HƯƠNG HOA VƯỜN GIÁO PHÁP
(PHÁP UYỂN CHÂU LÂM)
Đời Đường, Triều nghị đại phu Lan đài thị lang Lý Nghiễm tự Trọng Tư người Lũng Tây, Trung Quốc soạn.
Sáu hào1 vừa khởi, tám quẻ2 liền thành; văn tự lập xong, phép tắc sáng tỏ; cho đến kinh điển Đạo gia, ngôn từ của vua chúa; sách vàng chữ ngọc3, trăm nhà4 trăm lối, vạn quyển vạn dòng; tuy nghĩa lí thật sâu xa, ngôn từ đúng phép tắc, nhưng bàn tâm luận tính chưa vượt thế gian, từ đầu đến cuối chưa đến chỗ xuất tục! Dù cũng có thuyết của Lão Tử, lời của Trang Chu, song ý kinh đều hoang đường, lời sách cũng quái đản, giống như chạm khắc trên băng tuyết không thành hình, khác gì viết vẽ vào hư không chẳng ra nét. Tất cả nếu tranh cạn sâu, so hơn kém với ý diệu của Phật kinh, lời mầu trong Phật điển bao gồm hai thừa rộng lớn, tám tạng5 sâu xa, thì cũng như đống kỉến đùn thấp bé so với hai ngọn Tung, Hoa cao vút; hoặc tựa vũng chân trâu cạn hẹp sánh với đôi dòng Giang Hán6 rộng dài. Kinh Phật, dù nghĩa rõ ràng, hay phép tắc sâu kín, hoặc là cửa giải thoát, hay là vườn tổng trì7, quá khứ vị lai đều phù hợp chân như, tâm đầu tâm cuối đều trở về chính giác. Thế Tôn xuất thế đưa chúng sinh mê muội vượt biển tham dục, tình trần và tâm cấu cùng tiêu; dắt đứa con nghèo 8 vào ngôi từ thất9 khiến hạt châu trong vạt áo và viên ngọc trên búi tóc cùng hiện. Đức Phật giáo hỏa khắp hằng sa cõi, công đức trùm vi trần kiếp. Vĩ đại thay! Cao cả thay! Không lời nào ca tụng nổi!
Từ triều Chu hiện điềm sao rụng như mưa10, đến Hán đế mộng thấy người vàng* 11, rồi Thái Âm sang Tây Vực, Trúc Pháp Lan vào Trung Hoa, thì lời từ kim khẩu, ý chỉ nơi đài báu12 chép đầy trên giấy, truyền bá khắp nơi. Nhưng kinh quyển quá nhiều, chủng loại lại sâu rộng, nên thật khó thấu được thật tướng13 chân nguyên.
Đến đời Đại Đường ta định quốc, thánh thượng trị vì thì Phật giáo hưng thịnh, tăng đồ đông đúc, việc truyền dạy, biên soạn phát triển khắp muôn nơi, lời kinh tiếng kệ râm ran chốn kinh kì; giáo pháp Phật được hoàng truyền mạnh mẽ, khó kể hết được. Bấy giờ, có pháp sư đại đức Đạo Thế tự Huyền Huy ở chùa Tây Minh là vị lãnh tụ Phật giáo, từ nhỏ đã mến đạo, lìa tục xuât gia, lòng từ nhuần khắp. Sau khi sư thụ giới cụ túc, giới phẩm tròn sáng, giữ nghiêm như chuyện ngỗng nuốt châu14, thông hiểu luật nghi, lòng vui như người nhìn vào gương
sáng; lại kính mộ Đại thừa, thông tỏ thật tướng. Vì biết sư học rộng tài cao, thái tử thỉnh sư trụ chùa Tây Minh. Tại đây, sư đọc hết năm bộ15, xem trọn ba tạng giáo. Sư cho rằng kinh luật xưa nay trải qua nhiều đời được nhiều người biên soạn, tuy ý hay lời đẹp, song chưa có bộ nào ghi chép đầy đủ. Do đó, sư mới chọn lấy hoa quí trong vườn kinh văn, hút lấy hương chiêm-bặc16 nơi nghĩa Đại thừa, ghi chép theo từng bộ loại, rồi biên tập thành sách, đặt tên là Pháp uyển châu lâm, gồm 100 thiên, đóng thành 10 tập. Sách này nghĩa rộng sâu, văn ngắn gọn, có thể bổ sung chỗ thiếu sót trong Bác yếu17 của họ Ngu; lời giáo đã tuyên dương, ý đạo cũng sáng tỏ, có thể soi rõ Hoằng minh18 của Tăng Hựu; lời văn diễm lệ, lí đạo rõ ràng, nêu hết chi thú tột cùng, gồm trọn pháp môn vi diệu.
Nhưng văn dài dòng thì người ngán đọc, nghĩa sơ lược thì ít ai nghe. Thật tôi chẳng muốn đặt thêm lời hoa mĩ để chép ghi đầy trong pho quyển, bất đắc dĩ mới phải như vậy. Lời văn tuy nhiều, nhưng nếu xem đọc lâu ngày thì sẽ thấu chỗ trọng yếu.
Sách này biên soạn xong vào tháng ba, năm Tổng Chương thứ nhất (668) triều Đại Đường, nhằm ngày ba mươi, luật Cô Tẩy, năm Mậu Thìn. Mong người nghiên tầm lời sâu xa lật sách này sẽ tìm được ngọc như ý, người tu theo chính pháp xem văn này sẽ nếm được vị cam lộ. Nếu giảng thuật sách này mà biết nghĩa vi diệu, xem đọc sách này mà thấy lí sâu mầu, thì hẳn người ấy sẽ rực sáng cùng mặt trời, tồn tại mãi với hư không.