Home / Pháp Uyển Châu Lâm / PUCL - Tập 5 / PUCL QUYỂN 64 – CHƯƠNG SĂN BẮN, CHÀI LƯỚI

PUCL QUYỂN 64 – CHƯƠNG SĂN BẮN, CHÀI LƯỚI

Cô ta đáp:
– Phu nhân tôn quí! Có thể bà sẽ đến chậm, hoặc là quên mất, mà mạng sống của con chỉ còn trong từng hơi thở, không đợi được nữa. Chi bàng ăn thịt con mình để bảo toàn tính mạng.
Phu nhân hỏi:
– Nếu có thịt khác cô chịu ăn không?
– Chỉ cần được cứu sống, dở hay ngon con cũng bằng lòng.
Phu nhân liền cầm dao tự cắt vú mình rồi phát nguyện: ‘Nay tôi xin bố thí thịt của mình để cứu người mẹ trẻ này qua cơn nguy ách. Tôi không cầu làm Chuyển luân thánh vương, Đế Thích, Ma vương hay Phạm vương, xin đem công đức này cầu thành đạo Vô thượng chính chân!’.
Phát nguyện xong, phu nhân trao thịt của mình cho người mẹ trẻ ấy. Thế rồi, bà ta định cầm dao cắt vú còn lại. Ngay lúc ấy, cả Tam thiên đại thiên thế giới chấn động. Cung điện của các vị trời rung chuyển. Trời Đế Thích dùng thiên nhãn quan sát, thấy phu nhân tự tay cắt vú cứu người gặp nguy ách. Lập tức, ông cùng vô số các vị trời bay xuống đứng giữa hư không, thương khóc, nước mắt như mưa. Trời Đế Thích hiện đến trước phu nhân và nói:
– Hạnh bố thí của phu nhân thật hiếm thấy! Người muốn cầu điều gì?
Phu nhân đáp:
– Ta nguyện đem công đức này cầu đạo Vô thượng chính chân, hầu độ thoát cho tất cả chúng sinh bị khổ ách.
Trời Đế Thích hỏi:
– Phu nhân lấy gì chứng minh cho lời nguyện của mình?
Khi ấy, phu nhân bèn phát thệ nguyện: ‘Nếu công đức bố thí này quả thật giúp ta thành Chính giác thì vú của ta sẽ bình phục như cũ’.
Vừa dứt lời, vú của phu nhân liền bình phục. Thiên đế khen ngợi:
– Hay thay! Hay thay! Chảng bao lâu nữa phu nhân sẽ thành Phật!
Các vị trời khác cũng vui mừng, hiện nguyên hình, khen ngợi phu nhân rồi hỏi:
– Phu nhân bố thí như thế có thấy hối hận, đau đớn không?
Phu nhân đáp:
– Ta không hề hối hận hay cảm thấy đau đớn!
Các vị trời lại hỏi:
– Lấy gì chứng minh, phu nhân không hối hận?
Khi ấy, phu nhân liền phát thệ nguyện: ‘Nếu vì cầu Phật đạo mà ta không hề hối hận về việc làm của mình thì xin cho ta biến thành người nam’.
Ngay lập tức, phu nhân biến thành người nam. Các vị thiên thần đều tán thán:
– Quí thay! Quí thay! Chẳng bao lâu nữa phu nhân sẽ thành Phật đúng như lời nguyện!
Bấy giờ, vua, quan, nhân dân đều thán phục sự kì diệu ấy, họ vui mừng khôn xiết. Kể từ lúc đó, mọi dịch bệnh trong nước đều tiêu trừ, ngũ cốc dồi dào, không còn khan hiếm, nhân dân hưởng cuộc sống thái bĩnh, an lạc.
Thời gian sau, vua băng, các quan cùng nhau bàn luận việc chọn vua mới. Trời Đế Thích hiện xuống nói:
– Bạt-ma-kiệt-đề đã hóa thành người nam có đầy đủ phúc đức, rất xứng đáng làm vua!
Các quan đều rất vui mừng, tôn Bạt-ma-kiệt-đề lên ngôi. Từ đó, nhân dân càng đông đúc, đất nước được thái bình, vững mạnh.
Đức Phật bảo vua Ba-tư-nặc:
– Bạt-ma-kiệt-đề thuở xưa, nay chính là Ta. Ngày xưa, Ta bố thí không quí tiếc thân mạng như thế, nên được biến thành người nam, làm vua một nước. Nhờ công đức ấy, đời nay Ta được thành Phật cứu giúp muôn loài. Bồ-tát thực hành bố thí ba-la-mật dũng mãnh như thế.
Bấy giờ, các vị đệ tử của Đức Phật, vua, quan, nhân dân đều rất vui mừng, cùng nhau đỉnh lễ Ngài rồi lui ra”.
74.4. SÚC SINH
Kinh Nhất Thiết Trí Quang tiên nhân từ tâm bất thực nhục ghi: “Khi Đức Phật trú tại đạo tràng Tịch Diệt nơi tinh xá Tự Tại Thiên, ở thôn Di-gia Nữ, nước Ma-già-đề, có người con của bà-la-môn Ca-ba-lợi tên là Di-lặc, thân tướng sắc vàng, đủ ba mươi hai tướng tốt và tám mươi vẻ đẹp, uy quang rực rỡ đi đến chỗ Phật.
Lúc ấy năm trăm vị Phạm chí tóc búi từ xa thấy Di-lặc có uy tướng trang nghiêm thanh tịnh, liền bạch Phật:
– Bạch Thế Tôn! Cậu bé này có hào quang rực rỡ, không khác gì Phật, là do ban đầu phát đạo tâm ở vị Phật nào, trì tụng kinh gì? Cúi mong Thế Tôn giảng rõ cho chúng con!
Phật bảo Phạm chí Thức-kiền:
– Các ông hãy lắng nghe và suy nghĩ kĩ! Hôm nay Ta sẽ giảng nói rõ ràng khiến ông sinh vui mừng:
– Vào thời quá khứ vô lượng vô số kiếp có thế giới tên là Thắng Hoa Phu, giáo chủ cõi ấy là Phật Di-lặc. Ngài thường đem lòng từ giáo hóa hết thảy. Ngài nói kinh Đại từ tam-muội quang đại bi hải vân. Nếu người nghe kinh này liền được vượt thoát tội sinh tử trong trăm ức vạn kiếp, nhất định sẽ được thành Phật.
Bấy giờ trong nước ấy có một vị bà-la-môn nổi tiếng tên là Nhất Thiết Trí Quang Minh, thông minh, đa trí, làu thông các kinh, nghe Phật thị hiện ở đời nói kinh Đại từ tam-muội quang đại bi hải vân, liền đem tất cả những nghị luận của thế gian chất vấn Phật Di-lặc. Ông dùng hết ngôn ngữ, luận nghị của mình mà vẫn không tháng được Ngài, nên tin phục xin làm đệ tử, rồi phát tâm A-nậu-đa-la tam-miệu tam-bồ-đề. Ông bạch Phật:
– Nay con ở trong Phật pháp tụng trì kinh Đại từ tam-muội quang đại bi hải vân, nguyện đem công đức này ở đời vị lai trải qua số kiếp không thể tính đếm sẽ thành Phật hiệu là Di-lặc.
Thế là ông bỏ nhà vào rừng sâu tu tập Phạm hạnh, trong tám nghìn năm sống thiểu dục, an tịnh, khất thực nuôi thân, tụng trì kinh ấy, nhất tâm dứt trừ loạn tưởng.
Bấy giờ vua nước ấy hoang dâm vô độ, hạn hán kéo dài, lại có sao chổi xuất hiện, khiến mưa mãi không ngớt, nước dâng tràn ngập. Tiên nhân không khất thực được, nên nhập định trải qua bảy ngày. Lúc ấy trong rừng có đàn thỏ trắng năm trăm con, thỏ chúa cùng với con nó thấy tiên nhân bảy ngày không ăn, liền nói với nhau:
– Vị tiên nhân này tu hành Phật đạo, không ăn đã nhiêu ngày, mạng sống có lẽ chẳng được bao lâu. Như thế thì cờ pháp sẽ đổ, biển pháp sẽ cạn. Chúng ta chẳng nên tiếc thân mạng của mình để giúp pháp lớn vô thượng tồn tại lâu dài.
Thế là chúng nói với đàn thỏ:
– Tất cả các hành đều là vô thường, chúng sinh vì yêu tiếc thân mạng, nên để thân này sống chết luống uổng, chưa từng vì pháp. Ta nay muốn vì hết thảy chúng sinh làm chiếc cầu lớn, khiến cho chính pháp trụ lâu ở đời mà cúng dường đại sư.
Thỏ chúa lại bảo đàn thỏ:
– Nay ta muốn dùng thân này cúng dường pháp sư, các ngươi hãy nên vui vẻ thuận theo.
Bấy giờ, thụ thần bèn chất củi thơm để nổi lửa. Mẹ con thỏ chúa nhiễu quanh tiên nhân đủ bảy vòng rồi bạch:
– Đại sư! Con nay vì pháp mà cúng dường ngài.
Tiên nhân đáp:
– Ngươi là loài thú, tuy có tâm từ, nhưng lấy gì để cúng dường?
Thỏ chúa thưa:
– Con tự đem thân mình để cúng dường nhân giả, vì để cho chính pháp trụ lâu ở đời khiến cho chúng sinh được lợi ích.
Nói lời ấy rồi, thỏ chúa bèn bảo thỏ con:
– Con có thể tùy ý đi tìm cỏ nước, nhưng luôn buộc tâm chính niệm, nghĩ nhớ Tam bảo.
Thỏ con nghe mẹ nói lời ấy, liền quỳ xuống thưa thỏ chúa:

About namcuulong

Check Also

PUCL QUYỂN 67 – CHƯƠNG OÁN KHỔ (tt)

QUYỂN 67 Quyển này tiếp theo chương khổ. 77. CHƯƠNG OÁN KHỔ (tt) 77.6. CÁC ...

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *