Home / KINH - LUẬN / Kinh Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật / TẬP HAI KINH MA HA BNBLM / KINH MA HA BÁT NHÃ BA LA MẬT QUYỂN THỨ MƯỜI BỐN

KINH MA HA BÁT NHÃ BA LA MẬT QUYỂN THỨ MƯỜI BỐN

Đức Phật nói: “Vì Bát nhã ba la mật này không khỏi, không tác nên không ai có thể được”.
Ngài Tu Bồ Đề thưa: “Bạch đức Thế Tôn! Tất cả các pháp cũng chằng thể biết, chẳng thể được”.
Đức Phật nói: “Tất cả pháp một tính duy nhất, chẳng phải hai tính.
Pháp tính duy nhất này cũng là vô tính. Vô tính này chính là tính. Tính này chẳng khởi, chẳng tác.
Đúng vậy, nếu đại Bồ Tát biết các pháp một tính duy nhất là vô tính không khởi, không tác, thời xa lìa tất cả tướng chướng ngại”.
Ngài Tu Bồ Đề thưa: “Bạch đức Thế Tôn! Bát nhã ba la mật này khó biết, khó hiểu”.
Đức Phật nói: “Đúng như lời ông nói. Bát nhã ba la mật này không người thấy, không người nghe, không người hay, không người biết, không người được”.
Ngài Tu Bồ Đề thưa: “Bạch đức Thế Tôn! Bát nhã ba la mật này chẳng thể nghĩ bàn”.
Đức Phật nói: “Đúng như lời ông nói. Bát nhã ba la mật này chẳng từ tâm sinh, chẳng từ sắc, thọ, tưởng, hành, thức sinh, nhẫn đến chẳng từ mười tám pháp bất cộng sinh”.

PHẨM VÔ TÁC THỨ BỐN MƯƠI BA

Ngài Tu Bồ Đề thưa: “Bạch đức Thế Tôn! Bát nhã ba la mật này không sở tác!”.
Đức Phật nói: “Vì tác giả bất khả đắc. Vì sắc bất khả đắc nhẫn đến tất cả pháp bất khả đắc”.
Ngài Tu Bồ Đề thưa: “Nếu đại Bồ Tát muốn thật hành Bát nhã ba la mật thời phải thật hành thế nào?”.
Đức Phật nói: “Muốn thật hành Bát nhã ba la mật, đại Bồ Tát chẳng thật hành nơi sắc, chẳng hành nơi thọ, tưởng, hành, thức, nhẫn đến chẳng hành nhất thiết chủng trí, thời đó là thật hành Bát nhã ba la mật.
Đại Bồ Tát, nơi sắc nhẫn đến nhất thiết chủng trí, chẳng hành thường hay vô thường, thời là thật hành Bát nhã ba la mật.
Đại Bồ Tát, nơi sắc nhẫn đến nhất thiết chủng trí, chẳng hành hoặc khổ hoặc vui, thời thật hành Bát nhã ba la mật.
Đại Bồ Tát, nơi sắc nhẫn đến nhất thiết chủng trí, chẳng hành là ngã hay chẳng phải ngã, thời thật hành Bát nhã ba la mật.
Đại Bồ Tát, nơi sắc nhẫn đến nhất thiết chủng trí, chẳng hành tịnh hay bất tịnh, thời là thật hành Bát nhã ba la mật.
Tại sao vậy?
Vì sắc, thọ, tưởng, hành, thức nhẫn đến nhất thiết chủng trí đây vốn không có tính, thời thế nào lại có thường, có vô thường, có khổ, có vui, có ngã, có chẳng ngã, có tịnh, có bất tịnh được.
Lại này Tu Bồ Đề! Lúc thật hành Bát nhã ba la mật, đại Bồ Tát chẳng hành sắc chẳng đầy đủ, nhẫn đến chẳng hành nhất thiết chủng trí chẳng đầy đủ, thời là thật hành Bát nhã ba la mật.
Tại sao vậy? Vì sắc chằng đầy đủ thời chẳng gọi là sắc, như đây cũng chẳng hành thời là thật hành Bát nhã ba la mật. Nhẫn đến nhất thiết chủng trí chẳng đầy đủ thời chẳng gọi là nhất thiết chủng trí, như đây cũng chẳng hành thời là thật hành Bát nhã ba la mật”.
Ngài Tu Bồ Đề thưa: “Thật chưa từng có! Đức Thế Tôn khéo nói tướng dạng ngại cùng tướng dạng chẳng ngại của những thiện nam, thiện nữ cầu đạo Bồ Tát”.
Đức Phật nói: “Đúng như vậy. Phật khéo nói tướng dạng ngại cùng tướng dạng chẳng ngại của những thiện nam, thiện nữ cầu đạo Bồ Tát.
Lại này Tu Bồ Đề! Lúc thật hành Bát nhã ba la mật, nếu đại Bồ Tát chẳng hành sắc, chẳng chướng ngại, thời hành Bát nhã ba la mật.
Nhẫn đến chẳng hành nhất thiết chủng trí, chẳng chướng ngại, thời là hành Bát nhã ba la mật.
Này Tu Bồ Đề! Lúc thật hành Bát nhã ba la mật như vậy, đại Bồ Tát biết sắc là chẳng chướng ngại, biết thọ, tưởng, hành, thức là chẳng chướng ngại, nhẫn đến biết nhất thiết chủng trí là chẳng chướng ngại. Biết quả Tu Đà Hoàn là chẳng chướng ngại, nhẫn đến biết đạo Vô thượng Bồ đề là chẳng chướng ngại”.
Ngài Tu Bồ Đề thưa: “Chưa từng có vậy, Bạch đức Thế Tôn!
Pháp thậm thâm này, hoặc giảng thuyết, hoặc chẳng giảng thuyết cũng đều chằng tăng, chằng giảm”.
Đức Phật nói: “Đúng như vậy. Pháp thậm thâm nàyf hoặc nói hoặc chẳng nói cũng đều chẳng tăng, chẳng giảm.
Này Tu Bồ Đề! Như ảo nhân, lúc khen hay lúc chê cũng đều chẳng tăng, chẳng giảm. Lúc khen chẳng mừng, lúc chê chẳng lo.
Này Tu Bồ Đề! Pháp tướng của các pháp cũng như vậy, lúc nói cũng như bổn không khác, lúc chẳng nói cũng như bổn không khác”.
Ngài Tu Bồ Đề thưa: “Bạch đức Thế Tôn! Chỗ làm của chư đại Bồ Tát rất khó. Lức tu hành Bát nhã ba la mật này, các Ngài chẳng mừng chẳng lo, mà có thể thực tập Bát nhã ba là mật. Cũng chẳng thối chuyển nơi Vô thượng Bồ đề.
Tại sao vậy?
Bạch đức Thế Tôn! Tu hành Bát nhã ba la mật như tu hành hư không.
Như trong hư không, không có Bát nhã ba la mật nhẫn đến không có Đàn na ba la mật. Như trong hư không, không có sắc, thọ, tưởng, hành; thức nhẫn đến không có mười tám pháp bất cộng.
Như trong hư không, không có quả Tu Đà Hoàn nhẫn đến đạo Vô thượng Bồ đề. Tu Bát nhã ba la mật cũng như vậy. Bạch đức Thế Tôn! Tất cả đều nên kính lễ chư đại Bồ Tát có thể đại thệ trang nghiêm này.
Bạch đức Thế Tôn! Chư đại Bồ Tát này vì chúng sinh mà đại thệ trang nghiêm chuyên cần tinh tấn, như hư không đại thệ trang nghiêm chuyên cần tinh tấn.
Bạch đức Thế Tôn! Chư đại Bồ Tát này muốn độ chúng sinh như muốn độ hư không.
Bạch đức Thế Tôn! Chư đại Bồ Tát này đại thệ trang nghiêm, như là hư không khắp cả chúng sinh đại thệ trang nghiêm.
Bạch đức Thế Tôn! Chư đại Bồ Tát này đại thệ trang nghiêm muốn độ chúng sinh như là cất hư không lên.
Bạch đức Thế Tôn! Chư đại Bồ Tát này được sức đại tinh tấn, vì muốn độ chúng sinh mà phát tâm Vô thượng Bồ đề.
Bạch đức Thế Tôn! Chư đại Bồ Tát này rất dũng mãnh, vì độ chúng sinh đồng như hư không mà phát tâm Vô thượng Bồ đề.
Tại sao vậy?
Bạch đức Thế Tôn! Nếu chư Phật đầy cả trong cõi Đại Thiên như là tre, lau, mía, lúa, mè, lùm rừng, thường thuyết pháp luôn cả một kiếp hoặc gần một kiếp. Mỗi đức Phật độ vô lượng vô biên vô số chúng sinh làm cho họ nhập Niết Bàn.
Tính chúng sinh này cũng vẫn tăng, chẳng giảm.
Tại sao vậy?
Vì chúng sinh vốn vô sở hữu vậy, là ly vậy.
Nhẫn đến chư Phật trong quốc độ mười phương độ chúng sinh, tính chúng sinh vẫn không tăng, không giảm cũng như vậy.
Do nhân duyên ấy, bạch đức Thế Tôn! Tôi nói rằng chư đại Bồ Tát này vì muốn độ chúng sinh mà phát tâm Vô thượng Bồ đề, là muốn độ hư không.
Bấy giờ có một Tỳ Kheo nói rằng: Tôi phải đỉnh lễ Bát nhã ba la mật
Trong Bát nhã ba la mật dầu không pháp sinh, không pháp diệt, mà có chúng chính giới, có chúng chính định, có chúng chính huệ, có chúng giải thoát, có chúng giải thoát tri kiến. Mà có các bậc Tu Đà Hoàn, Tư Đà Hàm, A Na Hàm, A La Hán, Bích Chi Phật, chư Phật. Mà có Phật Bảo, Pháp Bảo, Tỳ Kheo Tăng Bảo. Mà có chuyển pháp luân”.

About namcuulong

Check Also

KINH MA HA BÁT NHÃ BA LA MẬT – QUYỂN THỨ MƯỜI BẢY

KINH MA HA BÁT NHÃ BA LA MẬT – QUYỂN THỨ MƯỜI BẢY Hán dịch: ...

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *