Home / Pháp Uyển Châu Lâm / PUCL - Tập 6 / PUCL QUYỂN 72 – CHƯƠNG BỐN LOÀI VÀ MƯỜI KẾT SỬ

PUCL QUYỂN 72 – CHƯƠNG BỐN LOÀI VÀ MƯỜI KẾT SỬ

Đáp: Khi người nam giàu sang giao phối với người nữ nghèo hèn thì người nam khởi ý niệm cho mình là thấp kém và cho người nữ kia là cao quí.
Khi người nữ giàu sang giao phối với người nam nghèo hèn thì người nữ khởi ý niệm cho mình là thấp kém và cho người nam kia là cao quí.
Khi người nam nghèo hèn giao phối với người nữ giàu sang thì người nam khởi ý niệm cho mình là cao quí và cho người nữ kia là thấp kém.
Khi người nữ nghèo hèn giao phối với người nam giàu sang thì người nữ khởi ý niệm cho mình là cao quí và cho người nam kia là thấp kém.
Thế nên biết, người con sắp vào thai cũng khởi tưởng đối với cha mẹ như vậy, cho nên khi vào thai thì cả ba người đều bình đẳng.
Hỏỉ: Thân trung ấm bé nhỏ, tất cả tường vách, núi đồi, cỏ cây v.v… đều không thể làm chướng ngại, còn thân trung ấm này với thân trung ấm khác có chướng ngại nhau không?
Đáp: Có thuyết cho là thân trung ấm này với thân trung âm khác cũng không chướng ngại nhau vì vi tế, khi thân tiếp xúc nhau cũng không hay biết. Lại có thuyết ghi: Thân trung ấm này với thân trung ấm khác cũng chướng ngại nhau vì khi gặp nhau hai thân trung ấm cũng trò chuyện với nhau.
Hỏi: Nếu như vậy thì đâu thể cho rằng thân trung ấm không chướng ngại?
Đáp: Không chướng ngại đối với các vật khác, chứ chẳng phải đối với thân trung ấm khác.
Hỏi: Thân trung ấm này với thân trung ấm khác đều chướng ngại nhau sao?
Đáp: Cùng loài thì chướng ngại nhau, khác loài thì không chướng ngại. Nghĩa là thân trung ấm địa ngục chỉ chướng ngại thân trung âm địa ngục; cho đến thân trung ấm cõi trời chỉ chướng ngại thân trung ấm cõi trời.
Có thuyết cho là thân trung ấm thấp kém thì chướng ngại thân trung ấm tốt đẹp, vì nó thô và nặng. Thân trung ấm tốt đẹp thì không làm chướng ngại thân trung ấm thấp kém, vì nó nhẹ và mỏng manh. Nghĩa là thân trung ấm địa ngục thì chướng ngại thân trung ấm năm đường trên, thân trung ấm súc sinh thì chướng ngại thân trung ấm bốn đường trên, thân trung ấm ngạ quỉ thì chướng ngại thân trung ấm ba đường trên, thân trung ấm loài người thì chướng ngại thân trung ấm hai đường trên, thân trung ấm cõi trời chỉ chướng ngại thân trung ấm cõi trời.
82.5. NĂM CÁCH THỤ SINH
Luận Địa trì ghi: “Bồ-tát có năm cách trụ trong tất cả hạnh để đem lại an lạc cho tất cả chúng sinh. Đó là thụ sinh vì dứt khổ, thụ sinh tùy loài, thụ sinh thù thắng, thụ sinh tăng thượng và thụ sinh sau cùng.
Vì nguyện lực, bồ-tát ở trong đời đói khát làm thân cá lớn v.v… dùng thịt mình để cứu tất cả chúng sinh. Ở trong đời bệnh tật, bồ-tát làm vị đại y vương để chữa trị lành bệnh cho chúng sinh. Ở trong đời binh đao, bồ-tát làm vua có thế lực lớn để chấm dứtchiến tranh, dùng chính pháp giáo hóa những kẻ gian tà và người làm việc ác. Bồ-tát cứu độ vô lượng chúng sinh như thế đều được vãng sinh, đây gọi là thụ sinh vì dứt khổ.
Vì nguyện lực tự tại, nên nếu các loài chúng sinh như trời, rồng, quỉ, thần v.v… thay nhau nhiễu loạn và các hàng ngoại đạo khởi tà kiến, bồ-tát đều hiện thân vào những loài ấy, làm thủ lĩnh đưa họ tu theo chính đạo, đấy gọi là thụ sinh tùy loài.
Bồ-tát dùng tính để thụ thân, nên siêu việt hơn quả báo sắc thân và thọ mạng của thế gian. Đây là thụ sinh thù thắng.
Bồ-tát từ Tịnh tâm trụ cho đến Tối thượng trụ, tự tại thụ sinh trong cõi Diêm-phù đề, bất cứ nơi nào bồ-tát thụ sinh cũng đều đặc biệt, đây gọi là thụ sinh tăng thượng.
Bồ-tát Tối thượng trụ thụ sinh để nhiếp phục nghiệp, làm tăng trưởng trọn vẹn các pháp bồ-đề, nên sinh vào nhà sát-đế-lợi, bà-la-môn và chứng quả Vô thượng bồ-đề, làm tất cả Phật sự, đây gọi là thụ sinh sau cùng.
Bồ-tát đời đời đều thụ sinh theo năm cách này, không có cách nào khác, không có cách nào hơn, nên sớm đắc quả Vô thượng bồ-đề”.
Luận Du-già ghi: “Sự thụ sinh của bồ-tát đại khái có năm cách bao gồm tất cả các cách thụ sinh. Tất cả bồ-tát thụ thân không có lỗi lầm, đem lại lợi ích, an vui cho tất cả chúng sinh. Năm cách đó là thụ sinh vì trừ tai họa, thụ sinh tùy loài, thụ sinh có thế lực lớn, thụ sinh tăng thượng và thụ sinh sau cùng.
Ở trong kiếp đói khát, bồ-tát làm loài cá lớn v.v… cứu giúp tất cả chúng sinh đều được no đủ. Hoặc trong kiếp dịch bệnh, bồ-tát làm vị đại y vương để chữa lành bệnh tật. Hoặc trong kiếp chiến tranh, bồ-tát làm vị có thế lực lớn, khéo dùng phương tiện để chấm dứt chiến tranh. Hoặc trong kiếp có vua bạo ác, xử phạt vô lí, bồ-tát thương yêu tất cả với nguyện lực rộng lớn. Hoặc trong kiếp có tà kiến dấy khởi, bồ-tát có khả năng trừ dẹp những kẻ gian tà, bạo ác. Đó là nêu sơ lược về thụ sinh vì trừ tai họa.
Hoặc có bồ-tát vì nguyện lực lớn, sinh vào loài khác, dùng phương tiện giáo hóa, khiến họ làm điều thiện. Đây là nêu sơ lược về thụ sinh tùy loài.
Hoặc có bồ-tát nương vào bẩm tính thụ sinh, được cảm quả báo về tuổi thọ, thân tướng, dòng họ đều tự tại, giàu sang và siêu việt, tất cả việc làm đều đem lại lợi ích cho mình và người. Đây là nêu sơ lược về thụ sinh có thế lực lớn.
Hoặc có bồ-tát ở giai vị Thập địa, hưởng được Thập vương báo rất tối tháng và thành tựu trọn vẹn.
Đó là nhờ phúc nghiệp tăng thượng mà chiêu cảm. Đây là nêu sơ lược về tùy tăng thượng thụ sinh.
Hoặc có bồ-tát đã viên mãn tư lương bồ-đề ngay trong đời này, hoặc sinh vào nhà quốc vương tôn quí, có khả năng thành bậc Đẳng giác, làm nhiều Phật sự. Đây là nêu sơ lược về thụ sinh sau cùng.
Các bồ-tát trong quá khứ, hiện tại, vị lai sinh vào những nơi thanh tịnh, nhân đức, hiền thiện đều thuộc năm cách thụ sinh này. Ngoài năm cách thụ sinh này, không có cách nào khác, không có cách nào tôn quí hơn, chỉ trừ cách thụ sinh của hàng phàm địa bồ-tát. Vì sao? Vì ở đây muốn nêu cách thụ sinh của hàng bồ-tát có trí tuệ là nơi nương tựa của quả đại Bồ-đề, khiến cho các bồ-tát sớm thành Chính giác”.
Có bài tụng:
Bốn loài dễ đổi thay
Bệnh năm ấm khó trừ
Thọ mạng tuy dài ngắn
Chết rồi, nấm mồ hoang.
Mãi chạy theo sáu cảnh
Lúc chết phải xót xa
Quyến luyến nẻo luân hồi
Khó được thân bất hoại.
82.6. CẢM ỨNG 82.6.1. Đời Tấn, sa-môn Chi-độn: Sư tự Đạo Lâm, người Trần Lưu, thông minh, tài giỏi, được những bậc nổi tiếng trong giới Phật giáo và Lão giáo tôn kính. Thường cùng với thầy của mình biện luận về loài vật, sư cho rằng: “Ăn trứng gà chưa phải là sát sinh, không phạm tội như giết hại các loài côn trùng bé nhỏ”.
Chẳng bao lâu, thầỵ của sư viên tịch, hiện thân đến trước mặt sư, tay cầm quả trứng gà, ném xuống đất cho vỡ ra. Bỗng thấy gà con chui ra khỏi vỏ trứng và bước đi, sư liền tỉnh ngộ, hối hận về lời nói trước đây của minh. Lát sau, thầy sư và gà đều biến mất, không còn thấy nữa.
82.6.2. Đời Đường, cư sĩ Tín Đô Nguyên Phương: Cư sĩ người huyện Phủ Dương, Tương châu. Thuở nhỏ, ông có chí khí cao vời, rất thích kinh sách nhà Phật.
Năm hai mươi chín tuổi, vào tháng giêng, mùa xuân niên hiệu Hiển Khánh thứ năm (660), ông qua đời.
Sau khi ông mất hơn một tháng, người anh là tăng Đạo Kiệt ở chùa Pháp Quán, do thương nhớ em, nên mời thầy pháp đến nhà để cầu Nguyên Phương lên nói chuyện.
Đạo Kiệt cũng giỏi về pháp thuật, làm một lá bùa để thâu hồn Nguyên Phương, rồi bảo thầy pháp hỏi han mọi việc. Do không biết chữ, thầy pháp nói lại lời của Nguyên Phương, rồi bảo người biết viết cầm bút viết ra một trang giấy. Nguyên Phương cùng với bạn đồng học là Phùng Hành Cơ nói hết tâm nguyện của mình lúc còn sống, đồng thời làm hai bài thơ và để lại ít lời dặn dò gia đình. Tất cả đều viết rất trôi chảy, lời lẽ bi thương, nội dung phần lớn là khuyên tạo công đức niệm Phật, chép kinh, cho sát sinh là tội lớn nhất, không tội nào lớn hơn.

About namcuulong

Check Also

PUCL QUYỂN 82 – CHƯƠNG LỤC Độ (tt)

QUYỂN 82 Quyển này tiếp theo chương Lục độ. 85. CHƯƠNG LỤC Độ (tt) 85.2. ...

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *