Home / Pháp Uyển Châu Lâm / PUCL - Tập 5 / PUCL QUYỂN 64 – CHƯƠNG SĂN BẮN, CHÀI LƯỚI

PUCL QUYỂN 64 – CHƯƠNG SĂN BẮN, CHÀI LƯỚI

– Như mẹ nói “vì pháp lớn vô thượng, nên muốn đem thân cúng dường”, con nay cũng muốn cúng dường.
Nói vừa xong, thỏ con liền lao vào đống lửa, thỏ mẹ lao theo sau. Ngay lúc bồ-tát xả thân, trời đất chấn động, cho đến trời sắc giới cùng các cõi trời khác đều tuôn mưa hoa cúng dường. Sau khi thịt chín, thụ thần thưa tiên nhân:
– Mẹ con thỏ chúa vì cúng dường ngài, nên đã lao thân vào lửa, nay thịt đã chín, ngài có thể thụ dụng.
Nghe thụ thần nói, tiên nhân buồn thương không nói nên lời, vội đặt quyển kinh mình thường tụng lên lá cây, rồi thuyết kệ:
Thà đốt thân này, mắt mù lòa,
Không nỡ giết hại, ăn chúng sinh
Kinh điển từ bi Đức Phật thuyết
Dạy người luôn tu tập hạnh từ.
Thà đập xương tủy, đầu vỡ nát
Không nỡ ăn thịt của chúng sinh
Như Phật nói rằng người ăn thịt
Chẳng thể trọn vẹn hạnh từ bi
Thường bị chết yểu, thân nhiều bệnh
Khó thành quả Phật, mãi trầm luân.
Tiên nhân nói kệ xong rồi phát nguyện:
– Nguyện cho con đời đời không khởi niệm giết hại, không bao giờ ăn thịt chúng sinh, nhập Bạch Quang Minh Từ tam-muội cho đến khi thành Phật, giữ giới trọng không ăn thịt.
Nói xong, tiên nhân lao vào đống lửa chết cùng thỏ. Lúc ấy, trời đất nổi sáu hình thái chấn động. Nhờ sức của thiên thần, nên cây phóng ánh sáng màu vàng chiếu sáng đến nghìn cõi nước.
Nhân dân các nước thấy ánh sáng này từ rừng cây phát ra liền theo ánh sáng mà đến. Họ thấy tiên nhân cùng hai con thỏ chết trong đống lửa, lại thấy bài kệ được viết trên lá cây và bản kinh Phật liền đem về dâng lên vua. Vua nghe pháp ấy truyền lệnh cùng tuyên đọc, khiến người nghe đều phát đạo tâm Vô thượng chính chân.
Phật bảo Thức-kiền:
– Ông nên biết, vua thỏ trắng lúc ấy chính là tiền thân của ta Thích-ca Văn-ni Phật, thỏ con chính là La-hầu-la. Tiên nhân tụng kinh lúc ấy là đại bồ-tát Di-lặc con bà-la-môn vậy. Năm trăm con thỏ lúc ấy nay chính là nhóm năm trăm tì-kheo như Ma-ha Ca-diếp v.v… Hai trăm năm mươi thụ thần lúc ấy nay chính là nhóm hai trăm năm mươi đệ tử tì-kheo như Xá-lợi-phất, Mục-kiền-liên… Một nghìn vị vua lúc ấy nay chính là một nghìn bồ-tát như ông Bạt-đà-ba-la… Người dân của các cõi nước được nghe kinh lúc ấy là những đệ tử học theo Phật pháp được đắc đạo ở trong khoảng thời gian từ khi ta thành Phật cho đến Phật Lâu-chí xuất hiện ở đời.
Bồ-tát cầu pháp trải qua nhiều kiếp chuyên cần, khổ nhọc không tiếc thân mạng. Tuy chịu nghiệp báo thụ thân súc sinh, nhưng thường vì pháp không tiếc thân mạng, như lao vào đống lửa, dùng thân cúng dường, nên vượt qua được tội sinh tử của chín trăm vạn ức kiếp, thành tựu quả Phật.
Khi Phật nói nhân duyên này, năm trăm Phạm chí như Thức-kiền v.v… đều lễ Phật xin xuất gia, sau đó đều thành a-la-hán. Vị tiên nhân lao vào đống lửa mạng chung sinh về Phạm thiên, cho đến thành Phật. Người ăn thịt sẽ phạm tội nặng, sau khi chết sinh vào địa ngục uống nước đồng sôi”.
Kinh Đại tập ghi: “Đức Phật dạy:
Thiện nam tử! Thời quá khứ có một sư tử chúa sống trong núi sâu, nó thường suy nghĩ: ‘Ta là vua của loài thú, có khả năng bảo vệ chúng’. Lúc ấy trong núi có vợ chồng khỉ sinh hai con. Một hôm vợ chồng khỉ nói với sư tử:
– Nếu đại vương có thể bảo vệ tất cả loài thú, chúng tôi sẽ giao hai con của tôi cho ngài trông nom, để chúng tồi đến nơi khác tìm thức ăn.
Sư tử chấp nhận. Thế là vợ chồng khỉ giao hai con cho sư tử chúa, rồi đi xa. Bấy giờ trong núi có một con kên kên chúa tên là Lợi Kiến thừa dịp sư tử chúa ngủ say, nó bắt hai khỉ con, rồi mang lên vách núi hiểm trở. Khi thức giâc, sư tử thấy vậy liền nói Với kên kên bằng bài kệ:
Ta nay cầu thỉnh Đại thứu vương
Mong ngài lắng nghe lời ta nói
Xin hãy vì ta thả khỉ ra
Chớ để thất tín, lòng hổ thẹn.
Kên kên chúa cũng thuyết kệ đáp:
Ta có năng lực bay trên không
Vượt cõi của ngươi, ta chẳng sợ
Nếu muốn bảo vệ hai khỉ này
Vì ta, ngươi hãy xả thân mình.
Sư tử liền đáp:
Ta vì bảo vệ hai khỉ này
Xả thân không tiếc, như cỏ khô
Nếu ta quí thân mà nói dối
Đâu xứng với câu “như thuyết hành”.
Nói xong, sư tử chúa liền lên chỗ cao, lúc sắp xả thân, kên kên chúa lại thuyết kệ:
Ai vì kẻ khác, xả thân mình
Sẽ được niềm vui thật tối thượng
Ta nay sẽ thả hai khỉ này
Xin Đại pháp vương chớ hại mình.
Đức Phật dạy:
Sư tử chúa ấy chính là tiền thân của Ta, khỉ đực là Ca-diếp, khỉ cái là tì-kheo-ni Thiện Hộ, hai khỉ con là A-nan và La-hầu-la, kên kên chúa là Xá-lợi-phất. Đó là vì bảo vệ người đến nương tựa mình mà Ta không tiếc thân mạng”.
74.5. QUÁN KHỔ
Kinh Chỉnh pháp niệm ghi: “Bồ-tát Khổng Tước nói với chư thiên:
– Ai có tâm bi thì người ấy cách niết-bàn không xa, tâm bi là đại trang nghiêm. Nếu khởi tâm bi đối với chúng sinh trong năm đường thì có thể phá được phiền não. Thế nào gọi là khởi tâm bi với chúng sinh trong địa ngục? Những chúng sinh nơi đây vì sao bị bản nghiệp dối gạt? Do tâm oan gia gây tạo, nên phải chịu vô lượng khổ đau mà không thể nào nói được. Trong địa ngục lớn có một trăm ba mươi sáu địa ngục nhỏ. Một khi chúng sinh rơi vào đây, thân thể bị phanh xẻ, cắt chặt, nấu nướng…. mà không có ai cứu, không có nơi nương tựa, rong chạy khắp nơi cầu xót thương giải thoát, nhưng không thể được. Như thế mà khởi tâm bi với họ thì sẽ tăng trưởng vô lượng phúc như Phạm thiên.
Nếu ai vì lợi ích chúng sinh, hãy quán sát những cơn đói khát của loài ngạ quỉ đốt cháy tự thân như đốt rừng cây, chúng rượt đuổi chạy khắp nơi, va chạm lẫn nhau, lửa mạnh thiêu đốt, toàn thân cháy rực; chúng thiết tha khẩn cầu cứu giúp, nhưng không ai cứu được. Những chúng sinh này đến bao giờ mới thoát được những nỗi khổ đau ấy? Nếu quán nỗi khổ của ngạ quỉ như vậy mà khởi tâm bi thì đời sau sẽ sinh Phạm thiên.
Nếu có người muốn quán loài súc sinh mà khởi tâm bi, thì nên nghĩ chúng phải chịu vô lượng khổ não, sát hại lẫn nhau. Các loài bay trên không trung, bơi lội trong nước, sống trên đất liền phải chịu vô số trường họp bỏ thân mạng, chúng lại tàn hại, ăn thịt lẫn nhau. Những chúng sinh này biết bao giờ mới thoát những nỗi khổ đau ấy. Quán nỗi khổ của súc sinh như vậy mà khởi tâm bi, thì sẽ được sinh Phạm thiên.
Nếu muốn quán chư thiên sáu tầng trời cõi Dục, thì nên quán niềm vui cõi trời này thật không thể thí dụ, nào là non cao, hang sâu, vườn rừng đều là những nơi để hưởng thụ khoái lạc. Sau khi hưởng thụ rồi, hết phúc sẽ rơi vào nơi xấu ác như địa ngục, ngạ quỉ, súc sinh chạy nhảy khắp nơi, mê loạn vô tri, chịu khổ não cùng cực. Nếu quán nỗi khổ của chư thiên như vậy mà khởi tâm bi, thì sẽ sinh Phạm thiên.

About namcuulong

Check Also

PUCL QUYỂN 67 – CHƯƠNG OÁN KHỔ (tt)

QUYỂN 67 Quyển này tiếp theo chương khổ. 77. CHƯƠNG OÁN KHỔ (tt) 77.6. CÁC ...

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *