Home / Pháp Uyển Châu Lâm / PUCL - Tập 7 / PUCL QUYỂN 94 – CHƯƠNG UỐNG RƯỢU ĂN THỊT

PUCL QUYỂN 94 – CHƯƠNG UỐNG RƯỢU ĂN THỊT

– Nơi có mặt trời thì đâu cần phải nhọc công đốt đuốc. Nay đức Thế Tôn đang hiện hữu trên đời, ông có thể đến đó hỏi. Tôi đang đói khát, không thể trả lời ông.
Lúc ấy, tôn giả Mục-kiền-liên liền đến chỗ đức Thế Tôn thưa:
– Con quỷ kia đã tạo nghiệp gì mà phải chịu khổ như thế?
Đức Thế Tôn bảo:
– Ông hãy lắng nghe, Ta sẽ nói cho ông rõ! Vào kiếp Hiền, tại thành Xá-vệ có một ông trưởng giả rất giàu, của cải vô số, không thể tính hết, ông thường sai người hầu ép nước mía để biếu cho những nhà giàu. Khi đó, có vị bích-chi phật bị bệnh ôn, thầy thuốc bảo phải uống nước mía thì bệnh mới thuyên giảm. Vị bích-chi phật liền đến nhà ông trưởng giả xin. Trưởng giả nhìn thấy vị này đến, sinh tâm hoan hỷ, liền bảo vợ tên Phú-na-kỳ:
– Tôi có việc gấp phải đi ra ngoài, bà ở nhà hãy lấy nước mía cúng dường cho vị bích-chi phật này!
Người vợ đáp:
– Ông cứ đi, tôi sẽ cúng!
Khi người chồng vừa bước ra khỏi nhà, người vợ lấy bát của vị bích-chi phật đem vào chỗ khuất, tiểu tiện vào trong đó rồi phủ nước mía lên trên, đem ra trao cho vị bích-chi phật. Vị bích-chi phật biết, nên đổ hết xuống đất, mang bát không trở về. Sau khi qua đời, người vợ bị đọa vào địa ngục, thường bị đói khát bức bách. Vì nghiệp ác đó mà phải chịu khổ như thế.
Người vợ của ồng trưởng giả lúc đó nay chính là ngạ quỷ Phú-na-kỳ.
Nghe Đức Phật dạy xong, các tì-kheo đều bỏ hết xan tham, nhàm chán sinh tử, có vị chứng được bốn quả sa-môn, có người phát tâm Bích-chi phật, có người phát tâm Vô thượng bồ-đề. Tất cả các tì-kheo đều hoan hỷ phụng hành”.
Có bài tụng:
Ăn máu thịt chúng sinh
Tham, ác không xót lòng
Nuôi thân nhơ uế này
Để vi trùng hưởng dụng
Làm dơ uế bát tăng
Làm trùng trong nhà xí
Sau chịu báo địa ngục
Chịu khổ thật vô cùng.
94.5. CẢM ỨNG
94.5.1. Đời Tống, Thích Tuệ Quả: Sư người Vụ châu, trụ trì chùa Ngõa Quan, kinh đô. Lúc còn nhỏ sư chỉ ăn rau quả và tu hành khổ hạnh. Đầu đời Tống (420-479) sư đến kinh đô trụ tại chùa Ngõa Quan tụng kinh Pháp hoa, Thập địa. Có lần sư thấy một con quỷ ở trước nhà xí, con quỷ kính cẩn thưa:
– Ngày xưa con là một vị tăng duy-na, vì phạm lỗi nhỏ nên bị đọa vào trong loài quỷ ăn phân. Pháp sư là bậc đức độ, cao minh, lại có lòng từ bi, xin ngài tìm phương cách cứu giúp con. Ngày xưa con có ba nghìn tiền đồng chôn ở dưới gốc cây thị, xin ngài lấy lên làm phúc”.
Sư liền sai người đào dưới gốc thị, quả nhiên được ba nghìn tiền đồng. Sư dùng số tiền ấy ấn tống một bộ kinh Pháp hoa và thiết trai cúng dường.
Sau đó, sư mộng thấy con quỷ ấy đến thưa:
– Con đã sinh vào nơi lành rồi!
Sư thị tịch vào niên hiệu Thái Thỉ thứ sáu (470) đời Tống, thọ bảy mươi sáu tuổi.
94.5.2. Đời Đường, người đàn bà Hứa: Bà người Cao Dương, là vợ của Ngô vương Văn Học Tạ Hoằng Kính, ở quận Trần. Niên hiệu Vũ Đức thứ nhất (618) đời Đường, mắc bệnh qua đời, bốn ngày sau sống lại, kể:
Tôi bị hai ba mươi người bắt đến địa ngục, chưa thấy quan phủ, nhưng đã nghe tiếng gọi tôi. Tuy không thấy mặt, nhưng nghe như tiếng của dượng Thẩm Cát Quang.
Tôi hỏi:
– Nghe tiếng thì giống như tiếng của dượng Thẩm, nhưng sao không có đầu?
Cát Quang liền nhấc đầu mình đặt lên trên bắp tay và dặn bà Hứa; “Cháu đứng ở đây, đừng đi đến viện tây, đợi dượng vào xin, chắc sẽ được tha”. Tôi nghe lời đứng một chỗ cũng chằng dám nhìn đông nhìn tây. Cát Quang đi rất lâu hình như có việc gì phải xử lý, nên đến hai đêm mới quay trở lại nói với tôi:
“Cháu đã đến đây, Diêm vương muốn cháu làm ca kĩ cho ông ấy, nếu có ai dẫn đến gặp Diêm vương, thì nên nói không biết đánh đàn, thổi sáo. Nếu như Diêm vương không tin, cháu có thể chỉ dượng làm chứng”,
Một lát sau, có một sứ giả cầm án lệnh đến dẫn tôi gặp Diêm vương. Quả nhiên Diêm vương hỏi tôi:
– Ngươi biết đánh đàn, thổi sáo không?
Tôi đáp:
* Tôi không biết. Nếu không tin ngài có thể hỏi Thẩm Cát Quang sẽ biết.
Diêm vương hỏi Cát Quang:
– Người kia có biết đàn, sáo không?
Cát Quang đáp:
– Không biết.
Diêm vương nói:
– Hãy mau mau thả người kia đi không cần giữ lại!
Lúc sắp dẫn đi, tôi thấy Cát Quang cùng với sứ giả cầm bản án trù tính gì đó mà tôi không hiểu họ nói gì. Sứ giả nói với tôi:
– Dù cô đã tạo được công đức lớn, nhưng vì trước kia phạm phải tội nhỏ, nếu nay tiện thể chịu tội báo ấy đề trừ hết nghiệp ác của thân, như vậy há không tốt sao?
Nói rồi, sứ giả dẫn tôi đến một ngôi nhà lớn khác. Nhà thì lớn nhưng cửa rất nhỏ, trong đó có rất nhiều người đang chịu tội. Lúc ấy, tôi vô cùng sợ hãi nên van xin người quản ngục:
– Khi còn sống tôi tu phúc, chẳng biết vì mắc lỗi gì mà đến chốn này?
Người quản ngục nói:
– Cô từng lấy bát dơ đựng thức ăn dâng cho cha mẹ, nên phải chịu tội này rồi mới ra khỏi nơi đây.
Nói dứt lời, sứ giả lấy nước đồng sôi rót vào miệng tôi, đau đớn vô cùng. Khi tôi sống lại, trong miệng đều bị phỏng hết. Lúc ấy, Cát Quang nói với tôi:
– Nhớ lấy bản kinh chỗ người cầm án này đem về thụ trì, chớ lười biếng. Như vậy, nhất định cháu sẽ thọ hơn tám mươi tuổi.
Khi sống bà họ Hứa chưa hề tụng kinh, sau khi sống lại bà liền tụng một quyển. Bà đi khắp nơi hỏi thăm, nhưng không nơi nào có kinh này. Đến nay bà vẫn thường xuyên trì tụng không dám xao lãng. Kinh ấy đến nay vẫn còn, vì văn kinh dài nên không chép ra đây.
Sau khi bà sống lại, Cát Quang vẫn còn, hai năm sau mới bị hại chết. Những người thân trước khi chết, bà có thể thấy họ ở địa ngục.

About namcuulong

Check Also

PUCL QUYỂN 97 – CHƯƠNG TỐNG CHUNG

ỌUYỂN 97 Quyển này có một chương Tống chung. 97. CHƯƠNG TỐNG CHUNG 97.1. LỜI ...

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *