VII. CHẤP TÂM Ở CHẶNG GIỮA

Kinh : Ông Anan bạch Phật : “Thưa Thế Tôn, trong khi Phật nói thực tướng với các vị Pháp Vương Tử như Ngài Văn Thù, Thế Tôn cũng nói rằng “Tâm không ở trong, cũng không ở ngoài.” Theo tôi suy nghĩ : tâm ở trong thân, sao lại không thấy bên trong; tâm ở bên ngoài thân thì thân và tâm sao lại không cùng biết. Không biết bên trong nên tâm không thể ở bên trong. Thân và tâm cùng biết nên nói tâm ở ngoài là không đúng lý. Nay thân và tâm cùng biết, lại không thấy bên trong thân, nên tâm phải ở chặng giữa !”
Phật bảo Ông Anan: “Ông nói “Ở chặng giữa”, thì cái giữa ấy chắc không lẫn lộn và không phải không có chỗ. Nay ông nhận định cái giữa ấy chỗ nào, ở nơi cảnh hay ở nơi thân? Nếu ở nơi thân mà ở một bên thì không phải là ở giữa, còn nếu ở giữa thân thì cũng là ở trong thân rồi. Nếu cái giữa ấy ở nơi cảnh thì có thể nêu ra được hay không nêu ra được ? Không nêu ra được thì cũng như không có, còn nếu nêu ra được thì lại không định được. Vì sao? Ví như có người lấy một cây nêu, nêu một chỗ làm cái giữa, thì phương Đông nhìn qua, cái nêu lại ở phương Tây, phương Nam lại thấy thành phương Bắc. Cái giữa nêu ra đã lẫn lộn thì tâm phải tạp loạn.”
Ông Anan bạch Phật : “Cái giữa của tôi nói chẳng phải là hai thứ ấy. Như Đức Thế Tôn đã nói : Nhãn căn duyên nơi sắc trần sanh ra nhãn thức- Nhãn căn có phân biệt, sắc trần vô tri, nhãn thức sanh ở giữa thì tâm ở tại đó.”
Phật dạy : “Nếu tâm ông ở giữa căn và trần, thì cái thể của tâm ấy gồm cả hai bên hay không gồm cả hai bên ? Nếu gồm cả hai bên thì vật và tâm thể xen lộn, vật thì vô tri khác với tâm thể. tỏ biết, thành ra hai bên đối địch lẫn nhau, lấy cái gì làm cái ở giữa? Gồm cả hai cũng không được, vì như thế thì chẳng phải là biết hay không biết, tức là không có thể tánh, lấy cái gi làm cái tướng ở giữa ?
“Vậy, nên biết rằng ông nói cái tâm là ở chặng giữa, thật không có lẽ ấy.”

Thông rằng : Đến đây, Ông Anan mới bày tỏ ra là thức sanh ở chính giữa. Nói rằng sáu thức phân biệt ở giữa căn và trần, so với cái thuyết núp trong con mắt thì có căn cứ hơn. Nhưng chỗ gọi là ở giữa đó, đã không ở trong lại chẳng ở ngoài, chỉ do căn và cảnh giao nhau, từ giữa đó mà có cái thức phân biệt, bèn cho là tâm. Thật ra, không biết rằng ba thứ căn, trần, thức nương nhau mà thành lập, như những cành lau gác lên nhau, vốn không có tự tánh. Nay xác định nó mà nói là ở giữa, vậy nếu cái giữa đó có vị trí thì gồm cả căn và trần hay không gồm? Nếu gồm, thì căn biết mà trần lại vô tri, sự đối địch lập ra mà cái ở giữa không thành. Nếu không gồm, thì chẳng phải biết, chẳng phải không biết, không có tự thể nên cái ở giữa cũng không thành. Vậy cái giữa ở đâu? Nên nói tâm ở chặng giữa là sai vậy.
Nếu luận về Chân Tâm, thì cũng gồm cả hai, cũng chẳng gồm cả hai. Sao gọi là gồm cả hai ? Trong Như Lai Tạng, vốn có đủ cả kiến phần và tướng phần. Như sau này, kinh nói : Tánh của sắc là Chân Không,(38) Tánh Không là Chân Sắc, thế thì làm sao có sự lộn xộn, tạp loạn được. Sao gọi là không gồm cả hai ? Vì, đó là cái linh quang độc sáng, vượt khỏi căn Trần, thì căn không có chỗ gặp, nào từng không thể tánh sao? Như tin được rằng cái tâm này chẳng phải biết cũng chẳng phải không biết, vốn không tự tánh, cũng không có cái tướng ở chính giữa, mới biết rõ sâu xa cái chính giữa là ra sao.
Vị quốc vương xứ Đông Ấn sau khi thỉnh Tổ Thứ Hai Mươi Bảy là Ngài Bát Nhã Đa La thọ trai xong, bèn hỏi rằng : “Mọi người đều chuyển(39) kinh, chỉ có thầy tại sao không chuyển?”
Tổ đáp : “Bần đạo thở vào chẳng ở trong ấm, giới; thở ra chẳng dính dáng với các duyên. Thường chuyển kinh ấy trăm ngàn vạn ức quyển, chứ chẳng phải một hai quyển đâu !”
Vua bèn lễ bái.
Ngài Thiên Đồng tụng rằng :
“Trâu mây giỡn nguyệt sáng miên man Ngựa gỗ chơi xuân chẳng buộc ràng
Dưới mày ngọc lạnh xanh đôi mắt
Nào phủng da bò(40) mới khán kinh.”
Lại tụng tiếp :
“Rõ ràng tâm siêu muôn kiếp trống
Anh hùng ra sức phá vòng vây
Trời nhiệm lời yếu chuyển linh cơ
Hàn Sơn quên mốt đường xưa lại
Thập Đắc song song nắm tay về.”
Đây là thói nhà(41) của Tổ Sư, chẳng lập hai bên, không an trụ trung đạo, đạo lớn rỗng suốt nhiệm mầu, chân tông không bám chấp, chính là Thứ Nhất. Cho nên, đó chẳng phải là chỗ sáu thức, căn và trần đến được. Như hai Ngài Hàn Sơn, Thập Đắc : đi, đến tự tại, thong dong, nhàn nhã, trong lòng dạ tuyệt không còn một mảy tơ tình thức, đủ để cùng Tổ Thứ Hai Mươi Bảy tương kiến.

About namcuulong

Check Also

IV. CHẤP TÂM NÚP SAU CON MẮT

Kinh: Ông Anan bạch Phật : “Thưa Thế Tôn, như lời Phật dạy : Vì ...

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *