng ta đã hết tội, phúc sẽ sinh.
Nói rồi liền mở kho ra thì lúa gạo, vải vóc và các thức ăn uống tự nhiên đầy đủ, hễ dùng hết chúng lại sinh. Phúc báo như thế không thể kể xiết”.
Kinh Tạp thí dụ ghi: “Vào thời quá khứ, trưởng giả Tu-đạt trải qua bảy đời nghèo khổ, đến đời cuối cùng nghèo đến nỗi không có một đồng. Một hôm ông nhặt trong đất dơ được mọt cái thăng bằng gỗ chiên-đàn, mang ra chợ bán, mua được bốn thăng gạo đem về và bảo vợ:
– Bà hãy nấu một thăng, tôi sẽ đi kiếm rau quả về rồi chúng ta cùng ăn.
Bấy giờ, Đức Phật’ nghĩ: ‘Ta phải độ Tu-đạt, để ông ấy lại được phúc’. Vợ Tu-đạt nấu cơm vừa chín thì Đức Phật và các đệ tử Xá-lợi-phất, Mục-kiền-liên, Ca-diếp đồng đến. Bốn thăng gạo đều được nấu hết và lần lượt mang ra cúng dường, về sau ông rất giàu có, thường thỉnh Phật và chúng tăng đến cúng dường. Đức Phật nói pháp cho hai ông bà nghe, họ đều chứng đắc quả vị”
Kinh Bồ-tát bản hạnh ghi: “Lúc trước, nhà trưởng giả Tu-đạt rất nghèo. Nhớ nghe Phật thuyết pháp, thân tâm ông thanh tịnh, đăc quả A-na-hàm. Lúc đó, gia đình chỉ còn năm đồng tiền, nhưng ông mang ba đồng đến cúng dường Phật, pháp, tăng; một đồng mua thức ăn, một đồng để dành làm vốn. Nhờ thế mỗi ngày ông đều có một đồng tiền dùng không bao giờ hết. Sau đó, ông thụ năm giới, đoạn dứt tâm dục. Các bà vợ đều thuận theo niềm vui của ông. Một hôm, vợ ông rang gạo làm bột, sơ ý để lửa cháy chết người và súc vật. Vì việc ấy, vua Ba-tư-nặc ra lệnh cấm: ‘Từ nay ban đêm không được thắp đèn, đốt lửa. Nếu ai phạm sẽ bị phạt một nghìn lượng vàng’
Bấy giờ, Tu-đạt đã đắc đạo, sớm hôm thiền định tại nhà. Vào nửa đêm, ông thắp đèn tọa thiền, quan quân tuần tra bắt được tâu vua. Vua lệnh ông phải nộp phạt. Tu-đạt tâu:
– Thần nghèo khổ một trăm đồng cũng không có, lấy đâu ra một nghìn để nộp phạt.
Vua nổi giận, sai lính bắt giam vào ngục. Tứ thiên vương trông thấy, đầu đêm liền bay xuống nói với Tu-đạt:
– Tôi sẽ cho ông tiền nộp phạt để được thả ra!
Tu-đạt liền thuyết kinh cho Tứ Thiên vương. Thiên vương nghe xong liền đi. Giữa đêm Đế Thích đến nghe pháp, cuối đêm Phạm thiên đến; trưởng giả đều thuyết pháp cho các vị trời ấy. Nghe xong họ trở về thiên cung.
Đêm ấy, vua ở trên lầu cao, bỗng thấy trên ngục phát ra ánh sáng. Hôm sau, vua sai người đến nói với Tu-đạt:
– Ông thắp đèn nên bị giam vào ngục, không biết hổ thẹn hay sao mà còn tiếp tục đốt lửa?
Tu-đạt đáp:
– Tôi không đốt lửa. Nếu đốt thì phải có khói và tro.
Sứ thần lại nói:
– Tại sao đầu đêm vua thấy bốn đốm lửa, giữa đêm lại có một đốm lửa lớn và sáng hơn bốn đốm lửa trước, cuối đêm cũng có một đốm lửa, sáng hơn gấp đôi. Ông nói không phải lửa, vậy đó là gì?
Tu-đạt đáp:
– Đó chẳng phải là lửa! Đầu đêm Tứ Thiên vương đến gặp thần, giữa đêm trời Đế Thích đến, cuối đêm thì Phạm thiên đến. Đó là ánh sáng của các vị trời chứ chẳng phải lửa.
Sứ thần liền trở về tâu vua. Vua nghe như thế, toàn thân rúng động. Vua nói:
– Người này phúc đức đặc biệt như vậy, sao ta lại làm nhục?
Vua liền lệnh cho sứ thần:
– Hãy thả ông ấy ngay, không được chậm trễ!
Quan giữ ngục liền thả ra. Được thả, Tu-đạt liền đi đến tinh xá, đỉnh lễ Đức Phật và ngồi lại nghe pháp.
Khi ấy, vua Ba-tư-nặc cũng bảo quần thần chuẩn bị xa giá, đi đến chỗ Phật. Thấy vua, nhân dân đều đứng dậy tránh ra. Chỉ có Tu-đạt đang lắng tâm nghe pháp, nên dù thấy vua, ông vẫn ngồi yên. Trong lòng vua hơi bực tức nghĩ rằng: ‘Người này là thần dân của ta mà có tâm xem thường, thấy ta không đứng dậy’. Nghĩ thế, vua càng tức giận. Phật biết tâm ý vua, nên ngừng thuyết pháp.
Vua bạch Phật:
– Xin Đức Thế Tôn hãy giảng tiếp!
Đức Phật bảo:
– Lúc này không thích hợp. Vì sao? Vì có người khởi sân giận, thắt chặt oán thù, không chịu cởi bỏ, tham đắm nữ sắc, tự cao bất kính, lòng đầy ô nhiễm, dù nghe pháp vi diệu cũng không thể hiểu được. Do đó, chẳng phải lúc thuyết pháp cho vua.
Vua nghe nói thế, suy nghĩ: ‘Vì người này mà hôm nay ta hai lần bị giảm uy, lại khởi tâm sân, không được nghe pháp’. Vua đỉnh lễ Phật và đi về. Khi ra ngoài vua nói với cận thần:
– Nếu thấy người này ra hãy chém đầu.
Vua vừa dứt lời, lập tức bốn phía cọp sói, sư tử, các loài thú dữ đều đến vây quanh vua. Vua hoảng sợ, liền trở lại chỗ Phật. Phật hỏi:
– Sao đại vương quay lại?
Vua đáp:
– Trẫm sợ thú dữ nên trở lại.
Phật chỉ Tu-đạt hỏi:
– Đại vương có biết người này chăng?
Vua đáp:
– Không biết.
Phật nói:
– Người này đã đắc quả A-na-hàm. Vì vua khởi tâm ác với người này nên xảy ra những việc như thế. Nếu đại vương không quay lại ắt sẽ nguy hại tính mạng.
Nghe Phật nói, vua rất kinh sợ, liền đỉnh lễ Tu-đạt, cầu sám hối và nói:
– Ông là dân của ta, mà ta chịu hạ mình trước ông thật là việc khó.
Tu-đạt tâu:
– Tôi nghèo mà bố thí mới là khó.
Bấy giờ, Thi-ba-sư-chất nói: ‘Tôi vì nước dẹp loạn, bị giặc bắt. Tuy gần kề cái chết vẫn không nói dối, đó cũng là điều khó’. Lại có trời Thi-ca-lê nói: ‘Tôi nằm nghỉ trên lầu cao, thiên nữ đến quyến rũ, giữ giới mà khước từ mới thật là khó’.
Khi ấy, mỗi người ở trước Đức Phật nói bài kệ: Nghèo cũng khó bố thí,
Giàu sang khó nhẫn nhục,
Hiểm nguy khó giữ giới,
Tuổi trẻ khó bỏ dục.
Nghe thuyết kệ rồi, vua và nhân dân đều hoan hỉ đỉnh lễ lui ra”.
64.4. BẦN NHI
Kinh Biện Ý trưởng giả tử ghi: “Lúc ấy, trưởng giả Biện Y đỉnh lễ Đức Phật và chắp tay bạch rằng:
– Cúi mong Đức Thế Tôn và thánh chúng, ngày mai hạ cố đến xóm nghèo chúng con thụ thực.
Tags bần nhi bần nữ bần tiện phú quý
Check Also
PUCL QUYỂN 67 – CHƯƠNG OÁN KHỔ (tt)
QUYỂN 67 Quyển này tiếp theo chương khổ. 77. CHƯƠNG OÁN KHỔ (tt) 77.6. CÁC ...