chép đầy đủ trong Cao tăng truyện, văn nghĩa rõ ràng chính xác, Phạn-Hán chẳng sai.
Bấy giờ ni sư Tuệ Quả, Tịnh Âm, v.v… ở chùa Ảnh Phúc thỉnh ý sư:
– Cách đây sáu năm có tám ni sư từ nước Sư Tử đến kinh đô nói: “Trước đây nước Tống chưa có ni chúng, không được thụ giới trước hai chúng, e rằng chẳng đắc giới”.
– Giới pháp vốn phát khởi từ đại tăng. Nếu chẳng có ni chúng thì cũng đắc giới, giống như nhân duyên bà Đại Ái Đạo. Sư giải thích.
Các ni sư lại sợ năm tháng chưa đủ, tha thiết cầu thụ lại. Sư nói:
– Quí thay! Nếu các cô thật lòng, ta rất tùy hỉ giúp đỡ; nhưng ni chúng ở Tây Vực qua đây còn thiếu người, lại chưa đủ hạ lạp. Hãy bảo người biết tiếng Trung Quốc, nhờ cư sĩ nước Tây Vực thinh đủ mười vị ni nước ngoài.
Mùa hạ năm ấy tại chùa Định Lâm tổ chức an cư. Bấy giờ có tín chủ rải hoa quanh các tòa trong pháp hội. Vài ngày sau, những bông hoa quanh tòa sư vân còn tươi. Đại chúng đều tôn kính xem trọng sư như thánh nhân. Giải hạ. sư trở về chùa Kì-hoàn.
Ngày hai mươi tám tháng chín năm ấy, trong khi thụ trai chưa xong, sư rời chỗ trở về phòng trên gác. Đệ tử đến thì thấy sư đã an nhiên thị tịch, thọ sáu mươi lăm tuổi. Sau đó đệ tử khiêng sư ngồi trên thăng sàng; sắc diện vẫn tươi nhuận như đang nhập định. Hơn nghìn người tại gia lẫn xuất gian đến viếng thăm, ai cũng ngửi thấy hương thơm ngào ngạt và thấy một con vật dài khoảng một trượng giống như con rồng từ nhục thân sư vọt thẳng lên trời, chẳng thể diễn tả hết. Mọi người lấy gỗ thơm, tưới dầu thơm lên nhục thân. Khi trà-tì, ngọn lửa năm màu bốc lên lơ lững trên không. Bốn chúng kêu gào khóc thương cảm động trời đất, chẳng thể kiềm chế.
13.5.3. Đời Tống, ni sư Đàm Huy: Ni sư người Thành Đô, nước Thục, họ Thanh Dương, tên đời là Bạch Ngọc. Khi bảy tuổi, ni sư đã thích ngồi thiền; mỗi lần ngồi lại thấy cảnh giới lạ, nhưng chưa rõ là gì và cũng cho đó là mộng. Ni sư thường ngủ chung với người chị, nửa đêm ngồi thiền nhập định. Một hôm tỉnh giấc, chị đưa tay qua màn ngăn sờ thầy người của ni sư cứng như gỗ đá, không còn hơi thở. Người chị vô cùng hoảng sợ kêu gọi người nhà. Sau đó chị em ôm nhau đến sáng cũng chẳng hay. Gia đình chạy đến hỏi các thầy pháp. Họ đều đáp: “Đó là do quỉ thần dựa”.
Năm ni sư mười một tuổi, thiền sư Cương-lương-da-xá từ Tây Vực đến nước Thục. Ni thưa hỏi cảnh giới khi mình ngồi thiền. Ngài Da-xá nói ni sư đã đạt một phần thiền định, khuyên nên xuất gia.
Bấy giờ bà sắp xuất giá, gia đình đã định ngày giờ. Ni Pháp Dục chưa kịp thực hành lời dặn của ngài Da-xá, nghe nói bà sắp xuất giá, nên lén đưa về chùa. Gia đình biết được, đến dẫn về ép bà lấy chồng. Nhưng ni sư chẳng chịu đi mà phát nguyện kiên cố: “Nếu đạo tâm của con chẳng thành tựu mà bị người ngăn cản, bức ép, con sẽ lao vào lửa, làm thức ăn cho cọp để bỏ thân dơ uế này. Nguyện mười phương chư Phật chứng kiến lòng chí thành của con”.
Thứ sử Chân Pháp Sùng tin kính Phật pháp, nghe chí hướng của ni sư, liền mời đến diện kiến, mời quan Cương tá và sa-môn Hữu Hoài đến gạn hỏi. Ni sư đối đáp thông suốt, được mọi người ca ngợi. Thứ sử cho phép xuất gia. Niên hiệu Nguyên Gia thứ 19 (442), Lâm Xuyên Khang vương Nghĩa Khánh thỉnh ni sư đến chùa Quảng Lăng.
13.5.4. Đời Tống, cư sĩ Triệu Tập: Cư sĩ ở Hoài Nam. Niên hiệu Nguyên Gia thứ 12 (435), ông làm Vệ quân phù tá. Ông bị bịnh lâu ngày, lo nghĩ nhất định chảng cứu được, nên luôn luôn chí thành qui y Phật. Một đêm nọ, ông mộng thấy một người cao lớn kì dị giống như vị thần lấy một gói nhỏ và một con dao cạo đầu trên nóc nhà mình trao cho ông và nói: “Uống thuốc này, dùng dao này thì nhất định lành bịnh”. Ông liền tỉnh giấc, quả thật thấy con dao và gói thuốc, liền lấy uống, bịnh lành. Sau đó ông xuất gia lấy pháp danh Tăng Tú, thọ hơn tám mươi tuổi.
13.5.5. Đời Tống, hai ni sư họ Luân ở Đông Cung: Niên hiệu Nguyên Gia đầu tiên (424), tại Đông Cung Luân có hai chị em; người chị mười tuổi, em chín tuổi. Bấy giờ, người dân trong làng quá mê mờ, chưa biết Phật pháp. Bỗng vào ngày mùng tám tháng hai, cả hai chị em đều mất tích, ba ngày sau mới trở về và nói là gặp được Đức Phật.
Đến ngày rằm tháng chín, họ lại mất tích, mười ngày sau mới trở về, nói tiếng nước ngoài, tụng kinh tiếng Phạn và nói gặp vị tăng nước Tây Vực khai ngộ cho họ.
Ngày rằm tháng giêng năm sau, họ lại mất tích. Người làm ruộng thấy họ theo gió bay lên trời. Cha mẹ buồn khóc, khẩn cầu thần thánh. Một tháng sau họ trở về với hình dáng tì-kheo-ni, đầu tròn áo vuông, cầm búi tóc và kể lại gặp được Đức Phật và gặp một tì-kheo-ni bảo: “Hai con nhờ duỵên đời trước nên hôm nay được làm đệ tử ta”, rồi lấy tay xoa đầu, tóc họ liền rụng. Vị tì-kheo-ni đặt pháp danh người chị là Pháp Duyên, người em là Pháp Thái và bảo họ trở về xây tinh xá, đọc tụng kinh điển, về đến nhà, họ liền dẹp chỗ thờ quỉ thần, lập tinh xá, sáng tối lễ Phật, tụng kinh. Mỗi lần tu trì, mây năm sắc lan tỏa đến đỉnh núi. Từ đó uy nghi, giọng nói của họ có phép tắc. Phẩm hạnh của họ, người ở kinh đô không ai hơn được. Thứ sử Vi Lãng, Khổng Mặc v.v… đều ngưỡng mộ và rất kính trọng.
Check Also
PUCL QUYỂN 21 – CHƯƠNG PHÚC ĐIỀN
QUYỂN 21 Quyến này gồm ba chương: Phú đức, Qui tín, Nam nữ thế gian. ...