Home / KINH - LUẬN / Kinh Pháp Bảo Đàn / Phẩm thứ chín – HỘ PHÁP

Phẩm thứ chín – HỘ PHÁP

Phẩm thứ chín – HỘ PHÁP

Năm đầu niên hiệu Thần Long, ngày thượng nguyên, Hoàng đế Tắc Thiên và Vua Trung Tôn ra chiếu rằng: “Trẫm thỉnh hai vị An Quốc Sư và Thần Tứ Đại Sư vào cung để cúng dường, khi nhàn rỗi việc nước cùng tham cứu đạo Nhất thừa. Hai Sư khiêm nhượng tâu rằng phương nam có Huệ Năng Thiền Sư được Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn mật phó y bát, truyền tâm ấn Phật, Vua nên thỉnh thưa hỏi. Nay Trẫm đề cử quan nội thị là Tiết Giản phụng chiếu thỉnh Ngài về kinh”.
Tổ dâng biểu cáo bệnh, nguyện trọn đời ở núi rừng.
Tiết Giản thưa: Chư vị Thiền đức ở kinh thành đều nói muốn hội đạo phải tọa thiền tập định, nếu chẳng nhơn thiền định mà được giải thoát, không có lẽ ấy. Chưa biết pháp Thầy thuyết thế nào?
Tổ bảo: Đạo do tâm ngộ, chẳng phải do ngồi. Kinh dạy: “Nếu nói Như Lai có nằm có ngồi tức hành tà đạo”. Vì sao? Như Lai thanh tịnh thiền, không từ đâu đến, cũng không chỗ đi, không sanh không diệt. Như Lai thanh tịnh tọa, các pháp vắng lặng, rốt ráo không chứng, sao có ngồi?
Tiết Giản thưa: Khi con về cung, Chúa thương sẽ hỏi, nguyện Tổ từ bi chỉ dạy tâm yếu để trình lên hai cung và người học đạo ở kinh thành. Ví như một ngọn đèn sáng mồi cho trăm ngàn ngọn đèn đều sáng, sáng sáng vô tận.
Tổ bảo: Đạo không có sáng tối, sáng tối là nghĩa thay đổi. Sáng sáng vô tận cũng chính là tận, bởi đối đãi mà lập tên. Kinh Tịnh Danh nói: “Pháp không chỗ so sánh, không chỗ đối đãi”.
Tiết Giản thưa: Sáng dụ trí huệ, tối dụ phiền não, người tu đạo phải lấy trí huệ phá trừ phiền não, không như thế làm sao ra khỏi sanh tử từ vô thủy kiếp?
Tổ bảo: Phiền não tức là Bổ-đề, không hai không khác. Nếu dùng trí huệ để phá trừ phiền não, đó là chỗ thấy của hàng Nhị thừa, giống như cỡi xe dê, xe hươu. Bậc thượng căn đại trí chẳng phải như thế.
Tiết Giản thưa: Thế nào là chỗ thấy của bậc Đại thừa?
Tổ bảo: Phàm phu sáng tôi thấy có hai, bậc trí thông đạt thấy tánh không hai, tánh không hai tức là thật tánh. Thật tánh ấy ở phàm phu không giảm, ở Thánh Hiền không tăng, ở phiền não mà không loạn, ở thiền định mà không tịch, không đoạn không thường, không đến không đi, không ở giữa, trong và ngoài, không sanh không diệt, tánh tướng như như thường trụ không đổi, gọi danh là Đạo.
Tiết Giản thưa: Tổ thuyết không sanh không diệt có khác với ngoại đạo không?
Tể bảo: Ngoại đạo cũng nói không sanh không diệt, nhưng lấy diệt ngừng sanh, lấy sanh hiển diệt, ấy là diệt mà nói không diệt, sanh lại nói không sanh. Ta nói không sanh không diệt đây tức xưa tự không sanh nay cũng không diệt, nên không giống ngoại đạo. Nếu ngươi muốn biết tâm yếu, thời chớ suy lường tất cả thiện ác, tự được nhập vào tâm thể thanh tịnh thẳm sâu thường tịch, hằng sa diệu dụng.
Tiết Giản nhơn Tổ khai thị, hoát nhiên đại ngộ, đảnh lễ về triều, dâng biểu tâu Vua trình lời Tổ dạy.
Tháng 9 ngày mồng 3 năm ấy, Vua ra chiếu dụ tán thán Tổ: “Ngài cáo từ già bệnh không đến kinh đô là vì Trẫm tu dạo, đây là phước điền của đất nước, cũng như ngài Tịnh Danh cáo bệnh ở thành Tỳ Gia Ly xiển dương Đại thừa, truyền tâm yếu chư Phật, luận pháp không hai. Tiết Gỉản về triều truyền tri kiến Như Lai mà Ngài dạy trao, Trẫm vui mừng khôn xiết, biết xưa có duyên gieo trồng căn lành trong nhiều kiếp mới gặp Ngài ra đời hoằng truyền pháp Đốn ngộ thượng thừa. Cảm bội ân đức Ngài, tôn kính đảnh lễ, tâm thành dâng cúng y Ca-sa và bình bát thủy tinh, sắc chiếu Thứ sử Thiều Châu trùng tu chùa và đổi tên thành Quốc Ân Tự”.

About namcuulong

Check Also

Phẩm thứ sáu – SÁM HỐI

Phẩm thứ sáu – SÁM HỐI Bấy giờ, dân chúng ở Quảng Châu, Thiều Châu ...

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *