Home / Pháp Uyển Châu Lâm / PUCL - Tập 6 / PUCL QUYỂN 79 – CHƯƠNG MƯỜI NGHIỆP ÁC (tt)

PUCL QUYỂN 79 – CHƯƠNG MƯỜI NGHIỆP ÁC (tt)

hiệu là Kiến Đức. Năm thứ ba (568), nghe theo lời dua nịnh gian tà của đạo sĩ Trương Tân: “Phật pháp không tốt lành gì cho nước nhà”, Ung liền hủy diệt Phật giáo. Niên hiệu Kiến Đức thứ sáu (571), Ung đánh chiếm phía đông, bình định nước Tề, hủy bỏ toàn bộ chùa công và tư, đập phá tượng Phật, thiêu đốt kinh sách đã có từ mấy trăm năm của các triều đại trước. Bốn mươi nghìn ngôi chùa ở các châu huyện đều ban hết cho hàng quí tộc. Gần ba triệu tăng sĩ trong nước đều bị ép hoàn tục. Vũ đế cho là thiên hạ của Đại Chu vô sự. Với chí cao nghĩ xa, Vũ đế đổi niên hiệu là Tuyên Chính, không ngờ tai họa ập đến, thân chuốc lấy đại nạn, tháng năm thì thăng hà.
Thái tử Uân lên ngôi, giết tám cha con của Tề vương, đổi niên hiệu là Đại Thành. Tháng hai, Uân lập con là Diễn làm thái tử để chuẩn bị nhường ngôi cho con, đổi niên hiệu là Đại Tượng, tự xưng là Thiên Nguyên hoàng đế, lập bốn vị hoàng hậu, lễ nghi, phục sức gấp bội hơn xưa. Tháng năm, niên hiệu Đại Tượng thứ hai (580), Thiên Nguyên hoàng đế thăng hà.
Vào ngày mồng một tháng giêng, Diễn lên ngôi, đổi niên hiệu là Đại Định, tháng hai nhường ngôi cho nhà Tùy.
Như vậy, nhà Chu có năm đời vua, trải qua hai mươi lăm năm đều đóng đô ở Trường An.
84.13.3.9. Đời Tùy, Văn Xương: Vào niên hiệu Khai Hoàng thứ mười một (591), quan Thái phủ tự thừa là Triệu Văn Xương bỗng phát bệnh rồi chết, trải qua mấy ngày trên ngực vẫn còn ấm, nên người nhà không nỡ tẩm liệm. Sau đó, Văn Xương lại nói được, họ hàng lấy làm lạ và hỏi nguyên do. Văn Xương kể:
Khi tôi tắt thở, có người dẫn đến chỗ vua Diêm-la. Vua Diêm-la hỏi:
– Lúc ở nhân gian, ông tạo phúc nghiệp gì?
Tôi đáp:
– Vì nhà nghèo khó, không có của cải để tạo công đức, chỉ chuyên tâm tụng trì kinh Kim cang Bát-nhã.
Nghe nói vậy, Diêm vương chắp tay, ngồi xếp bằng, khen ngợi:
– Quí thay! Quí thay! Ông có khả năng thụ trì kinh Bát-nhã, công đức rất lớn, chẳng thể nghĩ bàn.
Ngay đó, Diêm vương bảo sứ giả đã bắt Văn Xương:
– Phải kiểm tra kĩ lưỡng, chớ để bắt lầm người.
Tra xét một hồi, tên lính biết là lầm, liền báo với Diêm vương:
– Người này quả thật đã bị bắt lầm, tính ra còn sống hơn hai mươi năm nữa.
Diêm vương bảo:
– Ngươi hãy dẫn Văn Xương đến tàng kinh các, lấy kinh Kim cang Bát-nhã đem đến đây.
Tuân lệnh, sứ giả dẫn tôi đi về phía tây năm dặm thì đến tàng kinh các, thấy có mấy mươi gian vô cùng nguy nga tráng lệ. Bên trong xếp đầy các bộ kinh với trục vàng, hòm báu rất rực rỡ.
Thấy vậy, tâm lành phát khởi, tôi nhất tâm chắp tay, xong nhắm măt lại, tiện tay rút lấy một quyển, lớn nhỏ bằng với quyển đã đọc tụng. Sợ chẳng phải bản kinh Bát-nhã, tôi nhờ sứ giả đổi lại, nhưng người ấy không chịu đổi. Bỗng nhiên nhìn thấy tựa đề ghi là ‘Bậc nhất trong các công đức’, tôi liền mở ra xem thì chính là kinh Kim cang Bát-nhã. Thế là tôi vui vẻ đem đến chỗ Diêm vương.
Diêm vương bảo một người cầm kinh đứng ở phía tây, tôi thì đứng ở phía đông, mặt hướng về quyển kinh mà đọc, còn sứ giả thì dò theo, thấy tôi đọc làu thông tất cả, chẳng sót chữ nào.
Thế là, Diêm vương thả tôi về nhà, lại còn căn dặn: ‘Ông phải siêng năng thụ trì kinh này, chớ có xao lãng’. Nói xong, Diêm vương bảo một người đưa tôi đi ra cửa nam. sắp đến cửa, tôi thấy Chu Vũ đế đang ở trong phòng tại phía đông cánh cửa, cổ mang ba lớp gông. Vũ đế gọi tôi và nói:
– Ông là người dân của nước ta, hãy đến đây trong chốc lát, tôi có chuyện muốn nói!
Nghe tiếng gọi, tôi đến vái chào. Vũ đế nói:
– Ông nhớ ta chăng?
Tôi đáp:
– Thần khi xưa là người bảo vệ bệ hạ, sao không nhớ bệ hạ được!
Vũ đế nói:
– Khanh là cựu thần của ta, nay trở về nhà, hãy vì ta mà nói hết tội của ta cho Tùy Văn đế nghe, đồng thời chỉ bày rõ ràng: ‘Chỉ có tội hủy diệt Phật pháp là nặng nhất, không thể cứu vãn’. Thuở ấy, vì nghe theo lời của Vệ Nguyên Tung, ta đã hủy diệt Phật pháp. Gần đây, Diêm vương nhiều lần truy bắt Nguyên Tung nhưng chưa được, nên tình tiết chưa rõ ràng.
Nghe vậy, tôi hỏi:
– Nguyên Tung đi đâu mà Diêm vương truy bắt không được?
Vũ đế nói:
– Lúc ấy, ta không lường được ý đồ của Nguyên Tung, đã lầm hủy diệt Phật pháp. Nào ngờ Nguyên Tung là người vượt ngoài ba cõi, không thuộc vòng quản thúc của Diêm vương, nên Diêm vương truy bắt không được. Ông về nói với Tùy Văn đế: ‘Hãy vì ta mà bỏ ra ít phẩm vật để tạo công đức, mong nhờ phúc nghiệp này ta được thoát khỏi địa ngục’
Tôi nhận lời, rồi từ biệt lên đường.
Chẳng mấy chốc ra khỏi cửa nam, thấy trong hố phân lớn nhô lên một mảng tóc của người nào đó, tôi hỏi người dẫn đường:
– Đó là ai vậy?
Người dẫn đường đáp:
– Đó là Bạch Khởi, .danh tướng nước Tần, do chôn sống quân Triệu, nên khi chết tạm giam ở đây, tội chưa phân định rõ ràng.
Vừa dứt lời, người dẫn đường đưa tôi về đến nhà thì sống lại”.
Trải qua ba ngày, bệnh khỏi dần, Văn Xương tâu rõ việc này lên Tùy Văn đế. Văn đế ban lệnh khắp cả nước, mỗi người trích ra một đồng tạo công đức, tụng đọc kinh Kim cang Bảt-nhã và giữ trai giới ba ngày, để hồi hướng cho Chu Vũ đế. Đồng thời ban sắc lệnh ghi việc này vào sử nhà Tùy.
84.13.3.10. Đời Tùy, Thích Tuệ Vân: Sư người Phạm Dương, Đông Xuyên. Mười hai tuổi, sư xuất gia, lấy việc đi khắp tham học làm chính. Năm mười tám tuổi, một hôm sư cưỡi lừa đến nhà người chú. Nhìn thấy lừa, người chú rất thích, nên muốn giết sư để cướp đoạt. Vừa cầm dao đi đến, người chú thấy dưới bức tường phía đông có một người mặc ặo vàng, đưa nắm tay lên, hét lớn:
– Đạo nhân này chính là bậc đại sĩ thông suốt giáo pháp, sao nỡ giết hại?
Người chú sợ hãi, vào kể lại cho vợ nghe. Người vợ nói:
– Ông không quyết tâm. Chắc bị hoa mắt rồi!
Nghe nói vậy, người chú trở lại chỗ sư, lại thấy một người mặc áo vàng đứng dưới bức tường phía tây nói:
– Chớ giết đạo nhân! Nếu giết thì đại họa sẽ ập đến!
Người chú khiếp sợ, lại ngưng tay, Sáng hôm sau, sư từ giã, sang nhà người chị. Người chú lại cầm dao tiễn sư và nói:
– Con đường này vắng vẻ nguy hiểm, để tôi tiễn sư qua khỏi đoạn này.
Sư đi phía trước, gặp đoạn vắng vẻ hiểm trở, người chú đi sau, vung dao định chém, chợt thấy người chồng của chị ở bên cạnh. Do vậy, sư không bị hại và cũng không hay biết gì cả.
về sau, học vấn sư uyên bác, đức độ cao vời, danh tiếng vang khắp nơi.
Vào niên hiệu Khai Hoàng (581-600), sư dặn năm trăm đệ tử đi qua nhà người chú. Thấy sư xiển dương giáo hóa, hai vợ chồng người chú rất hổ thẹn về lỗi lầm khi xưa, xin sám hối lỗi xưa và cúng mười xấp lụa. Khi ấy, sư mới biết mọi điều, liền thuyết pháp cho họ nghe để bỏ hẳn tâm ác. Sư thường kể lại việc này để răn nhác đồ chúng: “Trước đây, nếu ta không cưỡi con lừa quí đẹp thì đâu làm hại đến người!”. Từ khi theo học với sư, nghe câu chuyện này, ai cũng sống giản dị, tiết kiệm. Sư rất nổi tiếng.

About namcuulong

Check Also

PUCL QUYỂN 82 – CHƯƠNG LỤC Độ (tt)

QUYỂN 82 Quyển này tiếp theo chương Lục độ. 85. CHƯƠNG LỤC Độ (tt) 85.2. ...

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *