Home / Pháp Uyển Châu Lâm / PUCL - Tập 5 / PUCL QUYỂN 65 – CHƯƠNG PHÓNG SINH, CỨU NGUY

PUCL QUYỂN 65 – CHƯƠNG PHÓNG SINH, CỨU NGUY

Thợ săn đáp:
– Tôi không thể đổi cho ngài được, bởi tôi còn nuôi sống cả gia đình, chút cơm của ngài chúng tôi làm sao ăn đủ?
Sa-môn hết lòng thuyết phục, nhưng thợ săn vẫn chống chế, không chịu đổi.
Sa-môn bèn nói:
– Nếu anh không đổi thì hãy để tôi nhìn con chó một lát, có được không?
Thợ săn liền đưa con chó ra. Sa-môn lấy bát cơm của mình cho chó ăn, lấy tay xoa đầu nó, rơi lệ mà chú nguyện:
– Ngươi mang tội phải làm thân chó, đã không được tự do, lại còn bị người giết ăn thịt. Ta cầu mong cho ngươi đời đời tội diệt phúc sinh, lìa bỏ thân chó được làm thân người, ở đâu cũng gặp được Phật pháp, tin kính Tam bảo.
Con chó được thức ăn, trong lòng phát khởi thiện tâm, vui mừng khôn xiết, biết tự qui y.
Thợ săn đem chó về giết thịt rồi cùng nhau ăn. Sau khi mạng chung, chó được sinh vào cõi người, làm con trong một gia đinh trưởng giả giàu có. Lúc vừa chào đời, đứa bé đã có từ tâm.
Bấy giờ, vị sa-môn kia theo thứ tự đi khất thực, dần đến nhà ông trưởng giả. Đứa bé con ông trưởng giả vừa thấy vị sa-môn, chợt nhớ lại việc xưa, nên đến cúi đầu hành lễ dưới chân sa-môn, xin được cúng dường những thức ăn ngon.
Thế rồi, đứa bé đến trước cha mẹ thưa:
– Con nay muốn theo đại hòa-thượng làm đệ tử, thụ học kinh giới, xin cha mẹ bằng lòng!
Cha mẹ rất yêu thương con, nên không bằng lòng. Ông bà nói:
– Gia đình ta chỉ có mình con kế thừa gia nghiệp, vì sao con muốn bỏ đi?
Đứa bé khóc lóc không chịu ăn uống, thưa:
– Nếu cha mẹ khồng đồng ý thì con sẽ chết.
Cha mẹ thấy thế, liền đồng ý. Đứa bé theo thầy học đạo, cạo bỏ râu tóc, đắp ba pháp y, đọc tụng kinh điển, hiểu sâu nghĩa lí. Không bao lâu, chú đắc tam-muội, không còn thoái chuyển, giáo hóa mọi người, khuyên phát đạo tâm.
Ở đời, gặp Phật là khó, được nghe giáo pháp là khó. Nếu có duyên được gặp Phật pháp thì mọi loài đều được độ. Súc sinh còn đắc đạo, lẽ nào loài người không chứng quả thánh sao? Nếu có sai phạm điều gì thì phải biết sinh lòng hổ thẹn. Ánh sáng thanh tịnh chiếu đến thì trần cấu tối tăm tự diệt”.
Kinh Tạp A-hàm ghi: “Đức Phật bảo các tì-kheo:
– Vào thời quá khứ, có một con chim tên La-bà bị chim ưng gắp bay lên hư không. Ở trên cao chim La-bà kêu:
– Tôi vừa ra khỏi nơi có cha mẹ thân yêu để đến nơi khác, do không cảnh giác, nên gặp nạn này. Tại sao hôm nay tôi bị kẻ khác trói buộc, không được tự do?
Chim ưng nói với la-bà:
– Ngươi phải ở nơi đâu mới gọi là được tự do?
La-bà đáp:
– Đồi gò, ruộng nương chính là chỗ tự do của tôi. Nơi đó hoàn toàn không có các nạn và cũng chính là nơi cha mẹ tôi đang sinh sống.
Chim ưng ngạo mạn nói với La-bà:
– Bây giờ ta thả ngươi về lại gò ruộng, có chắc chắn ngươi được thoát nạn không?
Thế là La-bà thoát khỏi móng vuốt của chim ưng trở về gò ruộng. Sau khi về được chỗ an ổn dưới đống đất, La-bà lên trên khiêu chiến với chim ưng. Thấy vậy, chim ưng đùng đùng nổi giận nói:
