Home / KINH - LUẬN / Kinh Lăng Nghiêm Tông Thông / Lăng Nghiêm Tông Thông Quyển 1 / Mục 1 / VI. CHẤP TÂM HỢP VỚI CHỖ NÀO THÌ LlỀN CÓ Ở CHỖ ẤY

VI. CHẤP TÂM HỢP VỚI CHỖ NÀO THÌ LlỀN CÓ Ở CHỖ ẤY

Kinh: Ông Anan bạch Phật : “Tôi thường nghe Phật chỉ dạy tứ chứng : Do tâm sanh nên thảy thảy pháp sanh. Do pháp sanh nên thảy thảy tâm sanh. Nay tôi suy nghĩ thì cái thể suy nghĩ đó thật là tâm tánh của tôi, hễ hợp với chỗ nào thì tâm liền có ở chỗ đó, chứ không phải ở trong, ở ngoài hay ở chặng giữa.”
Phật bảo Ông Anan: “Nay ông nói rằng : Do pháp sanh nên các thứ tâm sanh, hễ hợp với chỗ nào thì tâm liền có ở chỗ đó. Cái tâm ấy nếu không có tự thể thì không thể hợp được, chứ nêu không có tự thể mà vẫn hợp được thì giới thứ mười chín cùng trần thứ bảy hợp lại được hay sao? Nghĩa ấy không đứng.
“Còn nếu có tự thể thì khi ông lấy tay tự gãi thân ông, cái tâm biết gãi của ông ở trong thân ra hay từ ngoài vào ? Nếu từ trong thân ra, thì phải thấy trong thân. Còn nếu từ ngoài vào, thì trước hết phải thấy cái mặt.”
Ông Anan bạch Phật: “Thấy là con Mắt, còn tâm thì Biết chứ không Thấy như con Mắt, nói tâm thấy là không đúng nghĩa.”
Phật dạy : “Nếu con mắt thấy được, thì khi ông ở trong phòng, cái cửa có thấy được không ? Lại những người chết rồi vẫn còn con mắt, lẽ ra phải thấy được vật, mà nếu thấy được vật thì sao gọi là chết ?
“Anan, lại nếu cái tâm hay biết của ông phải có tự thế thì có một thể hay có nhiều thể? Nay tâm ở nơi thân ông, thể ấy cùng khắp cả mình hay không cùng khắp? Nếu tâm có một thể thì ông lấy tay gãi một chi, lẽ ra cả tứ chi đều biết, mà nếu đều biết thì lại không biết gãi ở chỗ nào. Nêu biết chỗ gãi thì cái thuyết một thể của ông tự nhiên không thành. Nếu như có nhiều thể thì thành ra nhiều người, còn biết cái thể nào là thể của ông. Nếu cái thể ây là cùng khắp thì lại như trước kia, không biết được chỗ gãi. Còn nếu như không cùng khắp thì khi ông chạm trên đầu, đồng thời cũng chạm dưới chân, hễ đầu có biết, lẽ ra chân phải không biết, nhưng hiện nay ông lại không phải như thế.
“Vậy, nên biết rằng “Hễ hợp với chỗ nào, tâm liền ở chỗ đó”, thật không có lẽ ấy.”

Thông rằng : Chạm đầu : đầu biết, chạm chân : chân biết, há chẳng phải là “Hễ hợp với chỗ nào, tâm liền tùy có ở chỗ đó” hay sao ? Nhưng nếu thế thì ở chỗ không hợp, thì tâm hoàn toàn không có. Đó chẳng phải là tà kiến “Đoạn, Thường” hay sao ? Đức Thế Tôn hẳn không vô cớ trách rầy chuyện này.
Chỉ ở nơi một chữ “Hợp” mà biện rõ chỗ sai lầm. Hợp tức phải là có tự thể. Nếu không có tự thể, nghĩa Hợp không thành. Cũng như không có trần thứ bảy, tất không có giới thứ mười chín. Còn nếu có tự thể, thì thể này đã chẳng phải từ ngoài vào, lại cũng chẳng phải từ trong ra. Cái tâm thể ấy là một thể hay nhiều thể ? Ở nơi thân con người, nó là thể biến khắp hay là thể không biến khắp ? Lấy tay gãi một chi, thì cái biết tùy do gãi mà có, nếu cái biết ấy là một thể thì phải ở khắp nơi, còn nếu là nhiều thể thì thành ra nhiều người ! Cái biết ấy nếu có ở khắp nơi thì khi gãi không rõ chỗ gãi; còn nếu không ở khắp nơi thì khi gãi lại có chỗ không biết. Có bốn điều trên đều chẳng phải, tức là cái tự thể không định được, vậy do đâu mà hợp ? Nói là “Tùy chỗ mà hợp” ấy, thì hợp với một thể ư ? Hợp với nhiều thể ư ? Hợp với thể biến khắp ư ? Hợp với thể chẳng biến khắp ư ? Hợp với kia thì bỏ đây, hợp với đây thì bỏ kia. Vả chăng phải một, chẳng phải nhiều, chẳng phải khắp, chẳng phải không khắp, mà cuối cùng chẳng có thể hợp. Đã không thể hợp, làm sao thấy “Cái tùy theo mà có” ?
Đức Thế Tôn tuy biện biệt cái sai lầm của thuyết “Hễ hợp với chỗ nào, tâm liền tùy có ở chỗ đó”, nhưng cũng chỉ bày cái diệu mầu của Chân Tâm vô thể. Vô thể ắt vô hiệp, tâm cảnh chẳng đến nhau, ngay đây giải thoát,(34) vốn tự vô sanh. Thế thì làm sao nói được “Pháp sanh thì thảy thảy tâm sanh” ? “Tâm sanh thì thảy thảy pháp sanh” cùng với ý chỉ “Tam Giới Duy Tâm” không khác, nên không cần phải biện luận. “Pháp sanh thì thảy thảy tâm sanh” thì tâm vốn vô sanh, nhân cảnh mà có soi chiếu, cũng tự là không bệnh.
Nhưng Ông Anan dẫn lời dạy của Phật để chứng minh là “Hợp với chỗ nào, tâm liền có ở chỗ đó”, thì ấy là cái tâm theo sóng đuổi sóng, chẳng phải cái tâm hiện cảnh mà tịch diệt vậy. Nên ngộ được cái tâm vô thể thì sự hiện cảnh không làm ngăn ngại, nên duyên khởi mà vô sanh là vậy.
Có nhà sư hỏi Tổ Giáp Sơn(35): “Khi dẹp trần thấy Phật thì sao ?”
Tổ Sơn rằng : “Chính liền vung kiếm ! Nếu không vung kiếm, ngư Ông nghỉ ổ !”
Nhà sư đem hỏi Tổ Thạch Sương(36): “Dẹp trần thấy Phật thì như thế nào ?”
Tổ Sương đáp : “Hắn không quốc độ, chỗ nào gặp hắn ?”
Nhà sư trở về nói lại y vậy cho Tổ Giáp Sơn.
Tổ Sơn thượng đường nói rằng : “Cái bày vẽ của môn đình(37) chẳng như lão tăng. Thấu lý, luận sâu còn cách Thạch Sương trăm bước !”
Ngài Thiên Đồng tụng rằng :
“Phất thanh kiếm lớn tẩy bỉnh oai
Dẹp loạn công đầu ấy là ai ?
Một sớm, khí trần thanh (trong) bốn biển
Rủ y (áo), trời đất tự vô vi.”
Ngài Đơn Hà tụng rằng :
“Một câu khế lý, ngọc reo vang
Nội ngoại long lanh, mắt lạnh tràn
Cõi vô lậu ấy dừng chẳng đuợc
Trong bóng trăng hoa khó thấy thay !”
Một tắc này đây, “Dẹp trần thấy Phật” mà tự mình còn chẳng thấy, huống là hợp với trần mà tìm Phật, tìm Giác thì thật là quá sức điên đảo ! Tuy nhiên, một mặt trăng hiện khắp tất cả mặt nước. Tất cả mặt trăng dưới nước thu nhiếp vào một mặt trăng. Thì sự “Tùy chỗ mà hợp” lo gì chẳng có !

About namcuulong

Check Also

IV. CHẤP TÂM NÚP SAU CON MẮT

Kinh: Ông Anan bạch Phật : “Thưa Thế Tôn, như lời Phật dạy : Vì ...

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *