– Người kia trước đây bị nước cuốn trôi, tôi không tiếc thân mạng, liều mình xuống mang anh ta lên bờ. Khi chia tay người kia đã hứa không nói cho ai biết chỗ tôi ở. Người này chẳng biết báo ân, cứu người này không bằng vớt một khúc gỗ trôi sông.
Nhà vua nghe nai nói, lòng hổ thẹn vô cùng, ông mắng người kia:
– Ngươi chịu ơn cứu mạng của nai, vì sao lại trở lòng muốn làm hại?
Vua liền hạ lệnh khắp cả nước:
– Nếu người nào đuổi bắt con nai này thì bị giết cả năm họ!
Từ đó, một bầy nai mấy nghìn con thường đến cư trú ở nước này, chúng chỉ ăn cỏ, uống nước mà không hề phá hoại mùa màng. Nước ấy mưa hòa gió thuận, ngũ cốc được mùa, nhân dân không có bệnh dịch, thiên hạ an hưởng thái bình.
Phật nói với các tì-kheo:
– Con nai chín màu thuở đó nay chính là Ta; con quạ là A-nan; nhà vua nước kia nay là vua Tịnh Phạn; hoàng hậu của vua thuở đó nay là Tôn-đà-lợi; người bị nước cuốn trôi kia nay chính là Điều-đạt. Dù Ta có lòng tốt mà Điều-đạt lại cố muốn hại Ta, song vẫn không được toại nguyện”.
Kinh Tước vương ghi: “Thuở xưa, bồ-tát là một chim sẻ chúa, với tâm từ bi cứu độ tất cả chúng sinh. Có lần, vì cứu mạng chúng sinh mà bồ-tát bị thương.
Đó là, một hôm, hổ ăn thịt con vật, răng nó bị mắc xương nên không ăn uống gì được, đói khát kéo dài sắp chết. Chim sẻ chúa thấy vậy bay vào miệng mổ gỡ xương giúp nó, nhiều ngày như thế. Sau khi lấy hết xương ra, hổ thoát chết, nhưng mỏ của chim sẻ chúa bị thương, không ăn được, thân thể gầy mòn.
Chim sẻ chúa bay lên cây nói cho hổ nghe lời Phật dạy: ‘Giết hại mạng sống là việc làm tàn bạo, tội ác ấy không tội nào lớn bằng!’.
Nghe tiếng khuyên bảo của chim sẻ chúa, hổ đùng đùng nổi giận và nói:
– Ngươi mới vừa thoát khỏi miệng của ta mà còn dám nhiều lời!
Thấy hổ không thể giáo hóa được, chim sẻ chúa liền bay xa.
Đức Phật dạy:
– Chim sẻ chúa thuở ấy nay chính là Ta, còn con hổ kia nay chính là Điều-đạt”.
Kinh Tạp bảo tạng ghi: “Đề-bà-đạt-đa luôn khởi tâm ác, muốn hại Đức Phật, ông thuê năm trăm bà-la-môn thiện xạ bắn Đức Phật. Khi giương cung thì những mũi tên bắn ra đều hóa thành hoa đẹp. Năm trăm bà-la-môn thấy vậy đều rất sợ hãi, lập tức buông bỏ cung tên, lễ Phật sám hối. Đức Phật thuyết pháp, tất cả đều chứng được quả Tu-đà-hoàn.
Năm trăm bà-la-môn lại bạch Phật:
– Cúi xin đức Thế Tôn cho phép chúng con được xuất gia học đạo!
Phật nói:
– Thiện lai tì-kheo!
Tức thời râu tóc năm trăm bà-la-môn tự rụng, pháp phục tự đắp lên thân. Phật lại thuyết pháp cho họ, khiến tất cả đều chứng được quả A-la-hán.
Bấy giờ, các tì-kheo bạch Phật:
– Thần lực của Đức Thế Tôn thật là hiếm có, Đề-bà-đạt-đa luôn muốn hại Phật, nhưng Ngài thường khởi lòng từ đối với ông ta.
Đức Phật nói:
– Không chi đời này như thế. Vào thời quá khứ, trong nước Ba-la-nại có một thương gia tên là Bất Thức An. Một hôm, ông dẫn năm trăm người ra biển tìm châu báu. Sau khi tìm được thì trở về. Trên đường trở về, đến đoạn vực sâu nước xoáy, lại gặp la-sát dưới nước bắt giữ, nên thuyền không thể đi được. Mọi người đều rất sợ hãi đồng thanh kêu cứu:
– Hỡi các thiên thần, địa thần, các thần mặt trời, thần mặt trăng! Xin các ngài xót thương cứu giúp chúng tôi!
Lúc ấy, có một con rùa lớn, lưng nó rộng một dặm, nghe tiếng cầu cứu, động lòng thương xót liền đến chỗ thuyền, chở mọi người vào bờ.
Khi đến bờ, rùa nằm thiếp đi, Bất Thức Ân muốn lấy đá đập đầu giết rùa, thì mọi người đều can:
– Chúng ta nhờ ơn cứu nạn của rùa nên mới toàn mạng, nếu giết nó là điều không tốt, là kẻ vong ân.
Bất Thức Ân nói:
– Giải quyết cơn đói đang bức bách, đâu còn nghĩ đến việc ân nghĩa!
Nói xong, anh ta liền giết rùa ăn thịt. Ngay trong đêm ấy bỗng có một bầy voi lớn kéo đến giày đạp chết cà đoàn thương buôn.
Đức Phật bảo các tì-kheo:
– Con rùa lớn lúc ấy chính là thân Ta; Bất Thức Ân chính là Đề-bà-đạt-đa, năm trăm thương buôn chính là năm trăm bà-la-môn xuất gia đắc đạo ngày nay. Thuở xưa, ta cứu họ thoát hoạn nạn, bây giờ lại giúp họ thoát khỏi họa sinh tử”.
Kinh Phật thuyết chiên-đàn thụ ghi: “Phật bảo A-nan:
– Hãy lắng nghe và lĩnh thụ. -Trong nước Duy-dạ-li có năm trăm người ra biển tìm châu báu. Lúc trở về, họ bỏ thuyền đi bộ theo con đường tạt xuyên qua rừng sâu. Trời sụp tối, họ dừng nghỉ và dự định sáng sớm tiếp tục lên đường. Trời vừa sáng, bốn trăm chín mươi chín người đều ra đi, nhưng có một người vì ngủ say, dậy trễ, nên lạc mất đoàn, lại gặp lúc trời mưa tuyết lấp hết lối đi. Người này khốn đốn trong rừng, chỉ biết gào khóc kêu trời.
Trong rừng có cây chiên-đàn hương rất lớn, vị thụ thần của cây này nói với người lạc đường: ‘Ngươi có thể lưu trú ở đây, ta sẽ cung cấp thức ăn đồ mặc cho ngươi, đợi đến mùa xuân rồi đi’
– Người lạc đường liền ở lại ba tháng. Một hôm, người ấy nói với thụ thần:
– Tôi nhờ ân của ngài nên mới bảo toàn được tính mạng, lại chưa có chút gì báo đáp, nhưng tôi còn song thân ở quê nhà nên muốn trở về, xin ngài chỉ giúp đường.
Thụ thần chấp nhận và còn tặng cho người lạc đường một bình vàng, lại nói:
– Làng của ông cách đây không xa.
Lúc sắp lên đường, người ấy hỏi:
– Cây này có hương thơm thanh khiết, thật ít có ở đời. Nay tôi sắp ra về, muốn được biết tên của nó.
Thụ thần nói:
– Anh chẳng nên hỏi làm gì!
Người lạc đường lại nói:
– Tôi nhờ cây này chở che ba tháng, khi trở về quê nhà phải nêu công ơn của cây này.
Thụ thần đáp:
– Cây này tên chiên-đàn, gốc rễ cành lá của nó đều chữa được nhiều bệnh, hương của nó bay xa. Đây là cây quí hiếm, mọi người rất muốn có được, xin ông đừng nói cho ai biết.
Người ấy trở về quê hương, họ hàng thân tộc đều rất vui mừng.
Sau đó không lâu, vua nước này mắc bệnh đau đầu, đã cầu cúng các thần đất, trời, non nước… nhưng bệnh không khỏi. Danh y xem bệnh nói: ‘Chỉ có cây chiên-đàn hương mới chữa khỏi bệnh cho bệ hạ’.
Nghe xong, vua liền sai người tìm khắp nhưng không có, vua lại ra lệnh trong nước nếu ai tìm được cây chiên-đàn hương thì sẽ được phong hầu và gả cho công chúa.
Bấy giờ, người lạc đường nghe vua ban thưởng trọng hậu, liền đến tâu: ‘Tôi biết nơi có cây chiên-đàn hương’.
Vua liền ra lệnh cho thợ mộc cùng người ấy đốn cây đem về. Khi đến nơi vị quan thấy cây to cao sừng sững, cành lá sum suê, hoa quả rực rỡ hiếm thấy nên không nỡ chặt, song nếu không chặt thì trái lệnh vua. Đang phân vân do dự chưa biết phải làm sao thì nghe từ không trung có tiếng của vị thụ thần bảo:
– Cứ chặt đi, nhưng để gốc lại, lấy máu người bôi vào và đặt ruột gan người lên trên thì cây tự nhiên sẽ xanh tốt lại như cũ. Vị quan nghe thụ thần nói như vậy liền sai người chặt cây.
Check Also
PUCL QUYỂN 52 – CHƯƠNG QUYẾN THUỘC, SO SÁNH, HƠN KÉM
QUYỂN 52 Quyển này gồm hai chương: Quyến thuộc, So sánh hơn kém. 56. CHƯƠNG ...