Home / Pháp Uyển Châu Lâm / PUCL - Tập 5 / PUCL QUYỂN 69 – CHƯƠNG THỤ BÁO

PUCL QUYỂN 69 – CHƯƠNG THỤ BÁO

Thế nào là người trước khổ, sau khổ?
Có người sinh vào nhà nghèo cùng không đủ cơm ăn áo mặc, lại còn tà kiến và biên kiến, đời sau bị rơi vào địa ngục. Nếu sinh vào loài người, thì rất nghèo khổ, không có cơm ăn áo mặc.
Thế nào là người trước vui, sau càng vui?
Có người sinh vào nhà thuộc dòng dõi quí tộc, giàu sang, lại còn biết kính trọng Tam bảo, thường tu bố thí, đời sau được sinh về cõi trời, cõi người luôn được giàu sang.
Bấy giờ, Đức Phật bảo các thầy tì-kheo:
– Có chúng sinh trước khổ, sau vui; có chúng sinh trước vui, sau khổ; có chúng sinh trước khổ, sau khổ; có chúng sinh trước vui, sau vui! Như người sống trăm năm, chỉ là mười lần mười. Trong khoảng trăm năm đó, hoặc tạo các công đức, hoặc tạo các nghiệp ác. Vào khoảng thời gian nào đó, người kia hoặc mùa đông được sung sướng, nhưng mùa hạ chịu khổ sở. Hoặc có người lúc trẻ tạo phúc, khi lớn gây tội, thì đời sau, lúc trẻ hưởng phúc, khi lớn chịu tội khổ. Hoặc có người lúc trẻ tạo tội, khi lớn làm phúc, thì đời sau, lúc trẻ chịu tội, nhưng khi lớn được hưởng phúc. Hoặc có người lúc nhỏ gây tội, khi lớn cũng gây tội, thì người này ở đời sau, trước chịu khổ, sau cũng chịu khổ. Hoặc có người lúc nhỏ làm phúc, lớn lên cũng làm phúc, thì người này ở đời sau, trước vui, sau cũng vui!
Bấy giờ, Đức Thế Tôn bảo các thầy tì-kheo:
– Ở đời có bốn hạng người: người thân vui mà tâm không vui; người tâm vui mà thân không vui; người thân tâm đều vui; người thân tâm đều không vui.
Thế nào là người thân vui mà tâm không vui?
Đó là các phàm phu tạo phúc, cúng dường đầy đủ bốn món như: y phục, thức ăn món uống, giường mùng chăn chiếu và thuốc men, nhưng không thoát khỏi nỗi khổ trong ba đường ác.
Thế nào là người tâm vui mà thân không vui?
Đó là bậc a-la-hán, mặc dầu không tạo công đức không thể tự lo liệu bốn món cần thiết trong sinh hoạt hằng ngày, nhưng có thể thoát được nỗi khổ trong ba đường ác.
Thế nào là người thân tâm đều không vui?
Đó là hạng phàm phu không tạo công đức, không cúng dường bốn món, thì không thể thoát khỏi nỗi khổ trong ba đường ác.
Thế nào là người thân tâm đều vui?
Đó là bậc a-la-hán tạo nhiều công đức, đã đây đủ bốn món cần thiết trong sinh hoạt hằng ngày, lại thoát khỏi nỗi khổ trong ba đường ác”.
79.10. QUẢ BÁO THIỆN
Luận Di-lộc bồ-tát sở vấn kinh ghi:
Hỏi: Thế nào là quả báo của bố thí?
Đáp: Nói chung, bố thí chỉ có quả thụ dụng. Quả thụ dụng lại chia ra hai: quả thụ dụng hiện tại và quả thụ dụng vị lai. Lại có ba loại quả, đó là hai loại quả trên, cộng với bát-nhã. Lại có bốn loại quả: hữu quả vô dụng, hữu dụng vô quả, hữu quả hữu dụng và vô quả vô dụng.
– Hữu quả vô dụng: không thành tâm bố thí, không tự tay mình bố thí, bố thí với tâm khinh thường. Bố thí như thế tuy được nhiều quả báo, nhưng không thể thụ dụng. Như thiên chủ ở Xá-vệ tuy có vô lượng của báu, nhưng không thể thụ dụng.
2. Hữu dụng vô quả: tự mình không bố thí, nhưng thấy người khác thực hành bố thí thì khởi tâm tùy hỷ, do đó tuy được thụ dụng, nhưng mình không được quả. Như tất cả sa-môn, bà-la-môn v.v… tuy thụ dụng y phục, thức ăn và vật dụng của vua, nhưng không được quả. Như tứ binh tuy nhận được y phục, thức ăn của chuyển luân thánh vương mà không được quả.
3. Hữu quả hữu dụng: bố thí với tâm chí thành, bố thí không có tâm khinh thường; như các vị trưởng giả Thụ-đề-già v.v…
4. Vô quả vô dụng: bố thí rồi, nhân bố thí liền nhập diệt; hoặc bị thánh đạo xuất thế ngăn chặn. Cũng giống như thánh nhân xa lìa phiên não.
Lại có năm loại phúc quả, đó là được năm thứ: thọ mạng, sắc tướng, sức lực, an lạc, biện tài. Như nhờ thức ăn mà giữ được mạng sống, cho nên thí thực tức là thí mạng. Do nhân duyên này về sau được quả báo thọ mạng dài lâu. Bố thí sắc tướng, bố thí sức lực, bố thí sự an lạc, bố thí biện tài cũng giống như thế.
Lại có năm loại quả báo tốt đẹp do cung dưỡng cho cha, mẹ, người bệnh, pháp sư, bồ-tát mà có. Vì cha mẹ có ân sinh thành nuôi dưỡng thân mạng ta, cho nên cung dưỡng cho cha mẹ thì được quả báo tốt đẹp. Người bệnh cô độc rất đáng thương, do đó nên khởi lòng từ bi, cung dưỡng cho người bệnh thì được phúcbáo tốt đẹp. Người thuyết pháp có khả năng sinh pháp thân, tăng trưởng pháp thân cho ta, giúp ta phân biệt được thiện ác, chính tà, điên đảo hay không điên đảo, cho nên cung dưỡng cho người thuyết pháp thì được phúc báo tốt đẹp. Bồ-tát có năng lực thâu nhiếp giữ gìn, làm lợi ích cho chúng sinh, thường khởi tâm từ bi giữ gìn nhân Tam bảo không để đoạn tuyệt. Do đó, cúng dường cho bồ-tát thì được phúc báo tốt đẹp (vì bồ-tát vì phát tâm dõng mãnh, sức bỉ nguyện độ sinh rất lớn).
Kinh Tăng nhắt Á-hàm ghi: “Đức Thế Tôn bảo các tì-kheo:
– Nay Như Lai sẽ nói về bốn phúc được sinh về Phạm thiên:
1. Xây dựng thâu-bà ở những nơi chưa có.
2. Sửa chữa chùa cũ.
3. Hòa hợp thánh chúng.
4. Các trời, người khuyến thỉnh Đa-tát-a-kiệt sơ chuyển pháp luân.
Các tì-kheo bạch Đức Thế Tôn:
– Phúc sinh về Phạm thiên nhiều hay ít?
Đức Thế Tôn đáp:
– Công đức của tất cả chúng sinh trong châu Diêm-phù-đề bằng công đức của một Chuyển luân thánh vương. Công đức của tất cả người trong châu Diêm-phù-đề cộng với công đức của một Chuyển luân thánh vương mới bằng cồng đức của một người ở châu Cù-da-ni. Công đức cùa hai châu Diêm-phù và Cù-da-ni không bằng cồng đức của một người ở châu Phất-vu-đãi. Phúc của người ở trong ba châu nói trên không bằng phúc của một người ở châu Uất-đơn-việt. Phúc của người trong bốn châu thiên hạ đó, không bằng phúc của Tứ Thiên Vương. Cho đến phúc của người trong bốn châu thiên hạ và phúc của trời Lục Dục không bằng phúc của một Phạm Thiên vương. Đây chính là số lượng phúc mà thiện nam, thiện nữ cầu sinh về Phạm thiên sẽ có”.
Kinh Trung A-hàm ghi: “Bấy giờ, Đức Thế Tôn bảo các thầy tì-kheo:
– Nếu người nào thực hành bảy việc, thì được sinh về chỗ của Đế Thích.
Ngài liền nói kệ:
Cúng dường cha và mẹ,
Bậc tôn trưởng trong nhà,
Nhu hòa và khiêm tốn,
Bỏ nói ác, đôi chiều,
Điều phục tâm keo kiệt,
Thường nói lời chân thật.
Vua trời Ba Mươi Ba,
Thấy người hành pháp này,
Mỗi mỗi đều bảo rằng,
Sẽ sinh về Đế Thích).”
Kinh Tạp bảo tạng có bài kệ:
Phúc nghiệp như quả chín,
Cầu thần đâu thể được,
Người cưỡi xe trì giới,
Sau được sinh cõi trời.
Tâm định như đèn tắt,
Đạt đến cõi niết-bàn,
Tất cả do tu hành,
Cầu trời làm sao được.

About namcuulong

Check Also

PUCL QUYỂN 66 – CHƯƠNG OÁN KHỔ

QUYỂN 66 Quyển này có một chương Oán khổ. 77. CHƯƠNG OÁN KHỔ 77.1. LỜI ...

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *