Home / Pháp Uyển Châu Lâm / PUCL - Tập 4 / PUCL QUYỂN 54 CHƯƠNG TRÁ NGỤY, LƯỜI BIẾNG, KIÊU MẠN

PUCL QUYỂN 54 CHƯƠNG TRÁ NGỤY, LƯỜI BIẾNG, KIÊU MẠN

Hai người không trọng pháp
Người dạy không y pháp
Người nghe không hiểu pháp
Chỉ vì sự uống ăn
Tôi nói không đúng pháp,
Cũng chỉ vì danh lợi
Phá hủy phép tắc riêng.
Nghe bài kệ này, vua tha tội cho người trộm quả.
Đức Phật bảo:
– Khi là phàm phu, Ta còn biết đó là việc không đúng pháp, huống nữa nay đã thành Phật. Các ông là đệ tử hãy thuyết pháp cho người ngồi chỗ thấp. Người trộm quả thuở ấy là tiền thân của Ta”.
Luận Đại trí độ ghi: “Vào thời Phật Ca-diếp, có hai anh em cùng xuất gia học đạo. Một người chuyên trì giới, tụng kinh, tọa thiền, còn người kia chuyên khuyến hóa đàn việt, tạo phúc thiện.
Đến khi Phật Thích-ca ra đời, một người sinh trong nhà trưởng giả, một người làm voi trắng to lớn, sức mạnh có thể đánh tan quân giặc. Con của trưởng giả xuất gia học đạo, được sáu thần thông, chứng quả A-la-hán, nhưng do kém phúc nên khất thực khó được. Một hôm, vị này ôm bát, vào thành khất thực, đi khắp nơi mà không được; khi ngang qua chỗ voi trắng, thấy nhà vua cho nó ăn đủ món ngon, nên nói với voi:
– Ta và ngươi đều có tội.
Voi trắng cảm nhận được, ba ngày liền không ăn. Người giữ voi lo sợ, tìm gặp vị tăng và hỏi:
– Ngài có thuật gì khiến cho voi trắng của vua bị bệnh, bỏ cả ăn uống?
Vị tăng đáp:
– Con voi này đời trước là em tôi, cùng xuất gia học đạo vào thời Phật Ca-diếp. Lúc đó, tôi chỉ trì giới, tụng kinh, tọa thiền, không thực hành bố thí; còn sư đệ chỉ khuyến hóa đàn việt và bố thí, không giữ giới, không tu học. Vì thế, nên nay sư đệ làm thân voi, nhưng nhờ phúc bố thí, nên ăn uống sung túc, đủ các món ngon. Còn tôi thuở ấy chỉ lo tu học, không chịu bố thí, nên nay tuy chứng quả, nhưng khất thực khó được. Vì nhân duyên sai khác, nên tôi tuy gặp Phật ra đời mà vẫn bị đói khát”.
Kinh Bách dụ ghi: “Thuở xưa, tại một nước nọ, vào ngày lễ hội, tất cả phụ nữ đều dùng hoa sen xanh trang sức. Bấy giờ, trong một nhà nghèo, người vợ nói với chồng:
– Nếu chàng tìm được hoa sen xanh cho em, thì em sẽ tiếp tục là vợ chàng. Nếu không tìm được thì em sẽ bỏ chàng ra đi.
Người chồng vốn có tài giả tiếng uyên ương, nên lẻn vào ao của vua giả tiếng uyên ương để trộm hoa sen xanh. Khi ấy, người giữ ao hỏi:
– Ai đó?
Anh ta giật mình, buộc miệng đáp:
– Tôi là chim uyên ương.
Người giữ ao liền bắt anh ta đưa đến chỗ vua. Giữa đường, anh ta giả tiếng uyên ương. Người giữ ao nói:
– Hồi nãy sao anh không kêu, bây giờ kêu có ích gì?
Người ngu trên thế gian cũng vậy, trọn đời chỉ biết giết hại, tạo các nghiệp ác, không chịu tu tâm cho thuần thiện; khi sắp chết, mới nói: ‘Nay tôi muốn tu thiện’, thì đã bị ngục tốt bắt giao cho vua Diêm-la, dù muốn tu thiện cũng không kịp. Giống như anh chàng ngu kia gần đến chỗ vua mới giả tiếng uyên ương”.
Kinh Bách dụ ghi: -‘Ngày xưa, có trưởng giả rất giàu. Vì muốn được lòng ông, nên những người chung quanh đều cung kính. Mỗi khi trưởng giả khạc đàm, những người hầu tranh nhau lấy chân chà đạp. Bấy giờ, có người hầu chậm chạp, ngu si không tranh kịp, nến nghĩ: ‘Nếu đợi đàm rơi xuống đất, thì người khác đạp hết. Vậy khi ông ấy gần khạc, ta hãy đạp trước’. Thế là đợi lúc trưởng giả sắp khạc đàm, người ngu liền đưa chân đạp vào miệng trưởng giả, làm ông ta bị dập môi, gãy răng. Trưởng giả hỏi:
– Tại sao ngươi đạp miệng ta?
Người ngu trình bày lý do:
– Khi ông vừa muốn khạc, tôi đưa chân đạp trước, mong được lòng ông!
Phàm làm việc gì cũng phải đợi thời cơ. Thời cơ chưa đến mà cố sức gượng ép thì ngược lại sẽ chuốc lấy khổ não. Vì vậy, người đời nên biết đúng lúc và không đúng lúc”.
Có bài tụng:
Biếng học, chẳng hiểu giáo
Người hỏi chẳng biết gì
Nụ hoa không có hạt
Khi nở sao được quả?
Luống khởi tâm kiêu mạn
Khinh người, quả chẳng lành
Đọa vào nơi tối tăm
Giam hãm trong ngục kín
Trải qua trăm nghìn năm
Muôn ức khổ bức bách
Đói khổ chẳng ăn năn
Do kiêu mạn, giải đãi
Thánh nhân khéo nói dụ
Ngu trí phải hiểu luật
Phàm phu khinh thường pháp
Đâu biết hối hôm nay ”
61.3. CẢM ỨNG
61.3.1. Đời Tấn, Để Thế Thường: Gia đình ông rất giàu có, tin kính Tam bảo. Trong khoảng niên hiệu Thái Khương (280-290), triều-đình nhà Tấn cấm nhân dân làm sa-môn. Ông không sợ, âm thầm lập tinh xá trong dinh để cúng dường sa-môn. Hễ có tăng đến, ông đều tiếp đãi, không hề sợ hãi, ngài Vu Pháp Lan cũng đã từng trú nơi đây. Một hôm có vị tăng dáng vẻ quê mùa, dung mạo xấu xí, y phục rách rưới, chân dính đầy bùn đất đến nhà ông. Ông ra lễ lạy đón tiếp, bảo một nô bộc rửa chân cho vị tăng, vị tăng ấy nói:
– Thế Thường ! Ông hãy rửa cho tôi, sao lại bảo nô bộc?
– Thường tôi bị căn bệnh khó chữa trị, nên bảo nô bộc làm thay!
Vị tăng không chịu. Ông mắng thầm rồi bỏ đi. Tức thời vị tăng hiện thân cao tám thước, dung nghi sáng rực, vọt lên hư không bay đi. Ông vô cùng hối hận, tự trách rồi nhảy vào bùn dơ. Bấy giờ năm sáu mươi người, gồm cả những tăng ni ông tiếp đãi trong nhà và người đi đường, đều thấy rõ ràng một vị tăng bay trong hư không cách xa mấy mươi trượng, trong nhà hương thơm lan tỏa, một tháng mới dứt.
61.3.2. Lời của Trang Tử: “Làm người mà không học thì gọi là cầm thú, học mà không thực hành thì gọi là cái bọc vất đi”.
61.3.3. Nhạc Dương Tử ở Hà Nam: Liệt nữ truyện ghi: “Hà Nam có một người tên là Nhạc Dương Tử, một hôm đi trên đường, ông nhặt được vàng của người làm rơi đem về đưa cho vợ. Người vợ liền nói: ‘Thiếp nghe bậc chí sĩ không uống nước ở Đạo tuyền, người chính trực không nhận thức ăn từ lòng khinh miệt bố thí; huống gì nhặt của rơi cầu lợi để làm nhơ đức hạnh của mình!’; Dương Tử hổ thẹn, ném vàng ra đồng trống rồi tìm thầy học tập”.
61.3.4. Lời của Văn Tử: “Khi học, bậc thượng dùng thần để nghe, bậc trung dùng tâm để nghe, bậc hạ thì dùng tai để nghe”.
61.3.5. Lời của Tôn Khanh Tử: “Không lên núi cao thì không biết độ cao của trời, không nghe đạo của tiên vương thi không biết được chỗ rộng lớn của học vấn. Quân tử một khi học thì vào nơi tai, huân kêt nơi tâm, phân bố ra tứ chi, hiện thành nơi cử chỉ. Tiểu nhân khi học thì vào tai, tuôn ra nơi miệng, chỉ trong khoảng bốn tấc đó thôi. Như vậy, tai đâu thể làm cho cái thân bảy thước này tốt đẹp được!”.
61.3.6. Lời trong luận Diêm thiết: “Bên trong không có chất, mà bên ngoài học văn thì dù có thầy giỏi bạn hiền cũng như vẽ trên dầu, khắc trên băng, chỉ phí thời gian, uổng công sức mà thôi. Cho nên thầy giỏi cũng chẳng thể trang điểm cho Tây Thi, cả đầm hương cũng không giúp ích gì cho Mô Mầu”.
61.3.7. Lời trong Thuyết uyển: “Một hôm Tấn Bình công hỏi Sư Khoáng:
– Năm nay ta đã bảy mươi tuổi, nhưng rất muốn học, e răng quá muộn chăng?
– Muộn sao không thắp đuốc lên? Thần nghe, tuổi nhỏ mà học cũng như ánh mặt trời mới mọc, lúc tráng niên mà học thì như ánh mặt trời giữa trưa, về già mà học cũng như ánh sáng cây đuốc. Có ánh sáng cây đuốc thì đâu còn đi trong tối tăm”.
– Thật hay!
61.3.8. Lời trong Luận hành: “Trong tay không có tiền mà đến chợ mua đồ vật, nhất định chủ sẽ không trao. Phàm trong tâm không có học vấn, cũng như trong tay không có tiền”.

About namcuulong

Check Also

PUCL QUYỂN 51 – CHƯƠNG BẠN TỐT, BẠN XẤU, TRỌN BẠN

QUYỂN 51 Quyển này gồm ba chương: Bạn tốt, Bạn xấu, Chọn bạn. 53. CHƯƠNG ...

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *