Home / Pháp Uyển Châu Lâm / PUCL - Tập 5 / PUCL QUYỂN 65 – CHƯƠNG PHÓNG SINH, CỨU NGUY

PUCL QUYỂN 65 – CHƯƠNG PHÓNG SINH, CỨU NGUY

tự cầm dao cắt thịt mình chấm muối rồi ăn. Khi thịt trên hai đùi của sư đã hết, thì tâm hơi mê, sức yếu dần, không thể tự cắt, nên bảo mọi người:
– Các người hãy cất giấu số thịt còn lại của ta, có thể dùng trong vài ngày nữa. Nếu người của vua đến đây thấy được, nhất định họ sẽ lấy mang đi!
Nhưng người đói kia nghe vậy, lại càng bi thương, không ai nhẫn tâm làm theo lời sư. Lát sau, đệ tử sư, người của vua đến, thế là người cả nước cùng kéo đến, ai cũng kêu gào than khóc. Sau đó đưa sư về cung. Chu An ban sắc xuất kho ba trăm hộc gạo để cấp cho những người đói khổ kia, đồng thời mở một kho khác bố thí cho nhân dân. Đến sáng sớm hôm sau, sư thị tịch, đại chúng chuyển thân sư ra phía bắc thành để trà-tì, khói xông lên hư không, bảy ngày mới dứt. Toàn thân đều cháy, nhưng lưỡi vẫn còn nguyên vẹn. Mọi người lập ngôi tháp ba tầng và dựng bia ngay nơi ấy để tôn thờ.
76.6.10. Đời Chu, Thích Tuệ Trấn: Sư trụ tại một ngôi chùa ở phủ Khai Nguyên, Thượng Đãng. Sư trì luật tinh nghiêm, lấy việc tọa thiền sám hối làm sự nghiệp tu tập. Niên hiệu Kiến Đức thứ sáu (577), Chu Vũ đế hủy diệt Phật pháp, sư mang kinh tượng vào ẩn cư trong núi sâu. Ngày kia có một người dung mạo rất xinh đẹp, mặc y phục nô bộc, cưỡi ngựa trắng bờm đỏ, từ đỉnh núi đi xuống. Khi đến trước mặt sư, vị này nói:
– Đêm nay sẽ có giặc đến, sư mau lánh đi nơi khác!
Nơi sư đang ở là vực sâu, không còn con đường nào khác để vào. Sư nghi là sơn thần, nên nói:
– Ngày nay Phật pháp bị hủy diệt, bần đạo không có chốn dung thân, cho nên mới đến nương nhờ đàn việt. Bây giờ lại gặp giặc, chắc ở đây chịu chết, chứ biết trốn nơi đâu?”
Thần nói:
– Sư đã từ xa đến chỗ của đệ tử, thì đệ tử cũng có thể bảo vệ sư! Ngài cứ ở lại đây! Nói xong vị thần biến mất.
Đêm ấy bỗng nhiên tuyết rơi dày hơn trượng, lấp hết đường đi, do đó sư thoát được nạn cướp. Mấy hôm sau, trời nắng tuyết tan, bọn giắc lại đến. Thần liền báo cho dân làng sống nơi chân núi: “Giặc muốn cướp sư Trấn, các người mau đến cứu giúp!”. Thế là dân làng trang bị vũ khí vào núi chống giặc cướp. Bọn giặc thấy vậy, hoảng sợ bỏ chạy. Từ đó về sau, sư luôn nhờ thần bảo vệ, sống an nơi núi rừng, về sau không biết sư thị tịch vào lúc nào.
76.6.11. Đời Chu, Thích Tăng Thật: Sư họ Trình, người ở Linh Vũ, Kiều Dương, trụ tại chùa Đại Truy Viễn, kinh đô. Thuở nhỏ bản tính sư đã chính trực, thành tín, thanh cao không ai bằng. Niên hiệu Thái Hòa cuối cùng (483), nhà Băc Ngụy, trên đường đi từ kinh đô về đất Lạc, sư được Tam tạng Lặc-na trao cho pháp thiền. Tuy thông ba học giới định tuệ, nhưng chỉ dùng Cửu thứ đệ định để điều tâm. Do đó nước định lắng trong, rừng thiền xanh tốt. Từ đó sư hoàng hóa tại kinh đô, Phật pháp ngày càng hưng thịnh.
Một hôm, vào buổi trưa, chư tăng đang nghỉ ngơi, bỗng nhiên sư lên lầu gióng đại hồng chung rất gấp. Chúng tăng ngạc nhiên, vội vã ra khỏi phòng hỏi nguyên do. Sư bảo:
– Các vị hãy nhanh chóng chuẩn bị hương đèn, nhóm họp tại chính điện.
Sau khi chư tăng vân tập đầy đủ, sư tuyên cáo:
– Các vị hãy chuyên tâm hành Phật sự, đồng tụng kinh Quán Ầm để cứu Giang Nam. Hiện ngôi chùa ấy ở đất Lương sắp sụp đổ, sợ đạo tục tổn thương, nên chúng ta phải cứu gấp.
Cùng lúc ấy một ngôi chùa tại Dương Đô, đang tổ chức pháp hội giảng kinh, cả nghìn tăng tục nhóm họp chật cả giảng đường, bỗng nghe phía tây bắc có khói hương lạ xông lên và tiếng tụng kinh, tiếng nhạc trên hư không dồn dập từ cổng phía bắc giảng đường tuôn vào rồi thoát thẳng ra cổng nam. Chúng hội đều kinh ngạc, vội vã chạy ra, lắng tai nghe theo những âm thanh ấy mà không kịp mang giày dép. Khi mọi người đã ra hết, thì cả ngôi giảng đường đổ ập xuống. Thế là mọi người đều an toàn, tránh được kiếp nạn.
Sau đó có người tâu lên vua Lương, vua Lương sai sứ sang hỏi nhà Chu, thì thật có việc sư đã cứu giúp. Vua Lương ba lần thỉnh sư, nhưng vua Chu không cho đi. Vua Lương đành phải từ xa dốc lòng cung kính đỉnh lễ sư, đồng thời dâng sai sứ dâng cúng báu vật, ba tấm y bằng vỏ cây, ghế ngồi, phất trần và các vật của tăng. Sư chỉ giữ lại ba tấm y và chiếc ghế, còn những vật khác thì bố thí hết. Những vật này hiện cất giữ tại chùa Thiền Lâm và được chư tăng thay nhau quản lí.
Ngày mồng tám, tháng bảy, niên hiệu Bảo Định thứ ba (563), sư thị tịch tại chùa Đại Truy Viễn, hưởng thọ tám mươi tám tuổi. Từ vua quan cho đến thứ dân đều thương xót, bầu trời đổi sắc, hai nước kinh động. Mộ tháp của sư hiện còn trong vườn chùa.
76.6.12. Đời Trần, Thích Tuệ Bố: Sư họ Hách, người Quảng Lăng, trụ tại chùa Thê Hà, Nhiếp sơn. Thuở nhỏ sư đã có khí tiết cao xa, bản tính chính trực, chí hạnh siêu việt, ít ai sánh bằng, rất được các quân vương kính trọng. Khi thấy người thích sinh Tây phương, sư nói:
– Tây phương là cõi tịnh, không phải là nguyện của ta. Điều ta mong là giáo hóa chúng sinh. Sao phải ở trong hoa sen mười kiếp hưởng thụ niềm vui, chi bằng vào ba đường khổ đau để cứu chúng sinh!
Đến năm bảy mươi tuổi, một hôm sư từ biệt đại chúng:
– Mạng của ta lẽ ra còn ít năm nữa, nhưng nay đã già suy, không thể hành đạo, sống thêm có ích gì. Ta luôn nguyện sinh biên địa, nơi không có Tam bảo để thực hiện Phật sự. Mong các vị ở lại mạnh khỏe, cố gắng tu tập!
Sau đó sư nhịn ăn, vua ban sắc cho thầy thuốc đến xem mạch, nhưng sư không chịu. Thẩm Hoàng hậu cũng muốn truyền hương báo tin, nhưng sư cũng không đồng ý. Sư dạy:
– Sống mãi chẳng vui, chiều chết cũng chẳng buồn. Vì sinh mà không có chỗ sinh, diệt mà không có chỗ diệt.
Trước khi sư thị tịch bảy ngày, trời đất chấn động liên tiếp. Khi chuyển thân sư vào rừng, thì núi rừng lại chấn động. Đúng ngày sư thị tịch, quan Thái sử tâu:
– Ngôi sao bản mệnh của bậc đắc đạo đã tắt. Cũng trong thời gian này, sư nói trước đại chúng:
– Đêm qua có hai vị bồ-tát, một là sinh thân bồ-tát, hai là pháp thân bồ-tát đến, ta đã đồng ý. Lát sau lại có các vị trời đến đón, vì không phải là nguyện của ta, nên ta không chịu.
Lúc ấy ánh sáng chiếu rực đến phòng của thiền sư Khản, thiền sư lấy làm lạ, ra khỏi phòng quan sát, thì thấy hai người vào phòng của sư, nhưng Khản không biết đó là thánh nhân. Đến sáng thuật lại thì hợp với lời kể của sư. Sư báo cho đại chúng vừa xong thì ngồi ngay thẳng mà thị tịch. Lại có người từ xa nhìn thấy cờ hoa rợp cả chùa, ánh sáng chiếu rực hư không, họ không biết là chuyện gì, bèn vào núi xem mới biết sư đã thị tịch.
Bấy giờ là ngày hai mươi ba tháng mười một, niên hiệu Trinh Minh thứ nhất (587), đời nhà Trần, Trung Quốc, sư thọ hơn bảy mươi tuổi.
76.6.13. Đời Đường, Thích Trí Thông: Không biết sư người xứ nào, chỉ biết đầu tiên sư ở chùa Bạch Mã, Dương Đô. về sau sư qua sông, dừng chân ở chùa An Lạc, Dương châu. Khi nhà Trần diệt vong, không có cách nào quay về cố hương, nên sư ẩn trong đám lau sậy bên sông tụng kinh Pháp hoa, bảy ngày không đói, thường có bốn con. cọp nhiễu quanh, nhưng không làm tổn thương sư. Trải qua mấy ngày không ăn, sư bảo:
– Mạng ta chỉ còn trong giây lát, nếu cần, ngươi hãy ăn thịt ta đi!
Cọp bỗng nhiên nói tiếng người:
– Thuở khai thiên lập địa không có lẽ này!
Bỗng có ông lão khoảng tám mươi tuổi kéo thuyền đến và nói:
– Thầy muốn qua sông đến chùa Thê Hà thì hãy mau lên thuyền!
Khi ấy, bốn con cọp nhìn sư ứa lệ. Sư nói:
– Cứu nguy giúp nạn, ngay lúc này đây! Ông hãy cho bốn con cọp cùng đi!
Thế là, người vật xuôi thuyền sang bờ nam, khi cập bờ thì ông già biến mất. Sư dẫn bốn con cọp đến trụ phía tây tháp xá-lợi, chùa Thê Hà. Từ đó sư chuyên kinh hành và tọa thiền phát nguyện không nằm, cùng với tám mươi đồ chúng tu tập, không bao giờ rời viện. Nếu có việc chẳng lành thì một con cọp vào chùa rống to thông báo cho đại chúng biết để cảnh giác, việc này trở thành lệ thường.

About namcuulong

Check Also

PUCL QUYỂN 67 – CHƯƠNG OÁN KHỔ (tt)

QUYỂN 67 Quyển này tiếp theo chương khổ. 77. CHƯƠNG OÁN KHỔ (tt) 77.6. CÁC ...

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *