Home / Pháp Uyển Châu Lâm / PUCL - Tập 5 / PUCL QUYỂN 63 – CHƯƠNG CẦU MƯA VÀ VƯỜN CÂY

PUCL QUYỂN 63 – CHƯƠNG CẦU MƯA VÀ VƯỜN CÂY

trên; cứ như thế lần lượt đến nước trong ao của thái tử con long vương Sa-già-la chảy ra biển lớn nhiều hơn tất cả số nước nêu trên.
– Này Phật tử! Tám mươi ức long vương cho đến thái tử của Sa-già-la tuôn mưa và ao hồ trụ xứ của họ chảy vào biển, thì lượng nước cũng không bằng chính một mình long vương Sa-già-la tuôn mưa và ao hồ trụ xứ của long vương này tuôn vào biển lớn. Nước màu lưu li xanh từ ao hồ của long vương vọt lên chảy đầy trong biển lớn. Vì nước vọt lên rất đúng thời, nên thủy triều trong biển lớn lên xuống cũng rất đúng lúc.
Này Phật tử! Nước trong biển lớn này thật vô lượng, châu báu cũng vô lượng, chúng sinh cũng vô lượng, đại địa cũng vô lượng. Các ông nghĩ sao? Nước trong biển ấy vô lượng chăng? Thật đúng như vậy. Này Phật tử! Biển nước ấy sâu rộng không thể ví dụ. Tuy thế, nếu so với biển trí tuệ vô lượng của Như Lai thì biển lớn kia chưa bằng một phần trăm, cho đến không thể ví dụ. Chỉ tùy thuận giáo hóa mà lập thí dụ này thôi”.
71.4. SÔNG BIỂN
Luận Tân Bà-sa ghi: “Châu Thiệm-bộ này có bốn con sông lớn, mỗi sông lớn có bốn chi lưu, tùy theo phương hướng riêng mà chảy ra biển. Như châu Thiệm-bộ này có hồ Vô Nhiệt Não, nước từ hồ này chảy ra biển theo bốn con sông: Khắc-già, Tín-độ, Phạ-sô, Tư-đa. Trong đó sông Khắc-già phát nguồn từ miệng voi vàng ở mặt đông, chảy quanh hồ một vòng theo chiều bên phải rồi tuôn ra biển Đông; sông Tín-độ phát nguồn từ miệng trâu bạc ở mặt nam, chảy quanh hồ một vòng theo chiều bên phải rồi tuôn ra biển Nam; sông Phạ-sô phát nguồn từ miệng ngựa Phệ-lưu-li ở mặt tây, chảy quanh hồ một vòng theo chiều bên phải rồi tuôn ra biển Tây; sông Tư-đa phát nguồn từ miệng sư tử Pha-chi-ca mặt bắc, chảy quanh hồ một vòng theo chiều bên phải rồi tuôn ra biển Bắc.
Lại sông Khắc-già có bốn chi lưu: Diêm-mẫu-na, Tát-lạt-thâu, A-thị-la-phiệt-để, Mạc-hê. Sông Tín-độ có bốn chi lưu: Tì-ba-xa, Cát-la-phiệt-để, Thiết-trớ-đồ-lô, Tì-trớ-sa-đa. Sông Phạ-sô có bốn chi lưu: Phiệt-lật-noa, Phệ-trớ-lạt-ni, Phòng-xa, Khuất-mẫn-bà. Sông Tư-đa có bốn chi lưu: Tát-lị, Tị Ma, Nại Địa, Điển Quang. Như vậy chỉ liệt kê những sông được gọi là lớn mà thôi. Chứ bốn sông lớn, mỗi sông có năm trăm chi lưu, tổng cộng thành hai nghìn lẻ bốn con sông; mỗi mỗi theo một hướng mà đồng chảy ra biển. Những con sông này có thể không chảy ra biển được chăng? Không thể có việc đó. Cũng vậy, giả sử có người dùng thần lực, hoặc dùng chú thuật khiến không thể nhập Hiện quán thánh đế thì thật không có việc ấy ’.
Kinh Niết-bàn ghi: “Thí như biển lớn có tám việc không thể nghĩ bàn: một, từ cạn dần dần ra sâu; hai, sâu đến nỗi không thể dò đến đáy; ba, đồng một vị mặn; bốn, thủy triều không vượt quá giới hạn; năm, có nhiều châu báu; sáu, có các loài chúng sinh thân lớn cư trú; bảy, không dung chứa tử thi; tám, dù muôn dòng dồn về, mưa lớn tuôn xuống mà vẫn không thêm không bớt”.
Kinh Kim cang tam-muội bất hoại bất diệt ghi: “Đức Phật dạy:
– Di-lặc nên biết, hồ Đại A-nậu lưu xuất bốn dòng sông lớn, từ bốn dòng này lại phân thành tám dòng. Tám dòng này và tât cả các sông ở châu Diêm-phù-đề đều tuôn ra biển lớn. Nhờ có núi Ốc Tiêu nên nước biển lớn không tăng, nhờ Kim cang luân nên nước biển lớn không giảm. Cũng do Kim cang luân biến chuyển tùy thời, nên giúp cho nước biển đồng một vị mặn”.
Kinh Niết-bàn ghi: “Này thiện nam! Trong sông Khắc-già có bảy loại chúng sinh: một, loài luôn lặn sâu dưới nước; hai, loại tạm nổi lên mặt nước rồi lặn xuống sâu; ba, loại nổi lên thì ở lâu trên mặt nước; bốn, loại nổi lên nhìn khắp nơi; năm, loại nhìn khắp nơi rồi bơi đi; sáu, loại bơi đi rồi lại dừng; bảy, loại sống cả trên đất liền và dưới nước.
Loài lặn sâu dưới nước là loài cá lớn chịu nghiệp ác lớn, thân thể nặng, luôn ở chỗ sâu.
Loại tạm nổi lên mặt nước rồi lặn xuống sâu cũng là loài cá thân lớn, lãnh thụ nghiệp ác, thân lớn nhưng ở nơi nước cạn, có lúc muốn thấy ánh sáng. Vì nhìn ánh sáng nên nổi lên, vì thân nặng nên chìm xuống.
Loại nổi lên ở lâu trên mặt nước là cá Để-di, ở vùng nước cạn; vi thích thấy ánh sáng, nên nồi lên nhìn mãi.
Loại nổi lên nhìn khắp nơi là cá Thác, vì tìm thức ăn nên nổi lên nhìn khắp nơi.
Loại nhìn khắp nơi rồi bơi đi cũng là cá Thác khi cá này nhìn thấy các vật khác, nghĩ là có thể ăn được, nên vội bơi đến đó.
Loại bơi đi rồi lại dừng, tức khi đã đến được chỗ có thức ăn rồi thì nó dừng lại.
Loại sống cả trên đất liền và dưới nước, đó là rùa”.
Có bài tụng:
Lời mầu vừa khai diễn
Sương mù bốc lên cao.
Mây pháp giăng bủa khắp
Mưa tuôn khắp núi sông
Cỏ cây đều xanh tốt
Ngũ cốc đều trĩu bông
Nếu chẳng nhờ từ lực
Đâu được mùa bội thu.
71.5. CẢM ỨNG
71.5.1. Đời Tần, thủy thần Quán đình: Tại huyện Trung Túc có dòng sông dài, tại Quán đình bên bờ có miếu thờ thần sông. Nếu ai đi ngang qua đây mà không cung kính, thì phát cuồng chạy vào rừng và biến thành cọp. Một hôm có một người dân trong huyện có việc đến sông Lạc, trên đường trở về gặp một người đi đường gởi phong thư và nói: “Nhà tôi ở trước Quán đình, chính chỗ tảng đá có treo sợi mây, ngài chỉ cần gõ vào dây mây, tự nhiên có người đến nhận”. Người ấy trở về, làm theo lời dặn, thì có hai người từ dưới sông lên nhận thư rồi lặn xuống nước. Lát sau trở lên nói: “Giang bá muốn gặp ông!”. Người này bất giác bước theo, ông ta thấy nơi ấy cung điện lầu gác huy hoàng tráng lệ, thức ăn thức uống thơm ngon, nói năng đối đáp giống như thế gian.
71.5.2. Đời Tần, miếu Mai Cô: Miếu này nằm bên cạnh một hồ lớn ở huyện Đan Dương. Mai Cô lúc còn sống đã biết đạo thuật, có thể mang giày đi trên mặt nước. Sau đó theo Phật pháp, người chồng nổi giận giết chết, ném xác xuống sông. Xác theo dòng trôi đến nơi có ngôi miếu hiện nay. Thầy pháp của thái thú bảo nên tẩm liệm, nhưng không cần lập phần mộ, thế là có một quan tài sơn đen đầu vuông đặt tại miếu thờ. Vào ngày mồng một có người nhìn vào thì thấy trong làn sương mù có một hình người mang giày hiện ra rõ ràng. Quanh miếu không ai được bắt cá hay săn bắn, nếu không sẽ lạc đường hoặc chìm thuyền. Thầy pháp bảo rằng vì Mai Cô đã chết một cách rất thảm thương, cho nên rất ghét thấy cảnh giết chết sinh mạng.
71.5.3. Đời Hán, miếu Trúc Vương ở Dạ Lang: Ngày xưa có một cô gái tắm gội bên bến sông, bỗng đâu có một ống tre lớn trôi tấp vào chân, cô đẩy mãi mà ống tre ấy vẫn không chịu rời, lại nghe có tiếng trẻ con khóc trong đó. Cô bèn kéo lại và mở ra xem thì thấy một bé trai; cô bế về nhà nuôi dưỡng và đặt cho họ Trúc.
Lớn lên, đứa bé trở thành một chàng trai rất giỏi võ nghệ, trở thành vua của Di Liêu. Ống tre đã chứa đứa bé ngày xưa, ném bỏ nơi đồng hoang, về sau mọc thành rừng tre xanh tốt. Có lần Trúc vương nghỉ trên tảng đá, muốn nấu canh mà không có nước, vua bèn rút kiếm đâm vào tảng đá, tự nhiên có dòng suối tuôn ra. Đến nay vẫn còn sông Trúc Vương, tảng đá bị chẻ và rừng tre.
về sau sứ nhà Hán là Đường Mông chiêu dụ và chém chết. Bộ tộc Di Liêu oán hận, họ cho Trúc vương không phải do huyết khí nuôi dưỡng, yêu cầu lập đền thờ. Thái thú Ngô Bá dâng biểu xin phong Hầu cho ba con của Trúc vương. Ngày nay vẫn còn miếu Trúc Vương Tiết.
71.5.4. Đời Hán, sinh vật lạ trong sông nước: Trong khoảng niên hiệu Trung Bình (184-189) đời Hán, trong sông có xuất hiện một con vật, gọi là Vức, còn gọi là Đoản Hồ. Vức có khả năng ngậm cát bắn vào người. Ai trúng phải, toàn thân tê liệt, đầu đau, phát sốt, nặng thì có thể chết. Các ngư dân dùng phương thuật bắt được, thì thấy có cát đá trong thịt của nó. Kinh Thi cho rằng nếu là quỉ là Vức thì không thể bắt. Nay dân gian cho đó là chất độc của khe suối sinh ra, còn các nho sĩ ngày xưa thì cho rằng ở phương nam, nam nữ tắm chung một dòng sông, phát ra dâm khí, do đấy mà sinh ra Vức.
71.5.5. Đời Hán, sông cấm ở huyện Bất Vi, Vĩnh Xương: Dòng sông này có khí độc, trong một năm chỉ vào tháng mười một và tháng mười hai mới có thể qua sông. Còn những tháng khác, nếu ai qua sông sẽ bị bệnh chết. Trong khí này có vật ác, nhưng không thấy hình, chỉ nghe như có tiếng người ném vật gì, nếu trúng cây, thì cây gãy, nếu trúng người thì người bị thương. Dân địa phương gọi là Quỉ đạn.

About namcuulong

Check Also

PUCL QUYỂN 67 – CHƯƠNG OÁN KHỔ (tt)

QUYỂN 67 Quyển này tiếp theo chương khổ. 77. CHƯƠNG OÁN KHỔ (tt) 77.6. CÁC ...

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *