Home / Pháp Uyển Châu Lâm / PUCL - Tập 5 / PUCL QUYỂN 56 – CHƯƠNG PHÚ QUÝ VÀ BẦN TIỆN

PUCL QUYỂN 56 – CHƯƠNG PHÚ QUÝ VÀ BẦN TIỆN

– Thiên hạ mới loan lạc, ông may mắn không tham dự vào. Cuối cùng đến lúc thái bình, ông sẽ được giàu sang.
Nói xong, vị tăng vội ra đi, ông tiễn ra đến cửa thì vị tăng biến mất, ông vào nhà thụ trai, trong bát của ông bỗng nhiên có hai hạt xá-lợi. về sau đúng như lời vị tăng đã dự đoán.
63.3.6. Đời Đường, Thượng thư bộ Hộ, Vũ Xương công Đới Văn Trụ: Lúc trẻ ông từng kết giao với quan Biệt giá Thư châu là Thẩm Dụ. Niên hiệu Trinh Quán thứ bảy (633), ông qua đời. Đến tháng tám niên hiệu Trinh Quán thứ tám, Thẩm Dụ mộng thấy mình đi trên con đường phía tây nam phường Nghĩa Ninh tại kinh đô, bỗng nhiên gặp Văn Trụ mặc áo cũ rách, thân hình tiều tụy. Thẩm Dụ thấy vậy vừa mừng vừa buồn, hỏi:
– Lúc còn sống huynh chuyên tu phúc, ngày nay huynh thế nào?
Văn Trụ đáp:
– Lúc còn sống, do tôi tâu sai, giết lầm người; sau khi tôi chết mọi người lại giết dê để cúng tế tôi. Do hai tội này mà tôi phải chịu thống khổ không thể nói hết, nhưng nay cũng hết rồi. Lúc còn sống, tôi và huynh kết giao rất thân thiết, nhưng không giúp huynh thăng quan vị, điều này làm tôi hận mãi trong lòng. Nay huynh sẽ được thăng hàm Ngũ phẩm, văn thư đã dâng lên Thiên tào. Giúp được huynh, tôi rất mừng, cho nên đến báo.
Vừa nghe nói xong thì Thẩm Dụ thức giấc, sau đó thuật lại với mọi người, mong rằng mộng sẽ ứng nghiệm. Mùa đông năm ấy, Thẩm Dụ lên kinh ứng tuyển nhân tài, nhưng vì có tội cất chứa đồng, nên bị phạt không được ban quan tước. Dụ nói với mọi người là mộng không linh nghiệm. Sang mùa xuân, niên hiệu Trinh Quán thứ chín, Thẩm Dụ trở về Giang Nam, khi đi đến Từ châu, bỗng nhiên có chiếu đến trao cho Thẩm Dụ hàm Ngũ phẩm làm Trị trung Vụ châu. Lâm đang làm Lại bộ thị lang nghe tin, mời Thẩm Dụ đến han hỏi.
64. CHƯƠNG BẦN TIỆN
64.1. LỜI DẪN
Phàm nghèo giàu sang hèn, đều do nghiệp nhân đời trước; được mất, có không đều do hành động kiếp xưa. Cho nên trong kinh ghi: “Muốn biết nhân đời trước, phải xem quả hiện tại. Muốn biết quả vị lai thì nhìn nhân hiện tại”.
Do đó, nhà của Nguyên Hiến, lều của Kiềm Lũ, vách phên trống trải không ngăn được gió bụi, mái tranh vách lá không che được sương móc. Họ lấy rơm cỏ làm chiếu, dùng lá sen làm áo; nếu khâu vai thì trống hai tay; nếu vá hai tay thì vạt đều thiếu; ăn uống nhờ hàng xóm, ngủ nương nơi mồ hoang; một cái mũ đội đến mười năm, thân mặc áo vá trăm mảnh. Nơi quê hương không ruộng vườn, đến Lạc Dương lại không có chỗ nương tựa, lang thang vô định, vất vưởng qua ngày. Tuy xấu hổ như Linh Triếp vẫn bị nạn đói ở Ế Tang, dù thẹn như Bá Di cũng phải chịu khổ ở Thủ Dương. Áo quần thiếu thốn nào thấy được nắng xuân, gạo cơm không có sao sống qua đông rét? Tất cả chỉ vì đời trước không bố thí giúp người, lại tham lam, bỏn xẻn, đến nỗi quả báo lành sớm cạn sạch. Vì thế, hành giả phải nên bố thí.
64.2. DẪN CHỨNG
Kinh Đăng chỉ nhân duyên ghi: “Người nghèo giống như ở địa ngục: không có nơi nương tựa cậy nhờ, lòng buồn lo xốn xang hơn lửa đốt, nhan sắc suy tàn, mất vẻ uy nghiêm, thân thể ốm yếu, đói khát bức bách, hai mắt lõm sâu, da bọc xương, gân mạch nổi lên, đầu tóc bù xù, tay chân teo tóp, da dẻ xanh xao, toàn thân nứt nẻ. Lại nữa, không có áo quần, phải lượm những vải xấu trong phân rác kết lại để mặc, nhưng chỉ đủ che thân, còn tay chân phải lộ; nằm trên rác bẩn, lại không có chiếu chăn, người thân trông thấy cũng không nhận ra, lang thang khắp ngõ xin ăn như quạ đói; muốn đến nhà bạn bè quen thân cậy nhờ, thì người gác cổng không cho, lén vào thì bị sỉ nhục; chủ nhà nhìn thấy còn muốn đánh đập. Người ấy cúi đầu lạy lục xin tha, chủ nhà khinh miệt không thèm để ý. Giả sử được vào thì chủ nhà khinh rẻ, không muốn nói chuyện, cũng không mời ngồi, cho chút cơm thì ném vào trong bát, không đủ no lòng. Giả sử gặp hội lớn, lần đến xin thức ăn thừa thì bị người khinh miệt không mời ngồi, trái lại còn xua đuổi.
Người nghèo giống như cây không hoa, nên ong bướm chăng vãng lai; như cỏ lá bị sương muối nên tàn tạ héo úa; như hồ cạn nước, nên hồng nhạn không bay đến; như rừng bị thiêu đốt nên các loài hươu nai bỏ đi; như ruộng lúa đã gặt xong nên không có người đến nhặt. Ngày nay nghèo khổ, kể chuyện giàu sang ngày trước thì mọi người không tin, cho là nói khoác. Người nghèo không biết về đâu, giống như cánh đồng bị thiêu rụi thành tro, không ai thích đến; như cây khô không bóng mát, nên mọi người không muốn dừng chân; như lúa non bị sương móc không thể thu hoạch; như rắn độc thường bị mọi người xa lánh; như thức ăn có độc chẳng ai dám nếm; như mồ hoang không người lui tới; như nhà xí chứa toàn phân tiểu; như kẻ giết người bị mọi người ghét bỏ.
Người nghèo dù nói đúng, người khác cũng cho là sai, hoặc có làm điều tốt, mọi người cũng cho là xấu. Nếu làm nhanh thì người trách thô tháo, nếu thong thả thì bị trách là làm cao. Giả sử khen ngợi thì người ta cho là dua nịnh, nếu không khen ngợi thì người ta cho là chê bai. Họ cho ràng người nghèo này thường không nói lời hay đẹp. Nếu có dạy ai điều gì thì người ta đều cho là hư dối, nếu giải thích đầy đủ thì người ta bảo là lắm lời. Nếu im lặng thì bị cho là giấu lòng, nếu nói thẳng ra thì bị cho là thô thiển. Nếu thỉnh ý người thì bị cho là nịnh hót, còn thường gần gũi thì bị cho là mê hoặc người, ngược lại thì bị cho là kiêu căng. Nếu thuận theo lời người thì bị cho là lấy lòng, còn không thuận theo thì bị nói là tự chuyên. Nếu khuất phục theo thì bị mắng là hèn yếu, còn trái lại thì bị nói người nghèo mà còn cậy mình.
Người nghèo nếu cư xử phóng khoáng một chút thì bị cho là ngu si, không biết kiềm chế, tự thúc liễm thì bị nói là không liêm sĩ dối cho là đoan chính. Nếu vui quá trớn thì bị nói là lừa dối, ngông cuồng. Nếu buồn rầu thì bị cho là có lòng hiểm ác, không vui. Nếu nghe người nói có chỗ chưa rõ ràng bèn muốn giải thích tường tận, thì bị cho rằng muốn dùng ngu thay trí, thật không biết xấu hổ. Nếu im lặng thì bị cho rằng ngu si không biết lí lẽ. Có nói đùa một chút thì bị cho rằng không tin tội phúc. Nếu có xin điều gì thì bị nói không xứng đáng, không biết liêm sỉ. Nếu không xin thì bị cho rằng nay không xin, nhưng sau đó lại mong được nhiều. Nếu trích dẫn lời trong kinh sách thì nói giả vờ thông minh; còn nói lời chất phác thì bị chê là ngu đần.
Người nghèo nếu nói sự thật trước công chúng, lại bị bảo là nói càn. Nếu nói lời ngay thật ở nơi vắng lại bị cho là gièm pha. Nếu như mặc áo mới thì mọi người nói mượn để làm đẹp, mặc y phục thô xấu thì bị chê là nghèo cùng khốn khổ. Nếu ăn nhiều thì bị cho là đói khát ham ăn. Nếu ăn ít thì bị cho là trong bụng đói mà giả vờ trong sạch. Nếu nói kinh luận thì bị cho rằng khoe sự hiểu biết của mình để bày cái dốt của người; còn nếu không nói kinh luận thì bị cho rằng ngu si, không biết gì, chỉ đáng chăn trâu. Nếu kể lại sự nghiệp ngày xưa thì bị cho là khoe khoang dối trá, còn im lặng thì bị nói là gia đình thâp hèn.
Những người nghèo cùng, mọi hành động, nói năng, cử chỉ đều bị cho là lỗi lầm. Còn người giàu sang thì dù nói phi pháp cũng không mắc lỗi, những hành động và việc làm của họ đều được cho là đúng. Người nghèo cùng giống như quỉ khởi thi, tất cả đều kinh sợ, gặp họ như gặp chứng bệnh khó chữa trị. Người nghèo như ở giữa đồng hoang, hiểm trở không có cỏ nước; như rơi vào biển lớn, bị dòng nước mạnh nhận chìm; như cổ bị nghẹn không thở được; như mắt mờ không thấy đường đi; như chất dơ bám dày khó tẩy trừ; như oan gia, tuy cùng ở chung, nhưng không bỏ được tâm oán ghét; như giếng khô nóng bức, người rơi xuống đó thì không thở được; như bị lún vào bùn sâu không thể bước ra; như nước lũ từ núi dốc cuốn trôi và ngã đổ cây cối. Người nghèo cũng thế, lắm nỗi gian nan.
Người giàu sang có uỵ đức lớn, dáng vẻ thong dong, tâm lượng rộng lớn, đầy đủ lễ nghi, hay sinh trí dũng, gia nghiệp hưng thịnh, quyến thuộc thuận hòa, tiếng tốt vang xa.
Nhưng tất cả người đời cũng không nên tham đắm phú quí vinh hoa; được trời người tôn quí cũng không nên quá thích. Phải biết nghèo hèn rất khổ sở, muốn chấm dứt sự nghèo khổ thì không nên bỏn xẻn, tham lam”.
Vì thế trong kinh ghi: “Nghèo là nỗi khổ lớn nhất”.
64.3. TU-ĐẠT
Kinh Tạp bảo tạng ghi: “Thuở Đức Phật còn tại thế, có trưởng giả Tu-đạt nghèo khổ, không có tài sản. Hằng ngày ông đi làm thuê được bốn thăng gạo đem về nấu cơm. Một hôm, ngài A-na-luật đến nhà khất thực, vợ trưởng giả cúng dường đầy bát. Sau đó, các ngài Tu-bồ-đề, Ca-diếp, Mục-kiền-liên và Xá-lợi-phất v.v… cũng lần lượt đến, đều được bà cúng dường đầy bát. Cuối cùng, Đức Phật đến, bà cũng cúng dường đầỳ bát cơm. Tu-đạt về đến nhà bảo vợ dọn cơm, người vợ liền nói:
– Nếu tôn giả A-na-luật đến, ông có cúng dường thức ăn không?
Tu-đạt đáp:
– Thà tôi nhịn ăn để cúng dường tôn giả.

About namcuulong

Check Also

PUCL QUYỂN 67 – CHƯƠNG OÁN KHỔ (tt)

QUYỂN 67 Quyển này tiếp theo chương khổ. 77. CHƯƠNG OÁN KHỔ (tt) 77.6. CÁC ...

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *