F. THU SÁU NHẬP

Kinh : Anan, ví như có người lấy hai ngón tay bịt chặt lỗ tai, do căn tai mỏi, trong đầu hóa ra có tiếng. Cả hai cái : lỗ tai và cái mỏi mệt, đều là tướng lâu mà sanh ù mỏi của Bồ Đề.
“Nhân nơi hai thứ vọng trần động và tĩnh phát ra cái nghe ở trong, thu nạp cái trần tượng đó mà gọi là cái nghe. Cái nghe đó rời hai trần động tĩnh rốt ráo không có tự thể.
“Thật vậy, Anan, ông nên biết cái nghe đó không phải từ nơi động, nơi tĩnh mà đến, không phải từ lỗ tai mà ra, không phải nơi hư không mà sanh. Tại sao thế? Nếu cái nghe ấy từ nơi tĩnh mà đến thì khi động phải theo cái tĩnh mà diệt, lẽ ra không nghe được cái động. Nếu từ nơi động mà đến thì khi tĩnh sẽ theo cái động mà diệt, lẽ ra không nghe thấy cái tĩnh. Nếu do lỗ tai mà sanh, hẳn là không có động, không có tĩnh, thì cái nghe như vậy vốn không có tự tánh. Nếu do hư không mà ra, thì đã có tánh nghe, chắc không phải là hư không nữa. Lại nữa, hư không mà tự nghe nào có liên quan gì đến chỗ thâu nhập của ông?
“Vậy, nên biết rằng Nhĩ Nhâp là hư vọng, vốn chẳng phải tánh tự nhiên, chẳng phải tánh nhân duyên.

Thông rằng : Từ nhãn nhập đến ý nhập đều như hoa không, nên nói “Đều là cái tướng mỏi mệt sanh ra của Bồ Đề”. Căn tai mỏi ù, thì trong đầu có ra tiếng. Giác Tánh Bồ Đề phát sanh mỏi, ắt trong tai thành có cái nghe. Cái nghe này hư vọng mà sanh ra, cũng như hoa không vậy.Cái nghe này rời hai vọng trần động và tĩnh thì rốt ráo không có tự thể. Trần đến thì có, trần đi thì không. Cái nghe ấy vốn không gốc gác nên gọi là hư vọng. Cái nghe hay phân biệt được động, tĩnh nên chẳng từ cảnh mà sanh Cái nghe thật linh mẫn, còn hư không thì trơ trơ, nên chẳng phải từ hư không mà ra. Như cái thể nghe của nhĩ căn, mỗi mỗi đều có mặt, sao lại nói là không tự tánh ? Vì lìa ngoài tiền trần ắt là vô phân biệt. Nếu có phân biệt, đáng lẽ phải chỉ ra được. Nay không thể chỉ ra, thì biết là không tự tánh. Nghiệm xét cái nghe ở nơi cảnh, ở nơi căn, ở nơi hư không đều không có cái thể nhất định để tìm ra được, tức là cái nghe hư huyễn này vốn chẳng phải tính nhân duyên, chẳng phải tính tự nhiên, bèn là tức huyễn tức chơn vậy. Nếu mà có nhân duyên hay tự nhiên khá được thì cái nghe ấy bèn là pháp sanh diệt, sao có thể gọi đó là Diệu Chân Như Tánh ?
Có vị tăng hỏi Ngài Huyền Sa : “Nhờ Hòa thượng dạy “Cái tánh nghe cùng khắp pháp giới”. Ngài Tuyết Phong đánh trống ở trong ấy vì sao chẳng nghe ?”
Tổ Sa nói: “Ai biết chẳng nghe ?”
Lại có vị tăng hỏi Tổ Tào Sơn : “Gần bạn đạo nào để được hằng nghe chỗ chưa nghe ?”
Tổ Sơn nói ; “Cùng chung nhau một cái trùm che khắphết.”
Hỏi : “Cái này cũng như là Hòa thượng được nghe. Như sao là hằng nghe ở chỗ chưa nghe ?”
Tổ Sơn nói : “Chẳng đồng với gỗ đá.”
Hỏi : “Cái nào là trước, cái nào là sau ?”
Tổ Sơn nói : “Chẳng thấy nói “Hằng nghe ở chỗ chưa nghe sao ?”
Thế mới biết, hằng nghe ở chỗ chưa nghe thì cái nghe này cùng khắp vậy.

About namcuulong

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *