Home / Pháp Uyển Châu Lâm / PUCL - Tập 4 / PUCL QUYỂN 55 – CHƯƠNG PHÁ TÀ

PUCL QUYỂN 55 – CHƯƠNG PHÁ TÀ

dốc hết châu báu tặng cho những vương công, quí tộc để gửi gắm chí hướng, mong hưng khởi Đạo giáo.
Tế Vũ đế bị mê hoặc, cho nên vào tháng chín niên hiệu Thiên Bảo thứ sáu (555), Tề đế hạ chiếu triệu tập mười người, gồm sa-môn và các đạo sĩ thông đạt thi đấu, đồng thời đích thân dự khán. Bấy giờ các đạo sĩ tụng chú, làm cho y bát của sa-môn lúc bay lên, lúc chuyển động, lại khiến các cây gỗ hoặc nằm ngang, hoặc thẳng đứng. Các sa-môn không học chú thuật, nên im lặng, hoàn toàn không đấu lại được. Các nam nữ reo hò, hàng quí tiện tán thưởng, cho môn đồ của Lục Tu Tĩnh thắng sa-môn. Thế là các đạo sĩ vô cùng vui mừng, kẻ thì nhảy vọt lên, người thì đứng tựa, kẻ ngước nhìn trời mây, lớn tiếng luận bàn, kiêu căng tự đại, khoa trương đạo thuật. Có kẻ còn nói: “Khéo léo vận dụng thần thông, chế ngự và phá dẹp, sa-môn hiện một thì ta biến hai. Các ngươi có thể thấy đó, nay chúng ta mới thi triển chút đạo thuật mà họ đã thua rồi”
Vũ đế lại bảo sa-môn Đại thống Pháp Thượng đấu với đạo sĩ Lục Tu Tĩnh. Pháp sư nói:
– Phương thuật là món rất tầm thường, hàng Nho gia tục sĩ còn cảm thấy thẹn khi thi triển, huống gì là người xuất gia. Nhưng mệnh vua khó từ, có thể không lên tiếng sao? Nay có thể bảo một vị thấp nhất trong tăng ra thi đấu.
Bấy giờ có một vị tăng tên là Phật Tuấn, tự là Đàm Hiển, không biết người xứ nào, đến đi vô định ăn uống đồng thế tục, nói năng buông thả, nhưng rất thông minh, trí lượng sâu rộng. Pháp Thượng biết được, nên thầm kết giao. Bấy giờ các danh tăng đã nhóm họp đông đủ, Đàm Hiển đang ở cuối pháp hội, uống rượu say mèm, ngồi lắc lư nghiêng ngả. Vị quan phụ trách việc này không dám gọi lên, mà trình bày sự việc cho ngài Pháp Thượng biết. Ngài Pháp Thượng bảo:
– Đạo sĩ dùng rượu cúng tế là phép tắc thường của Đạo gia, chỉ có vị tăng uống rượu này mới có thể nói chuyện với họ được. Ngài có thể dìu vị ấy lên đây.
Mọi người nghe thế vô cùng sợ hãi, nhưng ngài Pháp Thượng uy quyền rất lớn, không ai dám can ngăn, bèn cử hai người dìu đỡ Đàm Hiển lên tòa cao. Sau khi lên tòa cao, Đàm Hiển mỉm cười nói:
– Ta muốn uống cho thật say! Vừa rồi ta nghe trong hội này có người nói: ‘Sa-môn hiện một thì ta biến hai.’, là nói thật hay nói chơi vậy?
Có đạo sĩ đáp:
– Là thật!
Đàm Hiển liền đứng co một chân rồi nói:
Ta đã hiển một rồi, huynh có thể biến hai đi! Không thấy ai đáp, Đàm Hiển liền nói:
– Vừa rồi các vị đọc chú khiến cho y bát của tăng bay lên cao, đó là ta cố ý mở đường để thử đạo thuật các vị mà thôi!’
Nói xong, Đàm Hiển bảo lấy y bát của thiền sư Trù cho các đạo sĩ trì chú. Các đạo sĩ cùng lúc phấn chấn trì tụng, nhưng hoàn toàn không lay động. Đế liền bảo người đến lấy y, nhưng dù mười người vẫn không thể nâng lên được. Đàm Hiển lại bảo lấy y đặt trên các cây gỗ rồi các đạo sĩ trì chú, nhưng vẫn không chút linh nghiệm. Các đạo sĩ nhìn nhau hết kế, nhưng vẫn cho ngôn luận của mình là hơn, nên mới nói:
– Phật gia tự cho giáo pháp của mình là nội, nội thì nhỏ, cho đạo gia của ta là ngoại, ngoại thì lớn.
Đàm Hiển lập tức đáp:
– Nếu thế, thiên tử tại nội, các quan tại ngoại; vậy thiên tử nhất định nhỏ hơn các quan rồi!
Lục Tu Tĩnh cùng môn đồ ngậm miệng, không nói được lời nào. Vũ đế tận mắt chứng kiến đúng sai, tà chính, liền hạ chiếu:
– Pháp môn không thể hai, Chân tông chỉ có một; cầu chính đạo lấy vắng lặng, đạm bạc làm gốc. Tế tửu là đạo hư vọng trong đời, người trần tục chưa tinh ngộ mới tôn sùng; bởi lấy rượu làm vị, thì sao có thể thanh tịnh rỗng rang! Dùng thịt khô cúng tế, thật vĩnh viễn xa cách lòng từ bi. Như vậy, trên thì khác với nghĩa thờ phụng của thánh nhân, dưới thì trái với phép tắc cúng tế. Do đó nên cấm tuyệt, không cho tin kính, phụng thờ. Nay ban sắc chỉ đến khắp nơi cho mọi người đều nghe biết.
Lại ban lịnh, nếu đạo sĩ nào qui phục, thì giao cho Chiêu huyền Đại thống Pháp Thượng độ xuất gia, người chưa phát tâm thì cho cạo tóc. Ngày hôm ấy chém đầu rất nhiều đạo sĩ. Người tự cho mình là thần tiên thì bảo lên đài Tam Tước bay đi xa, nhưng tất cả đều rơi xuống đất tan xương nát thịt. Từ đó nước Tề sạch bóng tà đạo, đến nỗi cả nước không có hai đạo, đến đầu đời Tùy mới dần dần trỗi dậy, nhưng đến hôm nay, vùng Đông Xuyên đạo ấy vẫn còn suy vi, không đáng đề cập.
Đến niên hiệu Trinh Quán hai mươi (646), Lưu Thiệu Lược và vợ Vương thị là tù nhân tại Cát châu có được bức Ngũ nhạc chân tiên đồ và mười bốn trang kinh Tam hoàng do đạo sĩ Bảo Tĩnh soạn. Trong đó có nói: “Hễ chư hầu có được bản kinh này thì sẽ làm hoàng đế, đại phu có được kinh này thì sẽ được làm cha mẹ của dân, thứ dân có được kinh này tiền tài tụ hội, người nữ có được kinh này nhất định sẽ làm hoàng hậu. Bấy giờ quan coi về hình pháp Cát châu là Tham quân Cát Biện. Một hôm khám xét nơi nằm của tù nhân thì thấy các vật này trong giỏ quần áo của Vương thị, bèn tra hỏi Thiệu Lược…, Lược đáp: “Nhận được từ một đạo sĩ”. Các quan cho đó là đồ sấm, bèn niêm phong chuyển gấp về kinh, trao cho quan Trung thư sảnh, tâu lên hoàng đế. Đế ban sắc cho Trung thư sảnh tra xét. Bây giờ Triều nghị lang Hình bộ lang trung Kỉ Hoài Nghiệp… triệu tập các đạo sĩ Trương Tuệ Nguyên của Thanh Đô quán, đạo sĩ Thành Vũ Anh của Tây Hoa quán tại kinh đô… để tra xét.
Tất cả đều nói:
– Những bản này là do đạo sĩ Bảo Tĩnh ngày xưa tạo, vọng cho là sách bí mật, chứ không phải chúng tôi soạn ra._Vua bèn cho thiêu hủy.
Lại nói về ruộng đất đã chu cấp cho đạo sĩ, các quan tâu:
– Như Phật giáo, căn cứ theo nội luật, khi tăng ni đã thụ giới, thì mỗi người được hưởng lộc ba mươi mẫu ruộng. Nay các đạo sĩ nam, đạo sĩ nữ căn cứ theo kinh Tam hoàng mà thụ Thượng thanh, Hạ thanh, như giới của tăng ni, nên cũng cấp cho bổng lộc ba mươi mẫu. Nay kinh ấy đã bị phế bỏ, đạo sĩ nam, đạo sĩ nữ không còn giới pháp, thì không nên nhận bổng lộc này. Xin bệ hạ phế bỏ như phế kinh.
Các đạo sĩ ở kinh thành rất sợ bị tước bổng lộc này, nên nhờ quan tâu xin dùng Đạo đức kinh của Lão Tử thay vào chỗ ấy. Nên ngày mười lăm tháng năm vua ban sắc, Thị lang Thôi Nhân Sư tuyên đọc:
– Văn tự kinh Tam hoàng đã không còn truyền, những ngôn ngữ tà vọng cũng đều dẹp bỏ, nên nay Đạo đức kinh của Lão Tử thay vào. Nếu các đạo quán, bá tính nhân dân trong thiên hạ mà có những bài văn này, thì phải giao cho quan thiêu hủy.
Mùa đông năm ấy quan các châu vào kinh triều kiến, sưu tầm được kinh văn này, đều gom đến trước đại sảnh Thượng thư bộ Lễ thiêu cháy. Cho nên biết, đời đời xuyên tạc, lắm kẻ ngông cuồng; người người ngụy tạo, số quyển cũng không ít. Kẻ không biết đều cho là lời của bậc thánh.
* Thích Đạo Dung người Lâm Lự, quận Hấp sống vào thời Tấn. Sư xuất gia năm mười hai tuổi. Lúc mới gặp, vị thầy mến sư diện mạo sáng sủa, có thần khí, nên bảo học ngoại điển trước. Hai thầy trò vào thôn mượn một quyển Luận ngữ, sư đọc luôn tại chồ mà không mang vế. Đọc xong, vị thầy cầm sách dò lại, sư đọc thuộc lòng, không sai một chữ. Vị thầy vô cùng kinh ngạc và rất thán phục, bèn cho sư tự ý du phương tham học.
Đến haỉ mươi tuổi, tài năng và sự hiểu biết càng siêu phàm, tất cả kinh sách nội ngoại đều ngầm chứa trong lòng. Chúa Dao Hưng nói: “Hôm qua vừa gặp Dung công, đây là một Thích tử thông minh kì đặc”. Liền hạ chiếu thỉnh sư vào vườn Tiêu Dao tham dự dịch trường của ngài La-thập.
Bấy giờ có một bà-la-môn nước Sư Tử thông minh, học rộng, biện thuyết giỏi, đã đọc hết kinh sách thế tục của Tây Vực, là tôn sư của các ngoại đạo nước ấy. Bà-la-môn này nghe ngài La-thập hoàng dương Phật pháp sâu rộng tại Quan Trung, ông ta nói với môn đồ:
– Đâu thể để cho giáo pháp của Thích tử độc truyền Trung Hoa, còn giáo pháp của ta lại không thể thấm ướt Đông quốc!
Thế là thầy trò bà-la-môn cưỡi lạc đà, mang kinh sách vượt đường đến Trường An. Dao Hưng thấy diện mạo ba-la-môn có vẻ thông minh, luận bàn trôi chảy, nên cũng rất ưa thích.
Bà-la-môn tâu:
– Chí đạo thật vô cùng, mỗi người tôn kính đạo của mình. Nay xin bệ hạ cho phép được đấu tài luận biện với các vị tăng nước Tần. Hễ ai thắng thì đươc truyền bá giáo pháp của đạo mình._ Dao Hưng liền châp nhận.

About namcuulong

Check Also

PUCL QUYỂN 51 – CHƯƠNG BẠN TỐT, BẠN XẤU, TRỌN BẠN

QUYỂN 51 Quyển này gồm ba chương: Bạn tốt, Bạn xấu, Chọn bạn. 53. CHƯƠNG ...

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *