Home / Pháp Uyển Châu Lâm / PUCL - Tập 4 / PUCL QUYỂN 55 – CHƯƠNG PHÁ TÀ

PUCL QUYỂN 55 – CHƯƠNG PHÁ TÀ

– Tiên đạo có pháp Linh bảo, còn đạo này thì thế nào?”
– về Linh bảo: một, không có giòng họ để y cứ; hai, không có nơi chốn thành đạo; giáo xuất phát từ hang núi, con người không hay biết, chỉ là lời xằng bậỵ của những kẻ ẩn cư, không phải do thánh nhân chế định.
Nghe Khám Trạch đáp như vậy, Tôn Quyền rất khen ngợi.
Hiệu Thiên Tôn vốn xuất từ kinh Phật, mà các đạo sĩ trộm dấu vết của bậc Thánh ta đưa vào sách của mình. Bởi xem trong năm kinh và chính sử, từ đời Tam hoàng đến nay không thấy nói đến việc có một Thiên Tôn khác trụ trên cõi trời, chỉ nói Chu Công, Khổng Tử chế định Lễ, san định Thi. Cho nên trong Ngũ điển tam phần không thấy danh xưng Đại la thiên, từ các đế vương xưa cũng không nghe nói tế trời đất, cũng không có nói kẻ cầm ngọc chương, mặc áo vàng, xỏa tóc trắng, đội mũ vàng, gọi riêng là Thiên Tôn ngồi trong điện Cửu Hoa, độc xưng là Đại đạo, thống lãnh cung Thất Anh. Dầu có Đạo giáo luận về Thiên Tôn, chư tử bàn đến Linh Bảo thì cũng là lời vô căn cứ, không đáng tin cậy, là sách dân gian tầm thường không liên quan đến quốc sử. Hơn nữa phép tắc thụ trai chế định phải sắm sửa, bày biện nhiều vàng bạc lụa là; tất cả đều là do ba người họ Trương ngụy tạo, Tu Tĩnh vọng bày mà thồi; bài xích ngăn chặn, như trong Lâm luận đã thuật rõ.
Lại nữa, danh từ Đạo sĩ trong Lão giáo vốn không có, tên Hà Thượng các Nho gia cũng chưa bàn. Vì sao? Vì như Dao Thư ghi: “Khởi đầu từ Hán Ngụy cho đến Phù Dao, đều gọi chúng tăng là đạo sĩ, đến triều Thái Vũ đế thời Bắc Ngụy, đạo sĩ Khấu Khiêm Chi mới trộm dùng danh từ đạo sĩ, tự ý thay thế danh xưng Tế tửu”. Như vậy đâu phải Tuệ Lâm ức đoán mà sử sách đã ghi chép rõ ràng. Các sách như Văn Đế truyện và Phiên nhạc Quan Trung kỉ trong Hán Thư của Ban cố; Cao Sĩ truyện và Phỏng phụ lão truyện của Hoàng Phủ Dật ở Kê Khang đều không có đề cập đến việc Hà Thượng công kết cỏ làm am, hiện thần biến. Tất cả đều sai lầm, không hợp kinh điển, hư cấu, dối tạo mà thành chứ nào thật có.
Đương kim chúa thượng lâm triều cung kính hỏi đạo, không những đã thân gần hoàng thân, mà còn giúp cho bá tính sáng tỏ phép tắc. Thật đã dẹp được thuật xấu của ba người họ Trương, lại xiển dương diệu lí trong năm nghìn lời.
Vào năm Vĩnh Bình mười bốn (71) đời Hán Minh đế, sáu trăm chín mươi đạo sĩ như Tự Thiện Tín… nghe nói Phật giáo truyền vào Lạc Dương, bèn thỉnh cầu được so tài. Bọn họ gom tất cả ba mươi bảy bộ, gồm bảy trăm bốn mươi bốn quyển kinh sách của Đạo gia, thật ra trong đó chỉ có năm mươi chín quyển thuộc Đạo kinh, hơn hai trăm ba mươi lăm quyển của Bách gia chư tử.
Thần tiên truyện của Cát Hồng đời Tấn ghi: “Lão giáo có chín trăm ba mươi quyển sách nói pháp tiêu tai cứu thế, bảy mươi quyển nói về phù chú, tất cả là một nghìn quyển”. Niên hiệu Thái Thỉ thứ bảy (471) đời Lưu Tống, đạo sĩ Lục Tu Tình đáp Minh đế: “Những kinh thư, sách nói về thuốc bệnh, phù chú, đồ sấm tổng cộng có một nghìn hai trăm hai mươi tám quyển. Trong đó, một nghìn chín mươi quyển đang lưu hành ở đời, và một trăm ba mươi tám quyển còn giữ tại Thiên cung”. Lại nữa Huyền đô kinh mục nói có sáu nghìn ba trăm sáu mươi quyển, nhưng căn cứ theo lời Lục Tu Tĩnh đời Tống thì thấy hai nghìn bốn mươi quyển có nguyên gốc, còn bốn nghìn ba trăm hai mươi ba quyển thì chưa từng thấy. Theo đây thì biết rõ sự tình, nguyên nhân trá ngụy đã lộ rõ nơi quốc sử.
Vậy nếu theo lời của Tiêu Ôn, thì Đạo gia chỉ có Đạo đức kinh, nếu theo sự tính toán của Hán đế thì có hơn bảy trăm quyển, nếu theo Thần tiên truyện của Cát Hồng thì có một nghìn quyển, theo lời Lục Tu Tĩnh tâu thì hơn trước chín mươi quyển, còn theo Huyền đô kinh mục thì rất nhiều. Trước sau bất nhất như vậy thì biết rõ là hư vọng. Đó là do tăng số quyển, thêm thiên chương, trộm kinh Phật, thay đổi đầu đuôi rồi cho là danh sơn tự hiện, hoặc nói hang động bay đi. Vậy sao chỉ có Hoàng lãnh tự hay, bậc anh hiền không biết; sử sách chẳng ghi, kinh điển chẳng chép ?
Xin hỏi các đạo sĩ ngày nay kiểm định xem, những kinh sách xuất hiện sau này là do Lão Tử nói riêng hay do Thiên Tôn thuật lại? Dẫu có thuyết thì cũng phải có thời gian, nơi chốn thầy trò luận thuyết chứ? Vậy đó là thời nào, tại nước nào, năm nào, tháng nào? Nếu có căn cứ thì cho phép lưu hành, nếu vọng ngôn theo lẽ nên đốt bỏ.
Ngày nay triều đại hiền minh trị thế, thống lãnh trăm vương, Thánh thượng ngự tại tiền điện, đúng là thời vận nghìn năm có một. Đó là muốn truyền rộng năm giáo , nên dẹp tận sách yêu tà; thuật lại chín trù mà hoàng dương lời dạy về đạo trị thế. Thần đâu dám mượn lân-chương quí tiện để can ngăn Thánh thượng, dùng lộc-mã hơn kém để khuyên gián triều thần. Chỉ vì chẳng rõ đạo Hoàng Cân lẫn lộn chân ngụy, chỉ thấy đạo sĩ mà chẳng phân biệt đúng sai, vì thế mới mượn ví dụ người Tần giống tướng mạo, Lỗ tục đồng hình dung để luận bàn mà thôi. Mong giang sơn như long mã, vận nước vút bay cao, nếu không như vậy thần chịu trách phạt, chứ biết làm sao?
62.3.4. Yêu hoặc làm loạn chúng
Trộm nghe : tiếng hòa thì âm vang thuận, hình thẳng thì bóng ngay, chưa thấy việc dùi cây lấy lửa mà được băng, trồng hạt dưa mà mọc lên cây đậu. Cho nên Tô Tần, Trương Nghi tham kiến Quỉ Cốc, khởi đầu Cốc dạy sự trá ngụy; Nhan Hồi, Mần Tổn gặp Khổng Tử, trước tiên Tử nêu lên đức hạnh. Cho nên biết học Hai thiên thì đạt đến vô vi nhiệm mầu, làm theo họ Trương thì mưu đồ khởi đầu cho mầm loạn. Vì sao? Vì vào thời Thuận đế nhà Hậu Hán, Trương Lăng người đất Bái sang nước Thục, nghe các người già truyền rằng: “Ngày xưa Hán Cao tổ ứng theo hai mươi bốn khí mà cúng tế hai mươi bốn đàn, do đó được làm vua thiên hạ”. Trương Lăng nghe vậy, không xét đức hạnh của mình, vội tính kế, giết trâu cúng tế hai mươi bốn nơi, lập thổ đàn, dựng nhà tranh, gọi là hai mươi bốn trị. Trị quán bắt đầu hưng khởi từ đây. Hai mươi ba nơi tại đất Thục, một nơi tại Hàm Dương gọi là Doãn Hỉ. Từ đó Trương Lăng dối trá dụ dỗ nhân dân, tụ tập hung đảng, thu tô thuế, lúa gạo, mưu đồ tạo phản. Nhưng Trương Lăng bị rắn cắn, không thể thực hiện mưu đồ; cháu Trương Lăng là Trương Lỗ cũng hành theo đạo thuật ấy, rồi tự xưng là Sư Quân, từ đây hoạn loạn phát khởi. Sau đó bị Tào Tháo diệt. Đến niên hiệu Trung Bình thứ nhất (184), Trương Giác người Cự Lộc tự xưng là Hoàng Thiên Bộ Sư, dưới trướng có ba mươi sáu tướng, hơn mười vạn quân, tất cả đều chít khăn vàng, hưởng ứng Trương Lỗ từ xa, đốt phá Nghiệp Đô, triều đình phải sai Phủ doãn Hà Nam là Hà Tiên đem quân đánh dẹp.
Niên hiệu Hàm Ninh thứ hai (276) triều Tấn Vũ đế, đạo sĩ Trần Thụy dùng tà đạo mê hoặc nhân dân, tự xưng là Thiên Sư, tụ tập đồ chúng đến mấy nghìn, hoạt động nhiều năm tháng, sau bị Thứ sử ích châu trừ dẹp. Lại niên hiệu Thái Hòa thứ nhất (366) đời Tấn Văn đế, một đạo sĩ ở Bành Thành là Lư Tung tự xưng là Đại Đạo Tế Tửu, dùng tà thuật mê hoặc nhân dân, tụ tập đồ đảng, sáng sớm đánh phá Quảng Hán môn, nói là nghinh đón Hải Tây công. Bây giờ trong cung, Hoàn Bí… biết được đem quân giao chiến, Lư Tung bị tiêu diệt.
Vào niên hiệu Đại Đồng thứ năm (539) thời Lương Vũ đế, đạo sĩ Viên Căn dùng lời yêu tà mê hoặc mọi người, hành theo pháp cấm bộ, bị quan quân bắt, liền bị tiêu diệt. Niên hiệu Khai Hoàng thứ mười (590) đời Tùy Văn đế, tại huyện Xương Long, Miên châu có đạo sĩ Bồ Đồng với hai đồng nam phụ tá ở Băng Khê quán tự xưng đã đắc thánh, lừa dối nhân dân. Họ xếp chồng các giường nằm lên đến mái nhà, lên ngồi trên đó và nói:
– Đây là mười lăm đồng nữ mới lãnh thụ được pháp này.
Sau đó bảo các cô gái lên giường, dùng màn vây quanh, rôi cùng gian dâm, trải qua nhiêu ngày, sự việc bại lộ, các đạo sĩ liền bỏ trốn. Niên hiệu Khai Hoàng mười tám (598), đạo sĩ Hàn Lãng ở ích châu, Hoàng Nho Lâm ở Miên châu mê hoặc Thục vương làm việc phản nghịch, nên nói: “Muốn lập việc lớn nên nhờ vào thắng duyên”. Thế là chúng xúi Thục vương dốc hết kho lẫm tạo một tượng Lão Tử nghìn thước, trai hội cúng cho một nghìn người, vẽ hình vua trước, với dáng trói đầu và tay, rồi dùng thần chú yểm vào. Bấy giờ Hà Bắc công Triệu Trọng Khanh kiểm xét, biết được sự thật bèn, bắt tống vào kinh tra xét, chúng đều cúi đầu nhận tội, và bị hành hình tại chợ.
Niên hiệu Vũ Đức thứ ba (623) triều Đại Đường, tại huyện Xương Long, Miên châu, một người dân tên là Lí Vọng trước kia theo Hoàng Lão, thường làm chuyện yêu tà. Vào niên hiệu Đại Nghiệp cuối cùng (617), đạo sĩ Bồ Tử Chân hiểu chút đạo thuật, bị bắt dẫn đến Đông kinh, nhưng đến Lạc Dương thì qua đời, và được chôn tại nơi ấy. Nhưng Lí Vọng nói dối là sắp về. Lí Vọng đến ẩn tại một hang động thâm u, không người biết trong một ngọn núi gần huyện để làm những chuyện xấu xa. Ban ngày thì căng cổ, lớn giọng, tiếp nhận truyền thông, ban đêm thì nén hơi, nhỏ giọng, dối trá nói chuyện họa phúc, khiến các đạo sĩ truyền tin khắp nơi, châu huyện đều biết. Lúc mới kiểm xét, các quan đều tin, sau thứ sử Lí Đại Lễ nói: “Việc này không nên xem thường, cần phải tâu trình Thánh thượng, để đích thân người nghiệm xét mới biết được thật giả”.
Thế là họ tập hợp hơn một trăm người, gồm cả quan viên, đạo sĩ đến hang động lễ lạy xin định ngày gặp vua. Lí Vọng dối trá trả lời, mọi người đều tin kính. Chỉ có huyện lịnh Ba Tây là Lạc Thế Chất, rất hiểu tình lí, biết là lừa gạt, ban đêm âm thầm xem xét. Đơi lúc thấy Lí Vọng nén hơi, Thế Chất liền quát nạt. Lí Vọng biết chuyện đã bại lộ, liền cúi đầu chịu tội. Quan binh đến bẳt tống giam vào ngục, mấy ngày sau, chuẩn bị định tội thì Vọng uống thuốc độc tự vẫn.

About namcuulong

Check Also

PUCL QUYỂN 51 – CHƯƠNG BẠN TỐT, BẠN XẤU, TRỌN BẠN

QUYỂN 51 Quyển này gồm ba chương: Bạn tốt, Bạn xấu, Chọn bạn. 53. CHƯƠNG ...

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *