QUYỂN 26
Quyển này có một chương Túc mạng.
18. CHƯƠNG TÚC MẠNG
18.1. LỜI DẪN
Hành nghiệp có sai biệt, do con đường túc duyên chẳng phải một; thọ mạng có dài ngắn, bởi lẽ sáng tối thật chẳng thường hằng. Vì nghiệp nhân có thiện, có ác nên dẫn đến quả báo có tốt, có xấu. Có người nhớ nhiều kiếp, hoặc có người biết nhiều đời; hoặc nhớ được một đời, hoặc chỉ biết hiện tại. Vì thế tâm phàm thánh rất cách xa, nên túc mạng cũng có lâu xa hay ngắn ngủi. Tuy tâm nương thần, cảm thánh mà tập khí vẫn còn; dù đoạn trừ phiền não, thấy đạo mà vọng tâm cũng chẳng mất. Nếu chưa lên địa vị Thập địa, công hạnh chưa trọn ba a-tăng-kì kiếp thì sao có thể đoạn dứt tập nhân, cảm được quả báo thù thắng này.
18.2. DẪN CHỨNG
18.2.1. Cõi trời
Luận Ti-bà-sa ghi: “Ở cõi trời cũng có Sinh xứ đắc trí1 biết tâm người khác, nhưng vì quá vi tế nên ở đây không bàn đến, trong phần quả báo cõi trời ở trên và quả báo súc sinh, ngạ quỉ ở dưới đã nói đầy đủ”.
Luận Ti-bà-sa lại ghi: “Tại sao? Vì chẳng phải điền khí2, lại có trí nhận biết hình tướng và nghe hiểu lời nói thù thắng mà bị ngăn che; đã có tha tâm thông và nguyện trí mà bị che lấp.
Lời bình: Nên nói rằng: “Sinh xứ đắc trí của chúng sinh trong bốn đường, mỗi mỗi có thể biết được năm đường mà cũng không trái lẽ”.
18.2.2. Cõi ngườỉ
Luận Ti-bà-sa ghi:
– Hỏi: Cõi người cũng có bản tính niệm sinh trí biết được tâm người khác, tại sao chẳng nói đến?
Đáp: Việc nên nói mà chẳng nói, vì đã dư thừa; lại vì quá ít nên chẳng nói ra. Nghĩa là ở trong loài người rất ít người được trí này, nên chẳng nói đến.
Theo luận trên, trí này từ nghiệp chẳng não hại người khác mà có. Nếu chúng sinh nào giữ gìn thân, miệng, ý, chẳng làm tổn hại người khác thì khi trong thai nhất định an ổn, không bị nóng lạnh và khí huyết bất tịnh của người mẹ làm khốn khổ; đến khi chào đời cũng chẳng bị sản môn của người mẹ bức ép, khiến tâm tán loạn. Vì thế mà biết rõ, tỉnh thức, nhớ được việc đời trước. Do trái với nghiệp trên, nên tâm tán loạn, không nhớ biết việc đời trước.
Hỏi: Sinh vào cõi trời biết được đường nào?
Đáp: Theo luận Ti-bà-sa thì chúng sinh cõi trời biết năm đường, cõi người biết bốn đường dưới, ngạ quỉ biết ba đường dưới, súc sinh biết hai đường dưới, địa ngục chỉ biết việc ở địa ngục. Do thù thắng hơn, nên cõi trên biết được các cõi dưới. Do thấp kém hơn nên cõi dưới không biết cõi trên.
Hỏi: Nếu do thấp kém hơn, nên cõi dưới không biết cõi trên, tại sao kinh ghi long vương Thiện Trụ, long vương Y-bát-la biết được tâm niệm của Đế Thích hơn tâm loài người?
Đáp: Theo luận Ti-bà-sa thì những việc này đều do có tín hiệu mà đoán biết, chẳng phải thật biết. Như khi Đế Thích muốn giao chiến với a-tu-la thì xương sống của long vương Thiện Trụ tự nhiên phát ra tiếng. Lúc đó long vương liền nghĩ: ‘‘Nay xương sống của ta phát ra tiếng, nhất định biết chư thiên muốn giao chiến với a-tu-la, họ cần đến ta”. Sau đó, long vương đến bên Đế Thích.
Lại như khi Đế Thích muốn du ngoạn thì trên lưng long vương Y-bát-la tự nhiên hiện hương thủ. Long vương thầm nghĩ: “Nay trên lưng ta hiện hương thủ thì nhất định Đế Thích muốn vui chơi ở vườn hoa, nên cần đến ta”, liền hóa thành con voi có ba mươi hai đầu, cộng với đầu chính thành ba mươi ba. Trên mỗi đầu đều có sáu ngà, trên mỗi ngà có bảy ao báu, trong mỗi ao có bảy hoa sen, mỗi hoa sen có bảy cánh, mỗi cánh có bảy đài báu, mỗi đài có bảy màn trướng báu, trong mỗi màn trướng báu có bảy thiên nữ, mỗi thiên nữ có bảy người hầu, mỗi người hầu có bảy kĩ nữ trỗi nhạc trời.
Sau đó trong chớp mắt, long vương đến trước điện Đế Thích. Đế Thích cùng quyến thuộc bay lên ngự lên đầu chính của long vương. Ba mươi hai quan cận thần cùng quyến thuộc bay lên ngồi trên ba mươi hai đầu còn lại. Long vương bay vút lên; trong chốc lát đến nơi vui chơi.
Lấy việc này để nghiệm biết thì đây là nhờ dự đoán mà biết được, chẳng phải thật biết. Việc này minh chứng cho việc cõi trên biết các cõi dưới mà cõi dưới chẳng biết cõi trên.
Hỏi: Nhưng lí này cũng chưa cùng tận; như con sói biết tâm người nữ, nó giết đứa trẻ rồi bỏ đi. Việc này tức là cõi dưới cũng biết cõi trên. Vậy thì sao nói cõi dưới chẳng biết cõi trên?
Đáp: Đó là căn cứ vào số nhiều mà nói cõi trên biết cõi dưới mà cõi dưới chẳng biết cõi trên, chứ nếu truy tìm việc cõi trên và cõi dưới cùng biết nhau thì chẳng thể nêu ra hết.
Luận Tân Bà-sa ghi: ‘Trong thành Vương Xá có một đồ tể tên Già-trá, là bạn thuở nhỏ của vua Vị Sinh Oán.
Có lần đồ tể nói với thái tử:
– Khi lên ngôi, thái tử sẽ cho tôi thỏa nguyện gì?