Home / KINH - LUẬN / Kinh Lăng Nghiêm Tông Thông / Lăng Nghiêm Tông Thông quyển 2 / Mục 2 tiếp theo / X. LỰA RIÊNG TRẦN CẢNH ĐỂ NÊU RA TÁNH THẤY

X. LỰA RIÊNG TRẦN CẢNH ĐỂ NÊU RA TÁNH THẤY

Kinh : Ông Anan bạch Phật rằng : “Thưa Thế Tôn, nếu cái tánh thấy ấy thật là tôi chứ không phải ai khác, thì khi tôi cùng Như Lai xem cung điện quý báu của Tứ Thiên Vương, xem mặt trời, mặt trăng, cái thấy ấy cùng khắp cõi Ta Bà, khi lui về tinh xá thì chỉ thấy cảnh vườn chùa, đến khi thanh tâm nơi phòng chái thì chỉ thấy một chái nhà. Thưa Thế Tôn, cái thấy như thế, thể của nó xưa nay cùng khắp một cõi. Vậy mà nay ở trong phòng thì chỉ thấy một phòng, thế là cái thấy rút lại từ lớn thành nhỏ hay tường nhà chia cắt làm cho đứt đoạn ? Nay tôi không biết nghĩa đó thế nào, xin Thế Tôn vì tôi từ bi chỉ rõ.”
Phật bảo Ông Anan : “Tất cả mọi thứ trong, ngoài, lớn, nhỏ của thế gian đều thuộc về tiền trần, không nên nói cái thấy có co, có duỗi. Ví như trong đồ vật hình vuông thì thấy hư không vuông. Ta lại hôi ông : Cái hư không vuông ở trong đồ vật vuông ấy là nhất định vuông hay không nhất định vuông ? Nếu nhất định vuông, thì khi thấy cái đồ vật tròn vào lẽ ra hư không không tròn ! Nếu không nhất định thì tại trong đồ vật vuông lẽ ra đã không có hư không vuông ! Ông nói : Không biết nghĩa ấy do đâu ; nghĩa đó như thế, chứ còn do đâu nữa?
“Anan, nếu muốn vào được cái không vuông, không tròn thì chỉ cần trừ bỏ cái vuông của đồ đạc, chứ cái thể của hư không thì vốn không vuông. Chẳng nên nói rằng : Lại phải trừ cả cái tướng vuông của hư không nữa !
“Lại như lời ông hỏi: Khi vào phòng, rút cái thấy làm cho nhỏ lại, vậy thì khi ngẩng xem mặt trời, há lại kéo cái thấy lên bằng mặt trời? Nếu xây tường nhà mà chia cắt cái Thấy làm cho đứt đoạn, thì khi xoi một lỗ nhỏ, sao lại không thấy dấu nối? Nghĩa ấy không đúng vậy !
“Tất cả chúng sanh từ vô thủy đến nay, mê mình mà làm vật, bỏ mất bản tâm, bị vật xoay chuyến, cho nên ở trong đó mà thấy lớn thấy nhỏ. Nếu có thể chuyển được vật thì đồng với Như Lai, thân tâm tròn sáng. Đó là Đạo Tràng Bất Động, trên đầu một mảy lông, trùm chứa mười phương quốc độ.”

Thông rằng : Ông Anan nói “Tánh thấy có khắp chính là tôi chứ không ai khác. Thì chỗ thấy của tôi cũng đồng với Phật nhãn, tại sao khi xem mặt trời, mặt trăng thì khắp cõi Ta Bà, mà nay ỏ trong nhà thì chỉ đầy một nhà, vậy là cái thấy này có co duỗi, lớn bé chẳng đồng, sao lại bảo làkhông sai khác?” Đó là không biết rằng có lớn, có bé là do ở tiền trần, chớ chẳng quan hệ gì tới cái tánh thấy. Ví như vuông, tròn là do ở đồ vật, nào dính dáng gì đến hư không. Ở trong đồ vật mà xem hư không thì hình như có tướng vuông, tròn. Chỉ dẹp bỏ đồ vật đi, thì hư không ắt chẳng có vuông, tròn nào có thể chỉ ra được. Duyên theo trần mà xét cái thấy thì hình như có tướng co, duỗi. Chỉ lìa tiền trần, thì tánh thấy vốn chẳng có co duỗi nào có thể được. Cái thấy mà xoay chuyển theo tiền trần, cũng như xét hư không mà chẳng ở trong chính thái hư, lại nhìn trong một món đồ.
Thế nên, ở trong ấy thấy lớn thấy nhỏ, đó là mê mình là vật vậy. Còn nếu chuyển được vật, tức thì tất cả sắc đều là Phật sắc, tất cả mọi cái thấy đều là cái thấy của Phật. Một phen thân tâm quang đãng, rỗng không thì vật không còn chướng ngại, nên nói là thân tâm tròn sáng. Ở trong cái Viên đó, một tức là tất cả, nơi đầu một mảy lông trùm chứa khắp mười phương quốc độ, lại chẳng đồng với Phật nhãn sao?
Có vị tăng hỏi Ngài Huỳnh Bá : “Đã nói tánh tức là thấy, thấy tức là tánh. Nếu như tánh vốn không chướng ngại, không giới hạn thì sao cách vật chẳng thấy ? Lại như trong hư không, gần thì thấy, xa thì không thấy là thế nào ?”
Tổ Huỳnh Bá nói : “Đó là ông vọng sanh dị kiến. Nếu cách vật thì nói là không thấy, không có vật ngăn ngại thì nói là thấy, rồi cho là tánh có cách ngại thì quả là chẳng hiểu gì cả. Tánh chẳng phải thấy, chẳng phải không thấy. Pháp cũng chẳng phải thấy, chẳng phải không thấy. Như người thấy tánh thì chỗ nào mà chẳng phải là bổn tánh của mình ? Nên chi sáu đường, bốn loại, núi sông, đất đai đều là cái tánh trong sạch sáng suốt của ta. Thế mới nói:thấy sắc tức là thấy tâm. Sắc và tâm chẳng hai, chỉ vì giữ lấy cái tướng mà khởi sanh thấy, nghe, hay, biết. Trừ bỏ vật trước mặt mới cho là thấy, tức là sa vào kiến giải nương theo sự thấy, nghe, hay, biết của hàng Nhị thừa. Trong hư không mà gần thì thấy, xa thì chẳng thấy, đó thuộc về ngoại đạo. Rõ ràng là: Đạo chẳng ở trong cũng chẳng ở ngoài, chẳng gần cũng chẳng xa. Quá gần mà không thể thấy, đó là tánh của muôn sự muôn vật. Quá gần mà còn không thể thấy, huống là nói “Xa nên chẳng thể thấy”, thì đâu có ý nghĩa gì ?”
Tổ Kính Thanh hỏi nhà sư: “Tiếng gì ngoài cửa vậy?”
Nhà sư rằng: “Tiếng giọt mưa.”
Tổ Thanh rằng: “Chúng sanh điên đảo, mê minh theovật.”
Nhà sư hỏi : “Hòa thượng như thế nào ?”
Tổ Thanh rằng : “Nhuần nhã chẳng lầm lạc mình.”
Nhà sư hỏi: “Nhuần nhã chẳng lầm lạc mình, ý chỉ thế nào ?”
Tổ Thanh rằng : “Lìa thân (xuất thân) còn khá dễ, thoát thể nói khó thay !”
Ngài Tuyết Đậu tụng rằng:
“Nhà im, tiếng giọt mưa
Nhà sư khó đáp lại
Nếu bảo từng Nhập Lưu(23)
Như trước, sao chẳng hiểu!
Hiểu, chẳng hiểu ?
Non nam, núi bắc chuyển mưa rào.”
Đây khá gọi là khắp pháp giới chẳng từng che dấu vậy.
Có nhà sư hỏi Tổ Cốc Ẩm Thông : “Nếu hay chuyển vật, tức đồng Như Lai. Muôn tượng là vật, làm sao chuyển được ?”
Tổ Thông đáp : “Ăn cơm rồi, tuyệt không ý trí. Như có ý trí, tức bị vật chuyển vậy.”
Lại có vị sư hỏi Ngài Thiều Quốc sư : “Thế nào là Chuyển vật tức đồng Như Lai ?”
Tổ Thiều đáp: “Ông gọi cái gì là vật ?”
Nhà sư nói: “Như thế tức là đồng với Như Lai?”
Tổ Thiều nói : “Đừng làm con giả can mà tru! Suy nghĩ so sánh chuyện đồng với Như Lai, tức xa ngàn dặm, vạn dặm !”
Có nhà sư hỏi Tổ Triệu Châu : “Trong mười hai thời dụng tâm thế nào ?”
Tổ Châu nói : “Ông bị mười hai thời sai sử, lão tăng sai sử được mười hai thời.”
Đó là sự chuyển vật chân thật vậy.
Ngài Bạch Vân Đoan tụng rằng :
“Nếu hay chuyển vật tức Như Lai
Xuân ấm hoa rừng chốn chốn khai
Vẫn có một đôi tay khô đét
Chưa từng rẻ rúng múa ba đài.”
(Nhược năng chuyển vật tức Như Lai
Xuân noãn sơn hoa xứ xứ khai
Tự hữu nhất song cùng tưởng thủ
Bất tằng dung dị vũ tam đài.)
Ngài Chơn Như Triết tụng rằng :
“Nếu hay chuyển vật tức Như Lai
Cửa mở nơi nơi, thấy Thiện Tài
Trong ngõ liễu hoa bày nhảy múa
Say theo chín nẻo, ngủ lâu đài.”
(Nhược năng chuyển vật tức Như Lai
Xứ xứ môn khai kiến Thiện Tài
Hoa liễu hạng trung trình vũ hý
Cửu cù thừa túy ngọa lâu đài.)
Nơi đầu một mảy lông trùm chứa khắp mười phương quốc độ. Với Phật nhãn, thế giới hiện toàn chân chắc được, còn chúng sanh có thể như vậy không ?
Ông Thứ sử đất Giang Châu là Lý Bột hỏi Tổ Quy Tông : “Trong kinh giáo có nói: “Núi Tu Di ngậm chứa hột cải”, thì Bột này chẳng nghi. Nhưng nói : “Hột cải ngậm chứa núi Tu Di”, thì phải chăng là nói dối ?”
Tổ Tông nói : “Người ta đồn Thứ sử đọc vạn quyển sách, có thật không ?”
Đáp :”Có vậy.”
Tổ Tông nói : “Rờ từ đầu đến gót chỉ như trái dừa lớn, vậy vạn quyển sách để ở chỗ nào ?”
Ông Lý Bột cúi đầu mà thôi.
Do đây mà suy, tâm lượng của chúng sanh cùng với Như Lai nào có sai khác !

Ghi chú:

(1) Rỗng lặng.
(2) Thân Trường Thọ.
(3) Nhị kiến có hai thứ : đoạn kiến và thường kiến.
Đoạn Kiến : cái thấy sai lầm (vọng kiến), chấp chặt thân tâm con người dứt diệt (chết) rồi chẳng còn nói sanh nữa, tức vô kiến.
Thường Kiến : cái thấy sai lầm chấp chặt thân người các đời còn hoài, không dứt, tức hữu kiến.
(4) Bụi dơ.
(5) Mudra, còn gọi là Kiết Tường Thủ, Thủ Ấn.
(6) Cái Dụng.
(7) Đường chim, chi địa vị đến chỗ khổ trên đường tu thiền : Hiểm khổ như đường chim. Lại còn chỉ địa vị đến đường rộng lớn mênh mông, không bờ cõi (như trên trời rộng lớn), như dấu vết con chim trong thinh không.
Động Sơn Lục : Tôi có ba đường rước người: Điểu đạo (đường chim), huyền đạo (đường bí mật), triển thủ (xòe tay).
Huyền Trung Minh Tự : Nhờ đường chim nên trống trải rộng lớn. Nhấn nẻo nhiệm mà gồm tất cả. Nhưng, tuy thế không lặng lẽ vậy. Chẳng nghịch bày dao dộng.
Tổ Đình Sự Vản Tự: Đường chim giống như hư không vậy.
Nam Trung Nhâp Chí: Đường chim bốn trăm dặm, nhân sự hiểm trở, tuyệt bặt thú vật, không có lối đi. Riêng trên có đường chim bay.
(8) Cái xưa nay trước mắt.
(9) Không biết Bổn Tánh.
(10) Vũ trụ, thế giới, tất cả sự vật ở thế gian thân tâm dựa nương ở. Nhân bởi nghiệp đời trước cảm ứng ra.
(11) Căn thân. Theo nguyên nhân của nghiệp đời trước cảm ứng ra (thường gọi là trả báo) Ngay nơi thân thể.
(12) Quá khứ, hiện tại và vị lai.
(13) Tu Di.
(14) Thức Tinh vốn Sáng.
(15) Cung vua.
(16) Không tranh cãi.
(17) Thói nhà.
(18) Đại Điên Hòa thượng. Được mối thiền Tào Khê, nối pháp Tổ Thạch Đầu, ở Ấp Tây U Lãnh, dưới chân núi lập Thiền viện Linh Sơn, truyền pháp cho đệ tử cả ngàn người.
(19) Cái Thấy Vốn Sáng.
(20) Chân Tâm.
(21) Chỉ Phật.
(22) Nghiêng.
(23) Vào dòng.

About namcuulong

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *