H. THU MƯỜI TÁM GIỚI

Kinh : Anan, lại như chỗ ông bày tỏ : Nhĩ căn và thanh trần làm duyên, sanh ra nhĩ thức. Thức ấy nhân nhĩ căn sanh ra, lấy nhĩ căn làm giới, hay nhân thanh trần mà sanh ra, lấy thanh trần làm giới?
Anan, nếu nhân nhĩ căn sanh ra mà không có mặt hai tướng động, tĩnh thì cái biết của căn chẳng thành. Mà đã không biết gì thì cái biết còn không thành huống là cái thức phân biệt còn có hình dạng gì?
Nếu nhân lỗ tai nghe, mà không có động, tĩnh, cái nghe cúng không thành, làm sao lấy hình tướng lỗ tai trộn lẫn sắc trần, mà gọi được là nhĩ thức giới. Cái nhĩ thức giới ấy do đâu mà thành lập?
Nếu nhân thanh trần mà sanh ra, thì cái nhĩ thức nhân thanh trần mà có, bèn chẳng liên quan gì đến cái nghe, mà đã không nghe, thì cũng không biết các tướng thanh trần ở đâu. Nhĩ thức mà do thanh trần sanh ra, dầu cho rằng thanh trần do cái nghe mà có tướng, thì cái nghe lẽ ra phải nghe được nhĩ thức. Nếu không nghe được nhĩ thức thì thanh trần chẳng phải là giới của nhĩ thức. Còn nếu nghe được, thì nhĩ thức cũng đồng với thanh trần. Nhĩ thức đã bị nghe, thì cái gì biết sự nghe được cái nhĩ thức đó? Còn nếu không ai biết thì rốt cuộc giồng như cỏ cây.
“Chẳng lẽ thanh trần và cái nghe trộn lẫn thành ra cái giới ở giữa ? Giới không có ở giữa thì các tướng nội căn, ngoại trần do đâu mà thành?
“Thế nên, phải biết : Nhĩ căn, thanh trần làm duyên sanh ra nhĩ thức giới, cả ba chỗ ấy đều không. Tức là ba thứ nhĩ giới, thanh giới và nhĩ thức giới vốn chẳng phải là tánh nhân duyên, chẳng phải tánh tự nhiên.

Thông rằng : Tiểu thừa cho rằng “nhân duyên sanh ra pháp”, lấy đó làm thật có, chẳng hiểu được “tức Không” nên Phật căn cứ vào chỗ nghe, thấy thường ngày ấy mà phá bỏ.
Nếu nhân nhĩ căn mà sanh ra, thì nhĩ căn có thắng nghĩa căn và phù trần căn. Thắng nghĩa căn biết phân biệt, nhưng nếu không có thanh trần tiếp xúc thì cái biết còn không có, huống là có hình tượng gì ? Phù trần căn thì dù có xen tạp với sắc trần, mà nếu không có hai tướng động, tĩnh thì cái nghe còn không có, huống là có thức giới ! Cho nên, nếu nói “Nhĩ thức nhân nhĩ căn sanh ra”, là sai lầm.
Nếu nhân thanh trần mà sanh ra, thế thì thanh trần đã tự có nhĩ thức, cần gì đến tai nghe ? Đã không có người nghe, thì ai phân biệt được các thanh trần ? Nếu nói nương nhau mà sanh, cho là thanh trần nhân cái nghe mà có tướng, thì cũng phải cho rằng cái nghe nhân thanh trần mà nghe được nhĩ thức. Nhĩ thức đã bị nghe, thì cũng chỉ là thanh trần, thì còn cái gì làm năng tri để biết rằng đã nghe nhĩ thức ? Nếu có cái biết, thì thành ra có hai cái thức ! Còn nếu không có cái biết, thì đồng với cỏ cây. Nên nói “Thức sanh ra nơi thanh trần” là sai lầm vậy.
Nếu nói rằng “Thanh trần và cái nghe hòa hợp mà sanh ra nhĩ thức”, thì một bên là có biết, một bên là không biết, giữa khoảng biết và không biết đó, làm sao mà trộ lẫn để thành ra cái giới ? Cái giới ở giữa đã không có thức không chỗ nương, thế thì nội căn, ngoại trần do đâu mà thành lập ? Nên nói “Thanh trần và cái nghe hòa hợp sanh” là sai lầm vậy.
Ba chỗ đều không, thì nhĩ thức chẳng sanh, nên biết cái nhĩ thức vô sanh ấy tức là Tánh Chân Như vậy.
Có lần, Đức Thế Tôn đang ngồi dưới cây Ni Câu Luật có người đi buôn hỏi : “Ngài có thấy xe đi qua không ?”
Ngài nói: “Chẳng thấy.”
Lại hỏi: “Lại có nghe chăng ?”
Đáp : “Chẳng nghe.”
Hai người đi buôn hỏi: “Không thiền định sao ?”
Đáp: “Không thiền định.”
Hỏi: “Không phải ngủ sao ?”
Đáp : “Không ngủ.”
Người đi buôn tán thán : “Lành thay ! Lành thay ! Thế Tôn thường biết mà chẳng thấy !” Bèn cúng dường lên hai cây vải trắng.
Có vị sư hỏi Thiền sư Hà Trạch Thần Hội : “Khi cái thấy, nghe chiếu thanh, sắc thì đồng thời hay có trước sau ?”
Tổ Hội nói: “Đồng thời hay trước sau hãy để đó. Rốt ráo, ông lấy cái gì làm thanh, sắc ?”
Vị sư nói : “Như chỗ chỉ bày của thầy, thì không có thanh, sắc nào khá được.”
Rồi quỳ lạy mà đi ngay hôm đó. Sau sư ở ẩn tại núi Mông.
Có vị Tam Tạng xứ Thiên Trúc tên là Thanh Minh đến xứ Mân. Vua xứ Mân mời Ngài Huyền Sa đến để nghiệm luận.
Tổ Sa lấy chiếc đũa sắt gắp lửa gõ vào cái lư đồng, rồi hỏi: Đó là tiếng gì ?”
Vị Tam Tạng đáp : “Tiếng đồng-sắt.”
Tổ Sa nói: “Đại vương chớ để người ngoại quốc lừa dối!
Vị Tam Tạng không đáp được.
Ngài Thiên Đồng nêu ra rằng: “Hợp với Lý thì đó là thần : gã nghèo được viên ngọc trong tay áo. Bị tình gói kín thì đó là vật : người lực sĩ mất viên ngọc trên trán! Vị Tam Tạng chỉ biết nhìn tới trước. Ngài Huyền Sa lại chẳng thể ngó lui. Hiểu được chăng ? Đặt bày điều tội cho người thì tội càng lớn.”
Cái tắc công án này, các vị Tôn túc nói rất nhiều.
Vị Tam Tạng nói “Tiếng đồng-sắt” thì rõ ràng đuổi theo thanh trần rồi vậy.
Tổ Pháp Nhãn riêng nói: “Thỉnh Đại sư làm Đại Vương.”
Tổ Pháp Đăng riêng nói: “Hãy nghe Hòa thượng hỏi!”
Tổ Tuyết Đậu nói: “Chớ lừa dối người ngoại quốc thìtốt.”
Ở chỗ vị Tam Tạng không trả lời được, Ngài Pháp Nhãn thay thế mà nói rằng : “Đại sư đã hưởng thọ lâu rồi sự cúng dường của Đại Vương.”
Tổ Pháp Đăng nói thay : “Ấy là Hòa thượng lừa dối Đại Vương!” Câu nói này rất có ý vị, đó là chỗ Ngài ThiênĐồng nói “Đặt bày điều tội cho người thì tội lại càng lớn đó vậy.
Cứ theo ý Tổ Huyền Sa thì gọi cái gì là tiếng đồng, sắt ? Còn theo ý vị Tam Tạng thì gọi cái gì chẳng phải là tiếng đồng-sắt ? Hai lời này rất dễ lừa người. Phải mỗi mỗi đều nhìn thấu mới chẳng bị người lừa.

About namcuulong

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *