Home / Pháp Uyển Châu Lâm / PUCL - Tập 5 / PUCL QUYỂN 60 – CHƯƠNG CHÚ THUẬT
Among these rows and rows of simple red houses lies an intellectual hotspot - the world's largest school for Tibetan Buddhism. Looming in the midst of the hillside houses, the school has caused the neighbourhood to explode in size. Photographer George Doupas stood just 200 metres away from the Tibetan Seda, in Western Sichuan, China, to capture the view of the densely populated area. SEE OUR COPY FOR DETAILS.⿨ Please byline: George Doupas/Solent News © George Doupas/Solent News & Photo Agency UK +44 (0) 2380 458800

PUCL QUYỂN 60 – CHƯƠNG CHÚ THUẬT

QUYỂN 60
Nội dung quyển này có một chương Chú thuật.
68 CHƯƠNG CHÚ THUẬT

68.1. LỜI DẪN
Công năng của chú thuật là giúp trừ tín tâm mê muội, mở ra minh tuệ chính chân; lại xé toang màng ngăn che nhiều lớp, chữa lành bệnh nặng nhiều đời. Nghiệp đã tiêu hết thì pháp ác cũng ẩn tàng. Vì thế chúng thánh mới hiển bày, thần linh đồng kính ngưỡng. Cho nên Ba-tuần vâng lãnh thần chú nơi bạch thụ, Phạm vương hiển hiện uy nghi ở Xích kì; bảy Đức Phật tuyên dương chí đạo họp thời cơ, các bồ-tát tỏ lòng thành nơi pháp hội. Dù muốn trình bày rộng, cũng khó ghi chép hết.
Đà-la-ni là âm tiếng Phạn, Trung Hoa dịch là Trì, tức giữ kĩ. Nghĩa là giữ kĩ không để mất điều thiện, giữ chặt không cho sinh điều ác. Theo đây thì thần chú bao trùm một đời giáo hóa; cho nên y theo pháp hành trì thì lập tức có linh nghiệm, hoặc nát đá đổ cây, hoặc hết đau dứt bệnh, hoặc theo tiếng mà khổ không còn, hoặc tùy âm thanh mà sự việc hiện, hoặc triệu tập quỉ thần, hoặc chế ngự rồng dữ, hoặc giăng mây kín mà tuôn mưa, hoặc kêu gọi chư thần mà điềm lành hiện, cảm ứng thật vô cùng; việc ấy đã có từ lâu xa vậy.
68.2. SÁM HỐI
* Lời bàn
Thần chú là do các Đức Phật trong ba đời tuyên thuyết, nếu hết lòng thụ trì thì đều rất linh nghiệm. Gần đây, tôi thấy tăng tục tuy có tụng trì, nhưng không công hiệu. Đó là do bản thân không chí thành, lại đổ lỗi là chú không linh nghiệm. Hoặc có khi văn tự sai lầm, âm vận lệch lạc; hoặc do ăn thịt uống rượu, hoặc dùng các thứ cay nồng, hoặc nhà cửa ô uế, hoặc miệng xen lời thế tục, hoặc áo quần không sạch sẽ, hoặc nơi chốn không trang nghiêm, khiến quỉ thần có cơ hội quấy phá, lại phải chịu tai ương.
Nếu muốn sám hối, trước tiên phải lập đạo tràng, treo cờ phướn, lọng tàn bằng lụa quí, đốt các thứ danh hương, bốn cửa đạo tràng phải bảo vệ nghiêm, ngăn cấm người vào. Mỗi khi vào đạo tràng phải tắm rửa sach sẽ, miệng thường ngậm hòa hương, thiết tha chí thành tự trách thân mình, hổ thẹn sám hối trước các bâc hiền thánh trong mười phương, kế đó là tất cả chúng sinh trong bốn loại sáu đường. Niệm niệm nối nhau, không sát-na biếng trễ. Được như vậy, tụng trì thần chú nhất định .sẽ linh nghiệm.
Kinh Bồ-tát thiện giới ghi: “Vì muốn phá dẹp các điều ác cho chúng sinh, nên các bồ-tát thụ trì thần chú, đọc tụng thông thuộc. Vì chú thuật, nên không được phạm năm việc: ăn thịt, uống rượu, ăn năm thứ cay nồng, không dâm dục, không thụ thực trong nhà bất tịnh. Nếu bồ-tát không phạm năm điều này, sẽ làm cho vô lượng chúng sinh được lợi ích lớn, phá dẹp được các quỉ thần ác độc, trị lành được các căn bệnh nguy hiểm”.
Thần chú Thiên Chuyển Đà-la-ni do Đức Phật Thích-ca Mâu-ni tuyên thuyết:
Thần chú này, xưa nay rất thịnh hành ở Tây Vực, đến niên hiệu Đại Nghiệp (605-617), đời Tùy, tam tạng cấp-đa thuộc trung tâm dịch kinh ở Lạc Dương mới dịch âm chú này sang Hán ngữ, bấy giờ pháp sư Thích Ngạn Tông và học sĩ Tuệ Khiển làm dịch chủ.
Bài thần chú này vừa được dịch xong, không bao lâu đã lưu truyền khắp Trung Hoa. Bấy giờ luật sư Huyền Uyển chùa Diên Hưng, pháp sư Tĩnh Lâm chùa Hoằng Pháp tại Trường An, đều là những bậc đạo sáng khắp thiên hạ, đức trùm các danh hiền, đã sớm cho lưu thông thần chú này, giúp chúng sinh tẩy sạch lỗi lầm. Các ngài lập đạo tràng trong biệt viện, cứ đầu xuân, các giới tử thụ sa-di và các tăng tục khác nối nhau trì tụng chú này không gián đoạn, linh tướng nhiều lần xuất hiện. Từ đó đến nay đã hơn năm mươi năm, theo thời gian bài chú này cũng dần dần bị lãng quên.
Sợ người học đời sau không biết xuất xứ và lưu truyền của bài này cho nên tôi mới trình bày thêm. Nhưng trong các kinh thuộc Đại tập và Đà-la-ni tập mười quyển có rất nhiều bài chú, ở đây không phiền ghi chép, mà chỉ nêu ra những gì cần thiết cho việc hợp thời độ sinh. Mục đích chính là diệt tội trừ chướng thì nêu ra hơn bốn mươi bài; còn các tạp thuật như trị bệnh, cứu nghèo, hộ sinh, kéo dài tuổi thọ thì nêu ra hơn hai mươi bài. Có những bài thần chú, tại Trung Hoa không có, chỉ có bản Phạn ở Tây Vức thì Tam tạng khẩu truyền, ở đây cũng lược ghi năm ba bài cần dùng để lưu hành ở đời, chứ không chép hết, mong mọi người xem trong Đại bản.
Phật thuyết thần chú: Nam mô át la đát na đát ra da dạ, nam ma a la da a phệ lô cát để thấp phệ ra dạ, bồ đề tát đả bà da, ma ha tát đỏa bà da, ma ha ca lô ni ca da, đát đà thệ duệ thệ duệ thệ da bà hê nễ thệ du đát lệ, ca ra ca ra, ma ra ma ra, đá ra đá ra, già ra già ra, bát ra già ra bát ra già ra, khí noa khí noa, tát bà yết ma phệ ra noa, nễ mê bà già phệ để tố ha, tát ra phệ ra để, tát bà bột đà, phệ lô cát để chiếc sô thuật lô, đát ra yết ra noa thật cáp bà ca dạ, mạt nô tỉ xà dạ na, tỉ thâu đạt nễ, tố lỗ tố lỗ, bát ra bát ra, tố lỗ tố lỗ, tát bà bột đà, át địa sắt sỉ na táp bà ha, đạt ma đà thạch yết lị tì táp bà ha, a la ba bà, táp ba bà bà, tát bà đạt ma bà bồ đạt nễ táp bà ha.
Thần chú này có công năng diệt tận nghiệp chướng chất chồng trong nghìn kiếp, đạt được căn lành của nghìn Phật gom nhóm, xa lìa sinh lão bệnh tử trong nghìn kiếp lưu chuyển, khi sinh qua đời sau, sẽ gặp một nghìn Chuyển luân vương. Nếu muốn sinh về cõi Phật thanh tịnh thì mỗi ngày ba thời, đêm ba thời, mỗi thời tụng hai mươi mốt biến. Đến ngày hai mươi mốt, sẽ đạt được ý nguyện. Nếu thấy được hình tượng Phật và bồ-tát thân màu vàng ròng, thì đó là tướng đầu tiên, mạng chung sẽ sinh vào hội Bồ-tát Đại tập.
68.3. A-DI-ĐÀ BỘ
Trong bài chú A-di-đà, nếu chữ nào có bộ Khẩu một bên thì đọc theo chính âm Phạn, nếu không có chữ Khẩu thì đọc theo âm Hán, nhưng vẫn cần thầy truyền thụ, thanh vận hợp tiếng Phạn, nặng nhẹ đúng phép tắc. Nếu hành trì đúng như vậy, nhất định có linh nghiệm.
Thần chú: Nam mô bồ đà dạ, nam mô đà ra ma dạ, nam mô tăng già dạ, nam mô a mi đa bà dạ, đa tha già đa dạ, a ra ha để tam miêu tam bồ đà dạ, đa diệt tha, a mi lị đê, a mi lị đô bà tì, a mi lị đa tam bà tì, a mi lị đa tị ca lan để, già mi nị, già già na, kê lị để ca rị ta ra, bà bà ba bả, xoa diễm ca rị, ta bà ha.
Bài thần chú này đã lưu truyền từ xưa, công năng và lợi ích thật không thể nói hết. Cứ mỗi sáng sớm, sau khi súc miệng đánh răng, thì đến trước tượng Phật rải hoa, đốt hưomg, quì gối chắp tay tụng bảy biến, hoặc mười bốn hay hai mươi mốt biến thì diệt được bốn tội trọng, năm tội nghịch, hiện đời không gặp tai họa, sau khi mạng chung, sẽ sinh về cõi Vô Lượng Thọ.
Thần chú này cũng có công năng chuyển thân nữ thành thân nam. Nay xem trong bản Phạn, đồng thời hỏi các bà-la-môn chân chính và chư tăng, thì biết uy lực chú này không thể nghĩ bàn. Vào mỗi sáng trưa và tối, mỗi thời tụng một trăm biến thì sẽ diệt được bốn tội trọng, năm tội nghịch, nhổ sạch gốc tội, sinh về Tây phương. Nếu siêng năng tụng trì trọn vẹn hai mươi vạn biến, thì mầm bồ-đề phát sinh, không còn lui sụt. Nếu tụng xong ba mươi vạn biến thì sẽ tận mặt thấy Đức Phật A-di-đà, nhất định sinh về cõi an lạc ở phương tây. Cho nên Đà-la-ni tạp tập kinh ghi: “Thế Tôn bảo các tì-kheo:
– Hôm nay Ta nói cho các ông biết rằng, hiện có Đức Phật A-di-đà ở cõi An Lạc phương tây. Nếu ai chân thật thụ trì danh hiệu Ngài, thì Ngài và đại chúng sẽ hiện đến để người ấy thấy rõ. Sau khi thấy, người ấy vui mừng, công đức tăng thêm. Do đó không gá thân vào bào thai uế dục, mà tự nhiên hóa sinh trong hoa sen báu vi diệu thanh tịnh, có đại thần thông. Hằng sa chư Phật trong mười phương đồng ca ngợi cõi an lạc có Phật pháp chẳng thể nghĩ bàn; thần thông biến hóa, các pháp phương tiện chẳng thể nghĩ bàn. Nếu có người tin việc này, thì người này cũng chẳng thể nghĩ bàn, có được nghiệp báo chẳng thể nghĩ bàn. Quốc độ ấy tên là Thanh Thái, cung thành mà thánh vương nước này an trú, ngang dọc đều mười nghìn do-tuần, trong đó toàn là những người thuộc dòng sát-lợi. Cha của đức A-di-đà là Chuyển luân vương Nguyệt Thượng, mẹ ngài tên là Thù Thắng Diệu Nhan, con ngài tên là Nguyệt Minh, đệ tử thị giả tên là Vô Cấu Xưng, đệ tử trí tuệ tên là Tuệ Quang, đệ tử thần túc tên là Đại Hóa, ma vương tên là Vô Thắng, kẻ như Đề-bà-đạt-đa tên Thắng Tịch.
Đức A-di-đà có sáu vạn đại tì-kheo đệ tử. Nếu ai thụ trì danh hiệu của Ngài, tâm luôn bền vững, nhớ nghĩ không quên, trong vòng mười ngày đêm, lòng không loạn động, lại siêng năng tu tập Niệm Phật tam-muội, thụ trì đọc tụng cổ Âm Thanh Vương đà-la-ni, cũng trong mười ngày đêm, sáu thời chuyên niệm, cung kính đỉnh lễ đức A-di-đà, kiên tâm chính ý, không còn loạn động, niệm niệm nối nhau không gián đoạn, thì trong khoảng thời gian ấy nhất định thấy được Đức Phật A-di-đà, các đức Như Lai và trụ xứ của các Ngài trong khắp thế giới mười phương. Chỉ trừ những người độn căn chướng nặng, tạm thời hôm nay không thấy, người này nên hồi hướng tất cả căn lành, nguyện sinh về cõi an lạc phương tây. Như vậy lúc sắp lìa đời, Đức Phật A-di-đà và thánh chúng hiện đến trước người ấy, thăm hỏi an ủi, khen ngợi. Bấy giờ tâm ý người này vô cùng vui mừng, tăng thêm công đức, do đó tùy nguyện liền được vãng sinh.

About namcuulong

Check Also

PUCL QUYỂN 67 – CHƯƠNG OÁN KHỔ (tt)

QUYỂN 67 Quyển này tiếp theo chương khổ. 77. CHƯƠNG OÁN KHỔ (tt) 77.6. CÁC ...

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *