Home / Pháp Uyển Châu Lâm / PUCL - Tập 5 / PUCL QUYỂN 61 – CHƯƠNG CHÚ THUẬT (tt)

PUCL QUYỂN 61 – CHƯƠNG CHÚ THUẬT (tt)

QUYỂN 61
Quyển này tiếp theo chương Chú thuật.
68. CHƯƠNG CHÚ THUẬT (tt)

68.8. CẢM ỨNG
68.8.1. Chú thuật nội giáo
68.8.1.1. Thích Kì Vực: Sư người Thiên Trúc, chu du khắp Hoa Nhung, không trụ một nơi cố định. Sư là bậc thần kì siêu việt, tự tại thoát tục, hành vi phi thường, người đương thời chẳng thể đoán được.
Sư rời Thiên Trúc đến Phù-nam, men theo bờ biển, lặn lội đến Giao Quảng. Sư có nhiều điểm linh dị. Lúc đến Tương Dương, sư xin đi nhờ thuyền, các thương nhân thấy vị sa-môn y phục rách rưới, nên khinh thường không cho đi. Nhưng khi thuyền buôn đến bờ bắc thì sư đã đến trước họ. Trên đường đi, sư gặp hai con hổ, nó cụp tai vẫy đuôi. Sư lấy tay xoa đầu chúng, hổ nhường lối cho sư, mọi người hai bên bờ nhìn thấy vậy nên theo sư rất đông.
Cuối thời Tấn Tuệ Đế (290-306), sư đến Lạc Dương. Các đạo nhân đều đến lễ bái, nhưng sư vẫn quì gối thản nhiên, nét mặt không chút biến đổi. Sư thường nói cho mọi người nghe về kiếp trước của họ, như nói Chi Pháp Uyên kiếp trước là loài dê, Trúc Pháp Hưng kiếp trước là loài người. Sư thường chê trách chúng tăng mặc y phục quá tốt đẹp, không đúng pháp xuất thế. Sư nhìn thấy cung điện thành quách ở Lạc Dương bèn nói:
– Nơi này tựa như cung trời Đao-lợi, nhưng cảnh thiên nhiên và con người thì không giống.
Sư nói với sa-môn Kỳ-xa-quật:
– Người thợ xây cung điện này từ trời Đao-lợi xuống, xây xọng đã trở về rồi. Dưới những miếng ngói trên nóc đều có đặt một nghìn năm trăm hình tinh linh.”
Bấy giờ, thái thú Hành Dương là Nam Dương Đằng Vĩnh Văn tạm trú trong chùa Mạn Thủy tại đất Lạc, hai chân ông ta bị co quắp không thể đi được. Sư thấy vậy bèn nói:
– Ông muốn hết bệnh chăng, sao không đi lấy bát nước sạch và một cành dương liễu đến đây!
Sư dùng cành dương nhúng nước, vẫy lên người Vĩnh Văn và chú nguyện. Làm như thế ba lần, rồi sư xoa bóp lên gối của Vĩnh Văn và bảo ông ta đứng dậy. Ngay lúc ấy, Vĩnh Văn đi lại bình thường như xưa. Trong chùa này có cây Tư Duy đã bị chết khô, sư hỏi Vĩnh Văn
– Những cây này chết bao lâu rồi?
Vĩnh Văn đáp:
– Đã nhiều năm rồi!
Sư liền chú nguyện cho cây như cách chú nguyện cho Vĩnh Văn, cây Tư Duy bỗng đâm chồi nẩy lộc phát triển xanh tươi. Trong Thượng phương thự có một người bị ung thư gần chết, sư đem bình bát đặt lên bụng người bệnh và dùng vải trắng phủ trùm, rồi chú nguyện mấy nghìn lời, liền có mùi hôi xông khắp nhà. Người bệnh nói:
– Tôi sống rồi!
Sư sai người tháo miếng vải, nhìn thấy trong bình bát có mấy thăng giống như bùn nhơ, hôi không thể tả. Nhờ thế người bệnh lành hẳn.
Khi Lạc Dương loạn lạc, sư trở về Thiên Trúc. Bấy giờ ở Lạc Dương có sa-môn Trúc Pháp Hành là vị tăng ưu tú, đại chúng nhờ Pháp Hành thưa với sư: “Ngài là bậc đã đắc đạo, xin để lại vài lời răn dạy hậu thế!”. Sư bảo nhóm họp chúng tăng. Chúng tăng nhóm họp đầy đủ, sư lên tòa thuyết kệ:
Giữ miệng, nhiếp thân ý
Chớ phạm các điều ác
Tu tập các điều lành
Như thế sẽ giải thoát.
Thuyết kệ xong, sư im lặng. Pháp Hành lại thỉnh:
– Xin ngài dạy cho những điều chưa nghe, chứ bài kệ này, đứa bé tám tuổi cũng thuộc làu, chẳng phải là điều mà chúng con mong cầu.
Sư cười nói:
– Tuy đứa bé tám tuổi thuộc làu, nhưng người trăm tuổi mà khồng thực hành được, thì tụng suông có ích gì! Mọi người chỉ biết kính bậc đắc đạo, nhưng lại không biết tu tập để chính mình đắc đạo, buồn thay! Lời ta tuy ít, nhưng nếu thực hành thì ích lợi rất lớn.
Thế là sư từ biệt. Bấy giờ có mấy trăm người thỉnh sư thụ trai, sư đều hứa khả. Sáng sớm, năm trăm tinh xá đều có sư đến. Ban đầu, họ cứ tưởng sư chỉ đến nơi của mình, nhưng khi hỏi ra mới biết sư phân thân đến khắp nơi. Lúc sư từ biệt, mọi người tiễn đến tận thành Hà Nam, sư chỉ đi từ từ mà họ chạy theo không kịp. Sư lấy tích trượng vạch lên đất nói:
– Chúng ta từ biệt tại đây!
Hôm ấy, có một người từ Trường An đến nói đã gặp sư trong một ngôi chùa nơi ấy. về sau, lại có một khách buôn tên Hồ Thấp Đăng kể lại, cùng chiều ngày hôm đó ông ta cũng gặp sư ở lưu sa. Tính ra hôm ấy sư đã đi hơn chín nghìn dặm.
Sau khi về lại Tây Vực, không biết sư viên tịch nơi nào.
68.8.1.2. Phật-đồ-trừng: Sư người Tây Vực, họ Bạch, xuất gia lúc nhỏ, giữ giới thanh tịnh, chuyên tâm tu học, tụng làu thông mấy trăm vạn lời kinh điển, hiểu rõ văn nghĩa. Tuy chưa bao giờ đọc các sách của Nho gia và kinh sử Trung Hoa, nhưng sư luận đàm với các học sĩ nước này rất phù hợp và trôi chảy, không ai khuất phục được sư.
Niên hiệu Vĩnh Gia thứ tư (310), đời Tấn Hoài đế, sư đến Lạc Dương với chí nguyện hoằng hóa Phật pháp. Sư giỏi chú thuật, có thể sai khiến quỉ thần. Sư lấy dầu mè trộn phấn sáp, xoa vào lòng bàn tay thì các việc xa ngoài ngàn dặm cũng đều hiện rõ trong đó như ở trước mắt. Sư cũng có thể khiến cho người trì trai giới thanh tịnh thấy được. Nghe tiếng linh, sư dự đoán trước những việc sắp xảy ra, tất cả đều hiệu nghiệm.
Sư muốn lập chùa ở Lạc Dương, nhưng gặp lúc giặc Lưu Diệu đang đánh phá Lạc Đài khiến cho kinh đô rối loạn. Vì thế, chí nguyện lập chùa của sư không được thành tựu. Sư bèn ẩn thân nơi hoang vắng để quán sát thế sự biến đổi.
Bấỵ giờ, Thạch Lặc đóng quân ở Cát Pha, chuyên lấy việc chém giết để làm uy, khiến các sa-môn bị hại rất nhiều. Sư thương xót chúng sinh, muốn dùng đạo lí để giáo hóa Thạch Lặc. Thế là, sư đến doanh trại của Thạch Lặc. Sư biết đại tướng Quách Hắc Lược vốn rất tôn sùng Phật pháp, nên sư thăng đến quân doanh ông ấy để giáo hóa. Quách Hắc Lược xin làm đệ tử, thụ trì năm giới cấm.
Sau đó, Hắc Lược cùng Thạch Lặc đi chinh phạt, ông luôn dự đoán được việc thắng bại, Thạch Lặc nghi ngờ liền hỏi:
– Ta không biết khanh có mưu trí xuất chúng như thế nào mà khi ra quân thường biết các việc lành dữ như thệ?
Quách Hắc Lược đáp:
– Đều là lời của một vị sa-môn trong quân doanh của hạ thần.
Thạch Lặc vui mừng liền triệu sư đến hỏi:
– Đạo Phật có gì linh nghiệm?
Sư biết Thạch Lặc không hiểu được giáo lí sâu xa, chỉ dùng chú thuật mới có thể giáo hóa, nên bảo:
– Chí đạo tuy xa, nhưng cũng có thể lấy những việc gần để chứng minh.
Nói rồi, sư liền lấy bát đựng đầy nước rồi đốt hương chú nguyện. Phút chốc, trong bát bỗng nở mọt hoa sen màu xanh, ánh sáng chiếu rực rỡ, do đó Thạch Lặc tin phục. Sư khuyên rằng:
– Phàm là bậc đế vương, lấy đức cảm hóa, thấm nhuần khắp thiên hạ thì tứ linh sẽ hiện. Chính sách trị nước hà khắc, đạo đức suy đồi, thì sao chổi sẽ xuất hiện. Những thiên tượng tốt xấu đã hiện thì lành dữ theo sau, đó là lẽ thường xưa nay, cũng là điêu răn rõ ràng của trời.

About namcuulong

Check Also

PUCL QUYỂN 67 – CHƯƠNG OÁN KHỔ (tt)

QUYỂN 67 Quyển này tiếp theo chương khổ. 77. CHƯƠNG OÁN KHỔ (tt) 77.6. CÁC ...

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *