Home / Pháp Uyển Châu Lâm / PUCL - Tập 7 / PUCL QUYỂN 96 – CHƯƠNG XẢ THÂN

PUCL QUYỂN 96 – CHƯƠNG XẢ THÂN

Sau khi sư thị tịch, người ở huyện Bì thấy trên hư không có một cái kiệu bằng tơ, sư đứng trong đó, thân đắp y vàng, vắt tấm đắp một bên vai, cầm tích trượng, có năm sáu trăm vị tăng theo sau, che lọng trúc nương hư không bay về hướng tây, rồi biến mất.
Lại có tăng Tuệ Sách ở chùa Linh Quả, Đồng châu, nhân việc sư thị tịch mà thiết đại trai hội, tại khu chợ cổ. Trước lúc thụ thực, bỗng thấy đám mây đen từ phía đông nam kéo đến, che khuất mặt trời, trai hội âm u, trời mưa lác đác, những tia ánh sáng năm màu hiện rộ, tia dài thì một thước năm tấc, ngắn thì khoảng sáu tấc. Trời lại mưa các loại hoa, có tràng phan, hương thơm khắp cả hư không, đại chúng đều thấy.
Lúc thỉnh xá-lợi tim đến chùa Thường Trụ, mọi người đều thấy hoa rơi đày khắp và ánh sáng chiếu rực cả chùa viện.
Lại có vị tăng Tuệ Thắng ở chùa A-ca-nị-tra bị bệnh nằm liệt giường, không được thấy sư thiêu thân, trong lòng ân hận. Một hôm, Tuệ Thắng nằm mộng thấy sư dẫn theo vị sa-di mang đến một bọc vải đựng khoảng ba hộc hương thơm và bột chiên-đàn, sau đó chia thành bốn phần, để chung quanh Tuệ Thắng rồi đốt. Tuệ Thắng sợ và nói:
– Con là phàm phu, chưa thể thiêu thân!
– Ngươi đừng sợ! Chỉ để xông bệnh mà thôi Sư nói.
Lửa cháy hết, Tuệ Thắng cảm thấy hoàn toàn khỏe mạnh, lại xin sư hiện điềm lành! Sư nói:
– Pháp hiệu Tuệ Nhai của ta lúc ở ích châu chỉ là giả, tên thật là Quang Minh Biến Chiếu Bảo Tạng bồ-tát.
Sau khi tỉnh dậy, Tuệ Thắng càng nỗ lực tu tập gấp đôi lúc thường. Có lúc vì sư mà thiết trai hội ở ngoài thôn, Thắng tự nói: ‘Tăng tục ở Đồng châu phúc dày nên thấy được điềm lành; chúng ta nghiệp chướng sâu nặng nên không thấy’. Lập tức khoảng hai trăm người đều thấy hoa trời rơi nhiều như tuyết khắp hư không, che cả ánh sáng mặt trời. Thụ trai xong, hoa lớn dàn bằng cái mâm bảy tấc, màu vàng, ánh sáng chói mắt. Bốn chúng tranh nhau mà không thể lấy được, có người leo lên cây mong lấy được hoa, hoa lại bay thẳng lên hư không.
Lại nữa, ở Thành Đô có gia đình Vương Tăng Quí, từ khi sư đốt thân thì cả nhà phát nguyện không ăn thịt. Sau đó có việc mà cả nhà muốn bỏ ăn chay, nhưng còn bàn tính riêng. Đến canh hai, bỗng nghe ngoài cửa có tiếng gọi: “Đàn việt!”. Người nhà ra mở cửa thì thấy một đạo nhân. Đạo nhân nói: “Chớ ăn thịt!”, rồi dặn dò khuyên bảo, ngôn từ rất tha thiết, đến nỗi ứa lệ mà đi. Người nhà đuổi theo sau giống như gần mà lại xa, rồi bỗng mất dấu.
Lại sau khi sư đốt thân, đến giữa tháng tám, có một người thuộc dân tộc Nhương, tên Mâu Nan Đang đi săn trên đỉnh núi Tựu Kiêu, đang dương cung nhắm bẳn một con nai, bỗng thấy sư cưỡi một con kinh xanh. Người thợ săn sợ hãi hỏi:
– Ngài thiêu thân ở ích châu rồi, sao nay còn ở đây?
Sư đáp:
– Đó là người giả thôi. Ông có thể thiêu thân không? Ông săn bắn sẽ mang tội, hãy siêng năng làm ruộng để sinh sống.
Nói xong sư từ biệt.
Lại nữa, vào khoảng mùa đông, con người anh của sư đang lội dưới khe, bỗng nghe trong hang núi có chừng mấy vạn người nói chuyện ồn ào. ông nhìn lên thì thấy sư cầm tích trượng, có hai vị tăng đi theo, liền đuổi theo muốn nắm ca-sa. Sư nói:
– Cháu chịu khó nắm ca-sa của ta!
Sư liền chỉ tay vào con heo, con gà và nói:
– Âm thanh của chúng đều có ý nghĩa rõ ràng như lời của cháu vậy, nhưng người khác không hiểu. Như tiếng của nước khác, cháu cũng không hiểu được. Tuy người và súc sinh khác nhau, nhưng đều có Phật tính, chỉ vì chúng tạo nghiệp ác, nên thụ thân hình này. Cháu nên gắng sức làm ruộng, chớ nuôi dưỡng loài gia súc!
Lời nói thật thiết tha và rõ ràng. Sư thường hiện hình đoán biết ý của người khác mà khuyên dạy.
96.3.6. Đời Chu, Thích Tĩnh Ái: Sư họ Trịnh, người Huỳnh Dương, sớm nổi tiếng ở đời với phẩm hạnh thanh cao. Bản tính của sư rất giản dị, hơn hẳn phàm tục. Sư tự an ủi lòng mình: “Ta không được may mắn, sinh ra gặp đời ngũ trược tạp loạn, không được thiện tri thức chỉ dạy, thật đáng xấu hổ, tiến thoái lưỡng nan, mà vui sướng được sao?”.
Thế là sư tự quyết định đến chùa Tung Nhạc, chuyên tâm nghiên cứu kinh luận, quên cả ngủ nghỉ. Sau sư lại nghe có vị tăng Thiên Trúc học rộng, phẩm hạnh cao thượng, người đời không thể lường, từ Tây Trúc đến Hàm Dương, sư liền đến học đạo suốt mười năm. Sau đó sư đến núi Chung Nam, có ý muốn ở nơi đây suốt đời. Nơi đây có khói nứi mây trời, gió mát trăng thanh, khiến người đến quên cả trở về. Trong núi này vốn không có nước, khi cần thì đến khe suối. Một đêm, các đệ tử đang đứng hầu thầy, bỗng thấy một con hổ đến trước mặt quào đất rồi bỏ đi. Đến sáng sư ra xem, thấy chỗ đó có nước ẩm ướt, liền cho người đào thì có dòng nước phun lên. Từ đó trở về sau, sư không xuống khe suối, mà lấy nước ở đây dùng. Nay là suối Hổ Bào tại Tị Thê bảo, ở Tích Cốc vậy.
Tháng năm, niên hiệu Kiến Đức thứ ba ($74) Chu Vũ diệt pháp ở Quan Trung. Sau khi diệt pháp xong, đến ngày mười lăm tháng sáu, vừa bãi triều, thì Kim Thành công Dân bộ thị lang Nhâm Quân, tại nơi làm việc của mình, đã cùng các quan thuộc đang dạo chơi, thấy năm sáu vật lạ bay lên hư không như một đàn chim, cái lớn thì bay chạm trời xanh, cái nhỏ thì khoảng mười đấu, sau đó chúng dần dần ẩn mất, Có một số đoạn nhỏ màu vàng trắng rơi xuống đất, rồi cuốn vào hư không, những vật này giống như lá cờ không có tua. Hôm đó trời trong, gió lặng, đến hạt bụi cũng không động, càng tăng thêm sự oi bức. Nhân đó, ông đến phủ nghỉ đông, dạo quanh tường, khi đi về hướng bắc, thấy trên một bức tường đôi lộ ra quyển sách màu vàng, liền đến lấy xem, thì đó chính là quyển thứ mười chín của kinh Ma-ha Bát-nhã. Ông hỏi nguyên do, có người nói: “Quyển kinh này từ trên trời bay xuống đây”.
Lúc bấy giờ Phật pháp vừa bị tiêu diệt, nên hình pháp rất nghiêm, triều đình thường bắt các vị quan có liên hệ với Phật giáo. . Do đó ông giấu quyển kinh vào ống tay áo, rồi đem về nhà cất vào giỏ tre. Lúc đầu Vũ đế nghe danh sư ý chí ngay thẳng, vui vẻ muốn gặp mặt. Vua sai hơn hai mươi ngươi thuộc Tam vệ vào núi dò tìm. Vua dặn sứ giả nói;
– Đạo nhân áo lông! Trẫm sẽ phong đại sư làm Thượng khanh để cùng trị thiên hạ.
Sư ở trong núi sâu, nên mọi người tìm không được. Sau sư ẩn cư tại Tích Cốc, núi Thái Nhất. Sư thấy Phật pháp bị diệt, tăng tục không nơi nương tựa nhưng thân bị quả báo trói buộc, không có sức để giúp đỡ, bèn nói với đệ tử:
– Ta không thể làm lợi ích cho đời!
Thế là sư nghĩ đến việc xả thân, nên hỏi ý đại chúng. Lúc đầu không ai muốn. Sư có soạn bộ “Đại Tiêu thừa Tam bảo tập kí hơn hai mươi quyển, cất trong hang núi, để đời sau phục hưng Phật pháp, về sau tâm niệm nhàm chán thân càng bức bách, sư ở một mình trong hang riêng, rồi bảo đệ tử xuống núi, đến sáng sớm hôm sau mới được lên. Thế là sư ngồi kết già trên tảng đá, mặc một y nội, tự lóc thịt thân thành từng miếng trải trên đá, kéo ruột treo ở cây tùng mà không hề tổn thương đến lục phủ ngũ tạng. Sau khi lóc hết gân, thịt ở tay chân, chỉ còn bộ xương. Sư dùng dao cắt quả tim ra, bưng lên rồi thị tịch.
Vị thị giả thấy vậy vô cùng kinh hãi, suốt đêm không ngủ. Sáng hôm sau mọi người đến xem, vẫn thấy sư bưng quả tim chắp tay ngồi kết già ngay thẳng, xoay mặt về hướng tây như lúc đầu. Các vết thương trên thân không có máu chảy, chỉ thấy sữa chảy ra ngưng đọng trên đá. Mọi người bèn chất đá kín xung quanh. Lúc đó nhằm ngày mười sáu tháng bảy, niên hiệu Tuyên Chính thứ nhất (578) đời Chu, sư thọ bốn mươi lăm tuổi.
Các đệ tử của sư có vị nổi tiếng ở đời, trình bày đầy đủ trong các truyện khác. Đệ tử thị giả sư là sa-môn Tuệ Tuyên, làu thông nội ngoại điển, có đủ tâm trí và tài lực, đau xót cho non cao đã đổ, không còn nơi kính ngưỡng; bi thương cho cây cầu đã gãy, không nơi nương tựa; bèn dựng tháp lập bia ghi lại công đức của sư. Sau đó có người học đạo, nghĩ đến bậc hiền nên vào núi kính lễ, vị này đi theo sườn núi hiểm trở, mới thấy sư để lại bài kệ trên vách đá với lời ghi:
– Lúc đầu ta muốn dùng máu để viết, bản ý không nghĩ rằng máu sẽ biến thành màu trắng, vì đó là máu từ bi của bồ-tát. Thế là ta dùng mực đen viết: “Những thiện nam, tín nữ xuất gia hay tại gia nào có duyên hãy ở lại mạnh khỏe, không nên lui sụt đạo tâm đối với Phật pháp. Nếu người nào lui sụt, tức là mất lợi ích lớn. Vì ba nhân duyên mà ta xả thân mạng này: Một là thấy thân này nhiều tội lỗi; hai là không thể hộ trì Phật pháp; ba là muốn mau gặp Phật và giống bậc thánh xưa”. Ta có kệ:

About namcuulong

Check Also

PUCL QUYỂN 97 – CHƯƠNG TỐNG CHUNG

ỌUYỂN 97 Quyển này có một chương Tống chung. 97. CHƯƠNG TỐNG CHUNG 97.1. LỜI ...

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *