Home / KINH - LUẬN / Kinh Lăng Nghiêm Tông Thông / Lăng Nghiêm Tông Thông quyển 2 / Mục 6 / CHỈ RÕ Ý NGHĨA TÁNH THẤY KHÔNG PHẢI LÀ CÁI THẤY, VIÊN MÃN BỒ ĐỀ

CHỈ RÕ Ý NGHĨA TÁNH THẤY KHÔNG PHẢI LÀ CÁI THẤY, VIÊN MÃN BỒ ĐỀ

Kinh : Anan, ông tuy đã ngộ cái Bản Giác Diệu Minh vốn chẳng phải nhân duyên, chẳng phải tự nhiên nhưng còn chưa rõ cái Bản Giác như thế không phải hòa hợp mà sanh, cũng không phải không hòa hợp.
Anan, nay tôi lại lấy tiền trần hỏi ông, bởi vì ông còn lấy hết thảy những tính nhân duyên hòa hợp của vọng tưởng thế gian mà tự nghi ngờ rằng chứng Tâm Bồ Đề cũng do hòa hợp mà phát khởi. Vậy thì hiện nay cái thấy mầu sạch của ông là hòa với cái sáng ? Là hòa với cái tối? Hòa với thông suốt ? Hay hòa với cái ngăn bít ? Nếu hòa với cái sáng, mà nay ông đang thấy sáng, thì cái sáng hiện đó, ở chỗ nào xen lẫn với cái thấy ? Cái thấy, cái sáng có thể nhận rõ, còn hình tượng xen lộn thì như thế nào ? Nếu cái sáng chẳng phải là cái thấy thì làm sao thấy được cái sáng? Nếu cái sáng tức là cái thấy thì làm sao thấy được cái thấy ? Nếu cái thấy cùng khắp thì còn chỗ nào để hòa được với cái sáng ? Nếu cái sáng cùng khắp thì lẽ ra không hòa được với cái thấy. Cái thấy đã khác với cái sáng thì khi xen lẫn tất phải làm mất tính cách của cái sáng. Cái thấy xen vào làm mất tính chất của cái sáng) mà nói hòa với cái sáng thì không đúng nghĩa. Đối với cái tối, cái thông suốt và cái ngăn bít thì cũng như vậy.
“Lại nữa, Anan, hiện nay cái thấy mầu sạch của ông hợp cùng cái sáng, hợp với cái tối, hợp với cái thông suốt hay hợp với cái ngăn bít ? Nếu hợp với cái sáng thì đến khi tối, cái sáng đã mất rồi, cái thấy đó không hợp với cái tối thì làm sao thấy được cái tối ? Nếu khi thấy tối mà không hợp với cái tối thì lẽ ra khi hợp với cái sáng, không thấy được cái sáng ! Mà đã không thấy được sáng thì làm sao hợp với cái sáng và rõ biết cái sáng không phải là tối. Đối với cái tối, cái thông suốt, cái ngăn bít thì cũng như vậy.”

Thông rằng : Cái Bổn Giác Diệu Minh chẳng phải nhân duyên, chẳng phải tự nhiên, Ông Anan trước đã tỏ ngộ sơ qua là nó hình như chẳng phải là nhân duyên hay tự nhiên, nhưng lại chấp rằng ba duyên ánh sáng của thế gian họp lại thì thành ra cái thấy. Ông còn nghi rằng chứng Bồ Đề Tâm hẳn do hòa hợp mà phát khởi.
Cái thấy của thế gian kia không những thấy cái sáng, mà còn thấy cả cái tối, thì rõ ràng là không phải nhờ các duyên vậy. Huống là cái Bồ Đề Bổn Giác vốn thường trụ, lìa ngoài mọi cái thấy, há có thể gọi là hòa hợp sao ?
Nói là hòa, thì như nước hòa với đất, trộn lẫn không phân biệt được. Nay cái thấy và cái sáng, cái tối, cái thôngsuốt và cái ngán bít làm sao hòa được ? Cái thấy thuộc về hữu tình, cái cảnh thuộc về vô tình, rõ ràng có thể biện biệt. Như hai cái đó hòa trộn lẫn nhau thì làm nên hình trạng gì ? Cái thấy thì thấy được cái sáng, nên hình như là trộn lẫn được. Nhưng cái sáng thì không thể tự thấy, mà chỉ có cái thấy mới có thể thấy, thì hai cái hẳn không thể trộn lẫn. Nếu có thể trộn lẫn, ắt là phải có chỗ chẳng cùng khắp, mà nay cái thấy là kiến phần và cái bị thấy là tướng phần, mỗi cái đều tròn vẹn, đầy khắp pháp giới, còn chỗ nào để mà hòa đây ? Giả sử có thể trộn lẫn, thì cái thấy đã trộn lẫn với cái cảnh, vậy còn đâu là cái thấy nữa ? Và cái cảnh tướng đã trộn lẫn với cái thấy, thì không thể gọi là cảnh tướng. Cái thấy cùng với tướng bị thấy phải khác nhau, chẳng thể hòa vậy.
Nói là hợp, thì như cái nắp và cái hộp hợp với nhau, nương nhau mà chẳng lìa. Nay thì cái thấy cùng với tiền cảnh là sáng, tối, thông, bít làm sao hợp được ? Vì nếu cùng cái sáng hợp thì không thể thấy cái tối. Đã không hợp với cái tốì, mà có thể thấy được cái tối thì cũng phải không hợp với cái sáng mới có thể thấy được cái sáng. Còn nếu hợp với cái sáng thì không thấy được cái sáng vậy ! Đã không thể thấy sáng thì không thể gọi là hợp nhau, làm sao lại cùng với cái sáng hợp được ! Biết rằng sáng chẳng phải tối, thì cả hai cái thấy sáng và cái thấy tối đều không hợp nhau được. Cái thấy hẳn là khác với tiền cảnh, không thể hợp được.
Đã là cái Kiến Tinh này thì sáng, tối, thông, bít đều chẳng phải là cái thấy, nên mới nói là trong sạch (tịnh). Nhưng sáng, tối, thông, bít chẳng có cái nào không phải là cái thấy, nên gọi là diệu. Nói Kiến Tinh là diệu tịnh vì nó là cái tịnh sắc căn, chẳng dính dáng với vọng trần, chẳngphải do hòa hợp mà sanh ra, huống là cái tánh thấy vốn là giác ngộ, trong sạch cực cùng, mầu nhiệm cực cùng, há lại do căn trần hòa hợp mà hiện hữu ư ?
Tổ Chương Kính thượng đường, nói: “Tột lý quên lời, người đời chẳng hiểu. Gượng ép tu tập việc ngoài, cho là công phu. Chẳng biết rằng tự tánh vốn không dính dáng đến trần cảnh, đó là cái pháp môn vi diệu đại giải thoát. Vốn có cái gương hằng giác, không nhiễm ô, không ngăn ngại. Cái Quang Minh đó chưa từng mai một, vô thủy đến nay không hề đổi khác. Cũng như mặt trời, xa gần đều soi chiếu. Tuy đến các sắc tượng mà chẳng hòa hợp với tất cả, linh diệu độc sáng, chẳng nhờ rèn luyện. Chỉ vì chẳng biết nên đeo giữ hình tướng. Chẳng khác nào dụi mắt thấy không-hoa, uổng tự nhọc nhằn, qua nhiều đời kiếp. Nếu nền phản chiếu thì không có được người thứ hai ! Làm lụng bày biện này kia, nào chẳng kém hao Thật Tướng !”
Ngài Không Thất Đạo Nhân Trí Thông nhân xem cuốn Pháp Giới Quán liền tỏ ngộ, làm hai bài kệ :
Bài Một:
Mênh mông trần thế một tánh Như
Dọc ngang xen lẫn ấn Tỳ Lô
Toàn sóng là nước, sóng chẳng là nước
Toàn nước thành sóng, nước tự mình !
(Hạo hạo trần trung thể nhất Như
Tung hoành giao hỗ ấn Tỳ Lô
Toàn ba thị thủy, ba phi thủy
Toàn thủy thành ba, thủy tự thù.)
Đây là nghĩa Chẳng Hòa Hợp.
Bài Hai :
Ta, vật vốn không khác
Trùng trùng gương, bóng đồng
Sáng trong, siêu chủ bạn
Tỏ tỏ, triệt Chân Không
Một thể trùm muôn pháp
Trong lưới báu nhập nhau
Trùng trùng, không cùng tận
Động, tĩnh vốn viên thông.
(Vật ngã nguyên vô dị
Sum la cảnh tượng đồng
Minh minh siêu chủ bạn
Liễu liễu triệt Chơn Không
Nhất thể hàm đa pháp
Giao tham đế võng trung
Trùng trùng vô tận xứ
Động tĩnh tất viên thông.)
Đây lại là nghĩa Chẳng phải Không Hòa Hợp.

About namcuulong

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *