Home / Pháp Uyển Châu Lâm / PUCL - Tập 6 / PUCL QUYỂN 73 – CHƯƠNG MƯỜI NGHIỆP ÁC

PUCL QUYỂN 73 – CHƯƠNG MƯỜI NGHIỆP ÁC

10. Vì nghiệp tà kiến nên chiêu cảm lúa không có hạt, thu hoạch rất ít.
84.4. SÁT SINH
84.4.1. Lời dẫn
Đã thụ thân trong sáu nẻo, loài nào cũng thiết tha tham sống; nhận hình của trời đất thì tất cả đều một bề sợ chết. Mặc dù chúng sinh sinh lên thác xuống trong muôn loài, trí-ngu đổi thay nghìn mối, nhưng cuối cùng cũng không ngoài lánh khổ, tìm vui. Điều này có gì lạ!
Vì thế, chim đã gãy cánh còn lao xuống bàn, cầu xin vua Ngụy giữ mạng. Con thú cùng đường còn lánh vào nhà tranh mong được họ Âu cứu sống. Hán vương cung cấp thức ăn mà được đền đáp bằng minh châu. Dương Bảo cúng hoa mà được báo đáp vòng ngọc. Thậm chí, sa-di cứu đàn kiến giữa dòng nước chảy mà được phúc báo tuổi thọ kéo dài. Trưởng giả Lưu Thủy cứu đàn cá lại được phúc trời mưa trân bảo… Những việc tương tự như vậy, đâu thể kể hết!
Như thế đâu thể buông lung thân thụ hưởng không biết chán này mà giết thân hại mạng chúng sinh, khiến chúng chịu khổ suốt đời, ôm hận muôn kiếp, đến nỗi mặt đất tuy rộng mênh mông, nhưng chúng không có nơi trốn tránh; bầu trời cao lồng lộng mà chẳng có chỗ để tỏ bày!
Thế nên, kinh ghi: “Tất cả chúng sinh đều sợ dao gậy và tham tiếc sự sống. Do đó, nên dùng lòng tha thứ chính mình mà khoan dung cho chúng sinh, chớ giết hại, chớ đánh đập”.
Kẻ phàm phu điên đảo, nhận thức sai lầm nên có người hoặc vì việc lành, việc dữ, việc riêng, việc chung hay vì cúng tế, tiếp đãi khách quí mà phải nhóm bếp, nổi lửa, cắt nướng các loài vật để làm thức ăn. Hoặc có người trọn tháng trọn năm cổng tư rảnh rỗi, từ buổi sáng mờ mịt sương rơi, đến ban trưa hừng hực nắng cháy, cưỡi con ngựa phi nhanh như gió, thả con chim ưng bay như điện chớp, cầm cây kiếm Cự Khuyết, Can Tương; mang cây cung Ô Hào, Phồn Nhược, bắt hết các loài nơi ao đầm, bắn sạch chim non nơi rừng núi, phá nát tổ chim, đào bới hang thú, giăng lưới đầy đồng khắp núi, ngăn phía trước, chặn phía sau, bên trái đón đường, bên phải vây lối. Vó ngựa tung “bụi mù che khuất mặt trời, hun khói lửa mịt trời bốc đến tận mây; làm cho chim lạc đàn bay tán loạn, thú rời bầy chạy thoát thân. Chim nhạn đang bay nghe tiếng dây cung, khiếp vía sa thân; đàn vượn ôm cây hú lên ai oán. Tât cả bị dồn vào hang hiểm, đường cùng mà kêu gào thảm thiết, nhìn rừng xanh mà cất tiếng kêu tuyệt vọng. Thế là, cung chẳng uổng buông, tên chẳng sai đích. Sau đó xỏ lưng, xâu ngực, chặt đầu, khoét óc.
Hoặc có kẻ buông câu nước đục, quăng mồi vào ao trong, hay câu cá chép ở bến sông, bắn cá diếc nơi ao giếng. Một khi, vảy hồng đã treo lên thì mãi mãi không còn khả năng truyền tín; thịt trắng đã móc thì vĩnh viễn mất điềm lọt vào thuyền, bằm nát thịt xương đưa vào mâm mà phân tán.
Hoặc vì bộ tộc Hiễm Duẫn tà ác nên phải ra tay đánh dẹp; do quân giặc nhiễu loạn biên cương mà phải nhờ đến uy phong. Dù là bậc vua hiền, nhưng vẫn khởi chiến tranh, là đấng minh quân mà còn phải chinh phạt. Vì thế, nhờ chiến dịch lên núi Nhi mới được nổi tiếng, đại thắng nơi Mục Dã mà được khen là đức cao. Trong những người đó, có kẻ mang trăm vạn hùng binh tung hoành ngang dọc, có người chỉ năm nghìn quân mà âm thầm đánh phá quân Tào Tháo ở trận Xích Bích, đánh bại Hạng đế tại Ô Giang?, bêu đầu Vương Mãng trên đài cao, ném thây Đông Trác nơi đô thị. Tất cả đều là bậc anh hùng, một thời uy vũ. Những người như thế nhiều không thể ghi chép hết, nhưng họ cùng tạo nghiệp xương chất thành núi, máu chảy thành sông.
Nay quân triều đình khí thế như sấm, ra uy quyết sạch phản nghịch, bày binh bố trận gìn giữ biên cương. Đã dự quân tiên phong, lại tham gia quân đoạn hậu. Dưới vân kì đâu dám tự an, trước đao bén thật lắm nguy hiểm. Vì thế, bao kẻ phải khấu đầu trước mũi gươm, xin tha mạng dưới ngọn giáo. Những tội như thế không thể nói hết
Chúng sinh xâm hại lẫn nhau hoặc là do oán thù, hoặc do hiềm khích, hoặc do nợ thân mạng, hoặc là vì tạo nhân yểu thọ, nên phải chuốc lấy quả báo bệnh nhiều… Xin nguyện từ nay mãi mãi đoạn tuyệt, cho đến vị lai cùng là quyến thuộc bồ-đề, chẳng hoại duyên lành, tất cả trở thành bạn pháp.
84.4.2. Dẫn chứng
Như luật Tì-nại-da ghi: ‘‘Xưa, lúc Phật còn tại thế, trong nước Xá-vệ, có một bà-la-môn thường cúng dường tì-kheo Ca-lưu-đà-di. Bà-la-môn ấy chỉ có một người con và đã lập gia đình. Lúc sắp chết, bà-la-môn dặn con: ‘Sau khi ta chết, con phải cúng dường tôn giả Ca-lưu-đà-di như ta ngày nay, đừng để tôn giả thiếu thốn’. Khi cha mẹ qua đời, người con vâng lời cha mẹ, cúng dường tôn già Ca-lưu-đà-di như khi cha mẹ còn sống.
Ngày nọ, có việc đi xa, người con của bà-la-môn dặn vợ ở nhà cúng dường tôn giả. Hôm ấy, lại có năm trăm tên cướp đến, trong đó, có một tên tướng mạo xinh đẹp, người vợ từ xa trông thấy, liền sai người gọi đến, rồi tư thông với hắn. Tôn giả Ca-lưu-đà-di nhiều lần đến nhà bắt gặp. Sợ tôn giả tiết lộ việc này, người vợ cùng với tên cướp tìm cách giết tôn giả.
Nghe tin tôn giả Ca-lưu-đà-di bị giặc cướp giết, vua Ba-tư-nặc nổi giận, ra lệnh giết cả nhà bà-la-môn và hơn mười tám nhà lân cận, bắt năm trăm tên cướp, chặt tay chân, rồi quăng xuống rãnh.
Thấy vậy, các tì-kheo trở về bạch Phật:
– Ca-lưu-đà-di xưa đã tạo nghiệp ác gì mà nay bị vợ của bà-la-môn giết hại?
Đửc Phật bảo các tì-kheo:
– Vào thời quá khứ, Ca-lưu-đà-di là vị chủ miếu thờ trời. Có năm trăm người khiêng một con dê đã bị chặt bốn chân đến tế trời và cùng cầu nguyện. Sau đó, vị chủ miếu giết dê. Do giết dê nên ông bị đọa địa ngục, chịu khổ vô cùng. Vị chủ miếu thờ trời thuở ấy, nay là Ca-lưu-đà-di, tuy đã chứng quả A-la-hán nhưng do nghiệp ác đời trước chưa hết, nên nay phải chịu quả báo này. Con dê lúc ấy, nay là vợ của bà-la-môn. Năm trăm người chặt chân dê khi xưa, nay là năm trăm tên cướp bị vua chặt chân.
Đức Phật bảo các tì-kheo:
– Nếu giết hại nhất định sẽ bị quả báo xấu”.
Kinh Hiền ngu ghi; “Xưa, lúc Phật còn tại thế, trong thành Xá-vệ, có một trưởng giả tên là Lê-kì-di. Ông có bảy người con đều đã lập gia đình. Vợ của người con út tên là Tì-xá-li, là người hiền đức, có tài trí, thông hiểu mọi việc. Lê-kì-di đem gia nghiệp của mình giao phó cho con dâu. Nhờ hiền đức, có tài trí, nên Tì-xá-li được vua Ba-tư-nặc thương mến và xem như em gái.
Sau đó, Tì-xá-li mang thai, đủ tháng thì sinh ba mươi hai trứng, mỗi trứng nở ra một người con trai. Lớn lên, những người con này tướng mạo xinh đẹp, sức mạnh phi thường, một người có thể địch cả nghìn người. Đến tuổi lập gia đình, họ đều cưới con gái của gia đình hiền thiện, giàu sang trong nước.
Một hôm, Tì-xá-li thỉnh Phật và chúng tăng về nhà cúng dường. Sau khi nghe Phật thuyết pháp, cả nhà đều chứng quả Tu-đà-hoàn, chỉ người con út chưa đắc đạo.
Ngày nọ, người con út cưỡi voi dạo chơi, gặp con của Tể tướng đang đi xe trên cầu, liền bắt lấy, ném xuống hào nước dưới cầu, khiến toàn thân bị thương. Cậu ta trở về thưa cha, Tể tướng bảo con: ‘Người ấy không những cường tráng, lại kết thân với vua, thật là khó thắng, phải tính kế bí mật báo thù’.
Người con của Tể tướng liền lấy bảy báu làm ba mươi hai roi ngựa, lại dùng thép rèn thành dao bén, lồng vào trong roi, rồi tặng cho ba mươi hai người con của Tì-xá-li mỗi người một cái. Ai nấy đều thích, vui vẻ nhận lấy và thường mang bên mình mỗi khi ra vào chầu vua.
Theo phép nước, người đến gặp vua không được mang theo vũ khí. Tể tướng thấy họ cầm roi, liền tâu:
– Tâu bệ hạ! Những người con của Tì-xá-li tuổi đã trưởng thành, có sức cường tráng, một người địch cả nghìn người. Nay họ âm mưu, muốn sát hại vua, nên mỗi người rèn dao bén lồng trong roi ngựa, xin vua thẩm xét!
Lập tức, vua sai người khám xét, quà đúng như lời Tê tướng. Vua nghĩ là thật, ra lệnh giết hết những người ấy, rồi sai đem ba mươi hai cái đầu đặt vào một cái thùng, niêm phong, đóng dấu, mang tặng cho em gái.
Cùng ngày ấy, Tì-xá-li thỉnh Phật và chúng tăng về nhà để cúng dường. Thấy vua ban tặng một thùng, Tì-xá-li cho là vua ban phẩm vật cúng dường Phật và chúng tăng, nên định mở xem, nhưng Phật ngăn lại và bảo: ‘Đợi chúng tăng thụ trai xong hãy mở!’. Thụ thực xong, Đức Phật thuyết các pháp khổ, vô thường v.v… cho Tì-xá-li, ngay lúc đó bà chứng quả A-na-hàm.
Sau khi Phật ra về, Tì-xá-li mở thùng ra thì thấy ba mươi hai cái đầu của con mình, nhưng nhờ đã đoạn ái dục, nên không sầu não, chỉ than: ‘Đau xót thay! Ai rồi cũng phải chết, đâu thể sống mãi, luân chuyển trong năm đường, khổ đến thế sao?’.

About namcuulong

Check Also

PUCL QUYỂN 82 – CHƯƠNG LỤC Độ (tt)

QUYỂN 82 Quyển này tiếp theo chương Lục độ. 85. CHƯƠNG LỤC Độ (tt) 85.2. ...

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *