Home / Pháp Uyển Châu Lâm / PUCL - Tập 5 / PUCL QUYỂN 62 – CHƯƠNG CÚNG TẾ VÀ XEM TƯỚNG

PUCL QUYỂN 62 – CHƯƠNG CÚNG TẾ VÀ XEM TƯỚNG

Nếu thường thích bố thí những vật có trong nhà, dù tốt hay xấu thì gọi là nhất thiết thí. Nếu bố thí cho người những vật quí trọng, từ các chi phần trên thân cho đến vợ con mình, thì gọi là Bất tư nghị thí”.
Luận Tỳ-bà-sa ghi: “Vì loài ngạ quỷ mà làm phúc, ngạ quỷ được ăn uống, thân chúng ta cũng tăng thêm lợi ích, như người có mùi hôi thì được thơm, người xấu trở thành đẹp”.
Kinh ưu-bà-tắc giới lại ghi: “Thức ăn uống của các loài ngạ quỷ không giống nhau, có loài ăn máu mủ, có loài ăn phân dơ. Nhưng khi được bố thí thì tất cả vật thí biến thành thức ăn ngon. Nếu loài ngạ quỷ thụ sinh vào các nơi khác, khi người thân bố thí cho họ, ngạ quỷ kia do nghiệp lực, từ xa biết được, sinh tâm vui mừng. Hoặc sinh trở lại trong nhà mình chịu các quả báo khổ đau, hoặc được hàng thân quyến bố thí, ngạ quỷ đích thân thấy được, nên sinh lòng vui mừng”.
Luận Tỳ-bà-sa ghi: “Có người cầu tiền tài một cách phi pháp, đến khi được rồi thì lại tham tiếc, không muốn cho người thân của mình, huống gì người ngoài? Vì không có tâm bố thí, nên sau khi mạng chung họ bị đọa vào loài ngạ quỷ, ở trong hầm xí dơ bẩn bên cạnh nhà mình. Những người thân của họ biết vậy rất đau khổ và nghĩ: ‘Người kia chất chứa tài vật, bản thân không dám tiêu xài, lại không bố thí cho người’. Vì đau khổ nên họ muốn mời những bà con, bạn bè, bậc tri thức, sa-môn, bà-la-môn đến để cúng dường các thức ăn uống.
Bấy giờ, ngạ quỷ thấy vật của người thân bố thí thì tưởng là của mình và nghĩ: ‘Những tài vật này do ta gom chứa, nay đem ra bố thí cho người khác’. Họ rất vụi mừng, sinh lòng kính tin ruộng phúc. Nếu sinh vào những đường khác, họ không hưởng được. Dù người chết không hưởng được phúc, nhưng người tạo phúc cho người chết sẽ được nhiều lợi ích, giống như khởi lòng từ thì mình sẽ được phúc”.
Luận Đại trí độ ghi: “Như người khởi lòng từ bi nhớ nghĩ chúng sinh, muốn họ đều được vui vẻ. Tuy chúng sinh không được vui vẻ, nhưng người nhớ nghĩ cũng được phúc rất lớn. Nếu người không gieo nhân bố thí, dù sinh lên cõi trời hay đắc thánh quả cũng vẫn bị thiếu y phục và thức ăn uống”.
Kinh ưu-bà-tắc giới ghi: “Người trì giới mà không thích bố thí, dù chứng quả A-la-hán vẫn không tránh khỏi nạn khổ đói khát. Nếu thích bố thí, tuy đọa vào loài quỷ, súc sinh cũng thường được no đủ”.
Kinh Vị tằng hữu ghi: “Có vị vua hỏi Đức Phật:
– Tiên, vương của tôi phụng thờ ngoại đạo, thường bố thí để cầu phúc của cõi Phạm thiên. Công đức như thế, tiên vương của tôi sinh vào cõi trời nào?
Đức Phật đáp:
– Tiên vương nay chịu quả báo bị đọa vào địa ngục. Vì sao? Vì tiên vương bố thí không đúng thời gian thích hợp, không gặp thiện tri thức, không có phương tiện khéo léo, cho nên dù tu tạo công đức, vẫn không tránh khỏi tội, nhưng công đức bố thí ấy vẫn không mất, đợi sau khi chịu tội xong sẽ hưởng phúc. Nên biết tội và phúc không lẫn lộn. Tiên vương có năm nghiệp ác mà phải rơi vào địa ngục: một, ngã mạn, đố kị, không luận tội nặng hay nhẹ đều xử phạt, không nhẫn nhục; hai, tham lam của cải, vật báu, phân xử không công bằng, khiến thiên hạ oán hận; ba, ham vui chơi, săn bắn, làm nhân dân khốn khổ, tổn hại sinh mạng chúng sinh; bốn, đam mê nữ sắc, được mới chán cũ, yêu thương không công bằng, dẫn đến mọi người oán hận; năm, phá giới”.
Dùng đoạn văn này để minh chứng thì biết hành vi tà vạy và tu phúc chiêu cảm thiện, ác khác nhau, quả báo khổ và vui không lẫn lộn. Lẽ nào bậc lợi căn, học nhiều, chính tín Tam bảo mà chiêu cảm quả khổ ư?
Kinh Duy Vô tam-muội ghi: “Đức Phật dạy A-nan:
– Này thiện nam! Người muốn cầu đạo tu thiền, trước hết phải dứt niệm. Người sống ở đời, sở dĩ tu hành không đắc đạo là do họ ngồi thiền mà tâm nhiều tạp niệm. Niệm này qua thì niệm kia đến, một ngày một đêm có đến tám ức bốn nghìn vạn niệm sinh khởi, niệm niệm không dừng. Khởi một niệm thiện cũng được quả báo tốt, khởi một niệm ác sẽ bị quả báo xấu, giống như vang theo tiếng, bóng theo hình. Cho nên thiện ác, tội phúc khác nhau”.
Kinh Trung A-hàm ghi: ‘Thân quyến vì người chết mà bố thí và cúng tế, nếu người ấy sinh vào loài ngạ quỷ thì hưởng được, còn sinh các đường khác thì không hưởng được. Vì mỗi loài đều có thức ăn nuôi mạng sống khác nhau. Dù người thân không sinh vào loài ngạ quỷ thì người bố thí cũng được phúc. Cho đến, người bố thí sau khi chết thụ sinh trong sáu đường, thì vật bố thí cũng thường theo người đó. Do trì giới mới được làm người, nhưng nhất định phải nhờ các phúc khác trợ giúp”.
Kinh Tùy nguyện vãng sinh ghi: “Vì người chết mà làm phúc, người chết hưởng được một phần, sáu phần còn lại thuộc về người làm phúc”.
Kinh Quán đỉnh ghi: “A-nan thưa Đức Phật:
– Nếu người qua đời được đưa vào trong núi vắng hoặc xây lăng mộ chôn cất thì linh hồn họ có ở trong đó không?
Đức Phật đáp:
– Cũng có mà cũng không. Nếu khi còn sống, người này không gieo trồng căn lành, không biết Tam bảo, không làm điều thiện để hưởng phúc, không tạo việc ác để chịu tai ương, lại không có người thân làm phúc cho họ, thì thần hồn vẫn ở trong lăng mộ, chưa có chỗ để thụ sinh. Thế nên, ta nói thần hồn ở trong đó suốt hai mươi mốt ngày. Vì sao? Vì thân trung ấm của người chết nhỏ như đứa trẻ, tội phúc chưa định, người thân nên vì họ mà tạo phúc để cầu cho thần thức người chết sinh về vô lượng cõi nước ở mười phương. Nhờ công đức này, người chết nhất định được thụ sinh. Người này lúc sống tạo nhiều nghiệp ác, lẽ ra phải rơi vào tám nạn, song nhờ công đức đốt đèn, treo tràng phan mà được thoát.
Hoặc người chết có nguyện được sinh vào nhà cha mẹ ở phương xa, nhưng thụ sinh chậm, nhờ công đức đốt đèn, treo tràng phan nên được nhanh chóng, không ngăn ngại. Khi được thụ sinh rồi, lại làm một người con phúc đức, khiến dòng tộc giàu sang, không để loài tà mị, quỷ quái có cơ hội nhiễu loạn. Cho nên phải tạo công đức phúc thiện đốt đèn, treo tràng phan. Lại nữa, trong bốn chúng có người sắp chết hay đã chết. Ngày đó, thân quyến làm lá phan màu vàng treo trên trụ cao, khiến cho người chết được phúc, xa lìa các khổ trong tám nạn, sinh vào cõi nước thanh tịnh của chư Phật trong mười phương. Treo tràng phan, bảo cái cúng dường thì sẽ đạt được như ý nguyện, cho đến thành tựu quả Bồ-đề.
Tràng phan tung bay trong gió, đến khi nát vụn như bụi. Gió thổi bụi bay khắp nơi, thì phúc đó vô lượng. Lúc lá phan mới lay chuyển thì phúc báo làm Chuyển luân thánh vương, cho đến khi gió thổi phan nát vụn như bụi bay đi thì phúc báo làm vị vua nhỏ. Lại đốt bốn mươi ngọn đèn chiếu sáng đến các nơi tối tăm, chúng sinh đau khổ đều nhờ ánh sáng này mà được thấy nhau. Do phúc này cứu giúp, tất cả chúng sinh đều chấm dứt sự đau khổ”.
Kinh Tịnh độ tam-muội ghi: “Vào những ngày bát vương, trời Đế Thích và ba mươi hai vi quan trấn giữ, Tứ trấn thiên vương, Ty mạng, Ty lục, Diêm-la đại vương, Bát vương sứ giả đi tuần khắp nơi. Cứ đến ngày mười lăm và ba mươi mỗi tháng, bốn vị thiên vương đem những việc làm thiện, ác của mọi người tâu lên để xét xử. Đồng thời, Diêm-la đại vương cũng sai các tiểu vương đi tuần tra khắp nơi, ai phạm tội thì ghi chép. Phạm tội trước ngày Bát vương trai, nếu người đó phúc nhiều thì được cứu, sẽ an ổn, không bị hại, nhờ phúc lớn nên được ân xá. Sau ngày bát vương trai, nếu tái phạm nhiều thì bớt tuổi thọ, điều chỉnh lại giờ, ngày, tháng, năm sẽ chết rồi đưa xuống địa ngục. Y theo văn thư ghi chép, địa ngục vương liền sai quỷ ngục ghi nhớ tên tuổi rồi truy tìm người đó. Quỷ ngục không có lòng từ, nên dù người chưa đến ngày chết, chúng xúi giục họ làm điều ác, khiến cho mạng sống mau hết. Người có phúc nhiều thì tuổi thọ càng tăng, được trời sai thiện thần bảo vệ, đồng thời truyền xuống địa ngục xóạ hết tội danh, miễn tử, được sống, sau khi chết được sinh lên cõi trời”.
Kinh Quán Phật tam-muội ghi: “Quỉ thần ở đồng hoang thưa Đức Phật:
– Chúng con thường ăn thịt chúng sinh, nay Ngài bảo không sát sinh thì chúng con ăn gì?
Đức Phật bảo quỷ vương:
– Chỉ cần các ngươi không giết hại chúng sinh, Ta sẽ bảo đệ tử bố thí cho các ngươi. Cho đến khi Phật pháp diệt, nhờ thần lực của Ta, các ngươi sẽ được no đủ.
Nghe xong, quỷ vương rất vui mừng, liền thụ trì năm giới cấm của Phật. Cho nên, kính Niết-bàn ghi: “Đức Phật dạy các đệ tử thanh văn, khi thụ thực, phải dùng cơm trong bát thí cho loài quỷ thần sống nơi hoang vắng”.
Luận Đại trí độ ghi: “Loài quỷ thần được người thí cho một ít thức ăn uống, thức ăn uống ấy có thể biến thành nhiều, khiến chúng được no đủ”.
Kinh Thí dụ ghi: “Đức Phật cùng A-nan đang đi dạo bên bờ sông, thấy năm trăm ngạ quỷ vừa đi vừa hát ngâm nga, lại thấy mấy trăm người thiện đi ngang qua khóc than.
A-nan liền bạch Đức Phật:

About namcuulong

Check Also

PUCL QUYỂN 67 – CHƯƠNG OÁN KHỔ (tt)

QUYỂN 67 Quyển này tiếp theo chương khổ. 77. CHƯƠNG OÁN KHỔ (tt) 77.6. CÁC ...

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *