Kinh Bách duyên ghi: “Lúc Đức Phật còn tại thế, trong thành Ca-tì-la-vệ có một trưởng giả rât giàu, của cải nhiều vô lượng, không thể tính kể. Vợ ông sinh được một bé trai khôi ngô tuấn tú, hiếm có trong đời, hai bàn tay của nó đều cầm đồng tiền vàng, lấy rồi lại có, không bao giờ hết. Vợ chồng trưởng giả vui mừng, nên đặt tên cho con là Bảo Thủ. Bảo Thủ ngày càng lớn khôn, có lòng từ bi, hiếu thảo thuận hòa, thích bố thí. Có người đến xin, nó mở hai bàn tay ra để lấy tiền vàng cho người.
Một hôm, nó cùng mọi người ra ngoài thành dạo chơi, khi đến tinh xá Kì-hoàn, thấy Đức Phật tướng hảo, lòng nó rất vui mừng, đỉnh lễ thỉnh Phật và tì-kheo tăng nhận sự cúng dường của mình! A-nan nói:
– Muốn thiết trai cúng dường phải có tiền.
Bảo Thủ liền mở hai bàn tay ra, tiền vàng rơi như mưa, trong chốc lát đầy cả mặt đất, chất cao hơn người.
Phật bảo A-nan:
– Hãy nói Bảo Thủ chuẩn bị đồ cúng dường.
Thụ trai xong, Đức Phật nói pháp cho nghe, Bảo Thủ liền chứng qủa Tu-đà-hoàn. Sau đó, ông trở về nhà từ biệt cha mẹ, xin xuất gia. Khi được xuất gia, Bảo Thủ siêng năng tu tập và chứng quả A-la-hán. A-nan thấy việc này, liền bạch Phật:
– Bạch đức Thế Tôn! Tì-kheo Bảo Thù kiếp trước gieo phúc gì mà được sinh vào nhà giàu có, trong tay xuất hiện đồng tiền vàng, lấy mãi không hết? Lại gặp đức Thế Tôn xuất gia, đắc đạo?
Phật bảo A-nan:
– Thuở xưa, sau khi Phật Ca-diếp nhập niết-bàn có vua Ca-sí thâu lấy xá-lợi tạo tháp bằng bốn thứ báu cúng dường. Lúc ấy có một vị trưởng giả thấy vua dựng tháp, sinh lòng hoan hỉ, cầm một đồng tiền vàng đặt dưới chân tháp, phát nguyện rồi đi. Trưởng giả đó nay chính là Bảo Thủ, do công đức này mà Bảo Thủ không đọa vào đường ác, sinh lên cõi trời hay vào cõi người thường có đồng tiền vàng, hưởng phúc vui sướng. Cho đến hôm nay gặp Ta xuất gia, đắc đạo”.
Kinh Bách duyên ghi: “Lúc Phật còn tại thế, ở nước Ca-tì-la-vệ có một vị trưởng giả rất giàu, của cải vô lượng. Vợ ông sinh được một bé trai khôi ngô tuấn tú, trong đời hiếm có. Lúc mới sinh đứa bé, trên đỉnh đầu của nó tự nhiên có lọng báu ma-ni che khắp trên thành. Cha mẹ vui mừng, đặt tên cho đứa bé là Bảo Cái.
Bảo Cái ngày một lớn khôn, gặp Phật xuất gia tu hành, đắc quả A-la-hán.
Đức Phật bảo các tì-kheo:
– Vào thời quá khứ cách đây chín mươi mốt kiếp, sau khi Đức Phật Tì-bà-thi nhập niết bàn, có vị quốc vương tên Bàn-đầu-vị-đế thâu lấy xá-lợi, xây tháp bằng bốn báu cao một do-tuần cúng dường. Lúc ấy có vị thương nhân ra biển tìm châu báu được an ổn trở về, ông lấy lọng báu ma-ni che trên đầu tháp, phát nguyện rồi đi. Do công đức này mà chín mươi mốt kiếp không đọa vào đường ác; sinh lên cõi trời hay vào cõi người đều có lọng báu theo che. Cho đến hôm nay gặp Ta xuất gia, đắc đạo. Nghe Phật nói vậy, các tì-kheo đều hoan hỉ phụng hành”.
Kinh Bách duyên ghi: “Lúc Phật còn tại thế, trong thành Ca-tì-la-vệ có một vị trưởng giả rất giàu, của cải nhiều vô lượng, không thể tính kể. Vợ ông sinh được bé trai khôi ngô tuấn tú, trong đời hiếm có, trên đầu tự nhiên có viên ngọc ma-ni. Nhân đó, cha mẹ đặt tên cho con là Bảo Châu. Đến lúc khôn lớn gặp Phật xuất gia, chứng quả A-la-hán. Một hôm vào thành khất thực, lúc ấy trên đầu của Bảo Châu có ngọc ma-ni, người trong thành thấy lạ, tranh nhau đến xem. Bảo Châu tự thấy xấu hổ, trở về bạch Phật:
– Bạch đức Thế Tôn! Trên đầu của con có ngọc này, không thể tháo ra được. Hôm nay con vào thành khất thực bị người chê cười, xin Thế Tôn tháo bỏ ngọc này giúp con!
Phật bảo tì-kheo Bảo Châu:
– Ông hãy nói với hạt châu: “Hôm nay mạng sống ta đã hết, không cần đến ngươi nữa”. Nói ba lần như vậy thì ngọc sẽ tự nhiên biến mất. Bảo Châu làm theo lời Phật dạy thì hạt ma-ni không còn xuất hiện nữa.
Bấy giờ, các tì-kheo thỉnh Phật nói nhân duyên kiếp trước của tì-kheo Bảo Châu.
Phật bảo các tì-kheo:
– Vào thời quá khứ cách đây chín mươi mốt kiếp, sau khi Phật Tì-bà-thi nhập niết-bàn. Lúc ấy có vị quốc vương tên Bàn-đầu-mạt-đế, thâu lấy xá-lợi xây tháp bằng bốn báu cao một do-tuần cúng dường. Một hôm vua vào trong tháp đỉnh lễ, buộc ngọc ma-ni trên đỉnh tháp, phát nguyện rồi đi. Do công đức này mà chín mươi mốt kiếp không rơi vào đường ác; sinh lên cõi trời hay loài người thường có hạt châu trên đầu, hưởng thụ niềm vui, cho đến hôm nay gặp Ta xuất gia, đắc quả A-la-hán. Các tì-kheo nghe Phật nói đều hoan hỉ phụng hành’’.
35.5. NHIỄU THÁP
Kinh Bồ-tát bản hạnh ghi: “Khi còn tại thế, một hôm Phật cùng A-nan vào thành Xá-vệ khất thực. Bấy giờ, trong thành có một bà-la-môn từ ngoài thành đi vào, thấy Phật có vầng hào quang rạng ngời quanh thân đang ra khỏi thành, bà-la-môn vui mừng, phấn khởi, nhiễu quanh Ngài một vòng, đỉnh lễ rồi đi.
Đức Phật mỉm cười, bảo A-nan:
– Bà-la-môn này gặp Phật, lòng vui mừng, nhiễu một vòng với tâm thanh tịnh. Ông nhờ công đức ấy, mà từ nay trở về sau hai mươi lăm kiếp, không bị đọa vào đường ác; dù sinh lên cõi trời hay cõi người đều vui sướng vô cùng. Hết hai mươi lăm kiếp, ông ấy sẽ thành bích-chi phật hiệu là Trì-thấn-na-kì-lê. Vì nhân duyên ấy, nếu người nào nhiễu Phật hoặc nhiễu tháp Phật thì sinh nơi nào cũng được phúc đức vô lượng”.
Kinh Đề-vị ghi: “Trưởng giả Đề-vị bạch Phật:
– Bạch đức Thế Tôn! Rải hoa, đốt hương, thắp đèn, lễ lạy đều để cúng dường. Còn việc nhiễu tháp được phúc đức như thế nào?
Đức Phật dạy:
– Nhiễu tháp có năm phúc đức: một, đời sau được thân hình xinh đẹp; hai, được giọng nói hay; ba, được sinh lên trời; bốn, được sinh vào nhà vua chúa; năm, chứng Niết-bàn.
Vì sao được xinh đẹp? Do vui mừng khi nhìn thấy tượng Phật. Vì sao mà có giọng nói hay? Do nhiễu tháp và giảng kinh. Nhân duyên gì mà được sinh lên trời? Do tâm ý không phạm giới trong khi nhiễu tháp. Nhân duyên gì mà được sinh vào nhà vua chúa? Do đỉnh lễ chân Phật. Nhân duyên gì mà được đạo Niết-bàn? Do có rất nhiều phúc.
Đức Phật dạy:
– Nhiễu tháp có ba điều: một, khi nhấc chân phải nghĩ đang nhấc chân; hai, khi hạ chân xuống phải nghĩ đang hạ chân xuống; ba, không được ngoảnh nhìn hai bên hoặc khạc nhổ quanh tháp.
Nên nhiễu theo chiều phải, vì trong kinh luật đều dạy nên nhiễu theo chiều phải. Nếu nhiễu chiều trái thì bị thần quở mắng, cho đến người nhiễu chiều trái đống lúa mạch còn bị người đời chê trách.
Việc đi nhiễu hiện thời thuận với lẽ trời thì mặt hướng về tây chuyển sang bắc, áo bày vai phải, cung kính hướng về Phật. Có thể nhiễu trăm vòng, mười vòng, bảy vòng, ba vòng; mỗi số đều biểu thị một ý nghĩa. Hơn nữa, thường nhiễu ba vòng là bày tỏ ý cúng dường Tam bảo, dừng ba độc, tịnh hóa ba nghiệp, trừ ba đường ác, được gặp Tam bảo”.
Kinh Hoa nghiêm có bài kệ:
Nếu muốn nhiễu tháp,
Nên nguyện chúng sinh, hành điều phúc,
Thông suốt ý đạo,
Nhiễu tháp ba vòng,
Nên nguyện chúng sinh,
Được tâm chuyên nhất,
Chấm dứt ba độc.
Kinh Hiền giả ngũ giới ghi: “Việc nhiễu tháp ba vòng biểu thị sự tôn kính ba ngôi tôn quí là Phật, pháp và tăng, cũng biểu thị nhớ việc diệt ba độc: tham, sân và si”.
Kinh Tam thiên oai nghi ghi: “Nhiễu tháp có năm việc: Một, cúi đầu nhìn xuống đất; hai, không được dẵm lên côn trùng; ba, không được quay nhìn sang hai bên; bốn, không được khạc nhổ trước tháp; năm, không được đứng trong khuôn viên tháp chuyện trò với người”.
Tags kính pháp
Check Also
PUCL QUYỂN 36 – TREO TRÀNG PHAN, HƯƠNG HOA, TÁN TỤNG
QUYỂN 36 Quyển này gồm hai chương: Treo tràng phan, Hoa hương, Tán tụng. 32. ...