– Ngươi là con chim nhỏ mà dám khiêu chiến với ta?
Chim ưng dốc sức lao xuống mổ La-bà, La-bà chui núp dưới đống đất, chim ưng không kìm lại được, nên va vào đống đất vỡ ngực mà chết.
La-bà núp dưới đống đất, ngước lên nói kệ:
Chim ưng lao xuống mổ,
Ta trốn dưới đống đất,
Do vì quả sân giận,
Đưa đến họa tan thân.
Ta đã đủ khôn khéo,
Nương vào nơi mình sống,
Phục thù, tuy tâm vui,
Vừa ý với sức mình.
Dầu ngươi có hung dữ,
Sức như nghìn voi lớn,
Nếu sánh trí tuệ ta,
Chỉ một phần mười sáu.
Trí ta thật siêu việt
Tiêu diệt được chim ưng.
Có bài tụng :
Có thức đều sợ chết
Có mạng ngán hiểm nguy
Như cá trong ao cạn
Khó gặp nước tràn vào
Thân sơ đều cha mẹ
Đâu được xâm hại nhau
Từ bi cứu khổ nạn
Phúc báo tự nhiên về.
76.6. CẢM ỨNG
76.6.1. Đời Lưu Tống, sa-môn Thích Đạo Quynh: Quê quán, dòng họ và những chuyện linh dị của sư đã được thuật rõ trong phần Cảm ứng, chương Đốt đèn, quyển ba mươi lăm, ở đây không nêu lại mà chỉ thuật những điều chưa được ghi ở phần trước mà thôi.
Niên hiệu Nguyên Gia mười chín (442), Lâm Xuyên Khang vương trấn nhậm Quảng Lăng đã thỉnh sư đến cúng dường. Tháng chín năm ấy, tổ chức trai hội Quán Thế Âm mười ngày tại gian phía tây. Đến đêm thứ chín, vừa qua canh tư, chúng tăng còn đang ngủ, sư thức dậy lễ lạy, sau đó lại muốn tọa thiền. Bỗng sư thấy trên bốn vách vô số sa-môn hiện bán thân, lại thấy rõ ràng một tướng nhục kế của Phật. Lại có một người cao lớn, đội mũ đỉnh bằng, mặc y phục vải mịn, tay cầm đao dài, tướng mạo thật uy dũng.
Ông này cầm hương trao cho sư, nhưng sư không nhận. Lúc ấy một vị sa-môn trên vách bảo:
– Sư nên nhận hương này để che chở cho chủ
nhân!
Vị này nói vừa xong, chớp mắt sư không còn thấy gì nữa. Ngay lúc ấy sư không thấy chư tăng trong trai hội, chỉ thấy tượng đức Thích-ca đã tôn trí mà thôi.
76.6.2. Đời Tấn, Lữ Tủng: Ồng tự là Mậu Cao, người ở Duyên châu, nhưng ngụ cư tại huyện Thỉ Phong. Phía nam huyện này có một dòng suối uốn lượn quanh co, nước chảy rất xiết, hai bờ vách đá cao và hiểm trở; lòng suối có rất nhiều đá lớn, người đi trên suối, ban ngày còn phải sợ gặp nguy hiểm. Tủng tự kể:
– Có lần cha ông đi thuyền trên con suối này, khi cách nhà khoảng mười dặm, thì trời đã về chiều. Lúc ấy bỗng nhiên mưa to gió lớn kéo đến, trời đất tối đen như mực, không còn thấy gì. Trong lòng cha ông nghĩ là thuyền sẽ chìm, cho nên nhất tâm niệm danh hiệu bồ-tát Quan Thế Âm; không bao lâu trên bờ có ánh lửa, giống như có người cầm đuốc đi đến, chiếu sáng cả dòng suối. Cha ông nhờ đó mà trở về nhà, bấy giờ ánh lửa đó luôn cách thuyền khoảng hơn mười bước dẫn đường, về sau ông thuật lại chuyện này với Si Gia Tân rồi Tân truyền lại cho mọi người cùng biết.

About namcuulong

Check Also

PUCL QUYỂN 67 – CHƯƠNG OÁN KHỔ (tt)

QUYỂN 67 Quyển này tiếp theo chương khổ. 77. CHƯƠNG OÁN KHỔ (tt) 77.6. CÁC ...

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *