Home / KINH - LUẬN / Kinh Lăng Nghiêm Tông Thông / Lăng Nghiêm Tông Thông Quyển 1 / Mục 2 / V. CHỈ RÕ TÁNH THẤY KHÔNG PHẢI LÀ CON MẮT

V. CHỈ RÕ TÁNH THẤY KHÔNG PHẢI LÀ CON MẮT

Kinh : Ông Anan nghe xong lại đau xót khóc lóc, năm vóc gieo xuống đất, quỳ thẳng chắp tay mà bạch Phật : “Từ khi tôi theo Phật phát lòng xuất gia, ỷ lại oai thần của Phật, thường tự nhủ: chẳng nhọc đến mình tu, Như Lai sẽ ban cho mình pháp chánh định, mà chẳng biết rằng thân tâm không thể thay thế. Bỏ mất bản tâm của mình, nên tuy thân thể xuất gia, tâm chẳng nhập đạo. Ví như đứa con cùng khổ, bỏ cha trốn lánh. Ngày nay mới biết : dù có đa văn, nếu chẳng tu hành thì có khác gì người chưa được nghe, như người nói chuyện ăn thì rốt cuộc chẳng được no.
“Thưa Thế Tôn, chúng tôi giờ đây bị hai chướng buộc ràng, là do chẳng biết cái tâm tánh tịch thường. Độc chỉ cầu xin Như Lai xót thương kẻ cùng đường, mà khai phát cái tâm diệu minh, mở con mắt đạo cho tôi.”

Thông rằng : Bỏ cha trốn đi thì ở kinh Pháp Hoa cũng có ví dụ. Cùng đường ở phương xa, mong được chỉ cho hạt châu trong áo, dần dần có ý muốn về nhà.
Hai cái chướng là phiền não chướng và sở tri chướng. Phiền não chướng thì chướng ngại tâm, tâm chẳng giải thoát, kết nghiệp mà thọ quả báo. Sở tri chướng ngăn trở cái tánh Sáng (huệ). Tánh Sáng bị buộc ràng, chẳng hiểu pháp Không vậy.
Anan biết rõ bị hai chướng ràng buộc, lại cũng biết cái gọi là tâm tánh tịch thường, cớ sao con mắt đạo chẳng mở ra ? Thâu thoát quả là khó khăn lắm vậy.
Có nhà sư bạch hỏi Tổ Dược Sơn : “Kẻ học nhân định trở về quê thì như thế nào ?”
Tổ Sơn nói : “Cha mẹ ông khắp mình sưng đỏ, nằm trong rừng gai góc, ông về chỗ nào ?”
Sư hỏi: “Như thế tức là chẳng về ư ?”
Tổ rằng : “Ông lại cần phải về. Nếu ông về ta chỉ cho ông món ăn làm thuốc tốt đẹp để đi đường.”
Sư rằng : “Xin nói.”
Tổ Sơn nói : “Hai buổi thượng đường, không cắn bể một hột gạo.”
Sau, có vị sư bạch hỏi Tổ Lạc Phố : “Kẻ học nhân định trở về quê thì như thế nào ?”
Tổ Phố rằng : “Nhà tan, người mất, ông về chốn nào ?”
Sư rằng : “Như vậy tức là chẳng về ư ?”
Tổ Phố rằng: “Trước sân tuyết sót (tuyết tàn), mặt trời tan. Trong thất bụi hồng, ai bảo quét.”
Lại đọc bài kệ :
“Lòng quyết về quê cũ
Cỡi thuyền qua Ngũ Hồ
Nhổ sào trăng sao lặn
Dừng chèo mặt trời cô
Mở neo lìa bến ngụy
Trương buồm ra dòng chơn
Đến nơi, người mất sạch
Khỏi làm đứa ngu (trong) nhà.”
Tổ Đơn Hà tụng rằng :
“Quê nước thái bình nẻo chẳng xa
Về, hứng miên man, ý vô bờ
Buông tay, nhà đến : nơi nào có ?
Bóng trăng lồng điện báu lưu ly.”
(Thái bình hương quốc lộ không xa
Quy hứng du tu tư mạc nhai
Tát thủ đáo gia hà xứ hữu
Lưu ly báo điện tỏa thiềm hoa.)
Các vị Lão túc một phen chỉ ra phương tiện về nhà. Đáng gọi là con mắt Đạo mở sáng, thật biết cái tâm tánh tịch thường vậy.
Kinh: Liền khi ây, Như Lai từ chữ VẠN ở ngực, phóng ra ánh sáng báu. Hào quang ấy rực rỡ, có trăm ngàn sắc, chiếu khắp cùng một lúc tất cả thế giới chư Phật mười phương, số như vi trần. Hào quang rưới khắp đảnh các Như Lai của mười phương cõi báu, xoay về soi đến Ông Anan và cả đại chúng.
Phật bảo Ông Anan : “Ta nay vì ông dựng cờ Pháp lớn, cũng khiến cho tất cả chúng sanh của mười phương được cái Tâm Tánh nhiệm mầu, vi mật, sáng sạch và được con mắt trong sạch (thanh tịnh nhãn).
Thông rằng : Trước thì từ mặt phóng ra ánh sáng, mười phương cõi nước đồng thời khai hiện, khiến tất cả thế giới hợp thành một cõi, là biểu thị chân vọng chẳng hai. Chỉ bày hai loại căn bản, thì lấy đoạn vọng làm đầu vì vọng tưởng chẳng dứt thì dù đến chín bậc định thứ lớp cũng chẳng thành quả thánh. Cái mặt mũi ấy có thể nghiệm xét mà thấy như soi gương vậy. Nay từ chữ VẠN ở ngực phóng ra ánh sáng, rưới đảnh của chư Như Lai rồi trở về chiếu Anan và đại chúng, là biểu thị thánh phàm chẳng hai. Chỉ bày rằng tiền trần tự tối, cái thấy nào cố thiếu hụt. Nhẫn đến cái đầu tự động chao, cái thấy hoàn toàn chẳng động. Bàn tay tự mở, nắm ; cái thấy không có trải ra, cuốn lại. Đó là chỉ ra một đường hướng thượng, người người sẵn đủ, khả dĩ an ấn (truyền pháp yếu) vậy.
Xưa, Tổ Ngưỡng Sơn đang ngồi, có vị tăng đến làm lể.
Tổ Sơn chẳng đoái hoài.
Vị tăng mới hỏi Tổ : “Biết chữ chăng ?”
Tổ đáp : “Tùy phận.”
Tăng bèn đi quanh phía phải một vòng rồi nói: “Đó là chữ gì ?”
Tổ Sơn vẽ trên đất chữ thập (+) đáp lại.
Vị tăng lại đi quanh phía trái một vòng rồi hỏi: “Đó là chữ gì?”
Tổ Sơn đổi chữ thập (+) thành chữ Vạn.
Vị tăng vẽ tướng vòng tròn, rồi dùng hai tay nâng lên như bàn tay của Tu La trong thế Nhật Nguyệt, nói: “Đây là chữ gì ?”
Tổ Sơn bèn vẽ tướng đáp lại.
Vị tăng làm ra cái tướng Đức của Phật Lâu Chí.
Tổ Sơn rằng : “Như thế, như thế. Đây là chỗ hộ niệm của chư Phật. Ông cũng như thế, ta cũng như thế. Hãy khéo tự hộ trì.”
Vị tăng lễ tạ, bay lên không mà đi mất.
Lúc ấy, có một vị đạo nhân thấy được.
Sau đó năm ngày, bạch hỏi Tổ Ngưỡng Sơn.
Tổ hỏi : “Ông có thấy không ?”
Đạo giả đáp : “Tôi thấy người ấy ra cửa phòng lên không đi mất.”
Tổ rằng: “Đó là vị A La Hán bên Tây Thiên, đến thử đạo ta đó.”
Đạo giả nói: “Tôi tuy thấy đủ thứ tam muội mà chẳng rành rẽ cái lý.”
Tổ Ngưỡng Sơn rằng : “Để tôi vì ông dùng nghĩa mà giải thích ra. Đây là tám loại tam muội : ấy là Giác Hải(24) biến làm Nghĩa Hải(25) thể đồng như nhau. Cái nghĩa này có nhân có quả ; tức thời, khác thời; tổng tướng, biệt tướng chẳng rời Ẩn Thân tam muội.”
Nếu biết cái tam muội Giác Hải biến ra Nghĩa Hải của Ngài Ngưỡng Sơn, thì chữ Vạn nơi ngực của Phật phóng ra ánh sáng quý báu củng là diệu dụng trong cái bất tư nghì, ắt phải được cái tâm tánh diệu mật sáng sạch làm cội gốc vậy.
Tổ Quy Sơn từng hỏi Tố Ngưỡng Sơn : “Chỗ Diệu Tịnh Minh Tâm, theo ông hiểu làm sao ?”
Tổ Ngưỡng đáp : “Núi sông đất đai, nhật nguyệt tính tú.”
Tổ Quy nói : “ông chỉ được cái sự.”
Tổ Ngưỡng rằng : “Hòa thượng vừa hỏi cái gì đó ?”
Tổ Quy : “Cái Diệu Tịnh Minh Tâm,”
Tổ Ngưỡng: “Kêu là cái Sự không được sao ?”
Tổ Quy rằng: “Như thế, như thế.”
Chỉ do Tổ Ngưỡng Sơn hiểu được cái Diệu Tịnh Minh Tâm, được con mắt trong sạch, cho nên cái tam muội rõ nghĩa chữ (Tự tam muội), vượt xa hẳn tầm thường.

About namcuulong

Check Also

II. PHÓNG QUANG NÊU RA TÁNH THẤY VIÊN MÃN SÁNG SUỐT

Kinh : Bấy giờ từ mặt Đức Thế Tôn phóng ra các thứ hào quang, ...

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *