QUYỂN 43
Quyển này có một chương Luân vương.
40. CHƯƠNG LUÂN VƯƠNG
40.1. LỜI DẪN
Từng nghe: Phi Hành hoàng đế thống lãnh bốn châu, nếu biên cương trái mệnh thì dùng bảy báu định yên, chư hầu cảm phục do dùng thập thiện giáo hóa. Hoàng đế ngự tại trung nguyên, ban bố ân dưỡng dục của cha lành, cảm hóa được trung thần như con đỏ. Nhưng ở cõi thế lâu thì tham dục càng nhiều, uy lực cực cao còn ước mong được thiên phúc. Thế là hoàng đế dùng sức mạnh của luân vương, vọt lên chiếm cung trời Đao-lợi. Nhưng ngặt nỗi Đao-lợi đã chẳng thuộc phần mình, lại còn mất luôn cả Luân vương vị. Bi ai thống khổ như rơi vào hiểm nạn. Xót cho nỗi đau này! Thật đáng thương thay!
40.2. CÁC LUÂN VƯƠNG
Pháp sư Tam tạng Chân Đế nói: “Vào kiếp thành, khi con người thọ vô lượng tuổi, vào kiếp Trụ, khi con người thọ tám vạn tuổi, sẽ có luân vương ra đời, nhưng không phải vào kiếp giảm”. Có ba bậc luân vương: Quân luân vương, Tài luân vương và Pháp luân vương. Nếu thọ mạng con người giảm còn tám vạn năm thì Tài luân vương không ra đời. Vị luân vương này phúc đức lớn và thọ mạng dài lâu, nếu ra đời vào kiếp giảm thì phúc đức trái với thọ mạng. Vào kiếp giảm thì Pháp luân vương ra đời. Vì sao? Vì Như Lai khởi tâm đại bi, muốn khiến chúng sinh nhận rõ vô thường, khổ, mới dễ giáo hóa. Cho nên luận ghi: ‘Vào kiếp giảm Phật ra đời, kiếp sơ Chuyển luân vương ra đời. Chỉ có khi Phật Di-lặc xuất thế, nhân dân đầy đủ phúc đức, bấy giờ cũng có hai Luân vương đồng thời ra đời’.
Có bốn Tài luân vương: một, Kim luân vương cai trị bốn thiên hạ; hai, Ngân luân vương cai trị ba châu thiên hạ, trừ Bắc uất-đan-việt; ba, Đồng Luân vương cai trị hai châu thiên hạ, trừ Bắc Ưất-đan-việt và Tây Cù-da-ni; bốn, Thiết Luân vương chỉ cai trị một châu Diêm-phù-đề Khi thọ mạng chúng sinh giảm còn tám vạn tuổi, thì Quân luân vương ra đời, dùng quân đội thâu phục, cai trị một châu thiên hạ, như vua A-dục… còn Như Lai là Pháp luân vương. Nói kiếp tăng có Luân vương ra đời, thì đó là Tài luân vương; còn Quân luân vương thì chung cho cả tăng và giảm. Thiêt luân (bánh xe săt) có hai trăm năm mươi căm, đồng luân có năm trăm căm, ngân luân có bảy trăm năm mươi căm, kim luân có một nghìn căm. Kinh Nhân vương ghi: “Đạo chủng kiên đức vương nương bánh xe vàng cai trị bốn châu thiên hạ, Tính chủng tính vương nương bánh xe bạc cai trị ba châu thiên hạ, Tập chủng tính vương nương bánh xe đồng cai trị hai châu thiên hạ, Thượng thập thiện vương nương bánh xe sắt cai trị một châu thiên hạ”.
40.3. BẢY BÁU CỦA LUÂN VƯƠNG
Kinh Trường A-hàm ghi: ” Chuyển luân thánh vương có bảy báu và bốn thần đức. Bảy báu: bánh xe bằng vàng, voi trắng, ngựa tía, thần châu, ngọc nữ, cư sĩ và quan thống lãnh quân đội. Làm thế nào Chuyển luân thánh vương có được bánh xe vàng? Nếu Chuyển luân thánh vương thật sự xuất hiện trong cõi Diêm-phù-đề, thì vào ngày rằm trăng tròn, vị vua dòng Sát-lợi Thủy nhiễu đầu tắm gội bằng nước thơm, rồi lên điện cao, cùng với thể nữ hưởng thụ niềm vui. Bấy giờ bánh xe trời bằng vàng bỗng nhiên hiện đến. Bánh xe có ngàn căm, đường kính bốn trượng, phát ánh sáng rực rỡ, được làm bằng vàng cõi trời, do thợ trời chế tạo, người đời không thể làm được. Khi nhìn thấy bánh xe, Chuyển luân thánh vương thầm nghĩ: Ta từng nghe các bậc tiên đức nói ràng: nếu vào ngày rằm, vị vua dòng Sát-lợi Thủy nhiễu đầu tắm gội bằng nước thơm, rồi lên điện cao, cùng với thể nữ hưởng thụ niềm vui. Bỗng nhiên bánh xe trời bằng vàng hiện đến, bánh xe có ngàn căm, đường kính bốn trượng, phát ánh sáng rực rỡ, được làm bằng vàng cõi trời, do thợ trời chế tạo, người đời không thể làm được thì vị vua ấy, bấy giờ được gọi là Chuyển luân thánh vương. Nay bánh xe này xuất hiện, há không phải là điều ấy chăng? Ta hãy thử nghiệm bánh xe này!
Thế là Chuyển luân vương triệu tập bốn binh chủng, trịch áo bày vai phải, gối phải quỳ xuống, tay phải sờ bánh xe vàng mà nói: ‘Ngươi hãy nhắm hướng đông, di chuyển đúng như pháp, chớ trái phép tắc đã định’. Bánh xe liền chuyển về phương đông, Chuyển luân vương liền dẫn bốn binh chủng theo sau. Bánh xe dừng nơi nào, vua dừng trụ nơi đó. Bấy giờ các tiểu quốc vương thấy đại vương đến, liền dùng bát vàng đựng đầy thóc bạc; bát bạc đựng đầy thóc vàng đến chỗ đại vương, cúi đầu bạch rằng:
– Quí thay, đại vương! Ở phương đông này đất đai màu mỡ, có nhiều châu báu, nhân dân đông đúc, lòng đầy nhân ái, từ hòa, hiếu thuận. Cúi xin thánh vương hãy ở đây mà trị chính. Chúng tôi sẽ gần gũi hầu hạ, cung cấp những thứ cần dùng!
Chuyển luân vương nói với các Tiểu vương:
– Thôi, thôi! Này các hiền giả! Như vậy là các người đã cúng dường ta rồi. Chỉ cần các vị dùng chính pháp cai trị, không sai lầm oan uổng; không để trong nước có những kẻ làm điều phi pháp. Chính mình không sát sinh; khuyên bảo người khác không sát sinh, trộm cướp, tà dâm, nói lời đâm thọc, ác khẩu, nói dối, thêu dệt, tham lam, tật đố, tà kiến. Như thế là được ta cai trị vậy.
Các tiểu vương nghe dạy, liền theo đại vương, đến khắp các nước cho đến tận cùng bờ biển phía đông, rồi dần dần đi về phương nam, phương tây, phương bắc. Bất cứ chỗ nào mà bánh xe chuyển đến, các vua ở đó đều dâng hiến quốc thổ, cũng như các tiểu vương ở phương đông vậy.
Trong cõi Diêm-phù-đề này, có một nơi bằng phẳng, đất đai màu mỡ, có nhiều trân bảo, vườn rừng mát mẻ, suối nước trong xanh. Bánh xe lăn khắp nơi ấy, ấn định ranh giới, qui hoạch chiều đông tây mười hai do-tuần, nam bắc mười do-tuần. Vào ban đêm, các thần ở trong đó xây dựng thành quách. Thành có bảy lớp lan can, bảy lớp lưới, bảy lớp hàng cây, các vật bằng bảy báu trang hoàng khắp nơi; lại có vố số các loài chim cùng nhau hót vang. Thành được xây xong, bánh xe vàng lại xuất hiện, vạch địa giới đông tây bốn do-tuần, nam bắc hai do-tuần. Vào ban đêm, các thần ở trong đó xây dựng cung điện. Cung điện có bảy lớp tường bằng bảy báu, cho đến cũng có vô số các loài chim cùng nhau hót vang, như đã kể trên. Cung điện được dựng xong, Chuyển luân vương vui mừng nói: “Bánh xe vàng này đúng là điềm lành cho ta. Ta nay thật sự là Chuyển luân thánh vương!”.
Đó là sự thành tựu bánh xe vàng.
Voi trắng được thành tựu như thế nào? Đó là vào buổi sáng sớm Chuyển luân vương ngồi trên chính điện, bỗng nhiên voi trắng xuất hiện trước mặt. Lông của nó thuần trắng, bảy chỗ bằng phẳng, có khả năng bay trên hư không. Đầu nó nhiều màu, sáu ngà thon dài được cẩn bằng vàng ròng. Thấy thế vua liền nghĩ thầm: Con voi này thuần tính, hãy thử huấn luyện, dạy dỗ tất cả kĩ năng. Thế là vào sáng sớm, vương cưỡi voi xuất thành đi khắp nơi. Đến giờ ăn trưa thì trở về. Vương phấn khởi nói: ‘Bảo vật voi trắng này thật sự là một điềm lành cho ta. Ta nay thật sự là Chuyển luân thánh vương”.
Đó là sự thành tựu voi báu.
Thế nào là sự thành tựu ngựa tía xanh của Chuyển luân vương? Đó là vào buổi sáng sớm Chuyển luân vương ngồi tại chính điện, bỗng nhiên ngựa tía xuất hiện. Thân nó tía xanh, bờm và đuôi đỏ, đầu và cổ như voi, có khả năng bay trên hư không. Thấy thế, vua liền nghĩ thầm: ‘Con ngựa này thuần tính, hãy thừ huấn luyện, dạy dỗ tất cả kĩ năng.’ Thế là vào sáng sớm, Luân vương cưỡi voi xuất thành đi khắp nơi, đến giờ ăn trưa thì trở về. Chuyển luân vương phấn khởi nói: ‘Bảo vật ngựa tía này thật sự là một điềm lành cho ta. Ta nay thật sự là Chuyển luân thánh vương’.
Đó là sự thành tựu ngựa tía xanh báu.
Báu thần châu thành tựu như thế nào? Đó là vào buổi sáng sớm Chuyển luân thánh vương ngồi trên đại điện. Bỗng nhiên thần châu xuất hiện, trong suốt, không có tì vết. Sau khi thấy, vua tự nghĩ: ‘Châu này thật tuyệt vời. Nếu có ánh sáng, có thể chiếu soi cả cung điện”. Chuyển luân thánh vương muốn thử năng lực hạt châu, bèn triệu tập bốn binh chủng. Đặt bảo châu trên cột phướn cao. Trong đêm tối, cầm cây phướn xuất thành. Ánh sáng của hạt châu này chiếu xa một do-tuần. Những người ở trong thành đều thức dậy làm việc, cho rằng đã sáng. Chuyển luân vương vui mừng nói: ‘Nay thần châu này đúng là điềm lành của ta. Ta nay thật sự là Chuyển luân thánh vương’.
Đó là sự thành tựu thần châu.
Báu ngọc nữ thành tựu như thế nào? Khi ấy, ngọc nữ báu bỗng nhiên xuất hiện, nhan sắc, dung nghi, diện mạo đều tuyệt vời, đoan chính; không cao, không thấp, không mập, không ốm, không trắng, không đen, không mạnh mẽ, không mềm yếu; mùa đông thì thân ấm, mùa hè thì thân mát. Từ các lỗ chân lông khắp thân phát ra mùi hương chiên-đàn; miệng phát ra mùi hương của hoa ưu-bát-la; nói năng dịu dàng; cử chỉ khoan thai; đứng dậy trước (vua) nhưng ngồi xuống sau (vua), không mất oai nghi phép tắc. Chuyển luân thánh vương dù thấy nhưng lòng không chút mơ tưởng, huống gì gần gũi. Sau khi thấy, Chuyển luân vương vui mừng nói: ‘Báu ngọc nữ này đúng là điềm lành của ta. Ta nay thật sự là Chuyển luân thánh vương.’
Đó là sự thành tựu ngọc nữ báu.
Cư sĩ báu được thành tựu như thế nào? Khi ấy, một nam cư sĩ bỗng nhiên xuất hiện. Cư sĩ này có nhiều kho báu và vô lượng tài sản. Do phúc đời trước, nên cặp