Home / Pháp Uyển Châu Lâm / PUCL - Tập 5 / PUCL QUYỂN 66 – CHƯƠNG OÁN KHỔ

PUCL QUYỂN 66 – CHƯƠNG OÁN KHỔ

QUYỂN 66
Quyển này có một chương Oán khổ.
77. CHƯƠNG OÁN KHỔ

77.1. LỜI DẪN
Ba cõi xoay vần, sáu đường chìm nổi. Bản tính sáng suốt không biến hoại, ý thức phân biệt luôn chấp trì; chợt sinh chợt tử, lúc đến lúc đi, thân mạng này bỏ đi nhiều không sao kể xiết. Ôi! Xác thân ta đã bỏ, rải khắp mặt đất gò hầm; máu lệ ta đổ xuống, ngập tràn khắp sông biển. Từ đây mà quán sát thì tất cả chúng sinh đều là quyến thuộc. Người và quỉ hình hài tuy khác, nhưng sinh diệt vốn đồng. Tình ân ái lúc nào cũng theo nhau như bóng theo hình, như vang theo tiếng. Kẻ tà độc ngu si nên chẳng biết thân sơ, bèn giết mạng chúng sinh kia để nuôi dưỡng thân mình; tàn hại lẫn nhau, kết gieo oán đối, nhiều kiếp hận thù, chất chồng khổ báo. Nếu tĩnh tâm suy nghĩ việc này, há không xót lòng ư?
77.2. BI THƯƠNG
Kinh Trung A-hàm ghi: “Lúc bấy giờ Đức Thế Tôn dạy các tì-kheo:
– Chúng sinh từ vô thỉ đến nay luân chuyển mãi trong đêm dài sinh tử, không biết được cội nguồn của khổ đau. Các tì-kheo nghĩ sao? Nếu chặt tất cả cỏ cây trên đại địa này làm thẻ, mồi thẻ dài bốn lóng tay, thì số lượng thẻ này vẫn chưa đủ đế so với số lượng cha mẹ mà các vị đã nương gá từ vô thỉ kiếp sinh tử. Các tì-kheo! Chúng sinh lưu chuyển trong sinh tử dài lâu cũng như thế đó!
Đức Phật bảo các tì-kheo:
– Trong vòng luân hồi sinh tử các thầy đã bú sữa mẹ nhiều hơn nước sông Hằng và bốn biển. Vì sao? Vì trong đêm dài sinh tử, các thầy khi sinh trong loài voi, bú sữa voi mẹ vô số vô lượng. Hoặc sinh trong loài cầm thú như lạc đà, ngựa, trâu, lừa v.v… bú sữa loài mẹ cũng không kể xiết. Trong đêm dài sinh tử các thầy bỏ thân mạng nơi nghĩa địa, máu mủ chảy ra cũng giống như thế. Hoặc đọa vào địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh, máu tủy chảy ra cũng y như vậy.
Đức Phật bảo các tì-kheo: – Trong đêm dài sinh tử lưu chuyển, máu thân ta chảy ra cũng nhiều vô kể, hơn cả nước trong sông Hằng và bốn bể. Trong đêm dài sinh tử ấy, các thầy đã từng sinh trong loài voi, bị cắt tai, mũi, đầu, đuôi, bốn chân, máu tuôn ra vô lượng. Hoặc làm thân loài cầm thú như ngựa, lạc đà, trâu, lừa v.v… bị cắt thân thể, như cắt tai, mũi, đầu, chân… máu tuôn ra cũng không thể lường. Hoặc khi thân hoại mạng chung bỏ xác nơi nghĩa địa, máu mủ chảy ra cũng vô lượng vô biên. Hoặc đọa địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh, rã xác tiêu hình máu huyết chảy ra cũng y như thế! Trong đêm dài sinh tử lưu chuyển, nước mắt khóc tiễn biệt cha mẹ, anh em, chị em, bạn bè thân thuộc, hoặc khóc khi mất của cải cũng nhiều không thể lường, hơn cả nước trong bốn biển.
– Nếu các thầy gặp chúng sinh sống an ổn vui vẻ thì phải nghĩ: ‘Trong đêm dài sinh tử, ta cũng từng cảm thụ vô lượng niềm vui này’. Hoặc gặp chúng sinh chịu nhiều đau khô thì phải nghĩ: ‘Ta từ xưa đến nay lưu chuyển trong đêm dài sinh tử, cũng từng chịu vô lượng nỗi khổ như thế’. Hoặc gặp chúng sinh mà lòng sợ hãi, toàn thân rúng động thì phải nghĩ: ‘Trong quá khứ chúng ta nhất định đã từng sát hại, làm tổn thương nhau, là ác tri thức, nên bị lưu chuyển trong đêm dài sinh tử từ vô thỉ đến nay, không biết được cội gốc của khổ’. Hoặc gặp chúng sinh mà sinh tâm vui mừng yêu mến thì phải nghĩ: ‘Trong đời quá khứ họ đã từng là cha mẹ, anh em, chị em, vợ con, thân thuộc, thầy bạn tốt, lưu chuyển trong đêm dài sinh tử đến nay, nhưng do vô minh che lấp, ái nhiễm ràng buộc, mà không biết được cội nguồn của khổ đau’. Cho nên các thầy phải nên tu học như thế, siêng năng lập phương tiện đoạn trừ tận gốc khổ não, đừng cho tăng trưởng. Bấy giờ đức Thế Tôn nói kệ Một người trong một kiếp,
Nếu lưu giữ hài cốt,
Đừng để cho hủy hoại,
Chất bằng Tì-phú-la.
Như các thánh đệ tử
Chính trí đạt chân đế,
Khổ và nguyên nhân khổ,
Lìa khổ được tịch diệt.
Tu tập bát chính đạo,
Hướng thẳng đến niết-bàn,
Cùng tột là bảy lần,
Sinh qua lại trời người,
Thoát khỏi mọi ràng buộc,
Vượt khỏi bờ khổ đau.
Đức Phật bảo các tì-kheo:
– Chúng sinh từ vô thỉ đến nay lưu chuyển mãi trong đêm dài sinh tử, không biết được nguồn gốc của khổ đau. Không một nơi nào mà ta chưa từng sinh ra và chết đi. Cũng không một nơi nào mà không có cha mẹ, anh em, vợ con, quyến thuộc, dòng họ và thầy của ta.
Ví như trời mưa lớn, bọt nước chợt thành chợt tan. Cũng như vậy, chúng sinh bị vô minh che lấp, ái nhiễm buộc ràng, xoay vần trong đêm dài sinh tử mà không biết được nguồn gốc của khổ đau.
Ví như một trận mưa lớn, đông, tây, nam, bắc nơi nào cùng ngập nước. Cũng như thế, sự thành hoại của vô lượng quốc độ trong bốn phương như trời mưa khắp nơi không sót một chỗ nào. Nỗi khổ sinh tử của chúng sinh xoay vần trong đêm dài cũng không bờ mé.
Ví như tung gậy lên hư không, có thể đầu gậy rơi xuống trước, hoặc đuôi gậy rơi xuống trước, hoặc gậy rơi ngang xuống đất. Cũng như thế, chúng sinh từ vô thỉ chìm đắm trong đêm dài sinh tử, hoặc đọa vào địa ngục, hoặc đọa vào súc sinh, hoặc đọa vào ngạ quỷ”.
Kinh Tăng nhất A-hàm ghi: “Bấy giờ, một vị thiên tử trên cõi trời Ba Mươi Ba đã hiện năm tướng chết: một, mũ hoa tự nhiên héo; hai, y phục tự nhiên cáu bẩn; ba, dưới nách xuất mồ hôi; bốn, không thích chỗ ngồi của mình; năm, ngọc nữ phản bội. Vị thiên tử này thấy vậy, trong lòng vô cùng sầu khổ, đấm ngực thở than. Đế Thích nghe tiếng than này liền hỏi một vị trời:
– Âm thanh gì mà vang thấu đến đây?
Vị trời ấy liền thuật nguyên do, Đế Thích nghe vậy, liền đến hỏi vị thiên tử kia:
– Hôm nay vì sao ông lo buồn khổ não như vậy?
Vị thiên tử ấy đáp:
– Thưa ngài, đâu thể không lo buồn! Mạng tôi sắp hết, năm tướng suy lạ đã hiện. Rồi đây cung điện bảy báu sẽ mất, năm trăm thiên nữ bỏ đi, cam lộ không còn vị thơm ngon.
Đế Thích nghe vậy, liền nói:
– Ông không nghe đức Như Lai nói bài kệ: ‘Các hành đều vồ thường, có sinh ắt có tử, không sinh hẳn không tử, như vậy vui tột cùng\ hay sao mà ông lại lo buồn như thế? Tất cả các hành đều vô thường, muốn cho chúng thường hằng thì nhất định không được !
Vị thiên tử kia lại đáp:
– Thưa Thiên đế! Vì sao không lo buồn cho được, khi mà thân của tôi hôm nay sạch sẽ không nhiễm dơ, ánh sáng rực rỡ hơn cả nhật nguyệt, chiếu soi khắp nơi, mà lại bỏ đi để gá sinh vào bụng heo nơi thành La-duyệt-kì. Sau đó sinh ra, lại ăn uống phân tiểu, bị người phanh thây, xẻ thịt.
Đế Thích lại nói:
– Nếu hôm nay ông có thể qui y Phật, pháp, chúng thì sẽ không rơi vào ba cõi xấu ác. Như Lai thuyết kệ:
Chúng sinh qui y Phật Chẳng rơi ba đường ác Lậu tận sinh cõi trời Niết-bàn, nhất định đến.
Vị trời kia lại hỏi:
– Hiện nay Như Lai đang trú tại đâu?
Đế Thích đáp:
– Như Lai đang an trú tại vườn tre Ca-lan-đà, thành La-duyệt, nước Ma-yết-đà.
Vị thiên tử kia lại nói:
– Tôi muốn đến đó, nhưng bây giờ không còn sức.

About namcuulong

Check Also

PUCL QUYỂN 67 – CHƯƠNG OÁN KHỔ (tt)

QUYỂN 67 Quyển này tiếp theo chương khổ. 77. CHƯƠNG OÁN KHỔ (tt) 77.6. CÁC ...

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *