H. THU MƯỜI TÁM GIỚI

Kinh : Anan, như chỗ ông bày tỏ : Nhãn căn và sắc trần làm duyên, sanh ra nhãn thức. Cái thức này là nhân nhãn căn sanh ra, lấy nhãn căn làm giới ; hay nhân sắc trần sanh ra, lây sắc trần làm giới?
“Anan, nếu nhân nhãn căn sanh ra, mà không có sắc, có không, thì không thể phân biệt, dầu cho có cái thức của ông cũng chẳng làm gì. Cái thấy của ông mà không có xanh, vàng, trắng, đỏ thì không thể biểu hiện ra được, vậy do đâu mà lập ra giới?
“Nếu nhân sắc trần sanh ra, thì khi ở hư không, chẳng có sắc, lẽ ra cái thức của ông phải diệt mất, làm sao mà biết đó là hư không? Nếu khi sắc trần biến đổi, ông cũng biết sắc tướng biến đổi, mà cái thức của ông chẳng biến đổi, thế thì do đâu mà lập sắc trần làm giới ? Nếu theo sắc mà biến đổi thì cái giới không thành. Nếu không biến đổi, tức là thường hằng, cái thức đã từ sắc sanh ra, lẽ ra không biết hư không ở chỗ nào.
“Nếu do cả hai thứ nhãn căn và sắc trần chung nhau sanh ra, thì hợp lại ắt ở giữa phải có chỗ lìa: còn như lìa, ắt hai cái có thể hợp lại. Như thế, thể tánh xen lộn, làm sao thành được giới ?
“Thế nên, phải biết : Nhãn căn, sắc trần làm duyên sanh ra nhãn thức giới, cả ba chỗ đều không. Tức là cả ba thứ nhãn giới, sắc giới và nhãn thức giới vốn chẳng phải tánh nhân duyên, chẳng phải tánh tự nhiên.

Thông rằng : Cái Mười Tám Giới này, chỉ phá sáu thức.
Nói cái thức này chẳng phải từ mắt sanh ra mà lấy mắt làm giới, vì thức thì phân biệt, nhưng nếu không có sắc, không thì phân biệt dùng vào đâu ?
Cái thức này chẳng phải từ sắc sanh ra mà lấy sắc làm giới, vì sắc thì có biến diệt, thức thì không đổi thay, nếu chỉ từ sắc mà ra thì làm sao biện không ?
Thức ấy cũng không nhân nhãn và sắc hợp lại mà làm ra giới. Vì một bên có biết (nhãn căn) hợp với một bên không biết (sắc trần) ắt chống nhau, làm sao mà tương nhập ? Nên nói “Ở giữa phải có chỗ lìa”.
Bảo rằng lìa ngoài nhãn và sắc mà sanh ư ? Lìa căn tức là hợp với cảnh, lìa cảnh tức phải hợp với căn, vậy thức thuộc bên nào ? Thế nên mới nói “Xen lộn”.
Ba chỗ đồng chẳng phải, thì giới ở đâu mà có ?
Tổ Pháp Nhãn chỉ cây tre, hỏi vị tăng: “Thấy không ?”
Vị tăng đáp: “Dạ, thấy.”
Tổ Nhãn nói : “Tre đến trong mắt hay mắt đến bên tre?”
Vị tăng nói: “Đều chẳng phải như thế.”
Sau này, Tổ Pháp Đăng riêng nói: “Khi ấy, chỉ nên bửa mắt ra mà ngó thầy,”
Tổ Quy Tông Nhu riêng nói rằng : “Hòa thượng chỉ là chẳng thì hai chuyển ngữ của tôi lại có hơi thở của thiền tăng.”
Lại có vị tăng hỏi Tổ Thiên Đồng Khải : “Như thế nào con mắt ứng dụng không thiếu hụt ?”
Tổ Đổng nói : “Vẹn giống như mù một thứ !”
Ngài Đơn Hà tụng rằng :
“Mù, ngọng, điếc, câm xa Thiên Chân Mắt tợ lông mày : Đạo mới gần
Đông Quân đêm trước ngầm ban lệnh Chốn hoàng oanh hót liễu xanh xuân.”
Ở chỗ này mà tin được thấu đáo thì mặc tình ứng dụng không thiếu hụt.

About namcuulong

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *