nước sạch, vừa ngọt vừa trong mát, Ngài cùng chúng tăng bước nhẹ trên lá sen đi vào nhà. Chỗ ngồi không trải vải, Phật hóa thành có vải. Đức Phật nói với cư sĩ rằng:
– Ông nên trừ lòng nghi ngờ, Ta chính là bậc Nhất Thiết Trí!
Cư sĩ thấy thần lực của Đức Phật qua hai lần biến hóa, liền phát lòng tin và tôn kính Đức Phật, ông chắp tay bạch rằng:
– Kính lạy Đức Thế Tôn! Cơm này có thuốc độc, Ngài không ăn được!
Đức Phật bảo:
– Cứ cúng dường thức ăn này, chúng tăng dùng không sao đâu!
Phật lại bảo A-nan nói cho các tì-kheo biết, khi Ngài chưa xướng ‘Đẳng cúng’ thì không được ăn, vì đây là lời chú nguyện của Phật. Chất độc trong thế giới này chính là dâm dục, sân hận và ngu si, Đức ngữ của Phật mà độc đều tiêu trừ, thức ăn trở nên thanh tịnh. Chúng tăng thụ trai xong, cư sĩ ngồi trước Phật, nghe Ngài giảng pháp, liền ngay đó chứng đắc Pháp nhãn tịnh. Đức Phật trở về tinh xá, nhóm họp chúng tăng dạy rằng:
– Từ nay trở về sau, không được đi trước Phật, hòa-thượng, thượng tọa, giáo thụ và khi chưa xướng ‘Đẳng cúng’ thì không được ăn”.
Luận Ma-đức-lặc-già ghi: “Chúng tăng sắp thụ trai, vị thượng tọa nên bảo thí chủ cúng dường bình đăng, bảo chư tăng cùng nhau xướng Tăng-bạt rồi sau mới dùng”.
Pháp hội cúng mĩ vị Ngày trai cảm thần linh Mời khắp, chớ biệt thỉnh Chủ khách đồng lợi trinh Thánh phàm trong mọi lúc Nạn hết được khương ninh Ấy do sức từ thiện Lìa ác, phúc yên bình.
39.10. CẢM ỨNG
39.10.1. Đời Tấn, Tư không Hà Duẫn: Ông tự là Thứ Đạo, người Lô Giang, thuở nhỏ đã tin Phật pháp, chuyên tâm tu đạo. Ông thường đặt một tòa trống nơi trai đường, trải chiếu tốt, giăng màn đẹp có kết bảo châu. Trải qua nhiều năm như thế, mong được Phật thánh hiển hiện thần dị. Một hôm ông lập trai hội lớn, tăng tục tham dự rất đông. Bấy giờ từ trong chúng có một vị tăng thần thái tầm thường, dung mạo xấu xí, y phục thô dơ bước thẳng lên tòạ, ngồi im lặng, không nói một lời. Cả chúng hội đều kinh ngạc, cho rằng vị này có hành động sai quấy. Hà Duẫn thấy dung mạo như thế, trong lòng cũng không vui, có ý xem thường.
Đến trưa, vị tăng này thụ thực ngay tại tòa. Thụ thực xong, vị tăng cầm bát bước ra khỏi trai đường, bỗng quay lại nói với Duẫn: “Đâu uổng công tinh tấn!”. Nói xong vị tăng ném bát lên cao, nương hư không đi mất. Hà Duẫn và tăng tục đuổi theo, thấy từ thân vị tăng phát ra ánh sáng rực rỡ, nhìn đến hết tầm mắt mới thôi. Tất cả đều ân hận, đỉnh lễ sám hối nhiều ngày.
39.10.2. Đời Tấn, ni sư Trúc Đạo Dung: Ni sư trụ ở chùa Ô Giang, giới hạnh tinh nghiêm, thường hiển hiện những điềm linh dị. Vào thời Minh đế nhà Tấn, ni sư rất được mọi người kính trọng. Từng có người rải hoa trên chiếu để nghiệm biết quả vị của ni sư, thì thật hoa không héo. Đến đời Giản Văn đế, vua kính thờ đạo Thanh Thủy, tôn Vương Bộc Dương làm thầy, xây dựng đạo xá trong cung. Ni sư dốc lòng khai hóa, nhưng nhà vua không nghe theo.
Một hôm mẹ của vua vào đạo xá, thấy các vị thần mang hình dáng sa-môn đứng chật cả phòng, vua nghi là do ni sư biến hóa. Nhân đó vua tôn ni sư làm thay, tin theo chính pháp. Nhà Tấn tin kính Phật đạo, phần lớn do công ni sư khuyên hóa. Người thời bấy giờ rất sùng kính ni sư và tôn là Thánh nhân, vua cũng đã xây dựng chùa Tân Lâm cứng dường. Đến đầu đời Vũ đế, bỗng nhiên ni sư tuyệt tích, mọi người bèn chôn y bát của ni sư bên chùa.
39.10.3. Đời Tấn, Khuyết Công Tắc: Ông là người nước Triệu, tính điềm tĩnh, phóng khoáng, dáng vẻ nhàn nhã, chỉ siêng năng với pháp sự. Ông mất tại Lạc Dương vào đời Tấn Vũ Đế. Tăng tục đồng tu lập trai hội tại chùa Bạch Mã. Đêm ấy tụng kinh, đến nửa đêm mọi người bỗng nghe trên không trung có tiếng khen ngợi, ngước nhìn thì thấy một người thân hình cao lớn, oai nghi tề chỉnh, y phục đẹp đẽ. Vị ấy nói:
– Ta là Khuyết Công Tắc, đã sinh cõi An Lạc phương tây, hôm nay cùng với các Bồ-tát đến đây nghe kinh!
Cả đạo tràng đều thấy rõ, trong lòng vô cùng kinh ngạc. Bấy giờ có Vệ Sĩ Độ người quận Hấp, cũng là một cư sĩ tu khổ hạnh, thờ Công Tắc làm thầy. Mẹ của vị cư sĩ này cũng rất tin kính Phật pháp, suốt đời ăn chay trường, tụng kinh và thường cúng dường trai tăng. Hôm ấy sắp đến giờ ngọ, bà ra khỏi trai đường cùng với các tăng ni dạo chơi, nhìn lên bầu trời cao xa, bỗng thấy từ hư không có một vật rơi ngay trước mặt bà, chính là cái bát chứa đầy cơm, mùi thơm xông khắp. Cả trai đường đều im lặng, đồng loạt lễ lạy. Bà bèn chia cho tất cả mọi người cùng ăn, trải qua bảy ngày mà vẫn không cảm thấy đói. Bát này hiện vẫn còn tại đất Bắc.
Vệ Sĩ Độ giỏi văn chương, đã soạn văn sám Bát quan, đến cuối đời Tấn vẫn còn thịnh hành. Ông qua đời vào niên hiệu Vĩnh Xương (322) đời Tân. Khi ông mất cũng hiện những điềm linh dị. Có người tạc tượng soạn truyện Thánh hiền ghi lại việc này và cho ông đã vãng sinh Tây phương. Ngô Hưng Vương Cai ca ngợi: “Khuyết Công vê Tây, Vệ Độ tiếp bước, đều vắng lặng nơi vô sinh, cùng thoát hình mà bất tử”.
39.10.4. Đời Tấn, Đằng Tịnh ở Nam Dương: Tổ tiên ông nhiều đời kính tin Phật pháp. Vợ ông họ Kim, người quận Ngô, siêng năng khắc khổ tu hạnh. Nhà ông thường lập trai hội, nhưng không mời thỉnh riêng, gặp bất kì vị tăng nào đến cũng lưu lại cúng dường, về sau lập hội, tăng số đến không đủ, ông cho người ra đường mời thỉnh, thây một vị sa-môn đang ngồi dưới bóng cây liễu, liền thỉnh về nhà cúng dường. Gặp lúc tịnh nhân dọn cơm, vô ý làm đổ tất cả xuông đất, hoảng hốt không biết tính sao. Bấy giờ vị sa-môn bảo:
– Trong bát bần đạo có cơm đủ cúng dường cho đại chúng hôm nay!
Nói xong, vị tì-kheo bảo Đằng Tịnh phân chia, thế là tất cả tăng tục đều no đủ. Trai hội xong, vị tì-kheo ném bát lên không trung rồi vọt mình theo bay đi mất. Đằng Tịnh tạc tượng gỗ ngày đêm lễ lạy, mỗi khi trong nhà sắp có việc chẳng lành, tượng gỗ nhất định ngã về phía trước báo hiệu. Con của Tịnh là Hàm nhờ công dẹp Tô Tuấn, nên được phong đất ở Đông Hưng.
39.10.5. Sa-môn Trúc Pháp Tiến: Sư trụ trì chùa Khai Độ, học rộng biết nhiều, có thể hiểu được ngôn ngữ các bộ tộc khác. Khi Lạc Dương loạn lạc, sư muốn ẩn cư nơi núi rừng, đại chúng nài thỉnh ở lại, nhưng sư không chịu. Thế là sư tổ chức trai hội lớn, đốt hương từ biệt. Lúc sắp phân phát hương cho đại chúng, bỗng nhiên có một vị tăng mặt vàng phù thủng, y phục hôi dơ đi thẳng đến ngồi vào tòa cao. Sư xem thường nên kéo xuống, đặt ngồi hàng sau; nhưng vị tăng lại lên tòa cao. Ba lần như thế, bỗng nhiên vị tăng biến mất. Đại chúng đã an tọa, sắp bày biện thức ăn, thì tự nhiên gió lớn nổi lên, cát bay mù mịt, bàn ghế ngã đổ. Sư sám hối tự trách, quang cảnh mới lặng yên, do đó sư không vào núi ẩn cư. Mọi người thời bấy giờ cho rằng thiên hạ sắp đại loạn, Pháp Tiến không nên vào núi, Lại do tăng tục luyến mộ, chí thành thiết tha cầu thỉnh sư, nên mới cảm hiện điềm thần dị này, hầu ngăn ý muốn vào núi của sư.
39.10.6. Đời Tống, Cừu-na-bạt-ma (Cừu-na-bạt-ma, Trung Quốc dịch là Công Đức Khải): Sư vốn là vương tử nước Kế-tân, xuất gia từ thuở nhỏ. Vào đầu đời Tống, sư đến Trung Hoa phiên dịch rất nhiều kinh điển Đại thừa, nên gọi là Tam tạng pháp sư. Sư có giới hạnh thanh cao, ít ai sánh bằng. Sa-môn Tuệ Quán cảm phục giới đức của sư, nên thỉnh về kinh trụ tại chùa Kì-hoàn. Những người đến chùa đều nghi sư là bậc phi phàm, nhưng hành trạng ẩn kín, không ai lường được. Có lần sư nhận lời thỉnh đến chùa Định Lâm ở Chung sơn dự hội, thấy mọi người hái hoa rải trên tòa của chúng tăng để chứng nghiệm nhận biết thánh tăng đến đạo tràng. Sau trai hội, hoa nơi tòa của chúng tăng đều héo, chỉ hoa nơi tòa của sư là vẫn còn tươi. Thế là chư tăng kinh đô càng tôn kính sư.
Ngày mười tám tháng chín niên hiệu Nguyên Gia thứ tám (431), sư vẫn khỏe mạnh, ngồi kết-già, chỉnh sửa y phục, cháp tay im lặng, trải qua hai đêm sắc diện không đổi. Mọi người đều cho sư đang nhập định sâu. Sau đó mọi người tìm thấy di thư dưới chiếu, trong đó có ghi là: “Nhị quả sa-môn”. Bấy giờ mọi người mới biết sư đã thị tịch. Các đệ tử đứng hầu đều ngửi thấy mùi hương lan tỏa. Đêm ấy hơn hai trăm vị tăng ở kinh đô đã tụng kinh cho sư, bên ngoài điện tăng tục nhóm họp đông vô số. Lúc sắp sáng, ở phía tây nam nổi lên một luồng khí, rồi có một vật như dải lụa trắng vây quanh thân sư rồi biến mất. Tất cả mọi người đều thấy. Lúc còn sống, sư có soạn ba mươi bài kệ và dặn dò đệ tử gửi cho vị tăng Thiên Trúc.
39.10.7. Đời Lương, Thích Đạo Lâm trụ chùa Tề Kiên, Phú Dương: Sư người Sơn Âm, Cối Kê, xuất gia từ thuở nhỏ, giới hạnh tinh nghiêm. Sư thông hiểu kinh Niết-bàn, Pháp hoa và thường tụng kinh Duy-ma. Trương Tự người đất Ngô tôn sư làm thầy, về sau, sư đến trụ chùa Tuyền Lâm ở Phú Dương. Chùa này thường có ma quỉ biến hiện quấy phá, từ khi sư đến ở thì nạn này không còn.
Đệ tử của sư là Tuệ Thiều bị mái nhà sập đè, khiến đầu thụt sâu vào ngực. Sư cầu khẩn, đêm hôm ấy, Tuệ Thiều thấy hai vị tăng người Ấn Độ đến kéo đầu minh, đến sáng thức dậy, hoàn toàn bình phục. Thế là sư bèn thiết trai dâng cúng thánh tăng, trải lụa mới trên giường. Trai hội xong, thấy trên giường có dấu người, dài hơn ba thước. Từ đó mọi nhà ở huyện Phú Dương đều lập tòa ngồi cho thánh tăng, hằng ngày cúng dường cơm. Sang đời Lương, sư chuyển đen trụ tại chùa Tề Hi. Niên hiệu Thiên Giám thứ tám (509), sư thị tịch, thọ bảy mươi hai tuổi.
