12 – Bấy giờ mười sáu vị vương tử đều là đồng tử mà xuất gia làm Sa-di, các căn thông lợi, trí huệ sáng láng, đã từng cúng dường trăm nghìn muôn ức các Đức Phật, tịnh tu hạnh thanh tịnh, cầu đạo Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, đều bạch cùng Phật rằng: “Thưa Thế Tôn! Các vị Đại đức Thanh văn vô lượng nghìn muôn ức đây đã thành tựu xong, Đức Thế Tôn cũng nên vì chúng con nói pháp Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, chúng con nghe xong đều đồng tu học. Thế Tôn! Chúng con có chí mong được tri kiến của Như Lai, chỗ nghĩ tưởng trong thâm tâm, Đức Phật tự chứng biết cho.
Lúc đó, tám muôn ức người trong chúng của Chuyển Luân Thánh Vương dắt đến thấy mười sáu vị vương tử xuất gia, cũng tự cầu xuất gia, vua liền thuận cho.
Bấy giờ, Đức Phật nhận lời thỉnh của Sa-di, qua hai muôn kiếp sau mới ở trong hàng bốn chúng nói kinh Đại thừa tên là: “Diệu Pháp Liên Hoa Giáo Bồ-tát Pháp Phật Sở Hộ Niệm”. Đức Phật nói kinh đó xong, mười sáu vị Sa-di vì đạo Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, đều đồng thọ trì đọc tụng thông thuộc. Lúc nói kinh đó, mười sáu vị Sa-di Bồ-tát thảy đều tin thọ trong chúng Thanh văn cũng có người tin hiểu. Ngoài ra nghìn muôn ức loại chúng sanh đều sanh lòng nghi lầm. Phật nói kinh đó suốt tám nghìn kiếp chưa từng thôi bỏ. Phật nói kinh đó xong liền vào tịnh thất, trụ trong thiền định tám muôn bốn nghìn kiếp.
13 – Bấy giờ, mười sáu vị Bồ-tát Sa-di biết Phật nhập thất, trụ trong thiền định vắng bặt, mỗi vị đều lên pháp tòa cũng trong tám muôn bốn nghìn kiếp, vì bốn bộ chúng rộng nói :phân biệt Kinh Diệu Pháp Liên Hoa.
Mỗi vị đều độ sáu trăm muôn ức na-do-tha hằng hà sa chúng sanh, chỉ dạy cho được lợi mừng, khiến phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.
14 – Đức Đại Thông Trí Thắng Phật qua tám muôn bốn nghìn kiếp sau, từ tam muội dậy, qua đến pháp tòa mà ngồi an lành, khắp bảo trong hàng đại chúng: “Mười sáu vị Bồ-tát Sa-di này rất là ít có, các căn thông lẹ, trí huệ sáng láng, đã từng cúng dường vô lượng nghìn muôn ức số Đức Phật, ở chỗ các Đức Phật thường tu hạnh thanh tịnh, thọ trì trí của Phật để chỉ dạy chúng sanh làm cho vào trong đó. Các ông phải luôn luôn gần gũi mà cúng dường các vị ấy.
Vì sao? Nếu hàng Thanh văn, Duyên giác cùng các Bồ-tát có thể tin kính pháp của mười sáu vị Bồ-tát Sa-di đó nói mà thọ trì không mất, thời người đó sẽ đặng đạo Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác trí huệ của Như Lai”.
15 – Phật bảo các Tỳ-kheo: Mười sáu vị Bồ-tát đó thường ưa nói Kinh Diệu Pháp Liên Hoa này. Sáu trăm muôn ức na-do-tha hằng hà sa chúng sanh của mỗi vị Bồ-tát hóa độ đó đời đời sanh ra đều cùng Bồ-tát ở chung, theo nghe pháp với Bồ-tát thảy đều tin hiểu. Nhờ nhơn duyên đó mà đặng gặp bốn muôn ức các Đức Phật Thế Tôn đến nay vẫn chẳng ngớt.
Các Tỳ-kheo! Ta nói với các ông mười sáu vị Sa-di đệ tử của Đức Phật kia nay đều chứng đặng đạo Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, hiện đương nói pháp trong cõi nước ở mười phương, có vô lượng trăm nghìn muôn ức Bồ-tát Thanh văn để làm quyến thuộc.
Hai vị Sa-di làm Phật ở phương Đông: Vị thứ nhất tên là A Súc ở nước Hoan Hỷ, vị thứ hai tên là Tu Di Đảnh. Hai vị làm Phật ở phương Đông Nam: Vị thứ nhứt tên là Sư Tử Âm, vị thứ hai tên là Sư Tử Tướng. Hai vị làm Phật ở phương Nam: Vị thứ nhứt tên là Hư Không Trụ, vị thứ hai tên là Thường Diệt. Haỉ vị làm Phật ở phương Tây Nam: Vị thứ nhứt tên là Đế Tướng, vị thứ hai tên là Phạm Tướng. Hai vị làm Phật ở phương Tây: Vị thứ nhứt tên là A Di Đà, vị thứ hai tên là Độ Nhứt Thiết Thế Gian Khổ Não. Hai vị làm Phật ở phương Tây Bắc: vị thứ nhứt tên là Đa Ma La Bạt Chiên Đàn Hương Thần Thông, vị thứ hai tên là Tu Di Tướng. Hai vị làm Phật ở phương Bắc: vị thứ nhứt tên là Vân Tự Tại, vị thứ hai tên là Vân Tự Tại Vương. Một vị làm Phật ở phương Đông Bắc hiệu Hoại Nhứt Thiết Thế Gian Bố úy. Vị thứ mười sáu, chính Ta là Thích Ca Mâu Ni Phật, ở cõi nước Ta-bà thành Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.
Các Tỳ-kheo! Lúc chúng ta làm Sa-di, mỗi người giáo hóa vô lượng trăm nghìn muôn ức hằng hà sa chúng sanh vì đạo Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác theo Ta nghe pháp. Những chúng sanh đó đến nay có người trụ bậc Thanh văn, Ta thường giáo hóa pháp Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Những bọn người này đáng dùng pháp đó mà lần vào Phật đạo.
Vì sao? Vì trí huệ của Như Lai khó tin khó hiểu, vô lượng hằng ha sa chúng sanh được hóa độ trong thuở đó chính là bọn ông, các Tỳ-kheo, và sau khi Ta diệt độ, các đệ tử Thanh văn trong đời vị lai. Sau khi Ta diệt độ, lại có đệ tử không nghe kinh này, không biết không hay hạnh của Bồ-tát, tự ở nơi công đức của mình được tưởng cho là diệt độ, sẽ nhập Niết-bàn.
Ta ở nơi nước khác làm Phật lại có tên khác. Người đó dầu sanh lòng tưởng là diệt độ, nhập Niết-bàn, nhưng ở nơi cõi kia cầu trí huệ của Phật, được nghe kinh này, chỉ do Phật thừa mà được diệt độ, lại không có thừa nào khác, trừ các Đức Như Lai phương tiện nói pháp.
Các Tỳ-kheo! Nếu Đức Như Lai tự biết giờ Niết-bàn sắp đến, chúng lại thanh tịnh, lòng tin hiểu bền chắc, rõ thấu pháp không, sâu vào thiền định, bèn nhóm các Bồ-tát và chúng Thanh văn mà vì nói kinh này. Trong đời không có hai thừa mà đặng diệt độ, chỉ có một Phật thừa đặng diệt độ thôi.
Các Tỳ-kheo nên rõ, Đức Như Lai phương tiện sâu vào tánh chúng sanh, biết chí nó ưa pháp nhỏ, rất ham nơi năm món dục, vì hạng người này mà nói Niết-bàn, người đó nếu nghe thời liền tin nhận.
16 – Thí như đường hiểm nhiều nạn dữ, dài năm trăm do tuần, chốn ghê sỢ hoang vắng không người. Nếu chúng đông muốn đi qua con đường này đến chỗ trân bửu, có một vị Đạo sư thông minh sáng suốt, khéo hiết rõ tướng thông bít của con đường hiểm, dắt chúng nhơn muốn vượt qua nạn đó. Chúng nhơn được dắt đi giữa đường lười mỏi, bạch Đạo sư rằng: “Chúng con mệt nhọc lại thêm sợ sệt, chẳng có thể đi nữa, đường trước còn xa nay muốn lui về”.
Vị Đạo sư nhiều sức phương tiện mà tự nghĩ rằng: Bọn này đáng thương, làm sao cam bỏ trân bửu lớn mà muốn lui về. Nghĩ thế rồi, dùng sức phương tiện ở giữa đường hiểm quá ba trăm do tuần, hóa làm một cái thành mà bảo chúng nhơn rằng: “Các người chớ sợ, đừng lui về, nay thành lớn này có thể dừng ở trong đó, tùy ý muốn làm gì thì làm, nếu vào thành này sẽ rất được an ổn, nếu có thể lại thẳng đến chỗ châu báu đi cũng đặng”.
Bấy giờ, chúng mỏi mệt rất vui mừng, khen việc chưa từng có, chúng ta hôm nay khỏi được đường dữ, rất được an ổn. Đó rồi chúng nhơn thẳng vào hóa thành, sanh lòng tưởng cho rằng đã được độ rất an ổn.
Lúc ấy, Đạo sư biết chúng nhơn đó đã được nghỉ ngơi, không còn mỏi mệt, liền diệt hóa thành, bảo chúng nhơn rằng: “Các người nên đi tới, chỗ châu báu ở gần đây, thành lớn trước đó là của ta biến hóa ra để nghỉ ngơi thôi”.
Các Tỳ-kheo! Đức Như Lai cũng lại như thế, nay vì các ông mà làm vị Đại Đạo sư, biết các đường dữ sanh tử, phiền não, hiểm nạn dài xa, nên bỏ, nên vượt qua. Nếu như chúng sanh chỉ nghe, một Phật thừa thời chẳng muốn thấy Phật, chẳng muốn gần gũi, mà nghĩ thế này: “Đạo Phật dài xa, lâu ngày chịu cần khổ mới có thể đặng thành”. Phật biết tâm chúng đó khiếp nhược hạ liệt, dùng sức phương tiện mà ở giữa đường vì để ngơi nghi nên nói hai món Niết-bàn.
Nếu chúng sanh trụ nơi hai bậc, Đức Như Lai bấy giờ liền bèn vì nói: Chỗ tu của các ông chưa xong, bậc của các ông ở gần với huệ của Phật. Phải quan sát suy lường Niết-bàn đã đặng đó chẳng phải chơn thật vậy. Chỉ là Sức phương tiện của Như Lai, ở nơi một Phật thừa phân biệt nói thành ba. Như vị Đạo sư kia, vì cho mọi người ngơi nghỉ mà hóa làm thành lớn, đã biết nghỉ xong mà bảo đó rằng: “Chỗ châu báu ở gần, thành này không phải thiệt, của Ta biến hóa làm ra đó thôi”.
Lúc đó Đức Thế Tôn muốn tuyên lại nghĩa trên mà nóị kệ rằng:
17 – Đại Thông Trí Thắng Phật
Mười kiếp ngồi đạo tràng
Phật Pháp chẳng hiện tiền
Chẳng đặng thành Phật đạo
Các trời, thần, long vương
Chúng a-tu-la thảy
Thường rưới các hoa trời
Để cúng dường Phật đó
Chư thiên đánh trống trời
Và trổi các kỹ nhạc
Gió thơm thổi bông héo
Lại mưa hoa tốt mới
Quá mười tiểu kiếp rồi
