Vua hỏi Thụ-đề:
– Nhà khanh thật có chuyện như vậy sao? Vậy thì khanh hãy trở về lo chuẩn bị, trẫm sẽ dẫn hai mươi vạn người đến nhà khanh xem.
Thụ-đề tâu:
– Xin bệ hạ cùng theo thần, không cần phải chuẩn bị trước. Nhà của thần giường chiếu tự nhiên Sắp sẵn, không cần người trải, thức ăn tự nhiên hiện ra không cần người nấu, món ăn tự nhiên mang đến không cần gọi, ăn xong tự nhiên mang đi không cần dọn dẹp.
Bấy giờ, vua dẫn hai mươi vạn người đi từ cửa phía nam vào nhà Thụ-đề. Khi vừa bước vào, thấy có một thiếu niên tướng mạo khôi ngô rất đáng yêu, vua hỏi Thụ-đề:
– Đây là con của khanh ư?
Thụ-đề đáp:
– Đó là người gác cửa của thần.
Vua và mọi người đi về phía trước, vào cửa trong thấy có một thiếu nữ, dung mạo xinh đẹp, da dẻ mịn màng tươi sáng, thật đáng yêu.
Vua hỏi Thụ-đề:
– Người này là con gái hay vợ của khanh?
Thụ-đề tâu:
– Đó là tớ gái gác cửa nhà thần.
Đoàn người đi thêm một đoạn ngắn thì đến trước tòa nhà chính. Thấy tường xây bằng bạc trắng, nền bằng thủy tinh, vua tưởng là nước nên không dám bước vào. Thụ-đề dẫn vua vào nhà, mời ngồi giường vàng, ghế ngọc.
Vợ trưởng giả ở phía trong, sau môt trăm hai mươi lớp màn làm bằng bạc, vén màn bước ra hành lễ. Thấy trong mắt bà ngấn lệ, vua hỏi Thụ-đề:
– Khi vợ khanh thi lễ trẫm, tại sao lại khóc?
Thụ-đề tâu:
– Thần không dám dối bệ hạ. Vợ thần ngửi mùi khói trên thân bệ hạ, nên chảy nước mắt.
Vua nói:
– Dân thường đốt đèn bằng mỡ, chư hầu đốt bằng mật, thiên tử đốt bằng sơn. Sơn vốn không có khói, làm sao chảy nước mắt được?
Thụ-đề tâu:
– Nhà thần có viên thần châu minh nguyệt treo trên điện, đêm ngày đều sáng, nên khồng cần đốt lửa.
Trước nhà Thụ-đề có một tòa lầu cao mười hai tầng, Thụ-đề dẫn vua lên đó ngắm nhìn chung quanh, thoáng chốc đã hết một tháng.
Đại thần tâu vua:
– Tâu bệ hạ! Việc nước quan trọng, xin ngài hãy trở về cung!
Vua bảo:
– Hãy ráng một lát nữa rồi trở về.
Vua lại đi dạo quanh vườn, ao tắm, bỗng chốc trải qua một tháng nữa. Các vị đại thần thưa, vua cũng trả lời như trước.
Bấy giờ, Thụ-đề xuất kho, đem bảy báu và lụa là gấm vóc cấp cho hai mươi vạn người kia, người và ngựa mang vác không xuể.
Khi trở về cung, vua nói với các quần thần:
Thụ-đề là dân của trẫm mà nhà cửa, vợ con đều hơn trẫm. Trẫm có thể xuất binh đánh ông ta để chiếm lấy không?
Các vị đại thần đều tâu:
– Tâu bệ hạ! Hãy chiếm lấy!
Vua dẫn bốn mươi vạn binh, khua chuông gióng trống đến vây quanh nhà Thụ-đề vài trăm lớp. Lúc ấy, tại cửa nam của nhà Thụ-đề có một lực sĩ, tay cầm gậy vàng khua một cái, lập tức bốn mươi vạn binh và ngựa đều té nhào, tay chân quờ quạng, thân thể lảo đảo như người say rượu, đầu óc choáng váng không thể đứng dậy được.
Bấy giờ, Thụ-đề cỡi xe vân mẫu đến hỏi mọi người:
– Các ngươi bị thương ra sao mà nằm trên đất không chịu đứng dậy?
Mọi người đáp:
– Đại vương sai chúng tôi đến đánh chiếm nhà trưởng giả, nhưng bị người lực sĩ cầm gậy vàng đánh, tất cả bốn mươi vạn người và ngựa đều ngã, không thể đứng dậy được.
Thụ-đề hỏi:
– Các ngươi muốn đứng dậy không?
Mọi người đều đáp:
– Chúng tôi muốn đứng dậy.
Thụ-đề liền dùng thần lực làm cho bốn mươi vạn người và ngựa đều đứng dậy, rồi đồng loạt trở về nước.
Lúc ấy, vua liền gọi Thụ-đề-già ngồi cùng xe đi đến chỗ Phật, vua thưa:
– Bạch Đức Thế Tôn! Đời trước Thụ-đề-già đã tạo công đức gì mà nay được hưởng phúc báo như thế?
Đức Phật đáp:
– Đại vương hãy lắng nghe! Đời trước có năm trăm thương buôn trên đường đi; ngang qua một vùng núi hiểm trở, gặp một vị tăng bị bệnh. Một người trong đoàn cúng dường lều chõng, lương thực, đèn đuốc cho vị tăng. Người ấy cầu nhiều điều ước, như cầu chư thiên từ hư không xuống cúng dường. Bấy giờ, vị tăng mới hiện mười tám thứ thần biến, phóng ánh sáng rực rỡ chiếu khắp thiên hạ, đồng thời còn phát nguyện khi thành Phật sẽ phá tan núi Thiết Vi, chảo dầu sôi nở hoa, địa ngục ngát hương chiên-đàn, ngạ quỉ trở thành sa-môn, la-sát ngồi tụng kinh. Năm trăm thương nhân thấy thế, liền mang cầc vật báu đến cúng dường. Do cung cấp cho vị tăng bệnh, nay tất cả các thương buôn đều được phúc báo. Người cúng dường lúc ấy chính là Thụ-đề, vị tăng bệnh là Ta, năm trăm thương nhân đều đắc quả A-lạ-hán”.
Kinh Bách duyên ghi: “Một thời, Đức Phật an trú tại Kì Thụ cấp Cô Độc Viên, thành Xá-vệ. Bấy giờ, trong thành có một trưởng giả tên là Thiện Hiền. Ông ta rất giàu, của cải nhiều vô lượng, không thể tính kể. Vợ ông mang thai đủ mười tháng thì sinh được bé gái vô cùng xinh đẹp, ít có trong đời, trên đỉnh đầu tự nhiên có một hạt châu sáng rưc chiếu khắp thành, cha mẹ rất vui mừng, nhân đó đặt tên là Bảo Châu. Bảo Châu lớn lên, tính tình hiền hậu, thường thích bố thí. Một hôm có người đến xin hạt châu, cô liền cho, nhưng vừa lấy hạt châu xuống thì có hạt châu khác nồi lên, cha mẹ cô rất vui mừng, liền dẫn đến chỗ Phật. Bảo Châu thấy Đức Phật, lòng rât vui mừng, liền xin xuất gia. Đức Phật bảo:
– Thiện lai tì-kheo-ni!
Tức thời tóc Bảo Châu tự rụng, thân mặc pháp phục, liền thành tì-kheo-ni. Sau khi xuất gia tì-kheo-ni Bảo Châu tinh tấn tu tập và chứng quả A-la-hán, đủ ba minh, sáu thông và tám giải thoát, được trời người cung kính. Các tì-kheo thấy thế, liền bạch Phật: – Ti-kheo Bảo Châu này, đời trước trồng phúc gì mà vừa sinh ra trên đỉnh đầu đã có hạt châu, lại được gặp đức Thế Tôn, xin xuất gia và chứng đạo quả!
Đức Phật bảo các tì-kheo:
– Các ông hãy lắng nghe, Ta sẽ nói rõ! Thuở quá khứ, trong chín mươi mốt kiếp về trước, ở nước Ba-la-nại có Đức Phật Tì-bà-thi ra đời, nhân duyên giáo hóa đã xong, Ngài liền nhập diệt. Vua Phạm-ma-đạt-đa thâu lấy xá-lợi, xây tháp bằng bốn báu cúng dường. Lúc ấy, có một người lấy hạt châu buộc vào trụ tháp, phát nguyện rồi đi. Nhờ công đức này mà trải qua chín mươi mốt kiếp, người ấy không rơi vào đường ác, được sinh lên cõi trời người, hưởng niềm vui sướng, và hạt châu ấy cũng cùng sinh theo, đến hôm nay gặp Ta, xuất gia tu tập và chứng đạo quả.
Các tì-kheo nghe Đức Phật dạy xong, đều vui vẻ kính tin”.
Kinh này lại ghi: “Khi Đức Phật còn tại thế, trong thành Ca-tì-la-vệ có một trưởng giả rất giàu, của nhiều vô lượng, không thể tính kể. Vợ ông mang thai, đầy đủ
