Home / KINH - LUẬN / Kinh Pháp Cú thí dụ / PHẨM THỨ BA MƯƠI BẢY – SANH TỬ

PHẨM THỨ BA MƯƠI BẢY – SANH TỬ

PHẨM THỨ BA MƯƠI BẢY – SANH TỬ
QUẢ ĐẾN PHẢI TRẢ

Xưa kia, lúc Phật ở tại Tinh xá Kỳ Hoàn, nước Xá-vệ, thuyết pháp cho người, trời, vua, quan nghe, thì cạnh đường cái có một ông Phạm Chí giàu có, tiền của không biết bao nhiêu mà nói. Ông có một cậu con trai hai mươi tuổi, vừa cưới vợ .
Tháng Ba, gặp tiết Xuân, vợ chồng nắm tay nhau đi dạo hoa viên. Đến một gốc cây Nại to lớn hoa nở tươi tốt. Cô vợ muốn hái ít đóa nhưng không có ai cậy mượn. Biết ý vợ và muốn làm đẹp lòng nàng, chàng tự thân leo lên và hái được một hoa. Thấy một hoa khác đẹp hơn ở một cành nhỏ, chàng cố chuyền sang, chẳng may nhánh gãy, chàng té xuống đất bị thương nặng. Người trong nhà bé lớn hay tin lật đật chạy ra chỗ tai nạn xảy ra, kêu trời kêu đất, xúm nhau cứu chữa, nhưng vô phương, chàng trai tắt thở. Bà con nội ngoại ai cũng động lòng rơi lệ mà chẳng biết làm thế nào ? Cha mẹ, vợ người xấu số không tiếc lời trách trời oán đất.

Tẩn liệm quan quách, đưa đám xong, trở về nhà tất cả đều than khóc không nguôi.
Xa biết tai nạn của nhà phú ông và thương cho sự si mê ngu muội của người trong cuộc, Thế Tôn bèn đến an ủi. Thấy Phật tới, chủ nhà và mọi người trong gia đình bi thảm làm lễ rồi bày tỏ nỗi đắng cay của mình, Phật nói với ông nhà giàu :
– Hãy nín đi để nghe pháp. Muôn vật vô thường, không thể giữ mãi; có sanh ắt có chết, tội phước đuổi nhau. Nay cậu con trai này phải gặp một lần ba cảnh áo não rơi lệ; đoạn tuyệt với ông hôm nay để rồi đi làm con kẻ khác.
Nói tới đây Phật đọc bài kệ :

Mạng như hoa quả thục
Thường khủng hội linh lạc
Dĩ sanh giai hữu khổ
Thục năng tri bất tử ?
Tùng sơ nhạo ái dục
Nhân dâm nhập bào thai
Thọ hình mạng như diện
Trú dạ lưu nan chỉ
Thị thân vi tử vật
Tinh thần vô hình pháp
Giả linh tử phục sanh
Tội phước bất bại vong
Chung thỉ phi nhứt thế
Túng ái si cửu trường
Tự tác thọ khổ lạc
Thân tử thần bất tán.

Dịch :

Mạng như hoa trái chín
Thường sợ lúc chúng rơi
Đã sanh đều phải khổ
Ai là người chẳng chết ?
Tùng nguồn thích thương muốn
Nhân dâm nhập bào thai
Mang hình mạng như điện
Ngày đêm cháy không ngừng
Thân này là vật chết
Tinh thần không hình sắc
Nương chết để phục sanh
Tội phước không mất đâu
Chẳng phải chết là hết
Ham sống si mê dài
Tự làm chịu sướng khổ
Thân chết thần chẳng rã.

Trưởng giả nghe kệ xong lòng được cởi mở, không còn buồn phiền nữa, bèn quỳ xuống bạch Phật :
– Đời trước thằng bé này tạo tội gì để nay đang lúc xuân thời cuộc đời hạnh phúc, lại phải chết yểu như thế ? Cúi xin Phật chỉ dạy cho con biết. Phật đáp :
– Xa xưa, có một cậu con trai mang cung tên vào một lùm kiếm chim bắn chơi. Thấy trên cây có một con se sẻ, cậu giương cung muốn bắn. Ngay lúc ấy có ba người đang đi dạo, họ thấy thế mới khích:
– Cậu mà bắn trúng thì là tiểu anh hùng vậy. Cậu bé nghe khoái chí, giương cung buông tên, chim sẻ rớt xuống chết tốt. Ba người khách đồng reo mừng khen ngợi rồi đường ai nấy di.
Từ ấy biết bao kiếp đã trôi qua, nay cơ hội đã đến cho cậu bé xưa thọ tội. Trong ba người kia, một người nhờ tạo nhiều phước nên nay được ở cõi trời, người thứ hai thì sanh xuống biển làm vua rồng, người thứ ba chính là thân của Trưởng giả hiện nay vậy. Còn cậu trai vừa thọ nạn té cây, trước đời này đã được sanh về cõi trời làm con của trời, mạng hết xuống thế làm con một Trưởng giả, nay té cây chết sẽ sanh xuống biển làm con Long vương, nhưng ngay trong ngày sanh sẽ bị chim kim súy đớp ăn. Vì lẽ này mà Ta nói ngày hôm nay là ngày hội đủ ba việc đáng đau lòng rơi lệ. Phần ông vì tiền kiếp tán trợ reo mừng trước một việc ác, nên nay phải chịu phần than khóc. Tới đây Phật nói thêm một bài kệ :

Thức thần tạo tam giới
Thiện, bất thiện, ngũ xứ
Ấm hành nhi mộc chi
Sở vãng như hưởng ứng
Dục sắc bất sắc hữu
Nhứt thiết nhân túc hành
Như chủng tùy bổn tượng
Tự nhiên báo như ảnh.

Dịch :

Thần thức tạo ba giới (1)
Lành, chẳng lành, năm xứ(2)
Am thầm lòng mơ tính (3)
Mơ đâu sẽ về đó
Ba, giới : Dục giới (cõi này), Sắc giới và Vô sắc giới.

Năm xứ hay Ngũ thú : Địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, nhơn, thiền.

(3) Mơ đâu về đó : Nguyên văn “Sở vãng hưởng ứng’. Sở vãng là chỗ thần thức của người chết đến. Hưởng là tiếng vang (écho) như đứng trước một miệng hang núi mà la thì trong hang cổ tiếng dội lại, “ứng” lại như giống tiếng la. Đây là lấy ý mà dịch, nương theo câu trên là “ấm hành nhi mặc chí”. Ấm là cựu dịch Phạn ngữ “Skandha”, sau Hán dịch là uẩn. Hành là một trong năm uẩn (sắc, thọ, tưởng, hành, thức) chỉ những hoạt động bên trong như mơ tưởng, tính toán, sắp đặt điều lành việc ác.
Muốn hình chẳng phải hình (1)
Tất do mơ tưởng xưa
Hễ gieo giống thứ nào
Tự nhiên báo thế ấy.

Phật nói kệ xong, làm cho Trưởng giả thêm cởi mở. Phật bèn lấy sức mạnh đạo đức chỉ cho Trưởng giả thấy đời trước của ông cùng thấy những việc ở trên trời và dưới long cung.
Trưởng giả như say sực tỉnh, vui vẻ đứng dậy cúi mọp xoa tay bạch Phật :
– Nguyện xin Thế Tôn cho con vào hàng đệ tử lớn nhỏ của Phật, phụng hành năm giới làm Cận sự nam (Ưu-bà-tắc).

Phật nhận lời, trao giới cho Trưởng giả và thuyết pháp lần nữa về nghĩa vô thường. Lớn nhỏ nghe được lời vàng hoan hỷ vô cùng và được đạo Tu-đà-hoàn.

Muốn hình chẳng phải hình
: Nguyên văn “Dục sắc bất sắc hữu”. Câu này quá khúc chiết vì quá cô đọng, vắn tắt. Theo ý bài kệ thì sắc ở đây có thể ám chỉ “sắc uẩn” tức phần vật chất hay thân. Chữ hữu có thể chỉ một trong mười hai nhân duyên, nghĩa là “có”. Có là có mặt ở thế gian này, do đây người Pháp dịch là (existence). Vậy nếu dịch sát toàn câu có nghĩa : Muốn cho thân sau chẳng phải thân ở thế gian.

About namcuulong

Check Also

PHẨM THỨ BA MƯƠI LĂM – PHẠM CHÍ

PHẨM THỨ BA MƯƠI LĂM – PHẠM CHÍ CÁC PHÁP MÔN TU CỦA 96 PHÁI ...

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *