Home / Pháp Uyển Châu Lâm / PUCL - Tập 7 / PUCL QUYỂN 100 – CHƯƠNG TRUYỆN KÍ

PUCL QUYỂN 100 – CHƯƠNG TRUYỆN KÍ

Thế là sương mù đã tan, bầu trời trong xanh trở lại, thiên hạ thái bình thống nhất. Cao tổ lắng tâm dưỡng tính, luôn nghĩ đến cảnh xuất trần, dõi mắt khắp yên hà xã tắc. Nhưng vốn vì muôn dân bị tai ương, trăm thần không nơi tế tự, nên học theo hạnh cao vời của Cao Dương, cứu vớt đất nước đang chìm đắm, lê dân đang mong đức tái tạo, bách tính nhờ ân tạc thành. Tuy vậy, đế chẳng vướng bận vào vương vị chỉ luồn nghĩ đến muôn dân; ý niệm buông xả chẳng bao giờ quên, chí hướng xuất trần dần dần hiện rõ.
Đế mừng vì trách nhiệm tế đất trời đã có chỗ giao phó, vui vì tông miếu đã có người trông nom. Vì thế, đế sai chọn ngày giờ đại cát truyền ngôi tại Thiêu Dương. Từ khi nhận nhiệm vụ giám quốc, phụ tá Đông cung, Thái tông luôn tuân hành ba thiện, một lòng vì quốc. Đến lúc thiên hạ sang trang, đế vị thay đổi, vua đến Xích huyện kính cẩn lập đại thệ nguyện phủ dụ muôn dân tạo lợi ích lớn, mở ra mặt trời Tứ đẳng, soi sáng mây Nghiêu; thổi ngọn gió Lục độ, đưa vào cơn mưa Thuấn.
Tháng giêng năm Trinh Quán thứ nhất (627), vua ban chiếu thỉnh tất cả các vị tăng đức hạnh vào cung hành đạo suốt trong bảy ngày; sai quan phụ trách chuẩn bị những phẩm vất tốt nhất để cúng dường đầy đủ.
Đến niên hiệu Trinh Quán thứ ba (629), vua sợ mất mùa, trong lòng lo lắng, bèn ban thánh chỉ tuyển chọn mười bốn vị cao tăng có giới luật tinh nghiêm, đức độ cao vời đến thiên môn để cầu mưa bảy ngày. Nhờ Phật lực thầm gia bị, vụ mùa năm ấy được bội thu, nhân dân sung túc nhờ thu được vạn hộc, đất nước giàu mạnh lương thực dùng đủ chín năm. Từ đó về sau, nước nhà luôn ấm no bền vững.
Trước đây, lúc mới dựng cờ nghĩa, rất nhiều binh lính đã bị tử vong dưới làn đạn mũi tên. Vì sợ họ trở thành những oan hồn vất vưởng, nên mùa đông năm này, vua đã ban chiếu thỉnh tăng ni khắp kinh thành tụng kinh siêu độ suốt bảy ngày; ai có y phục đều đem bố thí, mượn duyên lành này để dốc lòng sám hối. Tai những chiến trường xưa, vua đều cho xây dựng già-lam, gồm hơn mười ngôi, như chùa Siêu Nhân, chùa Đẳng Giác v.v…
Mùa xuân, niên hiệu Trinh Quán thứ ba (629) vua lại ban chiếu thỉnh tăng ni vào ngày mười bốn mỗi tháng đều phải tụng đọc kinh Nhân vương v.v…, các quan sở tại thiết trai cúng dường và lấy đây làm thường lệ. Vua lại ban chiếu thỉnh mười chín vị danh tăng thạc đức giỏi Tam giáo, rành rẽ mười khoa và thỉnh Tam tạng pháp sư Ba-pha đến chùa Hưng Thiện phiên dịch kinh điển, sa-môn Thích Tuệ Thừa chứng nghĩa v.v…
Sau, vì cầu phúc cho Thái Vũ hoàng đế, vua xây dựng chùa Long Điền ở núi Chung Nam, thỉnh sáu tôn tượng Phật do Vũ đế tạc đến đây thờ phụng và cúng dường. Vua lại vì Mục thái hậu mà xây chùa Hoang Phúc. Sau khi xây xong, vua đích thân đến chùa khai quang điểm nhãn tôn tượng, tổ chức hội bố thí rất lớn, nhân đó thỉnh mười vị đại đức đến đàm luận Phật pháp. Khi ấy, chủ chùa là đại đức Đạo Ý vừa nói đến thái hậu thì vua buồn thương không kềm lòng được, gạt lệ ngẹn ngào một lúc lâu, rồi nói:
– Trẫm sớm mất mẹ, không có cơ hội để báo đáp ơn sinh dưỡng, nỗi đau mất từ mẫu cứ canh cánh trong lòng. Chỉ biết nhờ hồng phúc Tam bảo thầm giúp đỡ và gia hộ. Gần đây trẫm đặt Lão Tử ở trước Thích-ca, các thầy không oán trách trẫm chứ?
Thầy Đạo Ý đáp:
– Chúng tăng ở đây được yên tâm tu tập là nhờ ân của bệ hạ thì nào dám quên!
Vua nói:
– Phật giáo và Đạo giáo hơn kém thế nào trẫm đều đã biết, họ Thích và họ Lý cao thấp ra sao thi người trí tự rõ. Đâu phải nhât thời để ở trên mà cho là hơn. Vì trẫm tôn kính Lão Tử là tổ tiên của mình nên tạm đem Lão Tử đặt lên trên để trồng cội phúc, tâm thành qui kính để phân biệt thân sơ, chứ chẳng phải không để tâm đến Phật giáo. Gần đây trẫm có bố thí gì đều hướng về nhà Phật, hễ có tu bổ đều là tu bổ chùa chiền. Các thầy nên hiểu ý trẫm!
Vua lại vì Mục hoàng hậu mà xây chùa Từ Đức bên cạnh đạo quán Khánh Thiện.
Sa-môn Huyền Trang sang Thiên Trúc thỉnh kinh. Trở về Trung Quốc muốn truyền bá lời vàng. Trải qua mười chín năm phụng chiếu dịch kinh điển, hoàng đế trước sau ca ngợi, tưởng thưởng vượt trên bình thường. Lại cử quan Trung sứ, cứ mười ngày lại đến thăm hỏi; còn đích thân suy nghĩ viết lời tựa cho bản dịch, trong đó viện dẫn yếu chỉ kinh để xiển dương Phật lí. Thánh thượng đã ban chiếu cho độ ba vạn tăng ni, đúc tạo vô số tượng Phật bằng vàng, bạc, chân châu.
Thánh thượng đương triều chính là thánh là thần, nhiều tài nhiều nghệ. Dùng vô vi trị quốc, kế thừa Li Liên xa xưa; với phong cách hữu đạo, thật có thể so với Viêm Hạo. Từ đó nhà nhà đều có đức hạnh, hiểu đạo không còn tranh tụng; nơi nơi đều tu phúc thiện, non nước rạng rỡ uy linh. Ngài là rường cột của Tam bảo, cứu giúp bốn loài, đã sớm trồng căn lành, từ lâu đã tu thắng nghiệp. Lòng sùng tín phát từ thiên tư, tâm hiếu kinh thật do chân tính. Thế nên, khi còn là thái tử, vua đã có bản nguyện này; do đó mới sai quan phụ trách cung kính vì Văn Đức hoàng thái hậu tạo chùa Từ Ân. Thái tử xét thấy địa thế nơi đây ưu việt, có núi sông che chắn, ngăn cách phố thị ồn náo, nên sai Phù nhân khai móng xây dựng. Chùa xây dựng xong, vừa treo biển hiệu, ngôi kim viên này, pháp lữ chen nhau, quan dân mong ngóng.
Nơi đây có thành cao, tường dài trăm trĩ, uốn lượn quanh co, vây quanh khép góc, chín tầng cao ngất kéo dài. Thế là già-lam rộng lớn, tráng lệ huy hoàng; lập hành thằng xem tinh tú, dựng trụ để trắc lượng bóng mặt trời; hài ngọc sáng soi, kim phô rực rỡ. Tháp ảnh uy nghiêm liên tiếp, đài kinh san sát nối nhau. Thật là cùng tận sắc màu rực rỡ, tóm thâu nét tinh xảo diệu kì, linh báu vang theo gió, mâm vàng hứng sương mai, chuông ngân từng tiếng thâu đêm, lời kinh nhẹ vang mỗi sớm. Đây là chỗ nương của bậc tu định tuệ, là nhà trọ của thánh linh.
Lẽ ra thuật lại bài nói về ý kinh của Ván đế, nhưng văn rất dài, không thể ghi lại.
Đến khi kế thừa ngôi báu, phúc vận ngày càng tốt đẹp, vua luôn nhớ đến ân to lớn của tiên hoàng, mà rưới ân huệ thấm nhuần muôn loại! Từ khi gởi thân về chốn Đỉnh Hồ, xa xăm chẳng thể truy tìm; hồn đến nương gá tại Trường lăng, mịt mờ từ đây vĩnh biệt. Vì muốn hưng tịnh nghiệp, dựng lập phúc điền, nên đổi hai cung Ngọc Hoa và Thúy Vi mà tiên đế thường đến thành chùa, tạc tượng trang nghiêm, khắc chạm huy hoàng, cúng dường trọng hậu. Mỗi khi đến ngày kị của Vũ hoàng và Mục hậu, vua đều thỉnh tăng ni khắp kinh thành tụng kinh cầu siêu suốt bảy ngày. Đến ngày kị của Thái tông và Văn đức hoàng thái hậu, vua ban chiếu thỉnh tăng ni khắp kinh thành tụng kinh cầu siêu suốt hai mươi mốt ngày, lại tạc tượng, chép kinh, cho phép độ táng, thiết trai cúng dường, mọi người đều thấy nghe, ở đây chỉ xin kể sơ lược.
Niên hiệu Hiển Khánh (656-661), vua thỉnh pháp sư Huyền Trang vào cung phiên dịch kinh tạng và các đại đức ở chùa Từ Ân thay phiên nhau tụng kinh, thuyết giảng, không bỏ phí chút thời gian. Vua lại vì hoàng thái tử, ban chiếu xây chùa Tây Minh tại Tây kinh Trường An. Nhân một lần đến Đông đô Lạc Dương, vua liền cho xây dựng chùa Kính Ái tại đây. Chi phí xây dựng mỗi chùa là hơn hai mươi vạn xâu tiền. Vì thế lầu đài, bảo điện, giảng đường, phòng ốc, tôn tượng, tràng phan, bảo cái, mỗi mỗi đều tuyệt diệu như cõi trời, tinh xảo như thần quỉ tạo. Vua lại vì các công chúa mà xây dựng hơn hai mươi ngôi chùa tại Trường An, như chùa Tứ Giới, chùa Sùng Kính, chùa Chiêu Phúc, chùa Phúc Thọ v.v…Vua lại sắc lệnh nội cung phải mô phỏng theo di ảnh Thế Tôn để thêu trên lụa, mỗi bức cao mười hai trượng, xưa nay chưa từng có, khiến người thấy nghe kinh ngạc. Trên bức tượng lụa thêu năm màu đồng rực hiện, sáu văn ánh chiếu nhau; thật là, gởi cành liễu biếc trên đôi tay thanh tịnh, vẽ vầng trăng tròn từ cặp kim sắc nhọn; đẹp hơn lụa nước Yên, sáng hơn gấm đất Thục, bàng bạc như màu sắc Cửu Hoa, rực rỡ tựa ánh sáng thất diệu. Tôn tượng được thỉnh về chùa Từ Ân để vĩnh viễn cúng dường.
Lúc rảnh rỗi chính sự, vua luôn tu tập Bát chính đạo, lại tự tâm tư duy, đích thân cầm bút viết văn bia cho chùa Từ Ân và chùa Long Quốc. Lời văn trong sáng như sương đọng, ý vị nhẹ nhàng tợ gấm thêu, khắc vào bia đá, lưu truyền bất hủ. Nội dụng văn bia nêu cao lí cùng tột, soi sáng đạo sâu mầu. Vua cũng nhiều lần thỉnh các sa-môn và các đạo sĩ vào cung nghiên cứu sâu về danh giáo. Khi luận bàn, vua đều đích thân giám định, cân nhắc đúng sai, rồi cho biên tập đầy đủ.
Những lúc công việc đã thành, tế cáo đất trời, vua lên núi Thái sác phong, nhường đức cho trời cao, suy công lên Đại thánh, ban chiếu đến kháp muồn dân, ở mỗi châu trong cả nước đều phải xây dựng một ngôi chùa, độ bảy vị tăng, tùy theo điềm lành xuất hiện trong ngày mà đặt tên cho bản tự.
Xét trong sử sách từ xưa, xem các đế vương nhiều đời, thì thấy tâm đạo của vua trùm khắp thiên hạ, lòng nhân từ gội nhuần muôn loài; lấy pháp hóa để sáng tỏ Minh đường, dùng tế tự bố cáo trời đất. Đức gồm thâu chân tục, bao quát cổ kim, chưa có thời nào thịnh trị bằng triều đại ta!
Niên hiệu Tổng Chương thứ nhất (668), Cao Tông hoàng đế ban chiếu lập hai huyện Minh Đường và Càn Phong để tuyên dương công đức, lưu truyền cho con cháu đời sau.

About namcuulong

Check Also

PUCL QUYỂN 96 – CHƯƠNG XẢ THÂN

QUYỂN 96 Quyển này có một chương Xả thân. 96. CHƯƠNG XẢ THÂN 96.1. LỜI ...

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *