III. CHẤP TÂM Ở NGOÀI THÂN

Kinh : Ông Anan cúi đầu bạch Phật : “Tôi nghe lời Phật dạy như vầy, mới rõ tâm tôi thật ở ngoài thân. Tại sao như thế? Ví như đèn thắp trong phòng, trước hết phải chiếu trong phòng, sau mới do cửa chiếu sáng ngoài, sân. Tất cả chúng sanh không thấy bên trong thân mà chỉ thấy bên ngoài, cũng như ngọn đèn để ở ngoài phòng, không thể chiếu sáng trong phòng. Nghĩa ấy rõ ràng, chắc là không lầm, chưa biết có đúng với liễu nghĩa của Phật hay không?*
Phật bảo Ông Anan: “Vừa rồi, các Tỳ kheo theo Ta đi khất thực trong thành Thất La Phiệt, nay đã về rừng Kỳ Đà. Ta đã thọ trai rồi, giờ ông hãy xem trong chúng Tỳ kheo, khi một người ăn thì các người khác có no không?”
Ông Anan bạch Phật: “Thưa Thế Tôn, không. Vì rằng các Tỳ kheo tuy là A La Hán nhưng thân xác khác nhau, làm sao một người ăn mà các vị kia no được.”

Phật bảo Ông Anan : “Nếu cái tâm tỏ hiểu, thấy biết của ông thật riêng ở ngoài thân, thì thân và tâm ở ngoài nhau, chẳng dính líu gì với nhau. Vậy thì cái gì tâm biết thì thân không thể hay, cái gì thân hay thì tâm không thể biết. Nay Ta đưa tay nhu nhuyễn lên cho ông xem, khi mắt ông thấy thì tâm ông có phân biệt không?”
Ông Anan bạch Phật: “Thưa Thế Tôn, đúng vậy.” Phật bảo Ông Anan : “Nếu thân và tâm cùng hay biết một lúc thì làm sao tâm lại ở ngoài thân ? Vậy, phải biết rằng ông nói cái tâm rõ biết trụ ở ngoài thân, thật khổng thể có điều ấy.”

Thông rằng: Chỗ thấy của Ông Anan chưa chân thật nên không tránh khỏi việc theo lời mà sanh ra sự hiểu biết. Cái tri giải sanh ra theo lời nói ấy chính là chỗ ở của thức tình. Đức Thế Tôn cốt nhổ dứt cái thức căn nên mỗi mỗi đều chặt bỏ, khiến cho Ông Anan không có chỗ để bám víu. Đấy mới thật là giống như quốc vương đi dẹp giặc, biết chỗ của giặc mà diệt trừ.
Ông Anan cho rằng cái tâm ở ngoài thân, là đúng với chỗ liễu nghĩa của Phật, chẳng phải là không có kiến thức đâu. Bởi vì cái tâm ấy, ngầm ẩn nơi trời thì là trời, ngầm ẩn nơi đất bèn là đất, cùng khắp vũ trụ, rộng trải nhiều đời, chứ đâu phải ràng buộc mãi trong một thân này. Thế nên ông mới nói “Tỉnh ngộ biết cái tâm tôi thật ở ngoài thân.” Lại thêm “Nghĩa ấy rõ ràng, chắc là không lầm.”
Đức Thế Tôn lấy ví dụ “Người khác ăn tất chẳng phải ta no”, để chỉ rằng nếu cái tâm ở ngoài thì có quan hệ gì đến thân ta. Cái thân mạng là hình tướng, nên ăn chẳng thể tương thông, làm sao người này ăn người kia no dược.
Còn cái tri giác là thần nhiệm, trong ngoài nào có trở ngại được. Chỉ vì Ông Anan chấp chặt “Tâm ở ngoài”, như một vật sáng, chỉ chiếu bên ngoài mà không thể chiếu bên trong. Thế thì ngoài thân là tâm, còn trong thân chẳng phải là tâm sao! Nếu tâm ở ngoài thân, thì thân không thể biết: như người khác ăn, ta chẳng thấy no. Nhưng mắt thấy cái gì, tâm liền phân biệt ngay cái ấy, thế thì cái tâm ấy lại chẳng thường ở trong ư ? Cho nên nói ở ngoài là sai lầm.
Ngài Tào Sơn(22) một hôm nghe tiếng chuông, bèn nói: “Ối chà, Ối chà!”
Có nhà sứ hỏi: “Hòa thượng làm sao thế ?”
Ngài bảo : “Đánh trúng tâm ta.”
Nhà sư không có chỗ đối lại.
Ngài Ngũ Tổ Giới nói thay rằng : “Làm tâm của thằng giặc hoảng hồn!”(23)
Ngài Phó Đại sĩ có bài kệ :
“Xóm làng các Phật, tại thế giới
Bốn biển núi sông, sanh đầy khắp
Phật với chúng sanh đồng một thể
Chúng sanh là giả danh của Phật
Như cần thấy Phật: xem ba quận
Rừng ruộng, nhà vườn, ở khắp nơi
Hoặc ở không trung bay quanh quẩn
Hoặc cho sông núi tiếng vang lừng
Hoặc kết bạn bè đi khắp xứ
Hoặc lại cô đơn bước một mình
Hoặc khiến ban ngày xuôi ngược chạy
Hoặc khiến ban đêm đi gác canh
Hoặc đen, hoặc đỏ, rồi hoặc trắng
Hoặc tía, hoặc hồng với vàng, xanh
Hoặc to hoặc nhỏ mà mới dưỡng
Hoặc trẻ hoặc già lúc xưa sanh
Hoặc có cây đàn trên lông cánh
Hoặc mang đèn đóm ở thắt lưng
Hoặc giữa hư không bay loạn xạ
Hoặc sanh cây cỏ mặc tưng hoành
Hoặc vô ngôn hạnh mà ra cửa
Hoặc vào hang đất tạm ký sanh
Hoặc xoi lỗ cây làm quê quán
Hoặc kết cỏ cây làm thành, ổ
Hoặc dệt võng lưới làm đường thôn
Hoặc nằm đốt đá làm thềm ốc
Chư Phật Bồ tát đều như thế
Cái ấy tên là Xá Vệ thành.”
Nơi này mà khế chúng(24) thì nói cái tâm Giác Liễu Năng Tri trụ ở ngoài thân cũng không phải là chẳng trúng vậy!

About namcuulong

Check Also

V. CHẤP NHẮM MẮT THẤY TỐI LÀ THẤY BÊN TRONG THÂN

Kinh: Ông Anan bạch Phật : “Thưa Thế Tôn, nay tôi lại nghĩ như vầy ...

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *